1. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản
1.1. Nông nghiệp
a. Trồng trọt
Kết thúc vụ Đông - Xuân năm 2014 - 2015, cây lúa gieo cấy được 25505 ha, giảm 0,3% (-89 ha) so với vụ Đông – Xuân năm trước. Cơ cấu giống lúa chủ yếu là HC95, Xi23, RVT, HT1…Các cây trồng khác như: cây ngô gieo trồng được 2819 ha, tăng 3,6% (+97 ha) so với vụ Đông – Xuân năm trước; cây khoai lang 1768 ha, giảm 4,6% (-86 ha); cây sắn 9649 ha, tăng 7,9% (+710 ha); cây lạc 3501 ha, giảm 6,3% (-236 ha); rau các loại 3561 ha, tăng 2,4% (+83 ha); đậu các loại 659 ha, giảm 2,4% (-16 ha); cây ớt 347 ha, giảm 8% (-30 ha)... Các loại cây trồng như: khoai lang, lạc, đậu các loại… giảm do dự báo của Cơ quan khí tượng thủy văn hiện tượng El Nino có thể xuất hiện, lượng mưa trong năm 2015 dự báo thấp hơn so với trung bình nhiều năm từ 25 đến 35% gây hạn hán nên đã hạn chế gieo trồng; các loại cây chịu hạn như ngô, sắn …tăng do đẩy mạnh gieo trồng để thích ứng với thời tiết hạn hán.
Do có đợt mưa trong những ngày đầu tháng 4, nên tình hình hạn hán của cây lúa và các loại cây trồng khác đã được khắc phục, đảm bảo cho cây trồng sinh trưởng và phát triển. Hiện nay, cây lúa đang phát triển tốt, diện tích đã trổ khoảng 20000 ha; cây ngô và lạc đang trong giai đoạn phát triển quả; rau các loại thời tiết đầu tháng 4 có mưa nên phát triển tốt.
Các loại cây công nghiệp dài ngày: cà phê kinh doanh đang thời kỳ ra hoa đậu quả; hồ tiêu đang ở thời kỳ phát triển quả; cây cao su đang ở thời kỳ ra lá non.
Về tình hình sinh vật và sâu bệnh gây hại:
Hiện nay, trên cây lúa: chuột phát sinh gây hại 1236 ha, trong đó: hại nặng 63 ha; bệnh khô vằn diện tích nhiễm 879 ha; bệnh đốm nâu diện tích nhiễm 1340 ha; bệnh vàng lá nghẹt rễ diện tích nhiễm 783 ha.
Trên cây cà phê: bệnh rỉ sắt, khô cành khô quả diện tích nhiễm 1374 ha, trong đó: nhiễm nặng 252 ha; bệnh đốm mắt cua diện tích nhiễm 602 ha, trong đó: nhiễm nặng 115 ha; bệnh thán thư diện tích nhiễm 1189 ha, trong đó: nhiễm nặng 219 ha. Cây cao su: bệnh xì mủ diện tích nhiễm 404 ha; loét sọc mặt cạo diện tích nhiễm 241 ha; bệnh phấn trắng diện tích nhiễm 649 ha. Cây hồ tiêu: bệnh tuyến trùng diện tích nhiễm 509 ha; bệnh thối gốc diện tích nhiễm 450 ha; bệnh đốm lá diện tích nhiễm 470 ha.
b. Chăn nuôi
Ước tính đến 1/4/2015, đàn trâu có 24500 con, giảm 2,5% so với cùng kỳ năm trước; đàn bò có 53100 con, tăng 2,1%; đàn lợn (không tính lợn sữa) có 270000 con, tăng 8%; đàn gia cầm có 2010 nghìn con, tăng 14,5%; trong đó: đàn gà 1600 nghìn con, tăng 21,4%. Đàn lợn tăng do nhiều trang trại mở rộng qui mô chăn nuôi, nhận nuôi gia công cho Công ty Cổ phần chăn nuôi CP Việt Nam, có trang trại qui mô lên đến 4000 con; ngoài ra, số hộ nuôi qui mô từ vài chục đến vài trăm con ngày càng nhiều. Đàn gia cầm tăng do giá bán tương đối cao, đảm bảo cho người chăn nuôi có lãi, khuyến khích phát triển tổng đàn.
1.2.Lâm nghiệp
Trong 4 tháng đầu năm, công tác đấu tranh ngăn chặn xâm hại rừng được tăng cường; các cơ quan chức năng tổ chức đợt cao điểm đấu tranh ngăn chặn trong dịp Tết Nguyên đán (từ 01/01/2015 đến 31/3/2015); tổ chức lực lượng chốt chặn, kiểm tra, truy quét tại các vùng, điểm thường xảy ra vi phạm. Qua các đợt kiểm tra đã phát hiện bắt giữ 97 vụ vi phạm (giảm 18 vụ so với cùng kỳ năm trước), tịch thu trên 190 m3 gỗ quy tròn các loại, 106,3 kg động vật rừng các loại, 300 kg thân cây huyết giác và 01 giàn tời. Các hành vi vi phạm Pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn đã được phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời, nghiêm minh theo đúng Pháp luật.
Về công tác phòng cháy, chữa cháy rừng, do làm tốt các công tác từ củng cố Ban chỉ huy bảo vệ rừng các cấp đến thành lập tổ đội quần chúng bảo vệ rừng, tuyên truyền, phổ biến pháp luật bảo vệ rừng nên từ đầu năm đến nay trên địa bàn tỉnh không xảy ra cháy rừng.
Về sâu bệnh hại rừng, do thời tiết diễn biến phức tạp nên tình hình sâu bệnh hại rừng (sâu róm thông) đã diễn ra, chủ yếu ở các huyện Cam Lộ, Vĩnh Linh, Hướng Hóa. Loài cây bị hại Thông nhựa (Pinus merkusii). Chi cục Kiểm lâm đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc chủ trì, phối hợp với các Công ty lâm nghiệp và chính quyền các xã tổ chức và huy động lực lượng tham gia dập dịch. Hiện dịch sâu róm thông cơ bản đã được khống chế, không để lây lan trên diện rộng.
Sản lượng gỗ khai thác tháng 4/2015 ước thực hiện đạt 18987m3, tăng 34,4% so với cùng tháng năm 2014. Tính chung 4 tháng, sản lượng gỗ khai thác ước thực hiện 56581 m3, tăng 25,2% so với cùng kỳ năm 2014.
Sản lượng củi khai thác tháng 4/2015 ước thực hiện 13622 m3, giảm 3,6% so với cùng tháng năm 2014. Tính chung 4 tháng, sản lượng củi khai thác ước thực hiện 43024 m3, giảm 20,9% so với cùng kỳ năm 2014.
1.3. Thủy sản
Diện tích nuôi trồng thủy sản đến 15/4/2015 có 1306 ha, tăng 0,9% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: tôm sú 147 ha, tăng 1,4%; tôm thẻ chân trắng 274 ha, tăng 2,2%.
Tổng sản lượng thủy sản tháng 4/2015 ước đạt 2244 tấn, tăng 22,6% so với cùng tháng năm trước. Tính chung 4 tháng đầu năm 2015 ước đạt 8925 tấn, tăng 18,7% so với cùng kỳ năm trước.
Sản lượng nuôi trồng thủy sản tháng 4/2015 ước đạt 397 tấn, tăng 3,4% so với cùng tháng năm trước; trong đó: tôm thẻ chân trăng 152 tấn, tăng 5,6%. Tính chung 4 tháng đầu năm 2015, sản lượng nuôi trồng thủy sản ước đạt 2277 tấn, tăng 3,7% so với cùng kỳ năm trước; trong đó: tôm thẻ chân trắng 1241 tấn, tăng 5,1%.
Sản lượng khai thác thủy sản tháng 4/2015 ước đạt 1847 tấn, tăng 27,6% so với cùng tháng năm trước. Tính chung 4 tháng đầu năm 2015, sản lượng khai thác thủy sản ước đạt 6648 tấn, tăng 24,9% so với cùng kỳ năm trước. Trong những tháng đầu năm 2015, các loại cá cơm, cá nục xuất hiện nhiều, thời tiết rất thuận lợi cho việc khai thác thủy sản, nhiều chủ tàu đã “mở biển” ra khơi khai thác thủy sản đạt sản lượng cao. Bên cạnh đó giá nhiên liệu giảm, chi phí chuyến biển giảm đem lại lợi nhuận hơn cho bà con ngư dân. Đặc biệt, tiếp tục triển khai thực hiện tốt quyết định 48/QĐ-TTg về việc khuyến khích hỗ trợ khai thác hải sản ở các vùng biển xa và Nghị định 67/NĐ-CP về một số chính sách phát triển thủy sản đã góp phần đẩy mạnh hoạt động khai thác trên địa bàn tỉnh với bảo vệ an ninh biên giới vùng biển.
Trong 4 tháng đầu năm 2015 đã sản xuất được 49 triệu con tôm giống, tăng 6,5% so với cùng kỳ năm trước và 14 triệu cá giống, tăng 7,7%.
2. Sản xuất công nghiệp
Tháng Tư chỉ số sản xuất công nghiệp tăng khá so với tháng trước; thời tiết thuận lợi nên các ngành sản xuất vật liệu xây dựng, sản xuất và phân phối điện tăng cao.
Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tháng 4/2015 ước tính tăng 5,7% so với tháng trước; trong đó: ngành khai khoáng tăng 2,1%, công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 3,8%, sản xuất và phân phối điện tăng 21,7%, cung cấp nước, xử lý rác thải, nước thải tăng 5,9%.
Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tháng 4/2015 ước tính tăng 17,4% so với cùng tháng năm 2014; trong đó: ngành khai khoáng giảm 6,2%, công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 26,4%, sản xuất và phân phối điện giảm 25,9%, cung cấp nước, xử lý rác thải, nước thải tăng 1,6%.
Tính chung 4 tháng đầu năm 2015, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp ước tính tăng 11,4% so với cùng kỳ năm 2014; trong đó: ngành khai khoáng giảm 12,6%, công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 20,8%, sản xuất và phân phối điện giảm 36,5%, cung cấp nước, xử lý rác thải, nước thải tăng 3,3%. Ngành khai khoáng giảm do công tác quản lý trong khai thác cát sạn được tăng cường; nguồn khoáng sản ngày càng thu hẹp. Ngành sản xuất và phân phối điện giảm do lượng nước hồ thủy điện không đủ cho Nhà máy hoạt động liên tục, trong 4 tháng đầu năm chỉ 1 tổ máy hoạt động và thời gian rất ít.
Trong ngành công nghiệp cấp 2, một số ngành có chỉ số sản xuất 4 tháng đầu năm 2015 tăng cao hơn chỉ số chung là: sản xuất, chế biến thực phẩm tăng 24,4%, sản xuất đồ uống tăng hơn 6 lần, sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất tăng 18,9%, hoạt động thu gom, xử lý và tiêu hủy rác thải tăng 74,7%. Một số ngành có chỉ số tăng thấp hơn chỉ số chung là: sản xuất trang phục tăng 8,1%, chế biến gổ và sản xuất sản phẩm từ gổ tăng 0,7%, sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác tăng 1,4%, khai thác xử lý và cung cấp nước tăng 1,4%. Các ngành còn lại có chỉ số sản xuất giảm.
Một số sản phẩm chủ yếu 4 tháng đầu năm 2015 so với cùng kỳ năm trước tăng cao hơn chỉ số sản xuất là: tinh bột sắn tăng 24,4%, dầu nhựa thông tăng 2,6 lần, xi măng tăng 26,5%. Một số sản phẩm tăng thấp: quặng zircon và tinh quặng zircon tăng 8,1%, gổ cưa hoặc xẻ tăng 9,7%, ván ép tăng 0,6%, gạch xây dựng tăng 6,8%, điện thương phẩm tăng 8,2%, nước máy tăng 1,4%. Các sản phẩm còn lại giảm.
Chỉ số tiêu thụ ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 3/2015 tăng 96,62% so với tháng trước ( do tháng 2 trùng vào Tết Nguyên Đán) và tăng 22,62% so với cùng tháng năm trước. Tính chung 3 tháng đầu năm, chỉ số tiêu thụ ngành này tăng hơn 2,2 lần so với cùng kỳ năm 2014. Các ngành có chỉ số tiêu thụ 3 tháng đầu năm tăng: sản xuất, chế biến thực phẩm tăng 44,86%, sản xuất đồ uống tăng 36,45%, sản xuất trang phục tăng 19,20%, sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất tăng 24,30%, sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác tăng gần 8,2 lần. Các ngành còn lại có chỉ số tiêu thụ giảm.
Chỉ số tồn kho ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tại thời điểm 01/4/2015 giảm 21,38% so với 01/3/2015 và tăng 61,83% so với cùng thời điểm năm 2014. Một số ngành có chỉ số tồn kho giảm so với cùng thời điểm năm 2014 là: sản xuất, chế biến thực phẩm giảm 81,14%, chế biến gổ và sản xuất sản phẩm từ gổ giảm 69,62%. Các ngành còn lại có chỉ số tồn kho tăng so với cùng thời điểm năm 2014.
Chỉ số sử dụng lao động của các doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm 01/4/2015 tăng 3,3% so với cùng thời điểm năm 2014. Phân theo ngành công nghiệp: ngành khai khoáng giảm 2,94%; công nghiệp chế biến chế tạo tăng 5,8%; công nghiệp sản xuất và phân phối điện tăng 0,08%; cung cấp nước, xử lý rác thải, nước thải tăng 10,82%.
Phân theo loại hình doanh nghiệp: doanh nghiệp nhà nước tăng 11,69%, doanh nghiệp ngoài nhà nước giảm 5,54%, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tăng 3,81%.
3. Đầu tư
Dự ước vốn đầu tư phát triển thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý tháng 4/2015 thực hiện 95,5 tỷ đồng, bao gồm: vốn ngân sách nhà nước cấp tỉnh 77,3 tỷ đồng; vốn ngân sách nhà nước cấp huyện 14,5 tỷ đồng; vốn ngân sách nhà nước cấp xã 3,7 tỷ đồng. Tính chung 4 tháng đầu năm, vốn đầu tư phát triển thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý ước thực hiện 326,6 tỷ đồng, bằng 31,4% kế hoạch năm 2015 và giảm 38% so với cùng kỳ năm 2014, trong đó: vốn ngân sách tỉnh thực hiện 269,5 tỷ đồng, bằng 31,8% kế hoạch và giảm 30,4%; vốn ngân sách huyện thực hiện 45,6 tỷ đồng, bằng 30,1% kế hoạch và giảm 14,8%; vốn ngân sách xã thực hiện 11,5 tỷ đồng, bằng 28,7% kế hoạch và giảm 12,7%. Nguyên nhân vốn đầu tư phát triển thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý 4 tháng đầu năm 2015 giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2014 là do kế hoạch vốn tạm giao đầu năm chỉ bằng 82,09% năm 2014.
Một số công trình chủ yếu thực hiện từ nguồn vốn nhà nước do địa phương quản lý trong 4 tháng đầu năm 2015: Hệ thống đê, kè chống xói lở đảo Cồn Cỏ đã thực hiện 23,72 tỷ đồng/tổng vốn 60 tỷ đồng, Khu đô thị Nam Đông Hà giai đoạn 3 ( 5,83 tỷ đồng/32 tỷ đồng), Cầu Sông Hiếu và đường hai đầu cầu (8,7 tỷ đồng/26 tỷ đồng), Cầu Cam Hiếu ( 10 tỷ đồng/18,4 tỷ đồng)…
Trong 4 tháng đầu năm không thu hút được dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài nào.
Về công tác giải ngân: đến hết tháng 3/2015, Kho bạc Nhà nước tỉnh thực hiện 332,16 tỷ đồng, đạt 29% kế hoạch tạm giao đầu năm; trong đó: vốn địa phương quản lý thực hiện 312,4 tỷ đồng, đạt 34,45% kế hoạch năm.
4. Thương mại, dịch vụ, giá cả và du lịch
Tháng Tư bước vào mùa Hè, thời tiết thuận lợi cho hoạt động xây dựng nên nhu cầu về vật liệu xây dựng tăng khá; là tháng Quảng Trị tổ chức nhiều Lể hội kỷ niệm 40 năm ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước như: Lễ hội thống nhất non sông, Liên hoan nghệ thuật quần chúng “Giai điệu tổ quốc”...nên nhu cầu về lương thực, thực phẩm, đồ dùng gia đình, hoạt động lưu trú và ăn uống, du lịch lử hành ...tăng cao.
4.1. Bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng Tư ước thực hiện 1676,7 tỷ đồng, tăng 6,8% so với tháng trước. Phân theo thành phần kinh tế: nhà nước thực hiện 126,1 tỷ đồng, giảm 6,8%; ngoài nhà nước thực hiện 1550,6 tỷ đồng, tăng 8,1%. Phân theo ngành kinh tế: bán lẻ hàng hóa 1429,3 tỷ đồng, tăng 6,6%; lưu trú và ăn uống 177,5 tỷ đồng, tăng 8,9%; du lịch lử hành 4,7 tỷ đồng, tăng 67,4%; dịch vụ khác 65,2 tỷ đồng, tăng 4,5%.
Tính chung 4 tháng đầu năm 2015, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước thực hiện 6859,6 tỷ đồng, tăng 10,6% so với cùng kỳ năm 2014. Phân theo thành phần kinh tế: nhà nước thực hiện 508,3 tỷ đồng, giảm 23,3%; ngoài nhà nước thực hiện 6351,3 tỷ đồng, tăng 14,7%. Thành phần kinh tế nhà nước giảm là do thành phần kinh tế này tại Quảng Trị kinh doanh chủ yếu là xăng dầu và gas; mặc dù, nhu cầu mặt hàng này có tăng, nhưng do giá cả dầu hỏa và gas giảm nên tổng mức bán lẻ giảm. Phân theo ngành kinh tế: bán lẻ hàng hóa 5907,7 tỷ đồng, tăng 10,1%; lưu trú và ăn uống 673 tỷ đồng, tăng 9,7%; du lịch lử hành 9,7 tỷ đồng, tăng 35,2%; dịch vụ khác 269,2 tỷ đồng, tăng 25,1%. Trong 4 tháng đầu năm nay, tình hình kinh tế đã phục hồi, đời sống các tầng lớp dân cư có cải thiện, sức mua có tăng nên tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng khá so với cùng kỳ năm trước.
4.2. Xuất, nhập khẩu hàng hóa
Hoạt động xuất khẩu hàng hóa tháng 4/2015 giảm so với tháng trước; nhưng nhập khẩu hàng hóa lại tăng cao do tình hình nhập khẩu gổ từ Lào hoạt động trở lại.
Kim ngạch xuất khẩu tháng 4/2015 ước thực hiện 16474 nghìn USD, giảm 1,5% so với tháng trước; trong đó: kinh tế nhà nước thực hiện 3211 nghìn USD, tăng 13%; kinh tế tư nhân thực hiện 12483 nghìn USD, giảm 4,3%; kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài thực hiện 780 nghìn USD, giảm 6,8%. Mặt hàng xuất khẩu trong tháng: tinh bột sắn 7352 tấn, tăng 25,5% so với tháng trước; cao su 80 tấn, bằng tháng trước; gỗ 8491 nghìn USD, tăng 2,8%; phân bón các loại 827 tấn, giảm 0,1%; hàng hóa khác 4990 nghìn USD, giảm 3,1%.
Tính chung 4 tháng đầu năm 2015, kim ngạch xuất khẩu ước thực hiện 50636 nghìn USD, tăng 26,3% so với cùng kỳ năm trước; trong đó: kinh tế nhà nước thực hiện 10416 nghìn USD, tăng 20,7%; kinh tế tư nhân thực hiện 37091 nghìn USD, tăng 32,5%; kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài thực hiện 3129 nghìn USD, giảm 9,4%. Mặt hàng xuất khẩu trong 4 tháng: tinh bột sắn 20717 tấn, tăng 43,8% so với cùng kỳ năm 2014; cao su 160 tấn, bằng 4 lần năm trước; gỗ 23635 nghìn USD; phân bón các loại 1655 tấn, giảm 24,1%; hàng hóa khác 17289 nghìn USD, giảm 47%.
Kim ngạch nhập khẩu tháng 4/2015 ước thực hiện 14414 nghìn USD, tăng 8,7% so với tháng trước; trong đó: kinh tế nhà nước thực hiện 550 nghìn USD, tăng 7,8%; kinh tế tư nhân thực hiện 13624 nghìn USD, tăng 13,5%; kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài thực hiện 240 nghìn USD, giảm 67,8%. Mặt hàng nhập khẩu trong tháng: gổ và sản phẩm từ gổ 10697 nghìn USD, tăng 15,8%; hàng hóa khác 3717 nghìn USD, giảm 7,6%.
Tính chung 4 tháng đầu năm 2015, kim ngạch nhập khẩu ước thực hiện 42722 nghìn USD, giảm 2,1% so với cùng kỳ năm 2014; trong đó: kinh tế nhà nước thực hiện 1354 nghìn USD, giảm 38,3%; kinh tế tư nhân thực hiện 39684 nghìn USD, tăng 1,5%; kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài thực hiện 1684 nghìn USD, giảm 28,5%. Mặt hàng nhập khẩu trong 4 tháng: sửa và sản phẩm sửa 650 nghìn USD, bằng 5,4 lần so với cùng kỳ năm 2014; gổ và sản phẩm từ gổ 30328 nghìn USD, tăng 52,5%; hàng điện gia dụng và linh kiện 280 nghìn USD, giảm 48,7%; hàng hóa khác 11464 nghìn USD, giảm 50,4%.
4.3. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI), chỉ số giá vàng và chỉ số giá đô la Mỹ
Chỉ số giá tiêu dùng tháng Tư giảm so với tháng trước; chủ yếu là do kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát tốt; trong tháng thời tiết thuận lợi cho các loại cây trồng sinh trưởng và phát triển tốt, nên giá cả hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm.
Chỉ số giá tiêu dùng tháng 4/2015 giảm 0,29% so với tháng trước: một số nhóm hàng có chỉ số giá giảm là: Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 1,49%; trong đó: lương thực giảm 2,32%, thực phẩm giảm 0,91%, ăn uống ngoài gia đình giảm 2,38%; Nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình giảm 0,12%. Một số nhóm hàng có chỉ số giá tăng: Nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 1,25%; Nhóm may mặc, giày dép, mũ nón tăng 0,11%; Nhóm nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 0,61%; Nhóm giao thông tăng 2,27% (do điều chỉnh giá xăng dầu tăng); Nhóm văn hoá giải trí và du lịch tăng 0,04%; nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 1,14%. Các nhóm hàng hóa khác ổn định.
Chỉ số giá tiêu dùng tháng 4/2015 giảm 0,14% so với tháng 12/2014 và giảm 0,15% so với cùng tháng năm trước. Chỉ số giá tiêu dùng bình quân 4 tháng năm nay tăng 0,23% so với bình quân cùng kỳ năm 2014.
Chỉ số giá vàng tháng 4/2015 giảm 1,95% so với tháng trước; giảm 0,85% so với tháng 12/2014 và giảm 5,18% so với cùng tháng năm trước. Chỉ số giá vàng bình quân 4 tháng năm nay giảm 2,76% so với bình quân cùng kỳ năm 2014.
Chỉ số giá đô la Mỹ tháng 4/2015 tăng 0,91% so với tháng trước; tăng 0,93% so với tháng 12/2014 và tăng 2,56% so với cùng tháng năm trước. Chỉ số giá đô la Mỹ bình quân 4 tháng năm nay tăng 1,61% so với bình quân cùng kỳ năm 2014.
4.4. Hoạt động vận tải
Tình hình kinh doanh vận tải tháng 4/2015 tăng khá cao so với tháng trước do trong tháng có nhiều ngày Lễ lớn như: giỗ tổ Hùng Vương, ngày chiến thắng 30/4 và ngày Quốc tế lao động 1/5 nên vận tải hành khách tăng khá; trong tháng thời tiết cũng thuận lợi cho hoạt động xây dựng, kinh doanh thương mại… nên vận tải hàng hóa cũng tăng cao.
Ước doanh thu vận tải tháng 4/2015 thực hiện 80 tỷ đồng, tăng 8,8% so với tháng trước, trong đó: doanh thu vận tải hành khách 29,8 tỷ đồng, tăng 5,2%; doanh thu vận tải hàng hóa 48,2 tỷ đồng, tăng 11,1%; doanh thu kho bãi và dịch vụ hổ trợ vận tải 1,9 tỷ đồng, tăng 12,9%. Phân theo loại hình kinh tế: nhà nước thực hiện 1,2 tỷ đồng, tăng 18%; ngoài nhà nước thực hiện 78,8 tỷ đồng, tăng 8,7%. Tính chung 4 tháng đầu năm 2015, ước doanh thu vận tải thực hiện 288,4 tỷ đồng, tăng 15,8% so với cùng kỳ năm 2014, trong đó: doanh thu vận tải hành khách 123,8 tỷ đồng, tăng 25,2%; doanh thu vận tải hàng hóa 157,8 tỷ đồng, tăng 8,4%; doanh thu kho bãi và dịch vụ hổ trợ vận tải 6,8 tỷ đồng, tăng 45%. Phân theo loại hình kinh tế: nhà nước thực hiện 3,9 tỷ đồng, tăng 52,3%; ngoài nhà nước thực hiện 284,4 tỷ đồng, tăng 16%.
Vận tải hành khách: tháng 4/2015 khối lượng hành khách vận chuyển ước thực hiện 617,1 nghìn HK, tăng 9,8% so với tháng trước, do thành phần kinh tế ngoài nhà nước và vận tải đường bộ thực hiện; khối lượng hành khách luân chuyển ước thực hiện 40578,2 nghìn HK.km, tăng 5,5%. Tính chung 4 tháng đầu năm 2015, khối lượng hành khách vận chuyển ước thực hiện 2433,7 nghìn HK, tăng 8,3% so với cùng kỳ năm trước; khối lượng hành khách luân chuyển ước thực hiện 173353 nghìn HK.km, tăng 17,3%.
Vận tải hàng hóa: tháng 4/2015, khối lượng hàng hoá vận chuyển ước thực hiện 606,5 nghìn tấn, tăng 11,7% so với tháng trước; tất cả đều do thành phần kinh tế ngoài nhà nước và chủ yếu vận tải đường bộ thực hiện; khối lượng hàng hoá luân chuyển ước thực hiện 34046,8 nghìn tấn.km, tăng 10,5%. Tính chung 4 tháng đầu năm 2015, khối lượng hàng hoá vận chuyển ước thực hiện 2311,4 nghìn tấn, tăng 4,7% so với cùng kỳ năm 2014; khối lượng hàng hoá luân chuyển ước thực hiện 118066,7 nghìn tấn.km, tăng 6,6%.
4.5. Khách du lịch
Tháng Tư do có nhiều ngày Lễ lớn nên hoạt động kinh doanh lưu trú và du lịch lữ hành có bước khởi sắc.
Tháng 4/2015 số lượt khách do các đơn vị lưu trú phục vụ ước đạt 57950 lượt, tăng 19,22% so với tháng trước; số ngày khách do các đơn vị lưu trú phục vụ (chỉ tính khách ngủ qua đêm) ước đạt 33191 ngày khách, tăng 4,5%; lượt khách du lịch theo tour 2331 lượt, tăng 87,53%; ngày khách du lịch theo tour 9211 ngày khách, tăng 102,97%.
Tính chung 4 tháng đầu năm 2015, số lượt khách do các đơn vị lưu trú phục vụ ước đạt 190815 lượt, tăng 4,45% so với cùng kỳ năm 2014; số ngày khách do các đơn vị lưu trú phục vụ (chỉ tính khách ngủ qua đêm) ước đạt 115217 ngày khách, giảm 11,51%; lượt khách du lịch theo tour 4949 lượt, tăng 28,81%; ngày khách du lịch theo tour 18398 ngày khách, tăng 10,64%.
5. Thu, chi ngân sách
Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn ước tính 4 tháng đầu năm 2015 đạt 642,1 tỷ đồng, bằng 26,2% dự toán năm 2015 và giảm 31,3% so với cùng kỳ năm trước; trong đó: thu nội địa 302,8 tỷ đồng, bằng 22,4% dự toán và giảm 7,9%; thu từ hoạt động xuất, nhập khẩu 339,3 tỷ đồng, bằng 30,8% dự toán và giảm 45%.
Tổng chi ngân sách nhà nước địa phương ước tính 4 tháng đầu năm 2015 đạt 1681,4 tỷ đồng, bằng 30,8% dự toán năm 2015 và giảm 1,9% so với cùng kỳ năm trước; trong đó: chi đầu tư phát triển 405,5 tỷ đồng, bằng 28,4% dự toán và giảm 24,7%; chi thường xuyên 1174,8 tỷ đồng, bằng 32,9% dự toán và tăng 7,7%.
6. Một số vấn đề về xã hội
6.1. Đời sống dân cư
Tình hình kinh tế - xã hội của địa phương tiếp tục phát triển, giá tiêu dùng ổn định nên đời sống của người dân được cải thiện, tình hình thiếu đói trong dân không xảy ra.
Đời sống của cán bộ, công nhân, viên chức theo Nghị định số 09/2015/NĐ-CP ngày 10/3/2015 thực hiện điều chỉnh tăng 8% đối với lương hưu, trợ cấp ưu đãi người có công và tiền lương đối với CBCNVC, lực lượng vũ trang có thu nhập thấp (hệ số lương từ 2,34 trở xuống). Theo Nghị định số 103/2014/NĐ-CP ngày 11/11/2014 của Chính Phủ quy định mức lương tối thiểu vùng áp dụng đối với người lao động làm việc ở doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, hộ gia đình, cá nhân và các cơ quan, tổ chức có thuê mướn lao động theo hợp đồng lao động sẽ được tính tăng từ ngày 01/01/2015; vì vậy, đời sống của người lao động trong khu vực này cũng được nâng lên.
6.2. Hoạt động văn hóa, thể thao
Công tác tuyên truyền cổ động trực quan, văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao…diễn ra sôi nổi từ tỉnh đến cơ sở làm cho không khí các ngày Lễ, ngày kỷ niệm thêm ý nghĩa.
Toàn tỉnh đã triển khai thực hiện tốt công tác khánh tiết, trang trí cổ động trực quan; các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao phục vụ tốt các sự kiện chính trị, các ngày Lễ lớn trong tháng: Kỷ niệm 84 năm Ngày thành lập Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh (26/3/1931 – 26/3/2015); 69 năm Ngày thể thao Việt Nam (27/3/1946 – 27/3/2015); Kỷ niệm 108 năm ngày sinh Tổng Bí thư Lê Duẩn (07/4/1907 – 07/4-2015)…Tỉnh phối hợp với các đơn vị liên quan chuẩn bị tổ chức các hoạt động: Liên hoan nghệ thuật quần chúng Ca khúc Cách Mạng; Lễ hội thống nhất non sông – Kỷ niệm 40 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước – cấp quốc gia (với các hoạt động chủ yếu: Hội trại thống nhất non sông, Lễ thượng cờ “Thống nhất non sông”, Giải đua thuyền “Thống nhất non sông”, Chương trình nghệ thuật đặc biệt “Bài ca thống nhất” tại Vĩ tuyến 17 – đầu cầu Hiền Lương thuộc bờ Nam sông Bến Hải, Lễ đón nhận Bằng xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ: Địa đạo Vịnh Mốc và Hệ thống làng hầm Vĩnh Linh...
Đẩy mạnh phong trào “TDĐKXDĐSVH” gắn với việc thực hiện xây dựng nông thôn mới, “Xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới”, “Thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị”.
Duy trì luyện tập thường xuyên các lớp năng khiếu, đội tuyển tỉnh và đội tuyển trẻ. Tổng số VĐV được đào tạo tại trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT tỉnh là: 93 VĐV (tuyến tỉnh 29 VĐV, tuyến trẻ 33 VĐV, tuyến năng khiếu 31 VĐV).
Tham gia thi đấu giải Lặn vô địch bể 25m tại Thành phố Huế (1HCĐ); Giải Câu lạc bộ tại Đà Nẵng (bộ môn Rowing: 01HCV, 01HCB, 01 HCĐ); Giải Cup Châu Á môn Rowing (01HCĐ). Ngoài ra còn tham gia các giải khác như Giải điền kinh vô địch các nhóm tuổi tại Đồng Nai, Giải vật cúp quốc gia tại Bắc Giang, Giải việt dã tỉnh Quảng Trị năm 2015 “Cùng Sacombank chạy vì sức khỏe cộng đồng”, Giải bóng đá nam U11 Cup Truyền hình Quảng Trị lần thứ I năm 2015...
Chuẩn bị cơ sở vật chất, lực lượng để tham gia Giải bóng chuyền nữ nông thôn tỉnh Quảng Trị, Giải đua thuyền truyền thống ở Vĩnh Linh...
6.3. Y tế
a. Tình hình dịch bệnh
Ngay từ đầu năm, Sở Y tế đã tích cực chỉ đạo Trung tâm y tế dự phòng và các Trung tâm y tế huyện, thị xã, thành phố tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và chủ động phòng ngừa không để dịch bệnh xảy ra tại các địa phương, nhất là các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đi lại khó khăn.
Tình hình bệnh truyền nhiễm toàn tỉnh trong tháng 3/2015 đã xuất hiện 02 ca mắc bệnh thương hàn; 128 ca mắc bệnh lỵ trực trùng, giảm 3,76% so với cùng tháng năm 2014; 37 ca mắc bệnh lỵ a mip, tăng 12,12%; 284 ca mắc bệnh tiêu chảy, giảm 19,32%; 05 ca mắc bệnh sốt rét, giảm 54,55%; 30 ca mắc bệnh viêm gan virus, tăng gần 3 lần; 81 ca mắc bệnh thủy đậu, tăng 17,39%; 78 ca quai bị, tăng 1,27%; 1706 ca mắc bệnh cúm, giảm 8,08%; 02 ca mắc bệnh tay chân miệng, giảm 66,67%...
Tích lũy từ đầu năm đến hết tháng 3/2015 toàn tỉnh có 02 ca mắc bệnh thương hàn; 291 ca mắc bệnh lỵ trực trùng, giảm 15,16% so với cùng kỳ năm 2014; 54 ca mắc bệnh lỵ a mip, giảm 50,46%; 748 ca mắc bệnh tiêu chảy, giảm 26,59%; 09 ca mắc bệnh sốt rét, giảm 78,57%; 60 ca mắc bệnh viêm gan virus, bằng cùng kỳ năm trước; 174 ca mắc bệnh thủy đậu, tăng 37,01%; 145 ca quai bị, giảm 33,49%; 4548 ca mắc bệnh cúm, giảm 24,43%; 02 ca mắc bệnh tay chân miệng, giảm 80%...Tất cả các ca bệnh đều được ngành y tế các cấp quản lý và theo dỏi điều trị.
b.Tình hình nhiễm HIV/AIDS
Tỉnh đã chỉ đạo các cơ sở điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng methadone, các cơ sở điều trị ARV cho bệnh nhân AIDS; Phối hợp với các sở, ban ngành, đoàn thể, tổ chức giám sát hoạt động ở các cấp; đẩy mạnh công tác truyền thông bằng nhiều hình thức nhằm giúp công tác phòng, chống HIV/AIDS thuận lợi, hiệu quả hơn. Ngành y tế tiếp tục phối hợp với các cơ quan liên quan và các địa phương quản lý tốt các đối tượng nhiễm HIV/AIDS trong cộng đồng để bảo đảm cho người dân tránh lây nhiễm.
Tính đến ngày 31/3/2015, toàn tỉnh có 82/141 xã, phường, thị trấn phát hiện có người nhiễm HIV/AIDS, tăng 16 xã (+24,24%) so với cùng thời điểm năm trước; số người nhiễm HIV tại Quảng Trị là 277 người, số bệnh nhân chuyển sang AIDS là 148 người, số bệnh nhân đã tử vong do AIDS là 86 người; số người nhiễm HIV còn sống tại Quảng Trị là 191 người, trong đó: số trẻ em dưới 15 tuổi nhiễm HIV là 7 trẻ, số bà mẹ mang thai nhiễm HIV sinh con là 35 bà mẹ (Số liệu mới nhất sau khi rà soát lần 2, đã loại trừ bệnh nhân ngoại tỉnh).
c.Tình hình ngộ độc thực phẩm
Công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra vệ sinh, an toàn thực phẩm được triển khai chặt chẽ và đồng bộ từ tuyến tỉnh đến cơ sở, nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống, bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng.
Ngành y tế đã có các hoạt động nhằm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa bàn như: tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đối với các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm nhằm hạn chế tối đa ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm. Tiếp tục duy trì và nâng cao trách nhiệm của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trong việc thực thi pháp luật về vệ sinh, an toàn thực phẩm; đồng thời, nâng cao vai trò giám sát của các cơ quan quản lý và người tiêu dùng đối với việc thực thi pháp luật về vệ sinh, an toàn thực phẩm.
Do thực hiện tốt công tác quản lý, kiểm tra, thanh tra vệ sinh, an toàn thực phẩm nên từ đầu năm đến 15/3/2015 trên địa bàn tỉnh chỉ xảy ra 01 vụ ngộ độc làm 02 người bị ngộ độc, do độc tố cá nóc trong bửa ăn tại hộ gia đình tại huyện Triệu Phong.
6.5. Tình hình cháy, nổ và bảo vệ môi trường
Tỉnh đã chỉ đạo kiểm tra các doanh nghiệp, cơ quan, trường học, bệnh viện, trung tâm thương mại, các chợ truyền thống, các khu dân cư có nguy cơ cháy cao, xây dựng phương án phòng, chống cháy, nổ, cứu hộ, cứu nạn, đôn đốc các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp tăng cường công tác kiểm tra phòng cháy, chữa cháy trong những ngày nghỉ, ngày lễ. Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh phối hợp Công an tỉnh, BCH Bộ đội Biên phòng tỉnh tổ chức tuần tra canh gác, bảo vệ các mục tiêu quan trọng và kiểm tra công tác quản lý các loại vũ khí, vật liệu nổ trong cơ quan, doanh nghiệp.
Trong tháng 4/2015 không có vụ cháy nào xảy ra. Tích lũy từ đầu năm đến 15/3/2015 trên địa bàn tỉnh có 05 vụ cháy xảy ra, giảm 28,57% so với cùng kỳ năm trước; tổng giá trị tài sản thiệt hại ước tính 125 triệu đồng.
Về lĩnh vực môi trường: thưc hiện tốt Dự án hành lang Bảo tồn đa dạng hóa sinh học Tiểu vùng Mêkông mở rộng; tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Đại dương thế giới; Tuần lễ biển, hải đảo Việt Nam và ngày môi trường thế giới; tăng cường kiểm tra các cơ sở gây ô nhiểm môi trường nghiêm trọng;
Trong 4 tháng đầu năm 2015 không có vụ vi phạm môi trường nào xảy ra.
6.6. Tình hình thiên tai
Trong 4 tháng đầu năm 2015 trên địa bàn tỉnh không xảy ra thiên tai.
6.7. Tai nạn giao thông
Từ 16/3 đến 15/4/2015, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 21 vụ tai nạn giao thông, làm chết 13 người, bị thương 17 người; so với cùng kỳ năm trước số vụ tăng 5% (+1 vụ), số người chết tăng 8,33% (+1người), số người bị thương giảm 22,73% (-5 người).
Tích lũy từ 16/12/2014 đến 15/4/2015 trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 86 vụ tai nạn giao thông, làm chết 42 người, bị thương 81 người; so với cùng kỳ năm trước số vụ tăng 2,38% (+2 vụ), số người chết giảm 4,55% (-2 người), số người bị thương giảm 15,63% (-15 người).
Nguyên nhân tai nạn giao thông chủ yếu là do ý thức của người tham gia giao thông: đi sai phần đường quy định, tránh vượt sai quy định, không chú ý quan sát, chuyển hướng sai quy định, không làm chủ tốc độ…
Trên đây là tình hình kinh tế - xã hội tháng 4 và 4 tháng đầu năm 2015 tỉnh Quảng Trị, Cục Thống kê Quảng trị xin báo cáo để các cấp, các ngành biết chỉ đạo.
CỤC THỐNG KÊ TỈNH QUẢNG TRỊ