Trong 6 tháng đầu năm 2021, trên địa bàn tỉnh dịch COVID-19 bùng phát trở lại nhưng đã kịp thời khoanh vùng dập dịch, kiểm soát tốt; các ngành kinh tế đang trên đà phục hồi và phát triển. Tuy nhiên, cũng đối mặt với không ít khó khăn, thách thức: hậu quả của dịch COVID-19 và thiên tai lũ lụt năm 2020 còn nặng nề; nhiều dự án đầu tư trọng điểm của tỉnh chậm được triển khai; ngành công nghiệp quy mô nhỏ bé, sản phẩm công nghiệp khả năng cạnh tranh thấp; một bộ phận dân cư gặp khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, nhất là khu vực nông thôn, miền núi…Trước tình hình đó, UBND tỉnh đã chỉ đạo quyết liệt các Sở, ban, ngành, địa phương thực hiện đồng bộ, hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp đã đề ra trong trong Chương trình hành động của UBND tỉnh thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01/01/2021 của Chính phủ; Kết luận số 05-KL/TU ngày 03/12/2020 của Tỉnh ủy và Nghị quyết số 83/2020/NQ-HĐND ngày 09/12/2020 của HĐND tỉnh về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021.
Tình hình kinh tế - xã hội tỉnh Quảng Trị 6 tháng đầu năm 2021 đạt được những kết quả như sau:
1. Tăng trưởng kinh tế
Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) 6 tháng đầu năm 2021 ước tính tăng 6,10% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng 4,17% của 6 tháng đầu năm 2020. Kết quả trên cho thấy hiệu quả của việc thực hiện mục tiêu kép “vừa phòng chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe nhân dân, vừa khôi phục, phát triển kinh tế".
Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) 6 tháng đầu năm 2021 (GSS2010) ước tính tăng 6,10% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản tăng 4,69%, đóng góp 1,12 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung; khu vực công nghiệp - xây dựng tăng 9,23%, đóng góp 2,16 điểm phần trăm; khu vực dịch vụ tăng 5,16%, đóng góp 2,51 điểm phần trăm; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 7,71%, đóng góp 0,31 điểm phần trăm.
Về cơ cấu kinh tế: Sáu tháng đầu năm 2021, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 24,76%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 24,50%; khu vực dịch vụ chiếm 46,74%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 4% (cơ cấu tương ứng của 6 tháng đầu năm 2020 là: 24,99%; 23,43%; 47,58%; 4%).
2. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản
Sản xuất nông lâm, nghiệp và thủy sản 6 tháng đầu năm 2021, cây hàng năm vụ Đông Xuân được mùa; năng suất hầu hết các loại cây trồng đều cao hơn năm trước, cây lúa cho năng suất cao nhất từ trước đến nay. Cây lâu năm do giá bán sản phẩm thiếu ổn định nên phát triển chậm. Chăn nuôi lợn phục hồi nhanh sau dịch tả lợn Châu Phi, chăn nuôi gia cầm phát triển tốt. Sản xuất lâm nghiệp, thủy sản do ít bị ảnh hưởng của dịch COVID-19 tăng trưởng ổn định.
Giá trị tăng thêm khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản 6 tháng đầu năm 2021 (GSS2010) ước tính đạt 2.393,9 tỷ đồng, tăng 4,69% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, nông nghiệp 1.569,6 tỷ đồng, tăng 5,15%; lâm nghiệp 463,7 tỷ đồng, tăng 3,32%; thủy sản 360,6 tỷ đồng, tăng 4,46%.
a) Nông nghiệp
Vụ Đông Xuân năm 2020-2021, toàn tỉnh đã gieo trồng được 40.237,2 ha các loại cây hàng năm, tăng 0,21% so với vụ Đông Xuân năm 2019-2020. Trong đó: cây lúa gieo cấy 25.944,6 ha, giảm 0,59%; cơ cấu chủ yếu các loại giống lúa ngắn ngày và cực ngắn như: HN6, Bắc Thơm 7, Khang Dân, HC95, Thiên Ưu 8, HT1…; cây ngô gieo trồng 3.323,2 ha, tăng 13,40%; khoai lang 1.180,4 ha, giảm 13,31%; lạc 3.009,7 ha, tăng 2,35%; rau các loại 3.890,1 ha, tăng 7,22%; đậu các loại 567,4 ha, giảm 6,88%; cây ớt cay 407,3 ha, tăng 4,81%...
Năng suất lúa ước tính đạt 61 tạ/ha, tăng 2,3 tạ/ha so với vụ Đông Xuân năm trước; năng suất ngô 37,3 tạ/ha, tăng 0,5 tạ/ha; năng suất khoai lang 83 tạ/ha, tăng 0,1 tạ/ha; năng suất lạc 22,7 tạ/ha, tăng 1,2 tạ/ha; năng suất rau các loại 108,1 tạ/ha, tăng 1,4 tạ/ha; năng suất đậu các loại 12,4 tạ/ha, tăng 0,3 tạ/ha; năng suất cây ớt cay 56,4 tạ/ha, tăng 0,4 tạ/ha…
Tổng sản lượng lương thực có hạt vụ Đông Xuân năm 2020-2021 ước tính đạt 170.659,6 tấn, tăng 4,01% (+6.578,9 tấn) so với vụ Đông Xuân năm trước; trong đó: lúa 158.262,1 tấn, tăng 3,24% (+4.966,2 tấn); ngô 12.395,5 tấn, tăng 14,95% (+1.611,7 tấn). Sản lượng khoai lang ước tính đạt 9.797,6 tấn, giảm 13,21% (-1.490,9 tấn); lạc 6.832 tấn, tăng 8,07% (+509,9 tấn); rau các loại 42.057,2 tấn, tăng 8,61% (+3.334,6 tấn); đậu các loại 704,6 tấn, giảm 4,63% (-34,2 tấn); ớt cay 2.297,2 tấn, tăng 5,64% (+122,6 tấn)…
Tổng diện tích cây lâu năm hiện có là 33.113,1 ha, tăng 0,28% so với cùng thời điểm năm trước; trong đó: cây cà phê 4.435 ha, giảm 3,17%; cây cao su 19.046 ha, tăng 0,16%; cây hồ tiêu 2.527 ha, tăng 0,48%; cây chuối 4.320 ha, tăng 0,12%; cây dứa 350 ha, tăng 0,57%...Sản lượng thu hoạch 6 tháng đầu năm 2021: cao su 8.200 tấn, tăng 7,61% so với cùng kỳ năm trước; hồ tiêu 2.238,2 tấn, giảm 15,86%; chuối 45.600 tấn, tăng 2,08%; dứa 3.026 tấn, tăng 4,71%...
Ước tính đến 30/6/2021, đàn trâu có 21.895 con, giảm 0,93% so với cùng thời điểm năm 2020; đàn bò có 55.935 con, giảm 1,00%; đàn lợn có 177.135 con, tăng 14,94%, trong đó: đàn lợn thịt có 123.500 con, tăng 22,02%; đàn gia cầm có 3.621,8 nghìn con, tăng 10,70%, trong đó: đàn gà 2.850 nghìn con, tăng 11,26%...
Sản lượng thịt hơi xuất chuồng 6 tháng đầu năm 2021 ước tính đạt 22.769,7 tấn, tăng 26,51% so với cùng kỳ năm trước; trong đó: thịt lợn hơi 13.122,3 tấn, tăng 38,49%; thịt gia cầm hơi 7.510,9 tấn, tăng 17,35%...
b) Lâm nghiệp
Diện tích rừng trồng mới tập trung 6 tháng đầu năm 2021 ước tính đạt 1.463 ha, tăng 14,30% so với cùng kỳ năm trước; sản lượng gỗ khai thác 552.500 m3, tăng 3,54%; sản lượng củi khai thác 102.500 ster, tăng 6,22%...
Sáu tháng đầu năm 2021 trên địa bàn tỉnh không xảy ra cháy rừng. Phát hiện 62 vụ vi phạm lâm luật, xử lý vi phạm 51 vụ, tịch thu 71,1 m3 gỗ các loại.
c) Thủy sản
Tổng sản lượng thủy sản 6 tháng đầu năm 2021, ước tính đạt 19.820 tấn, tăng 0,93% so với cùng kỳ năm trước; trong đó: cá 13.825,7 tấn, tăng 0,34%; tôm 2.155 tấn, tăng 1,83%; thủy sản khác 3.839,3 tấn, tăng 2,58%. Cụ thể:
Sản lượng thủy sản nuôi trồng 3.666 tấn, tăng 3,54%; trong đó: cá 1.630,7 tấn, tăng 1,51%; tôm 2.020 tấn, tăng 5,21%. Sản lượng thủy sản khai thác 16.154 tấn, tăng 0,35%; trong đó: cá 12.195 tấn, tăng 0,19%; thủy sản khác 3.824 tấn, tăng 2,56%.
3. Sản xuất công nghiệp
Sáu tháng đầu năm 2021, dịch COVID-19 bùng phát trở lại nhưng đã kịp thời kiểm soát nên không ảnh hưởng nhiều đến sản xuất công nghiệp; chuổi cung ứng, tiêu thụ thuận lợi hơn; một số doanh nghiệp có thêm đơn hàng; hơn nữa, năm nay có một số dự án điện gió, điện mặt trời hoàn thành đi vào hoạt động nên sản xuất công nghiệp đã có những tín hiệu tích cực, tăng trưởng khá. Giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp 6 tháng đầu năm 2021 ước tính tăng 9,16% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn mức tăng 8,88% của cùng kỳ năm 2020.
Giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp 6 tháng đầu năm 2021 (GSS2010) ước tính đạt 1.271,9 tỷ đồng, tăng 9,16% so với cùng kỳ năm trước; trong đó: ngành khai khoáng 98,3 tỷ đồng, tăng 5,83%; công nghiệp chế biến, chế tạo 933,4 tỷ đồng, tăng 8,61%; sản xuất và phân phối điện 205 tỷ đồng, tăng 15,88%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải 35,2 tỷ đồng, giảm 1,98%.
Một số sản phẩm chủ yếu trong 6 tháng đầu năm 2021 so với cùng kỳ năm trước tăng cao: bia lon ước tính đạt 5.861 nghìn lít, tăng 102,31%; ván ép 130,26 nghìn m3, tăng 76,28%; gạch khối bằng xi măng, bê tông 33,55 triệu viên, tăng 64,48%; điện sản xuất 485 triệu kwh, tăng 20,68%; nước hoa quả, tăng lực 5.949 nghìn lít, tăng 15,92%...Một số sản phẩm tăng thấp: đá xây dựng 477,41 nghìn m3, tăng 14,95%; lốp dùng cho xe máy, xe đạp 1.584 nghìn cái, tăng 12,82%; tấm lợp proximăng 2.654 nghìn m2, tăng 12,18%; gạch xây dựng bằng đất sét nung 79,20 triệu viên, tăng 10,01%; phân hóa học 35,25 nghìn tấn, tăng 9,96%; gỗ cưa hoặc xẻ 33,97 nghìn m3, tăng 7,68%; com lê, quần áo 10.771 nghìn cái, tăng 6,44%; xi măng 140,89 nghìn tấn, tăng 5,23%...Một số sản phẩm giảm: nước máy 6.777 nghìn m3, giảm 0,90%; tinh bột sắn 38,02 nghìn tấn, giảm 1,14%; điện thương phẩm 342 triệu kwh, giảm 2,59%; săm dùng cho xe máy, xe đạp 2.231 nghìn cái, giảm 5,18%; dăm gỗ 150,28 nghìn tấn, giảm 13,50%; thủy hải sản chế biến 1.215 tấn, tăng 2,88%...
4. Hoạt động của doanh nghiệp
Trong 6 tháng đầu năm 2021, mặc dù số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới có giảm so với cùng kỳ năm trước, nhưng số doanh nghiệp trở lại hoạt động tăng cao, đây là tín hiệu tích cực trong việc thực hiện mục tiêu kép “vừa phòng chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe nhân dân, vừa khôi phục, phát triển kinh tế”.
Sáu tháng đầu năm 2021 (Từ 01/01-15/6/2021), toàn tỉnh có 194 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, giảm 6,73% so với cùng kỳ năm trước; tổng vốn đăng ký là 1.602 tỷ đồng, giảm 52,24%; số vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp đạt 8,26 tỷ đồng, giảm 7,87%. Số doanh nghiệp ngừng hoạt động là 132 doanh nghiệp, tăng 24,53% so với cùng kỳ năm trước; số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, chấm dứt hoạt động sản xuất, kinh doanh là 21 doanh nghiệp, giảm 8,70%; số doanh nghiệp trở lại hoạt động là 92 doanh nghiệp, tăng 53,33%.
5. Thương mại và dịch vụ
Sáu tháng đầu năm 2021, trên địa bàn tỉnh dịch COVID-19 bùng phát trở lại nhưng được kịp thời kiểm soát nên đã hạn chế ảnh hưởng của dịch bệnh đến hoạt động kinh doanh thương mại và dịch vụ. Tuy nhiên, dịch COVID-19 tại nhiều tỉnh, thành vẫn diễn biến hết sức phức tạp đã ảnh hưởng đến một số hoạt động dịch vụ như: lưu trú, du lịch lữ hành, vận tải…
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 6 tháng đầu năm 2021 ước tính đạt 16.372,84 tỷ đồng, tăng 9,68% so với cùng kỳ năm trước (6 tháng đầu năm 2020 giảm 0,29%). Nếu loại trừ yếu tố giá thì tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 7,23%.
Xét theo ngành hoạt động, doanh thu bán lẻ hàng hóa 14.343,87 tỷ đồng, chiếm 87,61% tổng mức và tăng 9,12% so với cùng kỳ năm trước; doanh thu dịch vụ lưu trú và ăn uống 1.435,24 tỷ đồng, chiếm 8,76% tổng mức và tăng 13,98%; doanh thu du lịch lữ hành 1,52 tỷ đồng, chiếm 0,01% tổng mức và giảm 57,66%; doanh thu dịch vụ khác 592,21 tỷ đồng, chiếm 3,62% tổng mức và tăng 13,80%.
Doanh thu vận tải 6 tháng đầu năm 2021 ước tính đạt 977,56 tỷ đồng, tăng 6,30% so với cùng kỳ năm trước; trong đó: doanh thu vận tải hành khách 175,87 tỷ đồng, tăng 11,89%; doanh thu vận tải hàng hóa 691,19 tỷ đồng, tăng 5,12%; doanh thu dịch vụ hổ trợ vận tải 110,50 tỷ đồng, tăng 5,33%. Số lượt hành khách vận chuyển 4.210,7 nghìn HK, tăng 17,36% so với cùng kỳ năm trước; số lượt hành khách luân chuyển 331.747,2 nghìn HK.km, tăng 15,26%. Khối lượng hàng hoá vận chuyển 5.477,2 nghìn tấn, tăng 5,32%; khối lượng hàng hoá luân chuyển 405.202,7 nghìn tấn.km, tăng 8,40%.
Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 211 điểm cung cấp dịch vụ bưu chính, trong đó có: 84 bưu cục cấp 2 và 3 và điểm phục vụ, 01 bưu cục hệ 1, có 109/125 xã, phường có điểm bưu điện văn hóa xã, 05 đại lý chuyển phát, 04 văn phòng đại diện, 08 thùng thư công cộng độc lập. Có 101/125 xã, phường, thị trấn và 9/10 huyện, thị xã, thành phố (trừ huyện đảo Cồn Cỏ) có báo đến trong ngày. Bán kính phục vụ bình quân 2,383 km/1điểm phục vụ; số dân được phục vụ 3.020 người/1 điểm phục vụ. Tổng số trạm thu phát sóng điện thoại di động (BTS) đang hoạt động trên địa bàn tỉnh là 2.818 trạm (813 trạm 2G, 1.070 trạm 3G, 935 trạm 4G).
Ước tính đến 30/6/2021, toàn tỉnh có 641.354 thuê bao điện thoại, giảm 3,01% so với cùng thời điểm năm trước; trong đó có 8.800 thuê bao cố định, giảm 13,96% và 632.554 thuê bao di động, giảm 2,87%. Số thuê bao Internet hiện có là 102.456 thuê bao, tăng 16,57% so với cùng thời điểm năm trước.
6. Tài chính, ngân hàng
Sáu tháng đầu năm 2021 hoạt động sản xuất, kinh doanh tiếp tục phục hồi và phát triển khá đã tác động tích cực đến thu, chi ngân sách nhà nước và hoạt động ngân hàng
Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn từ đầu năm đến 18/6/2021 đạt 2.453,65 tỷ đồng, bằng 71,12% dự toán địa phương năm 2021 và tăng 73,02% so với cùng kỳ năm trước; trong đó: thu nội địa 1.679,19 tỷ đồng, bằng 56,54% dự toán và tăng 35,84%; thu từ hoạt động xuất, nhập khẩu 767,61 tỷ đồng, bằng 159,92% dự toán và tăng 421,82%.
Tổng chi ngân sách địa phương từ đầu năm đến 18/6/2021 đạt 3.611,25 tỷ đồng, bằng 39,42% dự toán địa phương năm 2021 và giảm 3,15% so với cùng kỳ năm trước; trong đó: chi đầu tư phát triển 308,41 tỷ đồng, bằng 22,02% dự toán và giảm 10,10%; chi thường xuyên 2.162,83 tỷ đồng, bằng 44,37% dự toán và giảm 0,87%.
Lãi suất cho vay trên địa bàn trong 6 tháng đầu năm 2021 có xu hướng giảm so với quý IV/2020, thị trường tiền tệ ổn định. Hiện lãi suất cho vay VND ngắn hạn phổ biến từ 4,5-8%/năm, lãi suất cho vay trung dài hạn phổ biến 7-10/năm, lãi suất cho vay VND ngắn hạn đối với lĩnh vực ưu tiên phổ biến 4,5%/năm.
Huy động vốn trên địa bàn đến 20/6/2021 đạt 27.355 tỷ đồng, tăng 3,79% (+998 tỷ đồng) so với cuối năm 2020; bao gồm: tiền gửi tiết kiệm 22.436 tỷ đồng, tăng 5,61% (+1.191 tỷ đồng); tiền gửi thanh toán 3.090 tỷ đồng, giảm 5,48% (-179 tỷ đồng); huy động khác 1.139 tỷ đồng, giảm 6,33% (-77 tỷ đồng); phát hành giấy tờ có giá 690 tỷ đồng, tăng 10,05% (+63 tỷ đồng). Ước tính đến 30/6/2021, tổng nguồn vốn huy động đạt 27.400 tỷ đồng, tăng 3,96% so với cuối năm 2020.
Tổng dư nợ cho vay đối với nền kinh tế đến 20/6/2021 đạt 38.511 tỷ đồng, tăng 5% (+1.833 tỷ đồng) so với cuối năm 2020; bao gồm: dư nợ cho vay ngắn hạn 17.888 tỷ đồng, chiếm 46,45% tổng dư nợ và tăng 6,33% (+1.065 tỷ đồng); dư nợ cho vay trung và dài hạn 20.623 tỷ đồng, chiếm 53,55% và tăng 3,87% (+768 tỷ đồng). Ước tính đến 30/6/2021, tổng dư nợ cho vay đối với nền kinh tế đạt 38.550 tỷ đồng, tăng 5,1% so với cuối năm 2020.
Nợ xấu đến 20/6/2021 là 694 tỷ đồng, chiếm 1,8% tổng dư nợ. Ước tính đến 30/6/2021, nợ xấu chiếm 1,8% tổng dư nợ.
7. Đầu tư
Vốn đầu tư thực hiện trên địa bàn 6 tháng đầu năm 2021 tăng khá, cao hơn mức tăng cùng kỳ năm trước; nhiều dự án điện gió, điện mặt trời…thuộc nguồn vốn ngoài nhà nước được đẩy nhanh tiến độ thi công, để sớm hoàn thành đưa vào hoạt động; riêng tình hình thực hiện vốn đầu tư thuộc nguồn vốn nhà nước tiếp tục gặp khó khăn do giải ngân vốn chậm, vướng mắc trong thủ tục hành chính và giải phóng mặt bằng…
Vốn đầu tư phát triển thực hiện trên địa bàn 6 tháng đầu năm 2021 (giá hiện hành) ước tính đạt 9.253,91 tỷ đồng, tăng 18,64% so với cùng kỳ năm trước (6 tháng năm 2020 tăng 15,09%); trong đó: vốn nhà nước 2.274,25 tỷ đồng, tăng 4,32%; vốn ngoài nhà nước 6.898,14 tỷ đồng, tăng 24,02%; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài 81,52 tỷ đồng, tăng 41,80%. Trong tổng vốn đầu tư thực hiện của khu vực nhà nước, vốn đầu tư thực hiện thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý ước tính đạt 1.284,89 tỷ đồng, bằng 31,84% kế hoạch năm 2021 và tăng 2,34% so với cùng kỳ năm trước.
Trong vốn đầu tư phát triển thực hiện trên địa bàn 6 tháng đầu năm 2021, vốn đầu tư xây dựng cơ bản 7.350,88 tỷ đồng, tăng 30,57% so với cùng kỳ năm trước; vốn đầu tư mua sắm TSCĐ không qua xây dựng cơ bản 1.069,89 tỷ đồng, tăng 0,93%; vốn đầu tư nâng cấp, sửa chửa lớn TSCĐ 802,76 tỷ đồng, giảm 16,53%; vốn đầu tư bổ sung vốn lưu động 7,36 tỷ đồng, giảm 93,46%; vốn đầu tư phát triển khác 23,02 tỷ đồng, giảm 35,37%.
Trong 6 tháng đầu năm 2021, có 01 dự án FDI đăng ký đầu tư mới với tổng mức đầu tư là 88,26 triệu USD. Đến 15/6/2021, trên địa bàn tỉnh có 17 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký là 167,95 triệu USD, trong đó có 12 dự án hoạt động với tổng vốn đầu tư đăng ký 40,07 triệu USD; 05 dự án đang triển khai xây dựng với tổng vốn đăng ký 127,88 triệu USD.
8. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI), chỉ số giá vàng và chỉ số giá đô la Mỹ
Chỉ số giá tiêu dùng 6 tháng đầu năm 2021 tăng thấp, thấp hơn mức tăng của cùng kỳ năm trước. Một số yếu tố làm cho chỉ số giá tiêu dùng tăng là: giá lương thực tăng do các doanh nghiệp tăng cường thu mua lúa gạo phục vụ nhu cầu xuất khẩu, giá dịch vụ giáo dục tăng do tăng học phí, giá xăng dầu điều chỉnh tăng do giá dầu thế giới tăng…nhưng vẫn có những yếu tố làm cho giá tiêu dùng tăng chậm lại như: giá thực phẩm giảm do nguồn cung dồi dào; giá nhóm văn hóa, giải trí và du lịch giảm do ảnh hưởng của dịch COVID-19…
Chỉ số giá tiêu dùng bình quân 6 tháng đầu năm 2021 tăng 2,23% so với cùng kỳ năm trước (6 tháng đầu năm 2020 tăng 4,24%). Trong đó có 9/11 nhóm hàng có chỉ số giá tăng là: giáo dục tăng 7,36%; giao thông tăng 6,95%; đồ uống và thuốc lá tăng 4,01%; nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 3,48%; may mặc, mũ nón và giày dép tăng 1,92%; đồ dùng và dịch vụ khác tăng 0,99%; hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,95% (lương thực tăng 10,57%, thực phẩm giảm 2,17%, ăn uống ngoài gia đình tăng 4%); thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,49%; thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,09%. Có 2/11 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá giảm là: bưu chính viễn thông giảm 0,71%; văn hóa, giải trí và du lịch giảm 2,15%. Chỉ số giá vàng bình quân 6 tháng đầu năm 2021 tăng 20,80% so với cùng kỳ năm trước; chỉ số giá đô la Mỹ giảm 1,37%.
9. Một số lĩnh vực xã hội
a) Lao động, việc làm
Sáu tháng đầu năm 2021, trên địa bàn tỉnh dịch COVID-19 bùng phát trở lại nhưng được kịp thời kiểm soát; kinh tế của tỉnh tiếp tục phục hồi và đạt tốc độ tăng trưởng khá; số lao động có việc làm tăng lên, tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống.
Lực lượng lao động ước tính đến 30/6/2021 là 351.126 người, tăng 0,69% so với cùng thời điểm năm trước; trong đó: lực lượng lao động khu vực thành thị 109.614 người, chiếm 31,22%, tăng 0,85%; khu vực nông thôn 241.512 người, chiếm 68,78%, tăng 0,62%.
Lao động đang làm việc trong các ngành kinh tế ước tính đến 30/6/2021 là 341.286 người, chiếm 97,20% lực lượng lao động, tăng 0,88% so với cùng thời điểm năm trước; trong đó: đang làm việc trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản 150.998 người, chiếm 44,24%, tăng 0,35%; khu vực công nghiệp và xây dựng 63.435 người, chiếm 18,59%, tăng 1,52%; khu vực dịch vụ 126.853 người, chiếm 37,17%, tăng 1,20% (cơ cấu lao động năm 2020 là: 44,48%; 18,47% và 37,05%).
Tỷ lệ thất nghiệp chung toàn tỉnh 6 tháng đầu năm 2021 ước tính là 2,80%, giảm 0,19 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước.
Trong 6 tháng đầu năm 2021, ước tính toàn tỉnh đã tuyển sinh đào tạo nghề cho 3.225 người; trong đó: Trung cấp 197 người, Sơ cấp và đào tạo thường xuyên 3.028 người. Giải quyết việc làm mới cho 5.727 lao động; trong đó: 2.412 lao động làm việc trong tỉnh, 2.603 lao động làm việc ngoài tỉnh và 712 lao động làm việc ở nước ngoài (xuất khẩu lao động 632 lao động).
Đã tiếp nhận hồ sơ đề nghị hưởng BHTN cho 1.660 lao động thất nghiệp và đã giải quyết cho 1.388 lao động được hưởng trợ cấp thất nghiệp với số tiền chi trợ cấp hơn 20,6 tỷ đồng.
b) Đời sống dân cư và bảo đảm an sinh xã hội
Kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2020 theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều đến cuối năm 2020 trên địa bàn tỉnh có 12.505 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 7,03% và 11.210 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 6,30%.
Tính đến ngày 15/5/2021, toàn tỉnh có 38.163 đối tượng đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng. Trong đó: 166 trẻ em không nguồn nuôi dưỡng; 19 người bị nhiễm HIV không có khả năng lao động; 808 người cao tuổi cô đơn, không nơi nương tựa, hộ nghèo; 14.057 người cao tuổi từ đủ 80 tuổi trở lên; 1.044 đối tượng đơn thân nuôi con nhỏ, hộ nghèo; 17.626 người khuyết tật; 4.331 hộ gia đình trực tiếp nuôi dưỡng, chăm sóc người khuyết tật đặc biệt nặng; 21 hộ gia đình, cá nhân nhận kinh phí chăm sóc trẻ em không nơi nương tựa; 14 hộ gia đình nhận kinh phí chăm sóc người cao tuổi; 77 người nhận kinh phí chăm sóc con người khuyết tật nặng, đặc biệt nặng.
Bước vào năm 2021, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 và thiên tai, lũ lụt năm 2020 một bộ phận dân cư đời sống có khó khăn, nhất là khu vực nông thôn miền núi. Sáu tháng đầu năm 2021, kinh tế của tỉnh tăng trưởng khá; sản xuất vụ Đông Xuân được mùa, ngành chăn nuôi phục hồi nhanh sau dịch tả lợn Châu Phi; sản xuất công nghiệp đạt được kết quả tích cực; chương trình xây dựng nông thôn mới trong những năm qua có tác động tích cực, góp phần nâng cao đời sống người dân khu vực nông thôn (đến nay có 57/101 xã đạt chuẩn nông thôn mới); hơn nữa, công tác an sinh xã hội được các cấp, các ngành quan tâm thực hiện nên tình hình thiếu đói trong dân trong 6 tháng đầu năm không xảy ra.
Trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu năm 2021 trên địa bàn tỉnh đã trao tặng 95.928 suất quà cho người có công, gia đình chính sách người có công, người nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội, người cao tuổi, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn và các đối tượng khác với tổng kinh phí là 52.451,4 triệu đồng; trong đó: hỗ trợ hộ nghèo ăn Tết 12.505 suất quà với tổng kinh phí 6.368 triệu đồng.
Ngoài ra, tỉnh đã phân bổ 1.625,72 tấn gạo của Chính phủ hỗ trợ để cứu trợ cho 22.631 lượt hộ gia đình (tương ứng 108.448 khẩu) có hoàn cảnh khó khăn trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu và thời kỳ giáp hạt năm 2021.
Thực hiện hỗ trợ về nhà ở bị thiệt hại do thiên tai theo Nghị quyết số 165/2020/NQ-CP, toàn tỉnh có 196 hộ gia đình bị thiệt hại nặng do thiên tai gây ra trong tháng 10/2020 với kinh phí được hỗ trợ là 4,21 tỷ đồng (trong đó: 75 hộ gia đình có nhà ở bị đổ, sập, trôi hoàn toàn với mức hỗ trợ 40 triệu đồng/nhà; 121 hộ gia đình có nhà ở bị hư hỏng nặng với mức hỗ trợ 10 triệu đồng/nhà).
Tính từ đầu năm đến 30/5/2021, Quỹ “Vì người nghèo” các cấp trong tỉnh huy động được hơn 17,862 tỷ đồng. Ban vận động Quỹ “Vì người nghèo” các cấp trong tỉnh đã hỗ trợ xây dựng mới 132 nhà Đại đoàn kết, 9 nhà “Nghĩa tình Cựu chiến binh” trị giá trên 3,74 tỷ đồng; hỗ trợ sửa chữa 32 nhà trị giá 387,5 triệu đồng; hỗ trợ phát triển sản xuất cho 67 hộ gia đình trị giá 185,5 triệu đồng; hỗ trợ cho 580 em học sinh nghèo trị giá 237,4 triệu đồng; hỗ trợ khám chữa bệnh cho 224 người trị giá 135,5 triệu đồng, hỗ trợ khó khăn 4.737 suất quà trị giá 2,6 tỷ đồng; xây dựng 01 trường Mầm non trị giá 5 tỷ đồng; hỗ trợ khác trị giá 1,36 tỷ đồng…
Công tác vận động, cứu trợ thiên tai, rủi to, hỗ trợ nhân dân khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra được Ủy ban mặt trận các cấp quan tâm thực hiện. Tính đến nay, nguồn kết dư của năm 2020 và tiếp nhận năm 2021 gần 80 tỷ đồng. Ban Cứu trợ tỉnh đã giải ngân hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai với tổng giá trị hơn 41,86 tỷ đồng. Trong đó, hỗ trợ 43 công trình dân sinh với tổng giá trị hơn 23,868 tỷ đồng; 6 công trình nhà tránh lũ với tổng giá trị hơn 10,4 tỷ đồng; hỗ trợ xây dựng 116 nhà ở trị giá 4,64 tỷ đồng; cứu trợ khẩn cấp hơn 2,96 tỷ đồng.
c) Tình hình dịch bệnh COVID-19
Công tác phòng, chống dịch COVID-19 được tiến hành khẩn trương, chủ động và quyết liệt. Trên địa bàn tỉnh từ ngày 30/4 đến 10/5/2021 ghi nhận 06 ca mắc COVID-19, trong đó có 03 ca mắc trong cộng đồng liên quan đến ổ dịch thành phố Đà Nẵng và 03 ca bệnh được cách ly sau khi nhập cảnh. Tất cả các ca bệnh đã xuất viện. Có 111 trường hợp F1 và 923 trường hợp là F2, tất cả đều được cách ly theo quy định. Bên cạnh việc tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 của BCĐ Trung ương, BCĐ phòng chống dịch của tỉnh cũng đã đưa ra nhiều biện pháp cấp bách, quyết liệt phòng, chống dịch. Đến nay tình hình dịch bệnh trên địa bàn đang được kiểm soát tốt, từ ngày 11/5 đến nay không ghi nhận ca mắc mới. Ngày 04/6/2021, ghi nhận 01 trường hợp tái dương tính, hiện đang được cách ly điều trị tại Bệnh viện Chuyên khoa Lao, Bệnh phổi từ ngày 10/6/2021, đã có kết quả 02 lần âm tính với SARS-CoV-2.
Đến 21/6/2021 còn 04 trường hợp đang cách ly tại cơ sở y tế, 276 trường hợp đang cách ly tập trung và 1.511 trường hợp cách ly tại nhà.
Từ ngày 27/4 đến 21/6/2021 đã tiến hành xét nghiệm SARS-CoV-2: 9.596 mẫu, trong đó: số mẫu âm tính 7.597, số mẫu dương tính 17.
Từ tháng 5/2021 đến nay tỉnh đã và đang khẩn trương triển khai công tác tiêm phòng vắc xin cho các đối tượng ưu tiên theo Nghị quyết 21/NQ-CP ngày 26/02/2021 của Chính phủ. Theo đó, đợt 1 triển khai tiêm 4.800 liều vắc xin (mũi 1) cho một số đối tượng thuộc lực lượng tuyến đầu chống dịch, hoàn thành trước ngày 15/5/2021; đợt 2, đến ngày 21/6/2021 đã tiêm 7.414 đối tượng, trong đó có 577 trường hợp phản ứng thông thường sau tiêm chủng, không có tai biến nặng.
d) Tai nạn giao thông
Trong 6 tháng đầu năm 2021 (Từ 15/12/2020 đến 14/6/2021) trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 106 vụ tai nạn giao thông, làm chết 64 người, bị thương 83 người; so với cùng kỳ năm trước số vụ tăng 51,43% (+36 vụ), số người chết tăng 64,10% (+25 người), số người bị thương tăng 69,39% (+34 người). Trong tất cả các vụ tai nạn giao thông 6 tháng đầu năm 2021, đường bộ xảy ra 104 vụ, làm chết 62 người và bị thương 83 người, đường sắt xảy ra 02 vụ làm chết 02 người.
e) Thiệt hại do thiên tai, bảo vệ môi trường và phòng chống cháy nổ
Trong 6 tháng đầu năm 2021, trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đã xảy ra 09 đợt thiên tai (01 đợt rét đậm, 02 đợt không khí lạnh tăng cường và 06 đợt giông, lốc sét) đã làm 02 người chết, 170 căn nhà bị tốc mái, hư hỏng và 02 con bò bị chết.
Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh xảy ra 33 vụ cháy, giảm 23,26% (-10 vụ) so với cùng kỳ năm trước; làm 03 người chết; tổng giá trị tài sản thiệt hại 4.758 triệu đồng. Đã phát hiện và xử lý 95 vụ vi phạm môi trường (58 vụ vi phạm khai thác tài nguyên khoáng sản trái phép, xử lý chất thải rắn trong công nghiệp chưa đúng quy định, 24 vụ vi phạm về an toàn thực phẩm và 06 vụ trong kinh doanh thương mại dịch vụ và 07 vụ vi phạm khác), tăng 31,94% (+23 vụ) so với cùng kỳ năm trước; số tiền xử phạt 446 triệu đồng./.
CỤC THỐNG KÊ QUẢNG TRỊ