1. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản
1.1. Nông nghiệp
a. Trồng trọt
Tỉnh Quảng Trị, bước vào sản xuất vụ Đông Xuân năm 2015- 2016 trong bối cảnh tổng lượng mưa năm 2015 đạt thấp, nên mực nước đầu vụ Đông Xuân ở hầu hết các hồ chứa lớn trên địa bàn tỉnh đều ở mức thấp; các hồ chứa thủy lợi nhỏ do các địa phương quản lý chỉ đạt từ 70 - 80% so với dung tích thiết kế. Cùng với dự báo của Trung tâm Khí tượng Thủy văn Trung ương và Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Quảng Trị về ảnh hưởng của El Nino, dự báo lượng mưa vụ Đông Xuân 2015- 2016 thiếu hụt từ 15-35% so với TBNN.
Trước tình hình đó, tỉnh đã triển khai có hiệu quả Chỉ thị số 8718/CT-BNN-TCTL ngày 23/10/2015 của Bộ Nông nghiệp & PTNT về việc tăng cường thực hiện các giải pháp phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn năm 2016, đối phó với ảnh hưởng của hiện tượng El Nino; Chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải tại Hội nghị trực tuyến ứng phó với hạn hán, xâm nhập mặn ngày 31/10/2015. UBND tỉnh đã ban hành Chỉ thị số 14/CT-UBND ngày 27/11/2015 của UBND tỉnh về việc tăng cường các giải pháp phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn năm 2016, đối phó với ảnh hưởng của El Nino; Quyết định số 2924/QĐ-UBND ngày 29/12/2015 về việc phê duyệt Phương án tổ chức sản xuất ứng phó với khô hạn vụ Đông Xuân 2015-2016; Quyết định số 2925/QĐ-UBND ngày 29/ 12/2015 về việc tạm ứng kinh phí cho các địa phương để hỗ trợ giá giống lúa, giống ngô, giống lạc cho công tác chuyển đổi trong vụ Đông Xuân. Bên cạnh đó, Chính phủ đã hỗ trợ 300 tấn giống lúa, 20 tấn giống ngô, 8 tấn giống rau các loại. Nguồn giống hỗ trợ được kịp thời cấp phát cho các địa phương để tổ chức tốt sản xuất vụ Đông Xuân 2015-2016.
Sở Nông nghiệp và PTNT đã chủ động tích nước trên các hồ đập thủy lợi ngay từ đầu vụ để dự trữ nguồn nước tưới; ban hành Lịch thời vụ và cơ cấu giống cây trồng vụ Đông Xuân 2015-2016 phù hợp, tập trung cơ cấu các giống lúa ngắn ngày và cực ngắn để tiết kiệm nước, hạn chế ảnh hưởng của thiên tai; chỉ đạo các địa phương đơn vị xây dựng phương án chống hạn cho sản xuất năm 2016 với phương châm Nhà nước và nhân dân cùng tham gia chống hạn, huy động tối đa nhân lực, vật lực hiện có của địa phương, đơn vị để cùng phối hợp chống hạn.
Về thời tiết trong vụ không được thuận lợi, đầu vụ đợt rét đậm, rét hại kéo dài từ ngày 23 - 28/01/2016 đã gây ngập úng hơn 2300 ha lúa mới gieo (có 400 ha phải gieo lại). Đồng thời, kéo dài thời gian sinh trưởng của cây lúa, lạc, ngô từ 7-10 ngày.
Về tình hình sâu bệnh, vụ Đông Xuân năm nay, đối tượng gây hại chính trên cây lúa có rầy nâu và bệnh khô vằn; tuy vậy, nhờ thường xuyên thăm đồng đã kịp thời phát hiện và xử lý tốt các đối tượng sâu bệnh gây hại, nên ảnh hưởng không đáng kể đến năng suất lúa.
Dự ước kết quả sản xuất vụ Đông Xuân năm 2015-2016 như sau:
Về diện tích: vụ Đông Xuân 2015-2016 toàn tỉnh đã gieo trồng được 50204,2 ha các loại cây hàng năm, tăng 0,6% (+301,1 ha) so với vụ Đông Xuân 2014-2015; Trong đó: cây lúa gieo cấy 25696,3 ha, tăng 0,5% (+128,3 ha); cơ cấu giống lúa chủ yếu là Khang Dân, HC95, Xi23, P6, RVT, HT1, Thiên Ưu, NA2; cây ngô gieo trồng 2953,6 ha, tăng 6,7% (+184,7 ha); khoai lang 1827,5 ha, tăng 1,4% (+25,7 ha); sắn 10110,1 ha, tăng 1,7% (+171,1 ha); cây chất bột khác 1003,8 ha, giảm 5,6% (-60 ha); lạc 3490,9 ha, giảm 1,4% (-49,1 ha); rau các loại 3469,2 ha, giảm 1,5% (-53 ha); đậu các loại 598,4 ha, giảm 6,4% (-41,2 ha); cây ớt 341,7 ha, giảm 4,7% (-16,7 ha)...
Về năng suất, sản lượng: Đến nay, cây lúa đã thu hoạch 70% diện tích, chậm hơn so với cùng kỳ năm trước do đầu vụ gặp rét nên kéo dài thời gian sinh trưởng. Qua thăm đồng, đánh giá năng suất lúa dự ước đạt 56,2 tạ/ha, tăng 2 tạ/ha so với vụ Đông Xuân năm 2014-2015; sản lượng ước đạt 144383 tấn, tăng 4,2% (+5885 tấn). Cây ngô năng suất ước đạt 35,2 tạ/ha, tăng 1,8 tạ/ha; sản lượng ước đạt 10397 tấn, tăng 12,4% (+1145 tấn). Sản lượng lương thực có hạt ước đạt 154780 tấn, tăng 4,8% (+7030 tấn). Cây khoai lang năng suất ước đạt 75,4 tạ/ha, tăng 0,5 tạ/ha; sản lượng ước đạt 13785 tấn, tăng 2,2% (+298 tấn). Cây chất bột khác năng suất ước đạt 107 tạ/ha, tăng 1 tạ/ha; sản lượng ước đạt 10740,7 tấn, giảm 4,8% (-536,6 tấn). Cây lạc năng suất ước đạt 21 tạ/ha, tăng 0,1 tạ/ha; sản lượng ước đạt 7327 tấn, giảm 1,1% (-80 tấn)…
Nhìn chung vụ Đông Xuân năm nay, năng suất các loại cây hàng năm đều tăng; cây lúa năng suất đạt cao và tăng so với vụ Đông Xuân năm 2014-2015 do đã chủ động trong chống hạn và chăm sóc cây trồng; kịp thời phòng và diệt trừ sâu bệnh khi có phát sinh gây hại, không để lây lan. Đối với cây lạc, đầu vụ gặp rét, nhưng nhờ bà con nông dân đã áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất từ khâu làm đất, chọn giống, chăm sóc và thâm canh; đặc biệt, ở huyện Cam Lộ áp dụng mô hình gieo trồng lạc có phủ bạt Ni lông, tưới tiết kiệm nước theo kỹ thuật mới, kết quả cho năng suất lạc khá cao. Sản lượng một số loại cây trồng như: cây chất bột khác, lạc, rau các loại, đậu các loại, ớt …vụ Đông Xuân năm nay giảm chủ yếu là do diện tích giảm.
b. Chăn nuôi
Ước tính đến 01/5/2016, đàn trâu có 24565 con, tăng 0,3% (+65 con) so với cùng kỳ năm trước; đàn bò có 55500 con, tăng 4,5% (+2400 con); đàn lợn (không tính lợn sữa) có 277949 con, tăng 2,6% (+7030 con). Đàn gia cầm có 2219 nghìn con, tăng 3,8% (+82 nghìn con), trong đó: đàn gà 1729 nghìn con, tăng 3,6% (+60 nghìn con).
Nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh đã phát triển mô hình trồng cỏ để chăn nuôi trâu bò đến từng hộ nông dân, tổ chức cung ứng các giống cỏ cho bà con nông dân thực hiện nâng cao chất lượng đàn trâu bò thương phẩm; đàn trâu bò phát triển trở lại ở một số huyện như: Hải Lăng, Gio Linh, Triệu Phong. Phong trào chăn nuôi lợn của tỉnh chuyển dịch theo hướng tập trung, thâm canh bán công nghiệp và công nghiệp theo hình thức trang trại, gia trại quy mô lớn, liên kết và mang tính bền vững. Chăn nuôi gia cầm phát triển ổn định, được bà con quan tâm đầu tư, các mô hình trang trại, gia trại đa dạng về đối tượng; số lượng và chất lượng đàn ngày càng tăng lên.
Tình hình dịch bệnh: Từ ngày 20/4/2016 đến nay, dịch bệnh Tai xanh ở lợn đã xảy ra tại 06 thôn thuộc 06 xã của huyện Hải Lăng, Triệu Phong, TP Đông Hà và TX Quảng Trị. Tổng số lợn bị bệnh là 373 con (102 nái, 160 lợn thịt, 111 lợn con; trong đó có 66 con phản ứng sau tiêm phòng), số lợn tiêu hủy 131 con (13 nái, 32 lợn thịt, 86 lợn con), số lợn đã điều trị khỏi bệnh 71 con.
Tình hình tiêm phòng: Tổ chức tiêm phòng khẩn cấp vắc xin Tai xanh cho đàn lợn tại các xã có dịch, các xã có nguy cơ cao thuộc TP Đông Hà và 5 xã bãi ngang của 2 huyện có dịch Triệu Phong và Hải Lăng. Đến 14h ngày 09/5/2016 tiêm được hơn 25000 con lợn tại 41 xã, phường của các địa phương nói trên. Đến hết ngày 12/5/2016, kết thúc tiêm phòng trên toàn tỉnh.
1.2. Lâm nghiệp
Sản lượng gỗ khai thác tháng 5/2016 ước đạt 40631 m3, tăng 12,5% so với cùng tháng năm trước; khai thác củi ước đạt 20054 ste, giảm 10,5%. Tính chung 5 tháng đầu năm 2016, sản lượng gỗ khai thác ước đạt 125106 m3, tăng 9,1% so với cùng kỳ năm trước; khai thác củi ước đạt 57334 ste, giảm 15,3%. Sản lượng củi ngày càng giảm, là do nhu cầu củi đốt cho sinh hoạt ở thành thị và một số vùng nông thôn ngày càng giảm.
Chi cục Kiểm lâm đã chủ động trong công tác quản lý bảo vệ rừng, tập trung triển khai phương án phòng chống cháy rừng ngay từ đầu năm. Lực lượng Kiểm lâm đã phối hợp với các địa phương và chủ rừng tăng cường công tác kiểm tra, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật quản lý bảo vệ rừng. Ngay từ đầu mùa khô hạn, Văn phòng Ban chỉ huy bảo vệ rừng các cấp đã tổ chức trực 24/24 giờ để nhận và xử lý các thông tin về cháy rừng, kịp thời báo cáo lên BCH tỉnh nếu có cháy rừng xảy ra trên địa bàn. Từ đó, BCH bảo vệ rừng thường xuyên nắm diễn biến tình hình, tổ chức dự báo cấp cháy rừng, thông tin kịp thời lên các phương tiện thông tin đại chúng để cảnh báo nguy cơ cháy rừng trên phạm vi toàn tỉnh. Từ đầu năm đến nay, không có vụ cháy rừng nào xảy ra.
Trong tháng, các đơn vị chức năng đã tăng cường công tác đấu tranh ngăn chặn xâm hại rừng; đã phát hiện 31 vụ vi phạm hành chính, xử lý vi phạm hành chính 27 vụ, lâm sản tịch thu 35 m3 gỗ các loại.
1.3. Thủy sản
Diện tích nuôi trồng thủy sản trong tháng 5 ước đạt 351,9 ha, tăng 20,6% so với cùng tháng năm trước; bao gồm: cá 22 ha, tăng 57,1%; tôm sú 201 ha, tăng 16,9%; tôm thẻ chân trắng 128,9 ha, tăng 21,7%. Tính chung 5 tháng đầu năm 2016 ước đạt 2984,4 ha, tăng 5,1% so với cùng kỳ năm trước; trong đó: nuôi cá 2181 ha, tăng 0,6%; nuôi tôm sú 325,5 ha, tăng 18,4%; nuôi tôm thẻ chân trắng 477,9 ha, tăng 20,6%. Đầu năm 2016, Sở Nông nghiệp đã ban hành Công văn số 122/SNN-NTTS ngày 22/02/2016 về khuyến nghị vụ nuôi thủy sản năm 2016 hướng dẫn cho người dân về khung thời vụ, thả giống với mật độ thích hợp nhằm rút ngắn thời gian nuôi, hạn chế rủi ro, giảm chi phí đầu tư, cho hiệu quả kinh tế cao.
Tổng sản lượng thủy sản tháng 5/2016 ước đạt 1260 tấn, giảm 47,8% so với cùng tháng năm trước. Tính chung 5 tháng đầu năm 2016 ước đạt 9981 tấn, giảm 8,6% so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể:
Sản lượng thủy sản nuôi trồng tháng 5/2016 ước đạt 598 tấn, giảm 11,4% so với cùng tháng năm trước; trong đó: cá 265 tấn, tăng 8,2%; tôm thẻ chân trắng 333 tấn, giảm 22,6%. Tính chung 5 tháng đầu năm 2016, ước đạt 2968 tấn, tăng 3,7% so với cùng kỳ năm trước; trong đó: cá 1285 tấn, tăng 2,8%; tôm thẻ chân trắng 1683 tấn, tăng 4,5%.
Sản lượng thủy sản khai thác tháng 5/2016 ước đạt 662 tấn, giảm 61,9% so với cùng tháng năm trước; trong đó: cá 550 tấn, giảm 63,4%; tôm 2 tấn, giảm 75%; thủy sản khác 110 tấn, giảm 52,2%. Tính chung 5 tháng đầu năm 2016, ước đạt 7013 tấn, giảm 13% so với cùng kỳ năm trước; trong đó: cá 5890 tấn, giảm 13,6%; tôm 32 tấn, giảm 11,1%; thủy sản khác 1091 tấn, giảm 9,8%. Trong tháng 4 và tháng 5/2016, hiện tượng hải sản chết bất thường tại các tỉnh Hà Tỉnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế đã làm cho người dân hoang mang; ngư dân khai thác không tiêu thụ được, người tiêu dùng không tiêu thụ hải sản mà chuyển sang tiêu thụ thủy sản nước ngọt và thực phẩm khác thay thế; đã làm cho sản lượng thủy sản khai thác biển tháng 4 và 5 giảm mạnh.
Về sản xuất giống thủy sản: Hiện nay sản xuất tôm giống chỉ có Xí nghiệp tôm giống Bến Hải thực hiện, nên sản lượng 5 tháng đầu năm 2016 chỉ đạt 04 triệu con, giảm 98% so với cùng kỳ năm trước; sản xuất cá giống 5 tháng đầu năm 2016 ước đạt 17 triệu con, tăng 6,3%.
2. Sản xuất công nghiệp
Tháng 5/2016, ngành công nghiệp tuy còn gặp nhiều khó khăn, tốc độ tăng trưởng còn chậm, nhưng đã có những tín hiệu tốt.
Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tháng 5/2016 ước tính tăng 3,6% so với tháng trước; trong đó: ngành khai khoáng tăng 2,1%, công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 2,7%, sản xuất và phân phối điện tăng 10,9%, cung cấp nước, xử lý rác thải, nước thải tăng 3,7%.
Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tháng 5/2016 ước tính tăng 12,2% so với cùng tháng năm trước; trong đó: ngành khai khoáng giảm 2%, công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 15,2%, sản xuất và phân phối điện tăng 4,4%, cung cấp nước, xử lý rác thải, nước thải tăng 0,3%.
Tính chung 5 tháng đầu năm 2016, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp ước tính tăng 7,2% so với cùng kỳ năm trước; trong đó: ngành khai khoáng tăng 4,4%, công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 8,5%, sản xuất và phân phối điện tăng 1,1%, cung cấp nước, xử lý rác thải, nước thải tăng 3,9%.
Trong ngành công nghiệp cấp 2, các ngành có chỉ số sản xuất 5 tháng đầu năm 2016 tăng cao hơn chỉ số chung là: khai khoáng khác tăng 10%; sản xuất, chế biến thực phẩm tăng 25,9%; sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic tăng 24,1%; sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác tăng 38,3%; hoạt động thu gom, xử lý và tiêu hủy rác thải tăng 7,6%. Các ngành có chỉ số tăng thấp hơn chỉ số chung là: sản xuất trang phục tăng 6,9%; chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ tăng 1,1%; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn tăng 4,4%; sản xuất và phân phối điện tăng 0,9%; khai thác xử lý và cung cấp nước tăng 3,7%. Các ngành có chỉ số sản xuất giảm: khai thác quặng kim loại giảm 20%; sản xuất đồ uống giảm 3,4%; sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất giảm 26,3%.
Một số sản phẩm chủ yếu trong 5 tháng đầu năm 2016 so với cùng kỳ năm trước tăng cao hơn chỉ số sản xuất công nghiệp chung là: tinh bột sắn tăng 25,8%; lốp dùng cho xe máy, xe đạp tăng 24,1%; săm dùng cho xe máy, xe đạp tăng 24%; điện thương phẩm tăng 11,2%...Một số sản phẩm tăng thấp hơn chỉ số sản xuất công nghiệp chung là: quặng zircon và tinh quặng zircon tăng 3,2%; đá xây dựng tăng 3,9%; ván ép tăng 1,5%; gạch xây dựng bằng đất sét nung tăng 2,4%; xi măng tăng 3,6%; nước máy tăng 3,7%... Một số sản phẩm giảm là: quặng inmenit và tinh quặng inmenit giảm 94%; bia các loại giảm 6,6%; gỗ cưa hoặc xẻ giảm 11,2%; dầu nhựa thông giảm 33,2%; phân hóa học giảm 32,6%; điện sản xuất giảm 1,9%...
3. Đầu tư
Vốn đầu tư phát triển thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý tháng 5/2016 ước đạt 162,3 tỷ đồng, so với tháng trước tăng 16,1%; so với cùng tháng năm trước tăng 55%; bao gồm: vốn ngân sách nhà nước cấp tỉnh 136,6 tỷ đồng; vốn ngân sách nhà nước cấp huyện 19,5 tỷ đồng; vốn ngân sách nhà nước cấp xã 6,2 tỷ đồng. Tính chung 5 tháng đầu năm 2016, vốn đầu tư phát triển thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý ước đạt 579,5 tỷ đồng, bằng 34,5% kế hoạch năm 2016 và tăng 33,7% so với cùng kỳ năm trước; trong đó: vốn ngân sách tỉnh ước đạt 488,7 tỷ đồng, bằng 33,7% kế hoạch và tăng 38,1%; vốn ngân sách huyện ước đạt 68,6 tỷ đồng, bằng 38,5% kế hoạch và tăng 10,1%; vốn ngân sách xã ước đạt 22,2 tỷ đồng, bằng 45,7% kế hoạch và tăng 30,1%. Nguyên nhân vốn đầu tư phát triển thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý 5 tháng đầu năm 2016 tăng khá so với cùng kỳ năm trước là do kế hoạch phân bổ vốn năm 2016 tăng so với năm 2015.
Tiến độ thi công một số công trình quan trọng như: Cầu sông Hiếu và đường hai đầu cầu ước thực hiện 4,1 tỷ đồng, đạt 24,1% kế hoạch năm 2016; Cầu Cam Hiếu 9,47 tỷ đồng, đạt 67,6% KH; Khu neo đậu tránh bão Cửa Tùng 2,06 tỷ đồng, đạt 25,4% KH; Hoàn thiện kết cấu hạ tầng một số tuyến chính tại khu Thương mại đặc biệt Lao Bảo 7,82 tỷ đồng, đạt 41,2% KH; Cơ sở hạ tầng KCN Nam Đông Hà (GĐ3) 10,27 tỷ đồng, đạt 25,7% KH; Nâng cấp Bệnh viện điều dưỡng - phục hồi chức năng Cửa Tùng 3,19 tỷ đồng, đạt 41,4% KH ...
Về công tác giải ngân: đến 30/4/2016, Kho bạc Nhà nước tỉnh Quảng Trị thực hiện 631,7 tỷ đồng, đạt 32% kế hoạch; Trong đó: nguồn vốn tỉnh quản lý thực hiện 266,4 tỷ đồng, đạt 20,3%.
4. Thương mại, giá cả, vận tải và du lịch
4.1. Bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng
Tháng Năm tình hình thị trường bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng diển biến bình thường; chỉ có nhóm hàng lương thực, thực phẩm tăng chậm so với tháng trước và giảm so với cùng tháng năm trước. Nguyên nhân chủ yếu là do tình hình hải sản chết bất thường tại các tỉnh miền Trung nên người dân không tiêu dùng hải sản mà chuyển qua tiêu dùng các loại thực phẩm khác; hơn nữa, nguồn cung hải sản cũng giảm mạnh.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 5/2016 ước đạt 1887,4 tỷ đồng, tăng 2,5% so với tháng trước và tăng 4,7% so với cùng tháng năm trước. Trong tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng Tư, doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 1624,8 tỷ đồng, tăng 2,4% so với tháng trước và tăng 4,7% so với cùng tháng năm trước; doanh thu lưu trú và ăn uống đạt 194 tỷ đồng, tăng 4,1% so với tháng trước và tăng 5% so với cùng tháng năm trước; doanh thu du lịch lữ hành đạt 1,5 tỷ đồng, giảm 32,2% so với tháng trước và giảm 52,5% so với cùng tháng năm trước; doanh thu dịch vụ khác đạt 67,1 tỷ đồng, tăng 2% so với tháng trước và tăng 7,5% so với cùng tháng năm trước.
Tính chung 5 tháng đầu năm 2016, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 9170 tỷ đồng, tăng 5,7% so với cùng kỳ năm trước (nếu loại trừ yếu tố giá tăng 5%).
Xét theo ngành hoạt động, doanh thu bán lẻ hàng hóa 5 tháng đầu năm 2016 ước đạt 7894,6 tỷ đồng, chiếm 86,1% tổng mức và tăng 5,6% so với cùng kỳ năm trước. Các nhóm hàng có tổng mức bán lẻ tăng so với cùng kỳ năm trước: Lương thực, thực phẩm tăng 4%; đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình tăng 12%; vật phẩm văn hóa, giáo dục tăng 6,4%; gỗ và vật liệu xây dựng tăng 11,7%; ô tô các loại tăng 38,9%; phương tiện đi lại tăng 27,4%; nhiên liệu khác tăng 1,4%; đá quý, kim loại quý tăng 12%; hàng hóa khác tăng 10%; sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác tăng 28,8%. Các nhóm hàng có tổng mức bán lẻ giảm: hàng may mặc giảm 0,1%; xăng, dầu các loại giảm 11,6%.
Doanh thu dịch vụ lưu trú và ăn uống 5 tháng đầu năm 2016 ước đạt 914,9 tỷ đồng, chiếm 10% tổng mức và tăng 5,9% so với cùng kỳ năm trước.
Doanh thu du lịch lử hành 5 tháng đầu năm 2016 ước đạt 8,1 tỷ đồng, chiếm 0,1% tổng mức và giảm 41% so với cùng kỳ năm trước.
Doanh thu dịch vụ khác 5 tháng đầu năm 2016 ước đạt 352,5 tỷ đồng, chiếm 3,8% tổng mức và tăng 8,2% so với cùng kỳ năm trước.
4.2. Xuất, nhập khẩu hàng hóa
Tháng Năm, tình hình kinh doanh xuất, nhập khẩu có những chuyển biến tích cực do các đơn vị tích cực khai thác nguồn hàng trong và ngoài nước như: hàng rau quả, tinh bột sắn, bánh kẹo, gỗ…xuất khẩu sang các thị trường truyền thống nên kim ngạch xuất, nhập khẩu tiếp tục tăng so với tháng trước. Tuy nhiên, trong 5 tháng đầu năm 2016 hoạt động xuất, nhập khẩu vẫn gặp khó khăn về nguồn hàng, thị trường nên có xu hướng chững lại.
Kim ngạch xuất khẩu tháng 5/2016 ước đạt 16077 nghìn USD, tăng 2,1% so với tháng trước; trong đó: kinh tế nhà nước ước đạt 6650 nghìn USD, tăng 16,1%; kinh tế tư nhân ước đạt 8777 nghìn USD, giảm 6%; kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài ước đạt 650 nghìn USD, giảm 3,4%. Kim ngạch xuất khẩu một số mặt hàng chủ yếu trong tháng: hàng rau quả 3640 nghìn USD, tăng 6,4% so với tháng trước; tinh bột sắn 2400 nghìn USD, tăng 21,3%; gỗ 7329 nghìn USD, tăng 1,7%; phương tiện vận tải và phụ tùng 650 nghìn USD, giảm 3,4%...
Tính chung 5 tháng đầu năm 2016, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 66374 nghìn USD, giảm 6,2% so với cùng kỳ năm trước; trong đó: kinh tế nhà nước ước đạt 19075 nghìn USD, tăng 56,5%; kinh tế tư nhân ước đạt 44235 nghìn USD, giảm 19%; kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài ước đạt 3064 nghìn USD, giảm 22,8%. Kim ngạch xuất khẩu một số mặt hàng chủ yếu trong 5 tháng năm 2016: hàng rau quả 19348 nghìn USD, tăng 54,7% so với cùng kỳ năm trước; cà phê 2625 nghìn USD, tăng 53,6%; tinh bột sắn 9008 nghìn USD, tăng 0,1%; phân bón các loại 1023 nghìn USD, giảm 32,9%; gỗ 23573 nghìn USD, giảm 16,7%; phương tiện vận tải và phụ tùng 3064 nghìn USD, giảm 22,8%; điện 1650 nghìn USD, tăng 71,3%...
Kim ngạch nhập khẩu tháng 5/2016 ước đạt 11501 nghìn USD, tăng 1,3% so với tháng trước; trong đó: kinh tế nhà nước ước đạt 750 nghìn USD, tăng 1,8%; kinh tế tư nhân ước đạt 10525 nghìn USD, tăng 2%; kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài ước đạt 226 nghìn USD, giảm 22,6%. Kim ngạch nhập khẩu một số mặt hàng chủ yếu trong tháng: hàng rau quả 3080 nghìn USD, giảm 2,3% so với tháng trước; gỗ và sản phẩm từ gỗ 7227 nghìn USD, tăng 4,8%; hàng hóa khác 1183 nghìn USD, giảm 7,9%...
Tính chung 5 tháng đầu năm 2016, kim ngạch nhập khẩu ước đạt 48103 nghìn USD, giảm 15,3% so với cùng kỳ năm trước; trong đó: kinh tế nhà nước ước đạt 2404 nghìn USD, tăng 43,2%; kinh tế tư nhân ước đạt 44196 nghìn USD, giảm 16,4%; kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài ước đạt 1503 nghìn USD, giảm 33,4%. Kim ngạch nhập khẩu một số mặt hàng chủ yếu trong 5 tháng đầu năm 2016: hàng rau quả 19027 nghìn USD, tăng 41,2% so với cùng kỳ năm trước; gỗ và sản phẩm từ gỗ 22781 nghìn USD, giảm 35,3%; hàng hóa khác 6124 nghìn USD, bằng 2,1 lần…
4.3. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI), chỉ số giá vàng và chỉ số giá đô la Mỹ
Tháng Năm, hiện tượng hải sản chết bất thường tại các tỉnh miền Trung, người dân không tiêu dùng hải sản mà chuyển sang tiêu dùng các loại thực phẩm khác, hơn nữa sản lượng hải sản khai thác giảm, nên giá thực phẩm tăng; giá xăng dầu điều chỉnh tăng làm cho giá dịch vụ giao thông tăng nên chỉ số giá tiêu dùng tháng 5/2016 tăng so với tháng trước.
Chỉ số giá tiêu dùng tháng 5/2016 tăng 0,83% so với tháng trước; tăng 2,81% so với tháng 12 năm trước và tăng 1,73% so với cùng tháng năm trước.
Chỉ số giá tiêu dùng bình quân 5 tháng đầu năm 2016, tăng 0,66% so với bình quân cùng kỳ năm trước. Các nhóm hàng có chỉ số giá giảm là: giao thông giảm 8,73%; bưu chính viễn thông giảm 0,11%. Các nhóm hàng có chỉ số giá tăng là: Hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,62% (lương thực giảm 5,74%, thực phẩm tăng 1,46%, ăn uống ngoài gia đình tăng 6,85%); đồ uống và thuốc lá tăng 2,23%; may mặc, giày dép và mũ nón tăng 5,19%; nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 0,15%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,73%; thuốc và dịch vụ y tế tăng 18,72%; giáo dục tăng 0,31%; văn hóa, giải trí và du lịch tăng 1,19%; hàng hóa và dịch vụ khác tăng 2,9%.
Chỉ số giá vàng tháng 5/2016 tăng 1,35% so với tháng trước; tăng 11,4% so với tháng 12 năm trước và tăng 5,81% so với cùng tháng năm trước. Chỉ số giá vàng bình quân 5 tháng đầu năm 2016, giảm 0,12% so với bình quân cùng kỳ năm trước.
Chỉ số giá đô la Mỹ tháng 5/2016 giảm 0,05% so với tháng trước; giảm 0,88% so với tháng 12 năm trước và tăng 3,03% so với cùng tháng năm trước. Chỉ số giá đô la Mỹ bình quân 5 tháng năm 2016 tăng 4,19% so với bình quân cùng kỳ năm trước.
4.4. Hoạt động vận tải
Tháng Năm, thời tiết thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh và đi lại của dân cư nên hoạt động kinh doanh vận tải tiếp tục tăng trưởng; nhất là vận tải hàng hóa.
Doanh thu vận tải tháng 5/2016 ước tính đạt 101,2 tỷ đồng, tăng 2,7% so với tháng trước, trong đó: doanh thu vận tải hành khách ước đạt 38,6 tỷ đồng, tăng 0,3%; doanh thu vận tải hàng hóa ước đạt 61,1 tỷ đồng, tăng 4,3%; doanh thu kho bãi và dịch vụ hổ trợ vận tải ước đạt 1,5 tỷ đồng, tăng 3,6%. Trong tổng doanh thu vận tải tháng 5/2016 khu vực nhà nước ước đạt 0,3 tỷ đồng, tăng 25,5% so với tháng trước; khu vực ngoài nhà nước ước đạt 100,9 tỷ đồng, tăng 2,7%. Tính chung 5 tháng đầu năm 2016, doanh thu vận tải ước đạt 455 tỷ đồng, tăng 18,2% so với cùng kỳ năm trước; trong đó: doanh thu vận tải hành khách ước đạt 181,1 tỷ đồng, tăng 20,4%; doanh thu vận tải hàng hóa ước đạt 265,4 tỷ đồng, tăng 18,2%; doanh thu kho bãi và dịch vụ hổ trợ vận tải ước đạt 8,5 tỷ đồng, tăng 1,1%. Trong tổng doanh thu vận tải 5 tháng đầu năm 2016, khu vực nhà nước ước đạt 1,8 tỷ đồng, giảm 63,3%; khu vực ngoài nhà nước ước đạt 453,2 tỷ đồng, tăng 19,2%.
Vận tải hành khách: khối lượng hành khách vận chuyển tháng 5/2016 ước đạt 535,3 nghìn HK, tăng 0,4% so với tháng trước, do thành phần kinh tế ngoài nhà nước và vận tải đường bộ thực hiện; khối lượng hành khách luân chuyển ước đạt 59,2 triệu HK.km, tăng 1%. Tính chung 5 tháng đầu năm 2016, khối lượng hành khách vận chuyển ước đạt 2967,1 nghìn HK, tăng 8,2% so với cùng kỳ năm trước; khối lượng hành khách luân chuyển ước đạt 265,5 triệu HK.km, tăng 24%.
Vận tải hàng hóa: khối lượng hàng hoá vận chuyển tháng 5/2016 ước đạt 704,7 nghìn tấn, tăng 4,3% so với tháng trước; tất cả đều do thành phần kinh tế ngoài nhà nước và chủ yếu vận tải đường bộ thực hiện; khối lượng hàng hoá luân chuyển ước đạt 40,4 triệu tấn.km, tăng 4%. Tính chung 5 tháng đầu năm 2016, khối lượng hàng hoá vận chuyển ước đạt 3240,4 nghìn tấn, tăng 7% so với cùng kỳ năm trước; khối lượng hàng hoá luân chuyển ước đạt 182,9 triệu tấn.km, tăng 15,5%.
4.5.Khách du lịch
Trong tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2016, hoạt động du lịch tại Quảng Trị gặp khó khăn do các tỉnh lân cận như: Quảng Bình, Thừa Thiên- Huế, Đà nẳng có tiềm năng du lịch lớn, các đơn vị lữ hành của các tỉnh này hoạt động mạnh nên đã thu hút khách lưu trú và lử hành trong vùng; kết quả kinh doanh du lịch của Quảng Trị còn quá nhỏ bé và chưa có dấu hiệu khởi sắc.
Số lượt khách do các đơn vị lưu trú phục vụ tháng 5/2016 ước đạt 40399 lượt, tăng 6,1% so với tháng trước và giảm 25,9% so với cùng tháng năm trước; số ngày khách do các đơn vị lưu trú phục vụ (chỉ tính khách ngủ qua đêm) ước đạt 27150 ngày khách, tăng 1% so với tháng trước và giảm 22,7% so với cùng tháng năm trước; lượt khách du lịch theo tour ước đạt 753 lượt, giảm 27,2% so với tháng trước và giảm 68,1% so với cùng tháng năm trước; ngày khách du lịch theo tour ước đạt 2872 ngày khách, giảm 28,6% so với tháng trước và giảm 66,5% so với cùng tháng năm trước.
Tính chung 5 tháng đầu năm 2016, số lượt khách do các đơn vị lưu trú phục vụ ước đạt 216001 lượt, giảm 10,3% so với cùng kỳ năm trước; số ngày khách do các đơn vị lưu trú phục vụ (chỉ tính khách ngủ qua đêm) ước đạt 146203 ngày khách, giảm 3,3%; lượt khách du lịch theo tour ước đạt 4370 lượt, giảm 27%; ngày khách du lịch theo tour ước đạt 17308 ngày khách, giảm 26,1%.
5. Một số tình hình xã hội
Nổi bật trong tháng 5/2016 là công tác bầu cử Quốc hội khóa XIV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021. Đến thời điểm này, công tác chuẩn bị bầu cử và bầu cử trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đã cơ bản hoàn tất.
5.1. Đời sống dân cư
Từ ngày 1/5/2016, thực hiện điều chỉnh tăng lương cơ sở từ 1,15 triệu đồng/tháng lên 1,21 triệu đồng/tháng (tăng khoảng 5%) đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, bảo đảm thu nhập của đối tượng có hệ số lương từ 2,34 trở xuống không giảm so với mức đang hưởng. Riêng lương hưu, trợ cấp ưu đãi người có công, tiếp tục giữ mức đã tăng 8% như đã thực hiện năm 2015.
Thời gian qua, hiện tượng hải sản chết bất thường ven biển đã gây thiệt hại lớn đến tình hình sản xuất, kinh doanh liên quan đến lĩnh vực này. Đặc biệt là nhân dân vùng biển, các hoạt động dịch vụ du lịch ven biển, dịch vụ hậu cần nghề cá, nuôi trồng thuỷ sản tại vùng biển.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh đã ra Quyết định số 1032/QĐ-UBND ngày 15/5/2016 về việc hổ trợ khẩn cấp cho người dân tại các huyện ven biển bị ảnh hưởng do hiện tượng hải sản chết bất thường; theo đó:
- Hổ trợ 15 kg gạo/người/tháng đối với các nhân khẩu thuộc hộ gia đình chủ tàu, hộ gia đình có lao động trên tàu khai thác hải sản ở vùng ven bờ, vùng lộng không lắp máy hoặc lắp máy có công suất dưới 90 CV và hộ gia đình làm dịch vụ hậu cần nghề cá bị ảnh hưởng trực tiếp.
- Hổ trợ một lần các tàu, thuyền không lắp máy (kể cả thuyền thúng) hoặc lắp máy đánh bắt ven bờ và vùng lộng do phải tạm ngừng ra biển khai thác hải sản như sau: tàu thuyền không lắp máy 3,5 triệu đồng/ chiếc, tàu lắp máy có công suất dưới 90 CV 5 triệu đồng/ chiếc.
- Các doanh nghiệp, chủ cơ sở thu mua, tàu dịch vụ hậu cần nghề cá có hoạt động thu mua, dịch vụ hậu cần nghề cá được vay vốn tín dụng tại các tổ chức tín dụng do Ngân hàng Nhà nước chỉ định với lãi suất thấp nhất áp dụng cho lĩnh vực ưu tiên, kỳ hạn ngắn và được ngân sách nhà nước hổ trợ 100% lãi suất trong thời gian tạm trữ hải sản…
Để giải quyết tình hình trước mắt, Tỉnh đã chủ động hỗ trợ 300 tấn gạo cho các gia đình gặp khó khăn bị ảnh hưởng bởi hiện tượng hải sản chết bất thường tại các xã ven biển gồm: Vĩnh Linh 73 tấn, Gio Linh 94 tấn, Triệu Phong 68 tấn, Hải Lăng 65 tấn. Mặt khác, Tỉnh cũng đã có văn bản đề nghị Thủ tướng Chính phủ trích từ nguồn dự trữ quốc gia hỗ trợ cho tỉnh 600 tấn gạo để cấp phát cho các hộ gia đình khó khăn. Bằng sự chung tay của cộng đồng, tỉnh Quảng Trị đã nhận được sự hỗ trợ từ các cá nhân, tổ chức trong và ngoài tỉnh huy động được trên 8,5 tỷ đồng cùng nhiều hiện vật khác. Các ngân hàng cũng thực hiện nhiều giải pháp để hỗ trợ cho ngư dân trong giai đoạn khó khăn như: tiến hành giãn nợ, giảm thời gian trả lãi cho ngư dân, thực hiện việc hỗ trợ gạo, cùng các mặt hàng khác để đồng hành với khó khăn chung hiện nay…
Nhìn chung, người dân vùng biển trong thời gian qua có những khó khăn; Tuy nhiên, tỉnh đã thực hiện nhiều biện pháp tích cực hổ trợ, chăm lo đời sống cho nhân dân nên tình hình thiếu đói trong dân đến nay chưa xảy ra.
5.2. Giáo dục
Hội khỏe Phù Đổng toàn quốc lần thứ IX năm 2016 khu vực 3 diễn ra tại Thanh Hóa từ ngày 10 đến 20/4 với gần 2000 vận động viên là những học sinh xuất sắc trong phong trào rèn luyện thể chất đại diện các nhà trường thuộc 12 tỉnh trong khu vực tham gia. Đoàn thể thao học sinh Quảng Trị giành 25 huy chương các hạng (gồm 4 huy chương vàng, 4 huy chương bạc và 17 huy chương đồng); có 47 học sinh nhận huy chương, trong đó có 4 học sinh đạt huy chương vàng, 7 học sinh đạt huy chương bạc và 36 học sinh đạt huy chương đồng.
5.3. Y tế
a. Tình hình dịch bệnh
Nhằm góp phần làm giảm gánh nặng bệnh Sởi và Hội chứng Rubella bẩm sinh, chủ động phòng chống bệnh dịch trong thời gian tới, Tỉnh đã ban hành Kế hoạch triển khai chiến dịch tiêm vắc xin Sởi - Rubella cho đối tượng 16-17 tuổi trên địa bàn tỉnh năm 2016. Thời gian triển khai từ tháng 3-5/2016. Các hình thức triển khai gồm: Tổ chức tiêm chủng cố định tại Trạm Y tế; tổ chức các điểm tiêm chủng lưu động tại các Trường THPT, tại từng thôn, bản hoặc một vài thôn bản gần nhau vào cùng 1 điểm tiêm; tại các địa bàn vùng nguy cơ cao vùng sâu, vùng xa, vùng tiếp cận khó khăn.
Trong tháng 4/2016, đã xuất hiện 04 ca mắc bệnh thương hàn; 86 ca mắc bệnh lỵ trực trùng, giảm 25,9% so với cùng kỳ năm trước; 30 ca mắc bệnh lỵ a mip, giảm 9,1%; 245 ca mắc bệnh tiêu chảy, giảm 9,9%; 01 ca mắc bệnh sốt Dengue; 03 ca mắc bệnh sốt rét, giảm 25%; 18 ca mắc bệnh viêm gan virut, giảm 10%; 43 ca mắc bệnh thủy đậu, giảm 23,2%; 69 ca mắc bệnh quai bị, tăng 56,8%; 1767 ca mắc bệnh cúm, tăng 16%.
Tính chung 4 tháng đầu năm 2016 đã có 05 ca mắc bệnh thương hàn; 284 ca mắc bệnh lỵ trực trùng, giảm 30,2% so với cùng kỳ năm trước; 106 ca mắc bệnh lỵ a mip, tăng 21,8%; 880 ca mắc bệnh tiêu chảy, giảm 13,7%; 56 ca mắc bệnh sốt Dengue; 09 ca mắc bệnh sốt rét, giảm 30,8%; 71 ca mắc bệnh viêm gan virut, giảm 11,3%; 203 ca mắc thuỷ đậu, giảm 11,7%; 163 ca mắc bệnh quai bị, giảm 13,8%; 6310 ca mắc bệnh cúm, tăng 3,9%. Tất cả các ca bệnh đều được các cơ sở y tế theo dỏi, điều trị.
b.Tình hình nhiễm HIV/AIDS
Tỉnh đã chỉ đạo các cơ sở điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng methadone, các cơ sở điều trị ARV cho bệnh nhân AIDS; phối hợp với các sở, ban ngành, đoàn thể tổ chức, giám sát hoạt động ở các cấp; đẩy mạnh công tác truyền thông bằng nhiều hình thức nhằm giúp công tác phòng, chống HIV/AIDS thuận lợi, đạt hiệu quả cao hơn. Ngành y tế tiếp tục phối hợp với các cơ quan liên quan và các địa phương quản lý tốt các đối tượng nhiễm HIV/AIDS trong cộng đồng để bảo đảm cho người dân tránh lây nhiễm.
Tính đến ngày 15/5/2016, số người nhiễm HIV còn sống tại Quảng Trị là 197 người (số trẻ em dưới 15 tuổi nhiễm HIV là 11 trẻ, số bà mẹ mang thai nhiễm HIV sinh con là 36 bà mẹ); trong đó: có 63 trường hợp đã chuyển sang giai đoạn AIDS. Số bệnh nhân tử vong do AIDS toàn tỉnh tính đến thời điểm trên là 91 người.
c.Tình hình ngộ độc thực phẩm
Tiếp tục duy trì và nâng cao trách nhiệm của các doanh nghiệp và cá nhân trong việc thực thi pháp luật về ATVSTP; đồng thời, nâng cao vai trò giám sát của các cơ quan quản lý và người tiêu dùng đối với việc thực thi pháp luật về ATVSTP của cá nhân. Tỉnh chỉ đạo, xử lý hành chính ở mức cao nhất, kể cả xử lý hình sự các vi phạm về an toàn thực phẩm; tăng cường thanh tra, kiểm tra; tuyên truyền vận động các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp sản xuất thay đổi tư duy, nhận thức rõ vấn đề bảo đảm ATVSTP. Gắn nhiệm vụ công tác quản lý Nhà nước về ATVSTP đi đôi với hoạt động thông tin tuyên truyền phổ biến kiến thức pháp luật VSATTP. Tăng cường công tác xét nghiệm hậu kiểm là căn cứ khoa học phục vụ cho công tác quản lý nhà nước ngày càng tốt hơn...
Hiện nay, một số vấn đề về ATVSTP cần được quan tâm xử lý, để giải quyết dứt điểm đó là vấn đề sử dụng Salbutamol, chất vàng ô, kháng sinh, thuốc bảo vệ thực vật ngoài danh mục…Ngành Y tế đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan tại các địa phương tăng cường công tác tuyên truyền bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm và thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn. Phát hiện sớm và xử lý kịp thời những vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm và công khai kết quả thanh tra, kiểm tra các đơn vị không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cho cộng đồng trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Trong tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2016, trên địa bàn tỉnh không xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm lớn nào.
5.4. Hoạt động văn hóa, thể thao
Trong tháng, đã triển khai thực hiện tốt công tác khánh tiết, trang trí cổ động trực quan; các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao phục vụ tốt các sự kiện chính trị, các ngày Lễ lớn như: Tiếp tục tuyên truyền bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021; Lễ hội “Thống nhất non sông – năm 2016” - Kỷ niệm 41 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2016). Trong khuôn khổ lễ hội đã diễn ra giải đua thuyền truyền thống trên dòng sông Bến Hải và triển lãm ảnh “Quảng Trị - Những dòng sông huyền thoại” tại Khu Di tích quốc gia đặc biệt Đôi bờ Hiền Lương- Bến Hải… Ngày 24/4/2016, khánh thành Khu di tích thành lập Quân đoàn 2 tại Chiến khu Ba Lòng - huyện Đakrông. Ngày 30/4/2016, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đã dâng hương, dâng hoa tri ân các anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn, Đường 9 và Thành Cổ Quảng Trị.
Đẩy mạnh phong trào “TDĐKXDĐSVH” gắn với việc thực hiện xây dựng nông thôn mới, “Xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới”, “Thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị”.
Duy trì luyện tập thường xuyên các lớp năng khiếu, đội tuyển tỉnh và đội tuyển trẻ. Tổng số VĐV được đào tạo tại trung tâm là: 91 VĐV, gồm: 25 VĐV tuyến tỉnh, 22 VĐV tuyến trẻ, 44 VĐV tuyến năng khiếu (trong đó có 07 VĐV được triệu tập vào đội tuyển và đội tuyển trẻ Quốc gia, có 04 Kiện tướng, 01 Dự bị kiện tướng và 12 VĐV cấp I).
Chuẩn bị cơ sở vật chất, lực lượng để tham gia Giải Lặn vô địch các nhóm tuổi tại TPHồ Chí Minh; Giải vô địch trẻ toàn quốc môn cử tạ...
5.5. Tình hình cháy, nổ và bảo vệ môi trường
a. Tình hình cháy, nổ
Tiếp tục tổ chức kiểm tra an toàn PCCC các cơ sở thuộc diện quản lý, đặc biệt là các cơ sở trọng điểm có nguy cơ cháy lớn gây thiệt hại nghiêm trọng như: Chợ; Trung tâm thương mại; cơ sở sản xuất có chứa nhiều chất cháy; các khu vực vui chơi, giải trí, tập trung đông người; kho xăng dầu – cửa hàng xăng dầu và khí dầu mỏ hóa lỏng; cơ sở bảo quản sử dụng vật liệu nổ công nghiệp; Trụ sở cơ quan Đảng, chính quyền các cấp...đồng thời cũng lưu ý đến khả năng chữa cháy của lực lượng, phương tiện chữa cháy, cách thức tổ chức thường trực, bảo vệ tại những cơ sở này; kiểm tra hệ thống điện, hệ thống báo cháy, giao thông, nguồn nước phục vụ chữa cháy, việc sử dụng điện, bảo quản hàng hóa, vật tư, chất dễ cháy nổ; quản lý nguồn lửa, nguồn nhiệt trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Các điều kiện ngăn cháy, chống cháy lan; điều kiện thoát nạn khi cần thiết... Qua kiểm tra, đã hướng dẫn tổ chức thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn PCCC; kịp thời phát hiện, xử lý, khắc phục những sở hở, thiếu sót trong công tác PCCC; hạn chế và loại trừ các nguyên nhân, điều kiện dẫn đến cháy nổ. Xử lý nghiêm, đúng pháp luật những trường hợp vi phạm quy định về an toàn PCCC.
Từ ngày 16/4 đến 15/5/2016 trên địa bàn tỉnh xảy ra 02 vụ cháy tại TP Đông Hà ( 01 vụ cháy do chập điện, 01 vụ cháy do đốt xăng ) làm 01 người chết và thiệt hại tài sản 01 triệu đồng.
Tính chung, 5 tháng đầu năm 2016 trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 12 vụ cháy, bằng cùng kỳ năm trước; làm 01 người chết và thiệt hại ước tính 1253 triệu đồng.
b. Bảo vệ môi trường
Trong tháng 5/2016 có 01 vụ vi phạm môi trường xảy ra trên địa bàn huyện Hướng hóa đã được xử lý và xử phạt. Tích lũy từ đầu năm đến nay có 02 vụ vi phạm môi trường xảy ra; tổng số tiền xử phạt do vi phạm môi trường là 11 triệu đồng.
*Tình hình môi trường biển liên quan đến hiện tượng hải sản chết bất thường tại 4 tỉnh miền Trung (Trong đó có tỉnh Quảng Trị)
Thời gian qua, hiện tượng hải sản chết bất thường ven biển đã gây thiệt hại lớn đến tình hình sản xuất kinh doanh liên quan đến lĩnh vực này. Đặc biệt là nhân dân vùng biển, hoạt động khai thác hải sản, dịch vụ hậu cần nghề cá, nuôi trồng thuỷ sản tại vùng biển, các hoạt động dịch vụ du lịch ven biển.
Đến nay, qua kiểm tra thực tế tại các vùng biển cho thấy không còn hiện tượng cá chết dạt vào bờ. Lượng cá chết trước đây đã được chính quyền và người dân các địa phương ven biển thu gom, chôn lấp tiêu hủy, hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường. Chất lượng nước biển ven bờ đã đảm bảo cho mục đích nuôi trồng thủy sản, bảo tồn thủy sinh và bãi tắm...
5.6. Tình hình thiên tai
Vào lúc 17h30 ngày 18/5/2016, một trận lốc đã xảy ra trên địa bàn thị trấn Khe Sanh - huyện Hướng Hoá làm tốc mái và hư hỏng 67 căn nhà, trong đó phần lớn bị tốc mái hoàn toàn; giá trị thiệt hại 267 triệu đồng. Ngay sau khi vụ việc xảy ra, lãnh đạo UBND huyện Hướng Hoá đã có mặt tại hiện trường, chỉ đạo khắc phục hậu quả và hỗ trợ ban đầu cho các gia đình bị thiệt hại.
5.7. Tai nạn giao thông
Từ 16/4 đến 15/5/2016, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 18 vụ tai nạn giao thông, làm chết 08 người, bị thương 16 người; so với cùng kỳ năm trước số vụ tai nạn giao thông giảm 10% (-2 vụ), số người chết giảm 38,5% (-5 người), số người bị thương tăng 33,3% (+4 người).
Tích lũy từ 16/12/2015 đến 15/5/2016 trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 84 vụ tai nạn giao thông, làm chết 35 người, bị thương 83 người; so với cùng kỳ năm trước số vụ giảm 20,8% (-22 vụ), số người chết giảm 36,4% (-20 người), số người bị thương giảm 10,8% (-10 người).
Trong tổng số vụ tai nạn giao thông từ 16/12/2015 đến 15/5/2016, đường bộ xa 83 vụ, làm chết 34 người, bị thương 83 người; đường sắt xảy ra 01 vụ, làm chết 01 người.
Trên đây là tình hình kinh tế - xã hội tháng 5 năm 2016 tỉnh Quảng Trị; Cục Thống kê Quảng Trị xin báo cáo.
CỤC THỐNG KÊ QUẢNG TRỊ