Chỉ thị về việc tăng cường công tác Thống kê trên địa bàn tỉnh Quảng Trị - 16/09/2022    
TUYỂN DỤNG CÔNG CHỨC NĂM 2022 - 01/06/2022    
Tỉnh Quảng Trị ra quân Tổng điều tra Kinh tế năm 2021 giai đoạn 2 - 03/07/2021    
Ngành Thống kê 75 năm xây dựng và trưởng thành - 06/05/2021    
Xác định đúng nguồn lực mới thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng theo kế hoạch - 06/05/2021    
KỶ NIỆM 75 NĂM NGÀY THÀNH LẬP NGÀNH THỐNG KÊ (06/5/1946-06/5/2021) - 25/04/2021    
TỔNG ĐIỀU TRA KINH TẾ NĂM 2021 - 10/03/2021    
TÌNH HÌNH KINH TẾ - XÃ HỘI THÁNG 01 NĂM 2016 - 08/04/2016    
Hội nghị điển hình tiên tiến Ngành Thống kê năm 2015 - 18/04/2015    
Hội nghị triển khai kế hoạch công tác năm 2015 của Tổng cục Thống kê - 04/02/2015    
Kế hoạch công tác tháng 01 năm 2015 - 27/01/2015    
Kế hoạch công tác tháng 12 năm 2014 - 27/01/2015    
Tình hình kinh tế - xã hội tháng 10 và 10 tháng năm 2014 - 12/11/2014    
Tình hình kinh tế - xã hội tháng 9 và 9 tháng năm 2014 - 01/10/2014    
Tình hình kinh tế - xã hội tháng 8 và 8 tháng năm 2014 - 27/08/2014    
Tình hình kinh tế - xã hội tháng 7 và 7 tháng năm 2014 - 23/07/2014    
Đoàn Công tác của Tổng cục Thống kê tại Vương quốc Campuchia - 21/07/2014    
Tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2014 - 23/06/2014    
Lễ ký kết thỏa thuận hợp tác chia sẻ thông tin giữa Tổng cục Thống kê và Ban Kinh tế Trung ương - 05/06/2014    
Tình hình kinh tế - xã hội tháng 5 năm 2014 - 23/05/2014    
Trực tuyến: 265
Hôm nay: 2,975
Lượt truy cập: 1,419,513
TÌNH HÌNH KINH TẾ - XÃ HỘI 6 THÁNG NĂM 2020
Cập nhật bản tin: 6/29/2020
            

 

Năm 2020, là năm cuối cùng thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI và Nghị quyết Đại hội XII của Đảng. Chủ đề của tỉnh trong năm 2020 là: “Hành động quyết liệt, về đích toàn diện, tạo đà bứt phá”, để hoàn thành kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 và cả giai đoạn 2016-2020.

Tỉnh Quảng Trị bước vào thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 trong bối cảnh kinh tế toàn cầu có nhiều yếu tố bất lợi. Suy giảm tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2019; giá dầu thô giảm mạnh do căng thẳng giữa Ả Rập Xê Út và Liên bang Nga, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung vẫn tiếp diễn, căng thẳng địa chính trị gia tăng giữa Mỹ và Iran, cùng với biến đổi khí hậu và đặc biệt là đại dịch COVID-19 bùng phát mạnh trên toàn cầu đã tác động tiêu cực đến kinh tế của các quốc gia trên thế giới. Ở trong nước, bên cạnh những thuận lợi từ kết quả tăng trưởng tích cực năm 2019, kinh tế vĩ mô ổn định…nhưng phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức; dịch COVID-19 đã làm tăng trưởng ở hầu hết các ngành, lĩnh vực chậm lại; tỷ lệ thất nghiệp, thiếu việc làm tăng cao. Bên cạnh đó, thời tiết những tháng đầu năm diễn biến phức tạp; hạn hán, xâm nhập mặn diễn ra sớm ảnh hưởng đến năng suất và sản lượng cây trồng; dịch tả lợn Châu Phi chưa được khống chế hoàn toàn.

Tỉnh Quảng Trị, dịch COVID-19 đã tác động tiêu cực đến hầu hết các ngành và lĩnh vực, nặng nề nhất là ngành du lịch, lưu trú, ăn uống và vận tải…; dịch tả lợn Châu Phi còn phát sinh ở một số địa phương; tình hình thiên tai và dịch bệnh diễn biến phức tạp…Trước tình hình đó, UBND tỉnh đã chỉ đạo quyết liệt các Sở, Ban ngành, địa phương thực hiện đồng bộ, hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp đã đề ra trong Chương trình hành động của UBND tỉnh (ban hành kèm theo Quyết định số 146/QĐ-UBND ngày 15/01/2020) về thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01/01/2020 của Chính phủ; Kết luận số 320-KL/TU ngày 04/12/2019 của Tỉnh ủy và Nghị quyết số 31/2019/NQ-HĐND ngày 06/12/2019 của HĐND tỉnh về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020. Tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2020 tỉnh Quảng Trị tuy tốc độ tăng trưởng có chậm lại do tác động tiêu cực của dịch COVID-19, nhưng nhiều ngành và lĩnh vực vẫn có những điểm sáng. Kết quả đạt được của các ngành, lĩnh vực trong 6 tháng đầu năm 2020 như sau:

I. PHÁT TRIỂN KINH TẾ

1. Tăng trưởng kinh tế

Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) 6 tháng đầu năm 2020 (GSS2010) ước tính đạt 9.404,5 tỷ đồng, tăng 4,17% so với cùng kỳ năm trước (6 tháng đầu năm 2019 tăng 7,52%), là mức tăng thấp nhất của 6 tháng đầu năm trong giai đoạn 2016-2020. Trong bối cảnh dịch COVID-19 đã tác động tiêu cực đến mọi ngành, lĩnh vực kinh tế - xã hội; thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ưu tiên hàng đầu là phòng chống dịch, hy sinh lợi ích kinh tế để đảm bảo tính mạng và sức khỏe của nhân dân thì tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh đạt 4,17%  là thắng lợi lớn của các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và người dân trong cuộc chiến đẩy lùi dịch bệnh; đồng thời, duy trì các hoạt động sản xuất kinh doanh. Trong mức tăng trưởng chung, giá trị tăng thêm khu vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản ước tính đạt 2.293,8 tỷ đồng, tăng 2% (6 tháng đầu năm 2019 tăng 6,32%), đóng góp 0,50 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung; giá trị tăng thêm khu vực công nghiệp - xây dựng ước tính đạt 2.181,7 tỷ đồng, tăng 8,39% (6 tháng đầu năm 2019 tăng 10,99%), đóng góp 1,87 điểm phần trăm; giá trị tăng thêm khu vực dịch vụ ước tính đạt 4.547,4 tỷ đồng, tăng 3,38% (6 tháng đầu năm 2019 tăng 6,58%), đóng góp 1,65 điểm phần trăm; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm ước tính đạt 381,6 tỷ đồng, tăng 3,68% (6 tháng đầu năm 2019 tăng 7,66%), đóng góp 0,15 điểm phần trăm.

Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản 6 tháng đầu năm 2020 tăng thấp hơn so với mức tăng của cùng kỳ năm trước do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, dịch tả lợn Châu Phi và dịch COVID-19. Trong đó, ngành nông nghiệp tăng 0,38%, đóng góp 0,06 điểm phần trăm; ngành lâm nghiệp tăng 4,67%, đóng góp 0,24 điểm phần trăm; ngành thủy sản tăng 5,60%, đóng góp 0,20 điểm phần trăm.

Khu vực công nghiệp và xây dựng, ngành công nghiệp 6 tháng đầu năm 2020 tăng 8,88%, thấp hơn nhiều so với mức tăng 13,62% của 6 tháng đầu năm 2019, đóng góp 1,0 điểm phần trăm vào tốc độ tăng trưởng chung của GRDP.  Nguyên nhân làm cho ngành công nghiệp tăng thấp chủ yếu là do ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chỉ tăng 8,45% (6 tháng đầu năm 2019 tăng 13,22%) do tác động tiêu cực của dịch COVID-19, một số doanh nghiệp có sản phẩm xuất khẩu hoặc nguyên liệu đầu vào nhập từ nước ngoài bị ảnh hưởng nên tình hình sản xuất giảm sút. Ngành xây dựng mặc dù ảnh hưởng của dịch COVID-19 nhưng tăng khá 7,89% (6 tháng đầu năm 2019 tăng 8,42%), đóng góp 1,0 điểm phần trăm; nguyên nhân chủ yếu là do trong 2 năm 2019-2020, tỉnh Quảng Trị đã có những đột phá trong quảng bá, xúc tiến, thu hút vốn đầu tư; nhiều công trình/dự án được cấp phép, khởi công mới... Bên cạnh đó các cấp, các ngành đã có nhiều nổ lực tập trung tháo gở khó khăn, đẩy nhanh tiến độ giải ngân theo chỉ đạo của Chính phủ…vốn đầu tư thực hiện tăng khá.

Khu vực dịch vụ 6 tháng đầu năm 2020 đạt mức tăng thấp nhất so với mức tăng của 6 tháng đầu năm giai đoạn 2016-2020. Trong 6 tháng đầu năm 2020, dịch COVID-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động thương mại và dịch vụ; nặng nề nhất là ngành lưu trú, ăn uống và du lịch lữ hành. Trong khu vực dịch vụ, đóng góp của một số ngành dịch vụ thị trường có tỷ trọng lớn vào mức tăng của GRDP 6 tháng đầu năm 2020 như sau: thông tin và truyền thông tăng 6,21%, đóng góp 0,54 điểm phần trăm; hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 6,33%, đóng góp 0,27 điểm phần trăm; ngành dịch vụ lưu trú và ăn uống giảm 21,16%, làm giảm 0,71 điểm phần trăm…

Về cơ cấu kinh tế 6 tháng đầu năm 2020: khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 24,99%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 23,43%; khu vực dịch vụ chiếm 47,58%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 4% (Cơ cấu tương ứng của 6 tháng đầu năm 2019 là: 24,60%; 23,25%; 48,10%; 4,05%).

2. Tài chính, ngân hàng

2.1. Tài chính

Dịch COVID-19 tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và xuất nhập khẩu từ đó ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách nhà nước trong 6 tháng đầu năm 2020. Chi ngân sách nhà nước chủ yếu tập trung bảo đảm các nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, y tế và quản lý nhà nước…

Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn từ đầu năm đến 18/6/2020 đạt 1.404,1 tỷ đồng, bằng 41,30% dự toán địa phương năm 2020 và tăng 10,34% so với cùng kỳ năm trước; trong đó: thu nội địa 1.223,8 tỷ đồng, bằng 41,49% dự toán và tăng 19,61%; thu từ hoạt động xuất, nhập khẩu 145,4 tỷ đồng, bằng 32,31% dự toán và giảm 40%. Trong thu nội địa một số khoản thu lớn như: các khoản thu về nhà, đất 463,4 tỷ đồng, tăng 44,72% so với cùng kỳ năm trước; thu từ khu vực công thương nghiệp ngoài quốc doanh 264,3 tỷ đồng, giảm 14%; thuế bảo vệ môi trường 170,7 tỷ đồng, tăng 190,89%; thu từ doanh nghiệp nhà nước 85,4 tỷ đồng, giảm 18,08%; thu phí và lệ phí 99,1 tỷ đồng, tăng 0,56%; thuế thu nhập cá nhân 61,3 tỷ đồng, tăng 16,04%...

Tổng chi ngân sách địa phương từ đầu năm đến 18/6/2020 đạt 3.728,9 tỷ đồng, bằng 39,23% dự toán địa phương năm 2020 và tăng 15,79% so với cùng kỳ năm trước; trong đó: chi đầu tư phát triển 343,1 tỷ đồng, bằng 22,66% dự toán và giảm 40,01%; chi thường xuyên 2.181,9 tỷ đồng, bằng 44,20% dự toán và tăng 8,86%. Trong chi thường xuyên một số khoản chi lớn như: chi sự nghiệp giáo dục, đào tạo và dạy nghề 933,2 tỷ đồng, tăng 2,12% so với cùng kỳ năm trước; chi quản lý hành chính 532,2 tỷ đồng, tăng 6,28%; chi sự nghiệp kinh tế 257,9 tỷ đồng, tăng 129,88%; chi sự nghiệp y tế, dân số và KHH gia đình 243,4 tỷ đồng, tăng 15,04%; chi sự nghiệp đảm bảo xã hội 190,2 tỷ đồng, tăng 69,48%...

2.2. Ngân hàng

Trong 6 tháng đầu năm 2020, ngành Ngân hàng triển khai thực hiện chính sách tiền tệ theo hướng chủ động, linh hoạt, thận trọng phù hợp với các chủ trương của Chính phủ theo Chỉ thị số 01/CT-NHNN. Chỉ đạo các tổ chức tín dụng thực hiện Thông tư 01/2020/TT-NHNN Quy định về việc tổ chức tín dụng cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hổ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch COVID-19 và Chỉ thị 02/CT-NHNN về các giải pháp cấp bách của ngành Ngân hàng nhằm tăng cường phòng, chống và khắc phục khó khăn do tác động của dịch COVID-19.

Các tổ chức tín dụng trên địa bàn đã thực hiện giảm lãi suất theo chỉ đạo của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Hiện lãi suất cho vay ngắn hạn phổ biến ở mức 6-9%/năm; lãi suất cho vay trung, dài hạn 9-11%/năm; lãi suất cho vay ngắn hạn các lĩnh vực ưu tiên tối đa 5%/năm. Thị trường tiền tệ ổn định; hoạt động ngoại hối, vàng diễn biến bình thường.

Huy động vốn trên địa bàn đến 31/5/2020 đạt 23.761 tỷ đồng, tăng 4,05% (+924 tỷ đồng) so với cuối năm 2019 (6 tháng đầu năm 2019 tăng 5,08%); trong đó: tiền gửi tiết kiệm 19.338 tỷ đồng, chiếm 81,38%, tăng 5,89% (+1.075 tỷ đồng); tiền gửi thanh toán 2.160 tỷ đồng, chiếm 9,09%, giảm 17,24% (-450 tỷ đồng); huy động khác 1.669 tỷ đồng, chiếm 7,02%, tăng 19,21% (+269 tỷ đồng); phát hành giấy tờ có giá 594 tỷ đồng, chiếm 2,51%, tăng 5,32% (+30 tỷ đồng).

Tổng dư nợ cho vay đối với nền kinh tế đến 31/5/2020 đạt 35.488 tỷ đồng, giảm 1,19% (-428 tỷ đồng) so với cuối năm 2019 (6 tháng đầu năm 2019 tăng 9,47%); trong đó: dư nợ cho vay ngắn hạn 15.703 tỷ đồng, chiếm 44,25%, giảm 2,72% (-439 tỷ đồng); dư nợ cho vay trung và dài hạn 19.785 tỷ đồng, chiếm 55,75%, tăng 0,06% (+11 tỷ đồng).

Nợ xấu đến 31/5/2020 là 1.464 tỷ đồng, chiếm 4,13% tổng dư nợ (tỷ lệ nợ xấu cuối năm 2019 là 2,89%). Nguyên nhân nợ xấu tăng cao chủ yếu một phần do Chương trình cho vay tàu đánh bắt xa bờ theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP không thu hồi được, phát sinh nợ xấu; một số doanh nghiệp trong lĩnh vực xây dựng, thủy điện không trả nợ theo đúng cam kết, chuyển sang nợ xấu.

3. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI), chỉ số giá vàng và chỉ số giá đô la Mỹ

Chỉ số giá tiêu dùng bình quân 6 tháng đầu năm 2020 tăng khá cao so với bình quân cùng kỳ năm trước; chủ yếu là do ảnh hưởng dịch tả lợn Châu Phi nguồn cung thịt lợn giảm, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo có đơn hàng nên cầu lương thực tăng làm cho giá nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng cao; giá dịch vụ giáo dục và dịch vụ y tế điều chỉnh tăng…

Chỉ số giá tiêu dùng bình quân 6 tháng đầu năm 2020 tăng 4,24% so với bình quân cùng kỳ năm trước. Trong đó có 3/11 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá giảm là: giao thông giảm 8,41%; bưu chính viễn thông giảm 0,99%; văn hóa, giải trí và du lịch giảm 0,92%. Có 8/11 nhóm hàng có chỉ số giá tăng là: thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 1,13%; nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 1,28%; may mặc, mũ nón và giày dép tăng 1,55%; hàng hóa và dịch vụ khác tăng 2,19%; thuốc và dịch vụ y tế tăng 3,47%; đồ uống và thuốc lá tăng 4,30%; giáo dục tăng 4,66%; hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 10,94% (lương thực tăng 8,94%, thực phẩm tăng 12,34%, ăn uống ngoài gia đình tăng 9,56%).

Chỉ số giá vàng bình quân 6 tháng đầu năm 2020 tăng 26,47% so với bình quân cùng kỳ năm trước; chỉ số giá đô la Mỹ bình quân 6 tháng đầu năm 2020 giảm 0,27% so với bình quân cùng kỳ năm trước.

4. Đầu tư  

Trong 6 tháng đầu năm 2020, mặc dù có tác động tiêu cực của dịch COVID-19 nhưng các công trình/dự án chuyển tiếp từ năm 2019 và mới khởi công được đẩy nhanh tiến độ theo chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh để hoàn thành kế hoạch năm 2020 và giai đoạn 2016-2020. Bên cạnh đó các cấp, các ngành đã có nhiều nổ lực tập trung tháo gở khó khăn, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công theo chỉ đạo của Chính phủ nên vốn đầu tư thực hiện trên địa bàn 6 tháng đầu năm 2020 tăng 15,09% so với cùng kỳ năm trước.

Vốn đầu tư phát triển thực hiện trên địa bàn 6 tháng đầu năm 2020 (giá hiện hành) ước tính đạt 7.758,75 tỷ đồng, tăng 15,09% so với cùng kỳ năm trước; trong đó: vốn khu vực nhà nước đạt 2.153 tỷ đồng, tăng 13,35%; vốn đầu tư của dân cư và tư nhân đạt 5.536,87 tỷ đồng, tăng 19,17%; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 68,88 tỷ đồng, giảm 64,84%.

Trong tổng vốn đầu tư thực hiện của khu vực nhà nước 6 tháng đầu năm 2020, vốn đầu tư thực hiện thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý ước tính đạt 1.303,41 tỷ đồng, bằng 40,32% kế hoạch năm 2020 và tăng 39,34% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: vốn ngân sách tỉnh đạt 1.023,23 tỷ đồng, bằng 39,29% kế hoạch và tăng 57,76%; vốn ngân sách huyện đạt 243,08 tỷ đồng, bằng 44,54% kế hoạch và giảm 2,68%; vốn ngân sách xã đạt 37,10 tỷ đồng, bằng 44,66% kế hoạch và tăng 0,24%.

Trong vốn đầu tư phát triển thực hiện trên địa bàn 6 tháng đầu năm 2020, vốn đầu tư xây dựng cơ bản đạt 5.319,66 tỷ đồng, tăng 7,04% so với cùng kỳ năm trước; vốn đầu tư mua sắm TSCĐ không qua xây dựng cơ bản đạt 1.379,01 tỷ đồng, tăng 41,82%; vốn đầu tư nâng cấp, sửa chửa lớn TSCĐ đạt 920,33 tỷ đồng, tăng 35,38%; vốn đầu tư bổ sung vốn lưu động đạt 99,53 tỷ đồng, tăng 20,96%; vốn đầu tư phát triển khác đạt 40,22 tỷ đồng, tăng 7,97%.

Vốn đầu tư vào các Khu công nghiệp, Khu kinh tế: Trong 6 tháng đầu năm 2020, Tỉnh đã cấp chủ trương đầu tư cho 07 dự án đầu tư với số vốn đăng ký là 5,55 nghìn tỷ đồng. Hiện nay trên địa bàn tỉnh có 198 dự án đầu tư váo các KCN, KKT với tổng vốn đăng ký 325,19 nghìn tỷ đồng; trong đó: 106 dự án đã đi vào hoạt động, 47 dự án đang triển khai xây dựng và 45 dự án đang làm thủ tục đầu tư.

Vốn FDI: Trong 6 tháng đầu năm 2020, không có dự án FDI đăng ký đầu tư mới. Hiện nay có 13 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký là 2.442,77 triệu USD.

Về tiến độ giải ngân vốn: Đến 31/5/2020, Kho bạc Nhà nước tỉnh thực hiện 802,5 tỷ đồng, đạt 25,48% kế hoạch tạm giao đầu năm 2020; trong đó: nguồn vốn địa phương quản lý thực hiện 682,01 tỷ đồng, đạt 22,87% KH năm.

5. Tình hình hoạt động của doanh nghiệp

Sáu tháng đầu năm 2020 (Từ 01/01-15/6/2020), toàn tỉnh có 208 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng 6,67% so với cùng kỳ năm trước; tổng vốn đăng ký là 3.354 tỷ đồng, giảm 24,49%; số vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp đạt 16,1 tỷ đồng, giảm 29,39%. Số doanh nghiệp ngừng hoạt động là 106 doanh nghiệp, tăng 27,71% so với cùng kỳ năm trước; số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, chấm dứt hoạt động sản xuất, kinh doanh là 23 doanh nghiệp, giảm 30,30%; số doanh nghiệp trở lại hoạt động là 60 doanh nghiệp, giảm 26,86%. Số doanh nghiệp ngừng hoạt động và giải thể phần lớn là những doanh nghiệp quy mô nhỏ và siêu nhỏ thuộc các ngành xây dựng, thương mại và dịch vụ gặp khó khăn về vốn, kinh doanh kém hiệu quả…

6. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản

Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản 6 tháng đầu năm 2020 diễn ra trong điều kiện thời tiết, khí hậu biến đổi thất thường; lượng mưa thấp hơn trung bình nhiều năm; dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi diễn biến phức tạp; dịch tả lợn Châu Phi làm cho đàn lợn giảm mạnh nên sản lượng thít hơi xuất chuồng giảm; dịch COVID-19 tác động tiêu cực tới hoạt động sản xuất, xuất khẩu lâm thủy sản  …Kết quả 6 tháng đầu năm 2020, giá trị tăng thêm khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản (GSS2010) ước tính đạt 2293,8 tỷ đồng, tăng 2% so với cùng kỳ năm trước; trong đó: giá trị tăng thêm ngành nông nghiệp đạt 1472,9 tỷ đồng, tăng 0,38%; giá trị tăng thêm ngành lâm nghiệp đạt 482,3 tỷ đồng, tăng 4,67%; giá trị tăng thêm ngành thủy sản đạt 338,6 tỷ đồng, tăng 5,60%. 

6.1. Nông nghiệp

a. Trồng trọt

a1. Sản xuất cây hàng năm

* Sơ bộ kết quả sản xuất cây hàng năm vụ Đông Xuân năm 2019-2020

Tỉnh Quảng Trị bước vào sản xuất cây hàng năm vụ Đông Xuân 2019-2020 trong điều kiện thời tiết không được thuận lợi: đầu vụ mưa lớn đã làm ngập úng một số diện tích lúa phải gieo cấy lại, một số diện tích các loại cây trồng khác không gieo trồng được; cuối vụ ảnh hưởng của gió mùa Đông Bắc gây mưa lớn, gió mạnh làm ngã đổ một số diện tích lúa gây khó khăn cho khâu thu hoạch; tình hình dịch bệnh gây hại trên cây trồng diễn biến phức tạp... Tuy nhiên, nhờ làm tốt công tác bố trí lịch thời vụ nhằm né, tránh điều kiện bất lợi của thời tiết; đảm bảo nguồn nước tưới và sử dụng nguồn nước có hiệu quả, tiết kiệm…Kết quả sản xuất vụ Đông Xuân năm 2019-2020: cây lúa cho năng suất đạt khá, riêng các loại cây trồng khác do ảnh hưởng của thời tiết và dịch bệnh nên diện tích và năng suất hầu hết đều giảm so với vụ Đông Xuân năm trước.

Về diện tích: Vụ Đông Xuân 2019-2020, gieo trồng được 40.154,4 ha các loại cây hàng năm, giảm 0,71% (-288 ha) so với vụ Đông Xuân năm trước. Trong đó: cây lúa gieo cấy 26.097,9 ha, tăng 0,21% (+53,9 ha); cơ cấu giống lúa chủ yếu là các loại giống ngắn ngày, cho năng suất và chất lượng cao như: HN6, TL6, AC95, HC95, HT1, Thiên Ưu 8, P6, NA2…; cây ngô gieo trồng 2.930,4 ha, giảm 0,03% (-0,9 ha); khoai lang 1.361,7 ha, giảm 15,63% (-252,3 ha);  lạc 2.940,5 ha, giảm 5,15% (-159,7 ha); rau các loại 3.628,3 ha, tăng 1,47% (+52,7 ha); đậu các loại 609,3 ha, tăng 7,49% (+42,4 ha); cây ớt 388,6 ha, tăng 7,43% (+26,9 ha)...

Về năng suất: Vụ Đông Xuân năm 2019-2020, năng suất lúa ước tính đạt 58,7 tạ/ha, tăng 0,2 tạ/ha so với vụ Đông Xuân năm trước; cây ngô năng suất đạt 36,7 tạ/ha, giảm 3,4 tạ/ha; cây khoai lang năng suất đạt 82,6 tạ/ha, giảm 0,9 tạ/ha; cây lạc năng suất đạt 21 tạ/ha, giảm 0,4 tạ/ha; rau các loại năng suất đạt 106 tạ/ha, tăng 0,1 tạ/ha; đậu các loại năng suất đạt 11,9 tạ/ha, giảm 0,3 tạ/ha; cây ớt năng suất đạt 56,1 tạ/ha, giảm 2,1 tạ/ha…

Về sản lượng: Tổng sản lượng lương thực có hạt vụ Đông Xuân 2019-2020 ước tính đạt 163.882,3 tấn, bằng vụ Đông Xuân năm trước; trong đó: sản lượng lúa 153.139,7 tấn, tăng 0,67% (+1.022,3 tấn); sản lượng ngô 10.741,6 tấn, giảm 8,56% (-1.005,5 tấn). Sản lượng khoai lang ước tính đạt 11.247,7 tấn, giảm 16,54% (-2.229,2 tấn); sản lượng lạc 6.176 tấn, giảm 6,72% (-444,6 tấn); sản lượng rau các loại 38.469,2 tấn, tăng 1,56% (+590,9 tấn); sản lượng đậu các loại 727,9 tấn, tăng 4,84% (+33,6 tấn); sản lượng ớt 2.181 tấn, tăng 3,61% (+76 tấn)…

a2. Cây lâu năm

Sản xuất cây lâu năm của tỉnh gặp khó khăn do giá cà phê, hồ tiêu xuống thấp làm cho người sản xuất bị thua lỗ; giá cao su có tăng nhưng vẫn ở mức thấp chưa hấp dẫn người nông dân đầu tư, thâm canh; cây chuối dể trồng, cho thu nhập khá ổn định đối với người dân miền núi nhưng hiện nay giá bán giảm, khó tiêu thụ; cây dứa trồng theo dự án, nhưng kém hiệu quả nên người dân phá bỏ gần hết…

Tổng diện tích cây lâu năm toàn tỉnh hiện có 33.154,1 ha, tăng 0,29% so với cùng kỳ năm trước. Một số cây lâu năm chủ yếu như: cây cà phê, diện tích hiện có 4.875,5 ha, tăng 0,48% so với cùng kỳ năm trước; sản lượng cà phê nhân 6 tháng đầu năm chưa nhiều. Cây cao su, diện tích hiện 18.835 ha, tăng 0,15% so với cùng kỳ năm trước; sản lượng cao su mủ khô 6 tháng đầu năm 2020 ước tính đạt 7.300 tấn, tăng 10,57%. Cây hồ tiêu, diện tích hiện có 2.508 ha, tăng 1,54% so với cùng kỳ năm trước; sản lượng hạt tiêu 6 tháng đầu năm 2020 ước tính đạt 2.656 tấn, tăng 0,09%. Cây chuối, diện tích hiện có 4.243 ha, tăng 0,07% so với cùng kỳ năm trước; sản lượng chuối 6 tháng đầu năm 2020 ước tính đạt 45.131 tấn, tăng 0,02%. Cây dứa, diện tích hiện có 365 ha, giảm 17,62% so với cùng kỳ năm trước; sản lượng dứa 6 tháng đầu năm 2020 ước tính đạt 2.864 tấn, giảm 17,01%...

b. Chăn nuôi

Sản xuất chăn nuôi 6 tháng đầu năm 2020 gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch tả lợn Châu Phi nên đàn lợn giảm mạnh; hiện nay, người chăn nuôi đang tái đàn nhưng do giá lợn giống khá cao, dịch tả lợn Châu Phi đang còn phát sinh, người chăn nuôi chưa mạnh dạn đầu tư nên đàn lợn thịt phục hồi chậm, nhất là những hộ chăn nuôi quy mô nhỏ. Đàn trâu, bò có xu hướng giảm do diện tích chăn thả bị thu hẹp; phong trào nuôi bò thịt, nhốt chuồng tại Quảng Trị phát triển chưa mạnh. Chăn nuôi gia cầm sau một thời gian phát triển mạnh đến nay do giá bán giảm sút nên đàn gia cầm có xu hướng chững lại.

Ước tính đến 30/6/2020, đàn trâu có 22.403 con, giảm 0,61% so với cùng thời điểm năm 2019; đàn bò có 56.568 con, giảm 3,96%; đàn lợn có 154.226 con, giảm 31,03%; đàn gia cầm có 3.480 nghìn con, tăng 2,14%; trong đó: đàn gà 2.650 nghìn con, tăng 0,04%.

Sản lượng thịt hơi xuất chuồng 6 tháng đầu năm 2020 ước tính đạt 18.185,2 tấn, giảm 18,14% so với cùng kỳ năm trước; trong đó: thịt lợn hơi 9.484 tấn, giảm 37,89%. Sản lượng thịt hơi xuất chuồng 6 tháng giảm chủ yếu là do sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng giảm mạnh do ảnh hưởng của dịch tả lợn Châu Phi.  

Tình hình dịch bệnh: Từ đầu năm đến 12/6/2020, số lợn mắc dịch tả lợn Châu Phi bị chết hoặc buộc tiêu hủy là 767 con (136 lợn nái, 451 lợn thịt và 180 lợn con), với trọng lượng tiêu hủy là 32,9 tấn. Tính đến ngày 12/6/2020, trên địa bàn tỉnh còn 06 xã của 2 huyện có dịch chưa qua 30 ngày.

Ngoài ra, bệnh lở mồm long móng đã phát sinh trên 89 con trâu, bò ở 2 huyện Cam Lộ và Gio Linh. Đến ngày 12/6/2020, tất cả các ổ dịch đã qua 21 ngày không phát sinh dịch bệnh.

6.2. Lâm  nghiệp

Trong 6 tháng đầu năm 2020, sản xuất lâm nghiệp chủ yếu tập trung chăm sóc rừng, khai thác lâm sản, bảo vệ và phòng chống cháy rừng…Nhìn chung, sản xuất lâm nghiệp phát triển ổn định; dịch COVID-19 có ảnh hưởng đến tình hình xuất khẩu gỗ và sản phẩm chế biến từ gỗ nhưng không nhiều.

Số cây lâm nghiệp trồng phân tán 6 tháng đầu năm 2020 ước tính đạt 695 nghìn cây, giảm 0,4% so với cùng kỳ năm trước; diện tích rừng trồng được chăm sóc 19.500, tăng 3,84%; diện tích rừng được khoanh nuôi tái sinh 2.386 ha, giảm 7,09%; diện tích rừng được giao khoán bảo vệ 45.000 ha, giảm 10%; sản lượng gỗ khai thác 562.700 m3, tăng 0,12%; sản lượng củi khai thác 141.557 ster, giảm 0,14%.

Thiệt hại rừng: Trong 6 tháng đầu năm 2020 trên địa bàn tỉnh chỉ xảy ra 01 vụ cháy rừng tại huyện Triệu Phong, diện tích rừng bị cháy 11,2 ha; giá trị thiệt hại 336 triệu đồng.

Về kiểm soát vi phạm lâm luật: Trong 6 tháng đầu năm 2020, đã phát hiện và lập biên bản 114 vụ vi phạm, xử lý vi phạm hành chính 102 vụ; lâm sản tịch thu 180,2 m3 gỗ các loại, 1,5 kg động vật rừng.

6.3. Thủy sản

Sản xuất thủy sản 6 tháng đầu năm 2020 đạt được kết quả khả quan; nhất là, khai thác thủy sản đạt sản lượng tăng khá cao so với cùng kỳ năm trước do thời tiết  thuận lợi cho ngư dân vươn khơi bám biển, đầu năm ngư dân Quảng Trị được mùa cá cơm, mực, khuyếc biển…Riêng sản lượng thủy sản nuôi trồng không lớn và tương đối ổn định.  

Diện tích nuôi trồng thủy sản 6 tháng năm 2020 ước tính đạt 3.080 ha, tăng 0,58% so với cùng kỳ năm trước; trong đó: nuôi cá 2.124,3 ha, giảm 0,99%; nuôi tôm 915,9 ha, tăng 2,14%; nuôi thủy sản khác 39,8 ha, tăng 99%.

Tổng sản lượng thủy sản 6 tháng đầu năm 2020 ước tính đạt 19.443 tấn, tăng 15,18% so với cùng kỳ năm trước; trong đó: cá 13.619,5 tấn, tăng 11,75%; tôm 2.136 tấn, tăng 1,40%; thủy sản khác 3.687,5 tấn, tăng 42,53%. Cụ thể:  

Sản lượng thủy sản nuôi trồng 6 tháng đầu năm 2020 ước tính đạt 3.541 tấn, tăng 3,84% so với cùng kỳ năm trước; trong đó: cá 1.607 tấn, tăng 2,27%; tôm 1.920 tấn, tăng 5,76%. Nhìn chung, nuôi trồng thủy sản ở Quảng Trị còn manh mún, quy mô nhỏ; sản lượng thủy sản nuôi trồng hàng năm không lớn và tương đối ổn định.

Sản lượng thủy sản khai thác 6 tháng đầu năm 2020 ước tính đạt 15.902 tấn, tăng 18,05% so với cùng kỳ năm trước; trong đó: cá 12.012,5 tấn, tăng 13,15%; tôm 216 tấn, giảm 25,77%; thủy sản khác 3.673,5 tấn, tăng 43,27%.

7. Sản xuất công nghiệp 

Sản xuất công nghiệp 6 tháng đầu năm 2020 chịu ảnh hưởng từ dịch COVID-19 nên giá trị tăng thêm chỉ tăng 8,88% so với cùng kỳ năm trước, đạt mức tăng thấp nhất của 6 tháng trong vòng 5 năm trở lại đây (6 tháng đầu năm 2019 tăng 13,62%). Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo một số doanh nghiệp có sản phẩm xuất khẩu hoặc nguyên liệu đầu vào nhập từ nước ngoài bị ảnh hưởng của dịch COVID-19 sản xuất giảm sút nên giá trị tăng thêm chỉ tăng 8,45% (6 tháng đầu năm 2019 tăng 13,22%). Ngành khai khoáng tăng trưởng khá, nhưng  quy mô nhỏ, không ảnh hưởng nhiều đến tốc độ tăng trưởng chung. Ngành sản xuất và phân phối điện; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng trưởng ổn định.

Giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp 6 tháng đầu năm 2020 ước tính đạt 1.112,5 tỷ đồng (GSS2010), tăng 8,88% so với cùng kỳ năm trước: trong đó: khai khoáng 88,8 tỷ đồng, tăng 16,33%; công nghiệp chế biến, chế tạo 803,3 tỷ đồng, tăng 8,45%; sản xuất và phân phối điện 183,5 tỷ đồng, tăng 8,90%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải 36,9 tỷ đồng, tăng 1,82%.

Một số sản phẩm chủ yếu trong 6 tháng đầu năm 2020 so với cùng kỳ năm trước tăng cao: thủy hải sản chế biến tăng 87,95%; tấm lợp proximăng tăng 29,20%; dăm gỗ tăng 15,82%; xi măng tăng 13,49%; quần áo tăng 13,27%...Một số sản phẩm tăng thấp: điện sản xuất tăng 9,39%; điện thương phẩm tăng 5,58%; lốp dùng cho xe máy, xe đạp tăng 5,07%; tinh bột sắn tăng 4,12%; nước máy tăng 1,84%; đá xây dựng tăng 0,69%; gạch xây dựng bằng đất sét nung tăng 0,08%... Một số sản phẩm giảm: phân hóa học giảm 14,62%; săm dùng cho xe máy, xe đạp giảm 16,03%; nước hoa quả, tăng lực giảm 17,65%; gỗ cưa hoặc xẻ giảm 19,98%;  dầu nhựa thông giảm 25,65%; ván ép giảm 27,83%; gạch khối bằng bê tông giảm 34,35%; bia lon giảm 53,58%... 

8. Thương mại và dịch vụ

8.1. Bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng

Dịch COVID-19 đã ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động thương mại, dịch vụ; một mặt, do thực hiện giãn cách xã hội để phòng chống dịch, người tiêu dùng hạn chế mua sắm nơi công cộng, đi du lịch và ăn uống ngoài gia đình; mặt khác, một bộ phận dân cư mất việc làm hoặc giãn việc, thu nhập giảm sút nên cầu tiêu dùng trong dân giảm làm cho tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 6 tháng đầu năm 2020 giảm 0,29% so với cùng kỳ năm trước. Ảnh hưởng nặng nề nhất là ngành du lịch lữ hành, ăn uống và lưu trú nên doanh thu du lịch lữ hành giảm 79,82%, doanh thu dịch vụ lưu trú và ăn uống giảm 17,66%.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 6 tháng đầu năm 2020 ước tính đạt 14.919,60 tỷ đồng, giảm 0,29% so với cùng kỳ năm trước (6 tháng đầu năm 2019 tăng 10,61%).

Xét theo ngành hoạt động, doanh thu bán lẻ hàng hóa ước tính đạt 13.138,30 tỷ đồng, chiếm 88,06% tổng mức và tăng 2,37% so với cùng kỳ năm trước (6 tháng đầu năm 2019 tăng 10,44%). Các nhóm hàng có tổng mức bán lẻ hàng hóa tăng cao hơn chỉ số chung là: gỗ và vật  liêu xây dựng tăng 24,36%; ô tô con tăng 22,40%; đá quý, kim loại quý tăng 6,87%; lương thực, thực phẩm tăng 5,59%...Một số nhóm hàng có tổng mức bán lẻ hàng hóa giảm là: hàng may mặc giảm 3,78%; xăng dầu các loại giảm 16,78%...

Doanh thu dịch vụ lưu trú và ăn uống ước tính đạt 1.257,80 tỷ đồng, chiếm 8,43% tổng mức và giảm 17,66% so với cùng kỳ năm trước (6 tháng đầu năm 2019 tăng 11,90%); trong đó: doanh thu dịch vụ lưu trú đạt 26,03 tỷ đồng, giảm 38,34%; doanh thu dịch vụ ăn uống đạt 1.231,77 tỷ đồng, giảm 17,08%.

Doanh thu du lịch lữ hành ước tính đạt 3,55 tỷ đồng, chiếm 0,02% tổng mức và giảm 79,82% so với cùng kỳ năm trước (6 tháng đầu năm 2019 tăng 10,50%).

Doanh thu dịch vụ khác ước tính đạt 519,95 tỷ đồng, chiếm 3,49% tổng mức và giảm 10,83% so với cùng kỳ năm trước (6 tháng đầu năm 2019 tăng 11,12%).

8.2. Vận tải hành khách và hàng hóa

Dịch COVID-19 đã tác động trực tiếp đến hoạt động vận tải trong 6 tháng đầu năm 2020; giao thương đi lại của dân cư và vận tải hàng hóa giữa các vùng, miền bị hạn chế. Vận tải hành khách chịu ảnh hưởng lớn nên số lượt hành khách luân chuyển 6 tháng đầu năm 2020 giảm 12,15% so với cùng kỳ năm trước (6 tháng đầu năm 2019 tăng 5,83%); riêng vận tải hàng hóa, mặc dù cũng chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19 nhưng các công trình xây dựng trên địa bàn vẫn được đẩy nhanh tiến độ thi công nên khối lượng hàng hóa luân chuyển tăng 2,06% (6 tháng đầu năm 2019 tăng 6,23%).

Doanh thu vận tải 6 tháng đầu năm 2020 ước tính đạt 930,59 tỷ đồng, tăng 9,01% so với cùng kỳ năm trước; trong đó: doanh thu vận tải hành khách đạt 157,86 tỷ đồng, giảm 9,42%; doanh thu vận tải hàng hóa đạt 648,15 tỷ đồng, tăng 14,69%; doanh thu dịch vụ hổ trợ vận tải đạt 124,58 tỷ đồng, tăng 9,05%.

Số lượt hành khách vận chuyển 6  tháng đầu năm 2020 ước tính đạt 3.522,60 nghìn HK, giảm 10,29% so với cùng kỳ năm trước; số lượt hành khách luân chuyển ước tính đạt 305,21 triệu HK.km, giảm 12,15%.

Khối lượng hàng hoá vận chuyển 6 tháng đầu năm 2020 ước tính đạt 5.147,17 nghìn tấn, tăng 10,62% so với cùng kỳ năm trước; khối lượng hàng hoá luân chuyển ước tính đạt 352,09 triệu tấn.km, tăng 2,06%.

8.3.Khách lưu trú và du lịch lữ hành

Hoạt động kinh doanh lưu trú và du lịch lữ hành chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch COVID-19; trong thời gian cách ly xã hội để phòng chống dịch nhiều tua du lịch quốc tế và nội địa bị hủy; các hoạt động lễ hội, nghi lễ tôn giáo, giải đấu thể thao bị tạm dừng. Đến nay các hoạt động du lich, vui chơi giải trí…  được hoạt động trở lại nhưng tâm lý lo ngại dịch lây lan vẫn còn; người dân thay đổi thói quen từ đi du lịch đông người sang du lịch theo nhóm nhỏ, gia đình…nên số lượt khách lưu trú 6 tháng đầu năm 2020 giảm 40,75%, số lượt khách du lịch theo tour giảm 88,58% so với cùng kỳ năm trước.

Số lượt khách lưu trú 6 tháng đầu năm 2020 ước tính đạt 128.034 lượt, giảm 40,75% so với cùng kỳ năm trước; số ngày khách lưu trú 108.501 ngày khách, giảm 47,50%.

Số lượt khách du lịch theo tour 6 tháng đầu năm 2020 ước tính đạt 971 lượt, giảm 88,58% so với cùng kỳ năm trước; số ngày khách du lịch theo tour 2.328 ngày khách, giảm 89,33%.

8.4. Hoạt động bưu chính, viễn thông

Trong 6 tháng đầu năm 2020, các doanh nghiệp bưu chính, viễn thông thực hiện tốt việc quản lý, cung ứng dịch vụ bưu chính, chuyển phát; đảm bảo an toàn thông tin; đa dạng hóa các gói dịch vụ, nâng cấp băng thông cho thiết bị di động…phục vụ ngày càng tốt hơn nhu cầu người tiêu dùng. Nhìn chung, hoạt động bưu chính, viễn thông trên địa bàn phát triển ổn định.

Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 174 điểm cung cấp dịch vụ bưu chính, trong đó có: 55 bưu cục cấp 2 và 3, 01 bưu cục hệ 1, có 109 xã, phường có điểm bưu điện văn hóa xã, 9 đại lý chuyển phát, 8 thùng thư công cộng độc lập. Có 94 xã, phường, thị trấn và 9/10 huyện, thị xã, thành phố (trừ huyện đảo Cồn Cỏ) có báo đến trong ngày.

Tổng số trạm thu phát sóng điện thoại di động (BTS) là 2.427 trạm.

Ước tính đến 30/6/2020, toàn tỉnh có 661.269 thuê bao điện thoại, tăng 1,07% so với cùng thời điểm năm trước; trong đó có 10.228 thuê bao cố định, giảm 19,13% và 651.041 thuê bao di động, tăng 1,47%. Số thuê bao Internet hiện có là 87.894 thuê bao, tăng 13,18% so với cùng thời điểm năm trước.

II. CÁC VẤN ĐỀ XÃ HỘI

1. Lao động, việc làm

Lực lượng lao động ước tính đến 30/6/2020 là 353.198 người, tăng 1,38% so với cùng thời điểm năm trước; trong đó: nam 180.739 người, chiếm 51,17%, tăng 1,32%; nử 172.459 người, chiếm 48,83%, tăng 1,44%. Lực lượng lao động khu vực thành thị 105.514 người, chiếm 29,87%, tăng 1,48%; khu vực nông thôn 247.684 người, chiếm 70,13%, tăng 1,34%.

Lao động đang làm việc trong các ngành kinh tế ước tính đến 30/6/2019 là 342.602 người, chiếm 97% lực lượng lao động, tăng 1,38% so với cùng thời điểm năm trước; trong đó: đang làm việc trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản 150.997 người, chiếm 44,07%, tăng 0,18%; khu vực công nghiệp và xây dựng 70.262 người, chiếm 20,51%, tăng 2,93%; khu vực dịch vụ 121.343 người, chiếm  35,42%, tăng 2,01% (cơ cấu lao động năm 2019 là: 40,60%; 20,20% và 35,20%).

Tỷ lệ thất nghiệp chung toàn tỉnh 6 tháng đầu năm 2020 ước tính là 3%, tăng 0,07% so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thất nghiệp 6 tháng đầu năm 2020 tăng lên là do ảnh hưởng tiêu cực của dịch COVID-19; tuy nhiên, năm 2020 trên địa bàn tỉnh có một số doanh nghiệp dệt, may…mới đi vào hoạt động đã thu hút một lượng lớn lao động vào làm việc nên tỷ lệ thất nghiệp tăng thấp.

Trong 6 tháng đầu năm 2020, toàn tỉnh đã tuyển sinh đào tạo nghề cho 7.659 người; trong đó: Cao đẳng 15 người, Trung cấp 337 người, Sơ cấp và đào tạo thường xuyên 7.307 người. Giải quyết việc làm mới cho 5.777 lao động; trong đó: 2.896 lao động làm việc trong tỉnh, 2.085 lao động làm việc ngoài tỉnh và 796 lao động làm việc ở nước ngoài.

Đã tiếp nhận hồ sơ đề nghị hưởng BHTN cho 1.886 lao động thất nghiệp và đã giải quyết cho 1.657 lao động được hưởng trợ cấp thất nghiệp với số tiền chi trợ cấp hơn 21,5 tỷ đồng.

2. Tình hình đời sống dân cư và công tác an sinh xã hội

2.1. Đời sống dân cư

Bước vào năm 2020, kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều đến cuối năm 2019 trên địa bàn tỉnh có 14.101 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 8,08% và 11.280 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 6,47%.

Tính đến nay, toàn tỉnh có 36.675 đối tượng đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng. Trong đó: 186 trẻ em không nguồn nuôi dưỡng; 21 người bị nhiễm HIV không có khả năng lao động; 833 người cao tuổi cô đơn, không nơi nương tựa, hộ nghèo;13.863 người cao tuổi từ đủ 80 tuổi trở lên; 1.125 đối tượng đơn thân nuôi nhỏ, hộ nghèo; 16.529 người khuyết tật; 4.058 hộ gia đình trực tiếp nuôi dưỡng, chăm sóc NKT ĐB nặng; 60 hộ gia đình, cá nhân nhận kinh phí chăm sóc trẻ em con NKT nặng, đặc biệt nặng.

Ngay từ đầu năm, tỉnh đã xây dựng kế hoạch, phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể tổ chức vận động nhân dân phát huy truyền thống tương thân, tương ái thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, chăm lo chu đáo đời sống vật chất và tinh thần cho các tầng lớp nhân dân, nhất là các gia đình chính sách, đồng bào nghèo...bảo đảm không để hộ nghèo nào thiếu đói. Chương trình xây dựng nông thôn mới trong những năm qua đã đạt được những thành tựu quan trọng, sau khi sáp nhập có 49 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm tỷ lệ 48,5%. Cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội, hệ thống cơ sở vật chất văn hóa, trường học được đầu tư xây mới, cải tạo đạt chuẩn; chính sách cho vay ưu đãi hộ nghèo, hộ cận nghèo, hổ trợ giống cây trồng, vật nuôi…giúp nông dân phát triển sản xuất, cải thiện đời sống. Tuy nhiên, trong 6 tháng đầu năm 2020 do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 một bộ phận người dân bị mất việc làm, giãn việc…nên thu nhập bị giảm sút, đời sống gặp khó khăn. Thực hiện Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 09/4/2020 của Chính phủ và Quyết định số 15/QĐ-TTg ngày 24/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 1943/KH-UBND về thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh. Nhìn chung, 6 tháng đầu năm 2020 do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 đời sống dân cư nói chung và đặc biệt là đời sống dân cư khu vực nông thôn có khó khăn nhưng nhờ làm tốt công tác an sinh xã hội nên tình hình thiếu đói không xảy ra.

Đời sống của cán bộ, công chức và người lao động trong các doanh nghiệp nhìn chung ổn định. Theo Nghị định số 90/2019/NĐ-CP ngày 15/11/2019 của Chính phủ quy định mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động áp dụng từ ngày 01/01/2020 tăng từ 150.000 - 240.000 đồng/tháng, đã góp phần ổn định đời sống cho người lao động. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, một bộ phận người lao động trong các doanh nghiệp bị mất việc làm, giãn việc, thu nhập giảm sút nên đời sống có khó khăn.

2.2. An sinh xã hội

Công tác chăm lo đời sống cho nhân dân trong dịp Tết được các cấp, các ngành tiến hành đảm bảo kịp thời đến tay người dân trước khi đón Tết. Trong dịp Tết Nguyên đán Canh Tý năm 2020 trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đã trao tặng tổng số 93.770 suất quà cho người có công, gia đình chính sách người có công, người nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội, người cao tuổi, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn và các đối tượng khác với tổng kinh phí là 42.243 triệu đồng; trong đó, hổ trợ hộ nghèo ăn Tết 14.877 suất quà với tổng kinh phí 7.458 triệu đồng. Cụ thể:

- Quà tặng của Chủ tịch Nước cho người có công và gia đình chính sách  người có công (Theo Quyết định số 2422/QĐ-CTN ngày 31/12/2019 của Chủ tịch nước về tặng quà cho đối tượng có công với cách mạng nhân dịp Tết Nguyên đán Canh Tý năm 2020): Trao tặng 31.652 suất quà cho người có công và gia đình  chính sách người có công, kinh phí tặng quà 6.445 triệu đồng.

- Ngân sách địa phương (tỉnh/huyện): Trao tặng 6.873 suất quà cho gia đình người có công, gia đình chính sách có công với cách mạng, người nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội và các đối tượng chính sách khác; kinh phí tặng quà 3.047 triệu đồng.

- Quỹ từ Chương trình “Nối vòng tay nhân ái” năm 2020 (do UBMTTQ VN tỉnh chủ trì, phối hợp với Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Đài Phát thanh – Truyền hình tỉnh, Hội Chữ Thập Đỏ tỉnh tổ chức): Trao tặng 23.200 suất quà cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn trị giá 11.600 triệu đồng.   

- Các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức chính trị xã hội, cá nhân hảo tâm đã tặng 32.045 suất quà cho gia đình chính sách, người có công, người nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội, người cao tuổi, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn; với tổng trị giá  21.151 triệu đồng.

Thực hiện Nghị quyết số 42/NQ-CP và Quyết định số 15/QĐ-TTg về chính sách hổ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh; đã  chi trả hổ trợ đối với 4 nhóm đối tượng (người có công với cách mạng, đối tượng bảo trợ xã hội và người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo) toàn tỉnh là 139.220 người được hổ trợ; tổng kinh phí đã hổ trợ là 137.711,25 triệu đồng.

Ngoài ra, trong thời gian giáp hạt năm 2020 tỉnh đã phân bổ 583,86 tấn gạo của Chính phủ hổ trợ để cứu trợ cho 7.693 hộ nghèo (38.924 nhân khẩu) vùng dân tộc thiểu số miền núi ở 2 huyện Đakrông và Hướng Hóa.

3. Giáo dục - đào tạo

Trong 6 tháng đầu năm 2020, trên địa bàn tỉnh thành lập mới 02 trường học  (01 trường liên cấp gồm 3 cấp học và 01 trường mầm non tư thục. Hiện nay, quy mô, mạng lưới trường, lớp học đã được tổ chức, sắp xếp lại từng bước hợp lý, cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu học tập của con em trong tỉnh. Toàn tỉnh có 409 cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông và các trung tâm (388 đơn vị công lập, 21 đơn vị tư thục).

Ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Trị đã thực hiện nghiêm túc công tác phòng chống dịch COVID-19 trong trường học trên địa bàn tỉnh theo chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, UBND tỉnh Quảng Trị.

Sau thời gian nghỉ học dài ngày để phòng chống dịch COVID-19, trước nguy cơ học sinh bỏ học cao, các cơ sở giáo dục đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp vận động học sinh đến trường, thực hiện tốt việc duy trì số lượng, hạn chế tối đa tình trạng học sinh bỏ học. Đến tháng 5/2020, toàn tỉnh có 167 học sinh bỏ học.

Công tác xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia đã được ngành Giáo dục và Đào tạo, các địa phương tiếp tục quan tâm. Tính đến 30/4/2020, toàn tỉnh có 240/397 trường mầm non, phổ thông đạt chuẩn quốc gia, đạt tỷ lệ 60,45%; trong đó: mầm non 102/169 trường, tỷ lệ 60,35%; tiểu học 60/70 trường, tỷ lệ 85,71%; THCS 41/45 trường, tỷ lệ 91,11%; TH&THCS 37/81 trường, tỷ lệ 45,67% và THPT 9/30 trường, tỷ lệ 30%.

Tổ chức kỳ thi chọn học sinh giỏi văn hóa quốc gia lớp 12 THPT tại tỉnh Quảng Trị. Kết quả có 30 học sinh đạt giải (6 giải Nhì, 10 giải Ba và 14 giải Khuyến khích), tăng 5 giải so với năm 2019. Em Văn Ngọc Tuấn Kiệt, học sinh trường THPT thị xã Quảng Trị, giành vé vào chung kết Đường lên đỉnh Olympia. Cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia học sinh trung học năm học 2020 – 2021 tại Đà Nằng tỉnh Quảng Trị đạt 2 giải (01 giải Nhất và 01 giải Tư).

4. Y tế

4.1. Tình hình khám, chữa bệnh

Mạng lưới y tế tiếp tục được củng cố, chú trọng đầu tư cơ sở vật chất, kỹ thuật cho công tác y tế. Đến nay toàn tỉnh có 162 cơ sở y tế (20 Bệnh viện và Phòng khám đa khoa khu vực; 141 trạm y tế xã, phường, thị trấn; 01 cơ sở y tế khác); có 2.025 giường bệnh (không kể trạm xá).

Đội ngũ cán bộ y tế ngày càng được tăng cường về số lượng và chất lượng chuyên môn; có 3.021 cán bộ ngành y, tăng 2,97% so với cùng kỳ năm trước (trong đó có 621 bác sĩ trở lên, tăng 2,48%); có 229 cán bộ ngành dược, tăng 6,02% (trong đó có 65 dược sỹ cao cấp trở lên, tăng 14,04%).

Công tác khám, chữa bệnh được duy trì tốt và có chất lượng. Tuy nhiên, trong 6 tháng đầu năm 2020 do thực hiện giãn cách xã hội để phòng chống dịch COVID-19 nên số lượt người khám bệnh và số bệnh nhân điều trị nội trú đều giảm so với cùng kỳ năm trước. Sáu tháng đầu năm 2020, ước tính có 204.219 lượt người khám bệnh, giảm 65,22% so với cùng kỳ năm trước; 28.772 lượt bệnh nhân điều trị nội trú, giảm 58,16%; số ngày điều trị nội trú 150.152 ngày, giảm 66,67%.

4.2. Tình hình dịch bệnh, HIV/AIDS và ngộ độc thực  phẩm

Công tác phòng chống dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh được tiến hành khẩn trương, chủ động và quyết liệt. Tính đến nay tỉnh Quảng Trị chưa ghi nhận trường hợp nào dương tính với COVID-19. Mặc dù Việt Nam cơ bản kiểm soát được dịch bệnh nhưng do chưa có thuốc đặc trị nên công tác phòng chống dịch vẫn còn kéo dài. Công tác cách ly tập trung vẫn được thực hiện nghiêm túc; việc nhập cảnh tại các cửa khẩu chính, cửa khẩu phụ, kể cả các lối mở luôn được kiểm soát chặt chẽ. Đối với các chuyên gia nước ngoài được nhập cảnh đều phải cách ly và phải chi trả chi phí; mỗi địa phương duy trì một khu cách ly tối thiểu đảm bảo phục vụ 100 người. Thực hiện 32 khu cách ly tập trung với các điều kiện phòng chống lây nhiễm COVID-19 theo quy định với tổng số người được cách ly là: 8.578 người (cách ly tại nhà 2.658 người; cách ly điều trị y tế tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh 124 người; cách ly tập trung 5.796 người).

Trong tháng, trên địa bàn tỉnh có 543 trường hợp mắc bệnh cúm; 23 trường hợp mắc bệnh lỵ Amip; 32 trường hợp mắc bệnh lỵ trực trùng; 05 trường hợp mắc bệnh quai bị; 15 trường hợp mắc bệnh thuỷ đậu; 111 trường hợp mắc bệnh tiêu chảy; 16 trường hợp mắc bệnh viêm gan virut; 15 trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết; 08 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng...Tính chung 6 tháng đầu năm 2020, trên địa bàn tỉnh có 3.231 trường hợp mắc bệnh cúm, giảm 21,88% so với cùng kỳ năm trước; 89 trường hợp mắc bệnh lỵ Amip, giảm 1,11%; 172 trường hợp mắc bệnh lỵ trực trùng, giảm 22,87%; 26 trường hợp mắc bệnh quai bị, giảm 70,11%; 149 trường hợp mắc bệnh thuỷ đậu, tăng 7,19%; 575 trường hợp mắc bệnh tiêu chảy, giảm 25,42%; 65 trường hợp mắc bệnh viêm gan virut, giảm 20,73%; 02 trường hợp mắc bệnh sốt rét, giảm 87,5%; 385 trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết, tăng 44,74%; 13 trường hợp mắc tay chân miệng, giảm 27,78%...Nhìn chung, hầu hết các loại bệnh dịch xảy ra trên địa bàn tỉnh đều giảm; riêng bệnh sốt xuất huyết có xu hướng tăng mạnh; không có trường hợp tử vong.

Trong tháng, không phát sinh trường hợp nhiễm HIV mới. Tính đến nay, số người nhiễm HIV còn sống tại Quảng Trị là 242 người (số trẻ em dưới 15 tuổi nhiễm HIV là 11 trẻ, số bà mẹ mang thai nhiễm HIV sinh con là 39 bà mẹ). Số bệnh nhân tử vong do AIDS toàn tỉnh tính đến thời điểm trên là 98 người.

Toàn tỉnh đang điều trị ARV cho 130 bệnh nhân HIV/AIDS, số bệnh nhân đang được điều trị theo chương trình điều trị cai nghiện thay thế bằng Methadone tích lũy là 299 bệnh nhân.

Trong tháng Sáu và 6 tháng đầu năm 2020, trên địa bàn tỉnh không có vụ ngộ độc thực phẩm lớn nào xảy ra; chỉ xảy ra một số vụ ngộ độc thức ăn nhẹ đã được kịp thời cứu chữa.

Trong 6 tháng đầu năm 2020, đã tiến hành thanh tra, kiểm tra 3.816 cơ sở; đã phát hiện 815 cơ sở vi phạm về quy định đảm bảo ATVSTP, tiến hành xử lý 78 cơ sở, trong đó: phạt tiền 46 cơ sở với số tiền xử phạt là 62 triệu đồng.

5. Hoạt động văn hóa, thể thao

Trong 6 tháng đầu năm 2020, toàn tỉnh đã tổ chức tốt các hoạt động tuyên truyền, cổ động trực quan chào mừng Kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam; Kỷ niệm 45 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước; 48 năm Ngày giải phóng tỉnh Quảng Trị…Tổ chức thành công Lễ Kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao... mừng Xuân Canh Tý 2020; tổ chức Lễ Thượng cờ kết hợp tổ chức lễ dâng hương, dâng hoa tại Thành Cổ Quảng Trị, Khu lưu niệm Tổng Bí thư Lê Duẩn phù hợp với diễn biến tình hình dịch bệnh COVID-19.

Các địa phương trong tỉnh tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao mừng Đảng, mừng Xuân Canh Tý – 2020 như: Đua thuyền truyền thống, Hội bài chòi, Lễ hội Chợ đình Bích La (Triệu Phong); Hội cù, Hội thi chẻ đá viên, Hội Đu truyền thống, Hội thi Đan troi (Gio Linh); Hội bài chòi, Hội ném cù (Vĩnh Linh); Hội vật cổ truyền, Lễ hội cầu ngư (Hải Lăng)...

Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện phong trào “TDĐKXDĐSVH” gắn với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, xây dựng văn minh đô thị. Đến ngày 31/5/2020, toàn tỉnh có 92,1% gia đình được công nhận và giữ vững danh hiệu “Gia đình văn hóa”, 98,7% thôn, làng, ấp, bản, tổ dân phố và tương đương được công nhận và giữ vững danh hiệu “Thôn văn hóa”, “Làng văn hóa”, “Ấp văn hóa”, “Bản văn hóa”, “Tổ dân phố văn hóa” và tương đương; 94,1% cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa; 80% xã, phường, thị trấn có Trung tâm VH-TT; 94,9% làng, bản, khu phố có Nhà văn hóa- Khu thể thao; 51,3% xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới; 37,5% phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị.

Chú trọng đưa hoạt động văn hóa, văn nghệ về cơ sở, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho nhân dân, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa, miền núi, biên giới hải đảo. Trung tâm Văn hóa – Điện ảnh tỉnh đã tổ chức 122 buổi chiếu phim với gần 133.300 người xem; Đoàn Nghệ thuật truyền thống tỉnh tổ chức 30 buổi diễn phục vụ nhiệm vụ chính trị, kỷ niệm các ngày lễ lớn của quê hương, đất nước.

Thể dục thể thao quần chúng được đẩy mạnh và nâng cao chất lượng hoạt động. Đến nay, tỉ lệ người tập TDTT thường xuyên đạt 33%; tỉ lệ gia đình thể thao đạt 26,6%; có 788 câu lạc bộ và điểm tập TDTT, có 03 liên đoàn và hiệp hội.

Phối hợp tổ chức thành công giải Bóng chuyền nam chào mừng Kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Đảng Cộng Sản Việt Nam; Phối hợp với Đài Phát tranh - Truyền hình tỉnh và Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức Giải Bóng đá U11 Cúp QRTV năm 2020.

Thể thao thành tích cao được chú trọng. Các lớp năng khiếu, đội tuyển tỉnh và đội tuyển trẻ duy trì tập luyện và thi đấu thường xuyên theo kế hoạch; một số VĐV được gửi tập huấn tại các Trung tâm Huấn luyện Thể thao trên toàn quốc nhằm chuẩn bị lực lượng tham gia các giải trong năm 2020 và Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ IX năm 2022. Tổng số VĐV được đào tạo tại Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT tỉnh 108 VĐV (Trong đó có: 61 VĐV tuyến năng khiếu, 23 VĐV tuyến trẻ, 24 VĐV tuyến tỉnh). Tham gia thi đấu giải Việt dã Báo Đà Nẵng mở rộng đạt 01 huy chương Vàng.

6. Tình hình thiên tai, cháy nổ và bảo vệ môi trường

Trong 6 tháng đầu năm 2020, áp thấp nhiệt đới, lốc xoáy trên địa bàn tỉnh đã làm 3 nhà bị sập, 181 nhà bị hư hại, 1329,7 ha lúa và 17 ha hoa màu bị thiệt hại; tổng giá trị thiệt hại ước tính 137.867 triệu đồng.  

Từ đầu năm đến nay trên địa bàn tỉnh xảy ra 43 vụ cháy, giảm 36,76% (-25 vụ) so với cùng kỳ năm trước; tổng giá trị thiệt hại 3.994 triệu đồng, giảm 60,34%; 01 người bị thương.

Từ đầu năm đến nay phát hiện 72 vụ vi phạm môi trường, giảm 44,19% so với cùng kỳ năm trước; xử lý 68 vụ, giảm 45,60%; số tiền xử phạt 189,5 triệu đồng, giảm 55,94%.

7. Tai nạn giao thông

Theo Báo cáo của Ban ATGT tỉnh, 6 tháng đầu năm 2020 (Từ 15/12/2019 đến 14/6/2020) trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 70 vụ tai nạn giao thông, làm chết 38 người, bị thương 50 người; so với cùng kỳ năm trước số vụ giảm 2,78% (-02 vụ), số người chết giảm 33,33% (-19 người), số người bị thương tăng 11,11% (+05 người). Trong tất cả các vụ tai nạn giao thông 6 tháng đầu năm 2020, đường bộ xảy ra 69 vụ, làm chết 37 người và bị thương 50 người, đường sắt xảy ra 01 vụ làm chết 01 người.

► Số liệu KT-XH 6 tháng năm 2020

 

  CỤC THỐNG KÊ QUẢNG TRỊ


Hoạt động trong ngành
Quyết định về việc công bố công khai dự toán ngân sách năm 2024 của Cơ quan Cục Thống kê tỉnh Quảng Trị - 05/11/2024
Quyết định về việc công bố công khai dự toán ngân sách năm 2024 của Cơ quan Cục Thống kê tỉnh Quảng Trị năm 2024 - 05/11/2024
Công khai dự toán ngân sách năm 2024 của Cục Thống kê Quảng Trị - 28/10/2024
Công bố công khai dự toán ngân sách năm 2024 của Cục Thống kê tỉnh Quảng Trị - 28/10/2024
Công khai dự toán ngân sách năm 2024 Cục Thống kê Quảng Trị - 18/10/2024
Quyết định về việc công khai dự toán ngân sách năm 2024 của Cục Thống kê tỉnh Quảng Trị - 11/10/2024
Quyết định về việc công khai quyết toán ngân sách năm 2023 của Cơ quan Cục Thống kê Quảng Trị - 30/08/2024
CÔNG BỐ CÔNG KHAI DỰ TOÁN NGÂN SÁCH NĂM 2024 - 16/08/2024
Quyết định về việc công bố công khai dự toán ngân sách năm 2024 của Cục Thống kê tỉnh Quảng Trị - 01/07/2024
TÌNH HÌNH SỬ DỤNG TÀI SẢN CÔNG NĂM 2023 - 05/03/2024
CÔNG KHAI DỰ TOÁN NGÂN SÁCH NĂM 2024 - 28/02/2024
CÔNG KHAI QUYẾT TOÁN NGÂN SÁCH - 18/09/2023
Hoạt động của nữ công Cục Thống kê Quảng Trị chào mừng ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10/2022 - 19/10/2022
TUYỂN DỤNG CÔNG CHỨC NĂM 2022 - 01/06/2022
THÔNG BÁO KẾT LUẬN THANH TRA - 25/05/2022
HỘI NGHỊ THỐNG KÊ TOÀN QUỐC - 18/03/2022
KỶ NIỆM 75 NĂM NGÀY THÀNH LẬP NGÀNH THỐNG KÊ (06/5/1946-06/5/2021) - 25/04/2021
ĐIỀU TRA NÔNG THÔN NÔNG NGHIỆP GIỮA KỲ NĂM 2020 - 30/06/2020
TUYỂN DỤNG CÔNG CHỨC NĂM 2019 - 11/04/2019
Ý kiến kết luận của chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Chính tại buổi làm việc với Cục Thống kê - 30/08/2018
Chỉ thị của Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị về việc chuẩn bị Tổng điều tra Dân số nhà ở thời điểm 0 giờ ngày 01 tháng 4 năm 2019 trên địa bàn tỉnh - 23/08/2018
Lễ công bố quyết định thành lập Chi đoàn Cục Thống kê Quảng Trị - 14/12/2017
Quyết tâm tổ chức thực hiện thắng lợi cuộc Tổng điều tra kinh tế 2017 trên địa bàn tỉnh Quảng Trị - 16/03/2017
Thông báo lịch thi tuyển CC và triệu tập thí sinh 2017 - 23/02/2017
Hoạt động trong ngành tháng 2 năm 2014 - 05/03/2014
Hoạt động trong ngành tháng 1 năm 2014 - 23/01/2014
Hoạt động trong ngành tháng 12 năm 2013 - 02/01/2014
Hoạt động trong ngành tháng 10 năm 2013 - 01/11/2013
Hoạt động trong ngành tháng 9 năm 2013 - 02/10/2013
Hoạt động trong ngành tháng 8 năm 2013 - 03/09/2013
Hoạt động trong ngành tháng 7 năm 2013 - 01/08/2013
Hoạt động trong ngành tháng 6 năm 2013 - 01/07/2013
Hoạt động trong ngành tháng 5 năm 2013 - 05/06/2013
Hoạt động trong ngành tháng 4 năm 2013 - 07/05/2013
Hoạt động trong ngành tháng 3 năm 2013 - 02/04/2013
Hoạt động trong ngành tháng 2 năm 2013 - 02/04/2013
Hoạt động trong ngành tháng 12 năm 2012 - 28/12/2012
Hoạt động trong ngành tháng 11 năm 2012 - 30/11/2012
Hoạt động trong ngành tháng 10 năm 2012 - 02/11/2012
Kỷ niệm ngày thống kê thế giới - 18/10/2012
Hoạt động trong ngành tháng 9 năm 2012 - 01/10/2012
Hội nghị công tác thống kê tổng hợp năm 2012 - 16/08/2012
Hoạt động trong ngành tháng 7 năm 2012 - 01/08/2012
Hoạt động trong ngành tháng 6 năm 2012 - 02/07/2012
Hội thảo góp ý Thông tư hướng dẫn thực hiện Bộ chỉ tiêu thống kê phát triển giới của quốc gia - 15/06/2012
Hoạt động trong ngành tháng 5 năm 2012 - 04/06/2012
Hoạt động trong ngành tháng 4 năm 2012 - 02/05/2012
Hoạt động trong ngành tháng 3 năm 2012 - 30/03/2012
Hoạt động trong ngành tháng 2 năm 2012 - 02/03/2012
Hoạt động trong ngành tháng 1 năm 2012 - 03/02/2012
Báo cáo tổng kết công tác 2011 và phương hướng nhiệm vụ năm 2012 do Ông: Nguyễn Thanh Nghị - Phó cục trưởng trình bày tại Hội nghị tổng kết ngành năm 2011 - 17/01/2012
Báo cáo tổng kết công tác thi đua - khen thưởng năm 2011 do Ông: Trần Ánh Dương - Phó cục trưởng trình bày trước Hội nghị Tổng kết ngành - 17/01/2012
Bài phát biểu của đồng chí Đỗ Thức, Tổng cục trưởng, tại Hội nghị triển khai kế hoạch công tác năm 2012 của ngành Thống kê - 11/01/2012
Hoạt động trong ngành tháng 12 năm 2011 - 30/12/2011
Hội nghị công bố kết quả điều tra đánh giá tình hình trẻ em và phụ nữ 2010-2011 - 19/12/2011
Hoạt động trong ngành tháng 11 năm 2011 - 28/11/2011
Hoạt động trong ngành tháng 10 năm 2011 - 28/11/2011
Hoạt động trong ngành tháng 9 năm 2011 - 30/09/2011
Hoạt động trong ngành tháng 8 năm 2011 - 25/08/2011
Hoạt động trong ngành tháng 7 năm 2011 - 24/08/2011
Hoạt động trong ngành tháng 6 năm 2011 - 22/08/2011
Hoạt động trong ngành tháng 5 năm 2011 - 22/08/2011
Hoạt động trong ngành tháng 4 năm 2011 - 22/08/2011
Hoạt động trong ngành tháng 3 năm 2011 - 22/08/2011
Hoạt động trong ngành tháng 2 năm 2011 - 22/08/2011
Hoạt động trong ngành tháng 1 năm 2011 - 22/08/2011
Điều tra 53 DT thiểu số năm 2024

HỎI ĐÁP ĐIỀU TRA KT-XH
CỦA 53 DT THIỂU SỐ

Công báo chính phủ Tổng cục Thống kê
Mạng riêng của ngành Biểu chế độ báo cáo Cục Thống kê tỉnh năm 2013