* Cục trưởng Cục Thống kê Quảng Trị TRẦN ÁNH DƯƠNG trả lời phỏng vấn
- Thưa ông! Đề nghị ông cho biết khái quát về tình hình kinh tế - xã hội (KT - XH) 4 tháng đầu năm 2021?
Trong những tháng đầu năm 2021, tỉnh tiến hành các hoạt động phát triển KT - XH trong điều kiện còn gặp nhiều khó khăn do tác động nặng nề của COVID-19 và trận lũ lịch sử năm 2020, nhưng nhờ sự lãnh đạo, chỉ đạo sát, đúng của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, sự điều hành linh hoạt của UBND tỉnh nên nhiều lĩnh vực KT - XH có sự khởi động khá tốt.
|
Cục Thống kê Quảng Trị được Chính phủ tặng Cờ thi đua xuất sắc năm 2020- Ảnh: TRẦN VĂN TRUNG
|
Vụ đông xuân năm 2020 - 2021, các loại cây trồng phát triển tốt. Đến nay, một số vùng đang bước vào thu hoạch lúa, dự ước đây là một mùa vụ bội thu. Về chăn nuôi, đàn lợn phục hồi nhanh sau dịch tả lợn Châu Phi năm trước, chăn nuôi gia cầm tăng trưởng khá. Tính chung 4 tháng đầu năm 2021, sản lượng thịt hơi xuất chuồng ước tính đạt 15.662 tấn, tăng 34,59% so với cùng kỳ năm trước. Diện tích rừng trồng mới tập trung ước tính đạt 1.060 ha, tăng 1,24% so với cùng kỳ năm trước; sản lượng gỗ khai thác 338.710 m3 , tăng 6,53%. Tổng sản lượng thủy sản ước tính đạt 12.503 tấn, tăng 0,93% so với cùng kỳ năm trước.
Chỉ số sản xuất công nghiệp 4 tháng đầu năm 2021 tăng 8,46% so với cùng kỳ năm trước. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 4 tháng đầu năm 2021 tăng 14,19% so với cùng kỳ năm trước.
Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn 4 tháng đầu năm 2021 đạt khá so với dự toán, nhất là thu từ hoạt động xuất nhập khẩu. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn từ đầu năm đến ngày 18/4/2021 đạt 1.304,596 tỉ đồng, bằng 37,81% dự toán địa phương và tăng 47,7% so với cùng kỳ năm trước; trong đó thu nội địa 882,51 tỉ đồng, bằng 29,71% dự toán và tăng 15,2%; thu từ hoạt động xuất, nhập khẩu 418,263 tỉ đồng, bằng 87,14% dự toán và tăng 266,44% so với cùng kỳ năm 2020. Chi ngân sách nhà nước chủ yếu đảm bảo nhu cầu…
Tình hình thực hiện vốn đầu tư từ nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý khởi sắc hơn. Tuy nhiên, kết quả giải ngân 4 tháng đầu năm 2021 vẫn đạt thấp so với kế hoạch (19,1%) và giảm 7,78% so với cùng kỳ năm trước. Theo số liệu Kho bạc Nhà nước tỉnh, từ đầu năm đến ngày 15/4/2021, Kho bạc Nhà nước tỉnh đã giải ngân 159 tỉ đồng nguồn vốn ngân sách nhà nước địa phương do tỉnh quản lý, đạt 4,37% kế hoạch năm 2021.
- Ông có nhận định gì về khả năng đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế (GRDP) năm 2021 từ 6,5 - 7%?
Chỉ mới 4 tháng đầu năm mà đưa ra ý kiến hoàn thành kế hoạch cả năm là quá sớm. Tuy nhiên, về mục tiêu tăng trưởng kinh tế có nhiều băn khoăn, lo lắng. Tôi xin nêu ra một vài vấn đề trong số đó: Tuy tình hình KT - XH 4 tháng có những kết quả khá trong điều kiện nền kinh tế cả nước nói chung và Quảng Trị nói riêng đang trong quá trình phục hồi sau ảnh hưởng rất nặng của COVID-19 và lũ lụt năm 2020, tốc độ tăng trưởng GRDP của tỉnh quý I ước đạt 5,27%, cao hơn cả nước (cả nước 4,48%). Nhưng đây là kết quả thấp nhất so với quý I các năm trước (thấp hơn khoảng 1%). Việc thấp hơn này sẽ tạo áp lực rất lớn cho các quý còn lại của năm, nhất là tình hình COVID-19 trong nước và các nước trong khu vực, thế giới đang có nhiều diễn biến phức tạp sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả của cả nước, trong đó có Quảng Trị. Mặt khác, về mặt chủ quan thì công tác giải ngân vốn đầu tư vẫn còn “nghẽn”, nếu không được khắc phục kịp thời rất có thể bị Chính phủ nhắc nhở.
Ngoài ra, điều rất dễ nhận thấy là việc kêu gọi nhà đầu tư, khởi công dự án khá nhiều nhưng nhìn lại tiến độ thực hiện các dự án rất chậm, điều này xảy ra đối với các công trình, dự án chào mừng kỷ niệm 30 năm lập lại tỉnh. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh tuy có cải thiện nhưng trong bảng xếp hạng Quảng Trị vẫn ở vị trí thấp, khả năng cạnh tranh còn đứng sau 40 tỉnh, thành phố, đó là bất lợi trong thu hút các nguồn lực, nhà đầu tư…
Khi nói về nguyên nhân thành công của tỉnh Quảng Ninh, Trung ương nhận định là nhờ “Tư duy đột phá, hành động quyết liệt”. Từ nhận định này, liên hệ đến tỉnh Quảng Trị, tôi cho rằng cần hết sức lưu ý đến vế sau “Hành động quyết liệt”. Nội dung này không phải là mới, Quảng Trị đã có trong chủ đề phát triển của tỉnh năm 2020. Tuy các ngành, địa phương đã ký cam kết nhưng kiểm điểm lại việc thực hiện “Hành động quyết liệt” có lẽ đang có vấn đề. Vì vậy, để đạt được mục tiêu tăng trưởng năm 2021 là 6,5 - 7% thì phải quyết tâm khắc phục những hạn chế, thực hiện cho đúng và hiệu quả cao các nội dung đã ký cam kết.
- Gần đây, giải trình của cơ quan chức năng rằng, để đạt được mục tiêu tăng trưởng hằng năm và cả giai đoạn 2021 - 2025 bình quân 7,5 - 8% là nhờ vào nguồn lực điện, phấn đấu đến năm 2022 đạt được 4.000 MW và đến năm 2025 đạt được 4.500 MW. Ông có ý kiến gì về vấn đề này?
Trước hết, để tránh sự “tự mâu thuẫn” tôi xin giữ lại một con số là phấn đấu đạt 4.500 MW vào năm 2025. Còn đưa ra lộ trình như câu hỏi nêu thì từ việc xây dựng kế hoạch đó tôi có thể khẳng định điện không phải là nhân tố cho phát triển và ngược lại đang kìm hãm sự phát triển của các năm 2023, 2024 và 2025.
Mặt khác, có lẽ ở đây có sự thiếu chính xác về quan điểm cho rằng điện là nguồn lực. Đúng hơn, điện là sản phẩm tương tự như các sản phẩm của các ngành sản xuất khác. Tức là muốn sản xuất được điện thì cần phải có nguồn lực đầu tư như: Lao động, tài lực, vật lực, chính sách, KHCN, tài nguyên… Phân biệt rõ điều này là vô cùng quan trọng. Ví dụ như nói đến một cuộc thi điền kinh chỉ đề cập đến kết quả mà không quan tâm đến sức khỏe của vận động viên, chiến thuật thi đấu, việc phân bổ sức lực, thời gian trong quá trình thi đấu, thậm chí xác định sai vạch xuất phát nên chưa thi đấu đã bị loại do phạm quy.
Còn để đạt được mục tiêu tăng trưởng hằng năm và cả nhiệm kỳ sẽ liên quan đến nhiều vấn đề. Tuy nhiên, tôi chỉ đề cập đến một khía cạnh là không nên “đặt cược” mục tiêu tăng trưởng vào bất cứ một ngành, một lĩnh vực, một sản phẩm cụ thể nào, càng không thể là điện, mặc dù điện rất quan trọng. Điều này cần xét về quy mô, tỉ trọng, đóng góp cho tăng trưởng và những rủi ro gặp phải.
Từ câu hỏi của nhà báo, tôi lại đặt cho mình câu hỏi là: Với 42.000 tỉ đồng để đầu tư cơ sở hạ tầng tạo cú đột phá, thành phố Hải Phòng có tốc độ tăng trưởng bình quân trên 2 con số, giai đoạn 2016 - 2020, tạo cho Hải Phòng “cất cánh” và nằm trong tốp đầu tăng trưởng của cả nước. Thế với lượng vốn đầu tư gấp khoảng 4 lần của Hải Phòng cho lĩnh vực điện thì Quảng Trị đã có phương án huy động, quản lý, sử dụng vốn thế nào? Và chỉ để thúc đẩy tăng trưởng GRDP cho cả nhiệm kỳ từ 7,5 - 8% thôi sao? Cho dù không quan tâm đến kết quả mà chỉ tạo đà bứt phá thì đó cũng là vấn đề rất cần các cơ quan chuyên môn quan tâm giải quyết.
- Xin trân trọng cảm ơn ông!
Hà Vân An (thực hiện)