HỆ THỐNG TÀI KHOẢN QUỐC GIA VÀ ĐẦU TƯ
A - HỆ THỐNG TÀI KHOẢN QUỐC GIA
Tổng sản phẩm trong nước (tiếng Anh viết tắt là GDP) là chỉ tiêu tổng hợp phản ánh kết quả cuối cùng của hoạt động sản xuất, kinh doanh của nền kinh tế trong một thời kỳ nhất định, thường là một năm,
Tổng sản phẩm trong nước được tính theo 3 phương pháp: Phương pháp sản xuất, phương pháp chi tiêu và phương pháp thu nhập,
Theo phương pháp sản xuất, tổng sản phẩm trong nước bằng tổng giá trị tăng thêm của tất cả các ngành kinh tế cộng với thuế nhập khẩu hàng hoá và dịch vụ từ nước ngoài, Giá trị tăng thêm của từng thành phần và từng ngành kinh tế bằng giá trị sản xuất trừ đi chi phí trung gian,
Theo phương pháp chi tiêu (còn gọi là sử dụng tổng sản phẩm trong nước) tổng sản phẩm trong nước là tổng của tiêu dùng cuối cùng, tích luỹ tài sản và chênh lệch xuất nhập khẩu hàng hoá và dịch vụ, Vì có chênh lệch nhỏ trong ước lượng tổng sản phẩm trong nước theo phương pháp sản xuất và tiêu dùng cuối cùng cũng như trong cơ sở dữ liệu nên trong sử dụng tổng sản phẩm trong nước còn có khoản mục “sai số thống kê”, là số chênh lệch giữa 2 phương pháp,
Theo phương pháp thu nhập, tổng sản phẩm trong nước là tổng thu nhập được tạo ra bởi các đơn vị thường trú và được phân phối lần đầu cho tất cả các đơn vị thường trú và không thường trú, Tổng sản phẩm trong nước bao gồm (1) Thu nhập từ sản xuất của người lao động (lương, trích bảo hiểm xã hội trả thay lương, thu nhập khác từ sản xuất); (2) Thuế sản xuất ( không bao gồm thuế lợi tức, thuế thu nhập và các lệ phí khác không coi là thuế sản xuất) (3) Khấu hao tài sản cố định; (4) Giá trị thặng dư và (5) Thu nhập hỗn hợp từ sản xuất,
Tổng sản phẩm trong nước được tính theo giá thực tế và giá so sánh.
Khu vực kinh tế thuộc hệ thống tài khoản quốc gia là sự phân chia nền kinh tế thành 3 nhóm ngành trong đó:
Khu vực I: Nông lâm thuỷ sản gồm các ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và thuỷ sản,
Khu vực II: Công nghiệp và xây dựng, gồm các ngành công nghiệp mỏ và khai khoáng, công nghiệp chế biến, sản xuất cung cấp điện, ga và khí đốt; xây dựng,
Khu vực III: Dịch vụ, gồm các ngành dịch vụ,
Ngân sách Nhà nước là toàn bộ các khoản thu, chi của Nhà nước trong dự toán đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quyết định và được thực hiện trong một năm để bảo đảm thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Nhà nước,
Thu ngân sách Nhà nước bao gồm các khoản thu từ thuế; phí, lệ phí; các khoản thu từ hoạt động kinh tế của Nhà nước; các khoản đóng góp của tổ chức và cá nhân; các khoản viện trợ; các khoản thu khác theo quy định của pháp luật; các khoản do Nhà nước vay để bù đắp bội chi được đưa vào cân đối ngân sách Nhà nước,
Chi ngân sách Nhà nước bao gồm các khoản chi phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh, bảo đảm hoạt động của bộ máy Nhà nước; chi trả nợ của Nhà nước; chi viện trợ và các khoản chi khác theo quy định của pháp luật,
B - ĐẦU TƯ
Vốn đầu tư phát triển là những chi phí bỏ ra làm tăng tài sản cố định, tài sản lưu động, tài sản trí tuệ, nguồn nhân lực, nâng cao mức sống dân cư và mặt bằng dân trí, bảo vệ môi trường sinh thái trong thời gian nhất định, thường là một năm, Tuỳ theo mục đích nghiên cứu, vốn đầu tư phát triển có thể phân theo thành phần kinh tế, ngành kinh tế, nguồn vốn, cấp quản lý và phân theo khoản mục đầu tư,
Trong các khoản mục vốn đầu tư phát triển thì vốn đầu tư xây dựng cơ bản là bộ phận quan trọng và chiếm tỷ trọng lớn nhất, Vốn đầu tư xây dựng cơ bản là những chi phí bằng tiền dùng cho việc xây dựng mới, mở rộng, xây lại và khôi phục tài sản cố định trong nền kinh tế,
Đầu tư trực tiếp của nước ngoài là việc nhà đầu tư nước ngoài đưa vào Việt Nam vốn bằng tiền hoặc bất kỳ tài sản nào để tiến hành các hoạt động đầu tư theo quy định của Luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam ,
Vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài là vốn để thực hiện dự án đầu tư, bao gồm vốn pháp định và vốn vay.