1. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản
1.1. Nông nghiệp
a. Trồng trọt
* Sản xuất vụ Hè Thu năm 2015
Sản xuất vụ Hè Thu năm 2015 hết sức khó khăn do thời tiết nắng nóng gay gắt, kéo dài, diễn ra trên diện rộng làm cho các hồ đập và các công trình thủy lợi trên địa bàn bị khô cạn, không đủ nước tưới nên nhiều diện tích không gieo trồng được; diện tích gieo cấy lúa và các loại cây trồng khác giảm mạnh so với vụ Hè Thu năm 2014. Tính đến ngày 15/7 toàn tỉnh đã gieo cấy được 20380 ha lúa vụ Hè Thu và vụ Mùa, giảm 12,8% so với cùng kỳ năm trước; trong đó: lúa Hè Thu 19330 ha, giảm 13,2% (-2943 ha) so với vụ Hè Thu năm 2014 và lúa Mùa 1050 ha, giảm 3,4% (-37 ha) so với vụ Mùa năm 2014; Ngô gieo trồng 1076 ha, giảm 3% (-32,8 ha); khoai lang 530 ha, giảm 30,1% (-228,4 ha); lạc 228 ha, giảm 55,4% (-283,4 ha); rau các loại 1189 ha, giảm 17,9% (-260 ha); đậu các loại 1052 ha, tăng 3,7% (+38 ha)…Hiện nay, bà con nông dân đang tiến hành chăm sóc, làm cỏ, tỉa dặm các trà lúa sớm; cây lúa đang trong giai đoạn đẻ nhánh, đứng cái.
Tình hình vật gây hại: trên cây lúa chuột gây hại nhiều nơi với diện tích 703 ha, trong đó diện tích bị hại nặng 30 ha, tỷ lệ hại phổ biến từ 10-15%, nơi cao 20-40%; rầy lưng trắng diện tích bị hại 08 ha; sâu keo diện tích bị hại 60 ha; nhện gié diện tích bị hại 50 ha; bệnh bạc lá vi khuẩn diện tích nhiễm 113 ha; bệnh khô vằn diện tích nhiễm 80 ha…
b. Chăn nuôi
Tính đến thời điểm 30/6/2015, ước tính đàn trâu có 24480 con, giảm 2,5% so với cùng thời điểm năm trước; đàn bò có 53150 con, tăng 1,8%; đàn lợn (không tính lợn sữa) có 269900 con, tăng 10,4%; đàn gia cầm có 2070 nghìn con, tăng 14,4%; trong đó: đàn gà 1590 nghìn con, tăng 22,7%. Nhìn chung, đàn gia súc, gia cầm phát triển bình thường, không có dịch bệnh xảy ra.
1.2. Lâm nghiệp
Tháng 7 và 7 tháng đầu năm thuận lợi về thời tiết và thị trường tiêu thụ cho khai thác lâm sản. Sản lượng gỗ khai thác tháng 7 ước đạt 70317 m3, tăng 28% so với cùng tháng năm 2014; Tính chung 7 tháng sản lượng gổ khai thác ước đạt 253533 m3, tăng 29,3% so với cùng kỳ năm 2014. Sản lượng củi khai thác tháng 7 ước đạt 34419 ste, giảm 23,3% so với cùng tháng năm 2014; tính chung 7 tháng sản lượng củi khai thác ước đạt 156361 ste, giảm 6,5% so với cùng kỳ năm 2014...Hiện nay diện tích rừng kém chất lượng ngày càng giảm, nhiều diện tích rừng chất lượng, trữ lượng cao được đưa vào khai thác trong năm 2015, đồng thời nhu cầu gỗ cho các nhà máy ván ép, nhà máy dăm gỗ tăng nên sản lượng khai thác gỗ tăng cao so với cùng kỳ năm 2014. Sản lượng củi khai thác giảm do nhu cầu chất đốt cho sinh hoạt ngày càng giảm.
1.3. Thủy sản
Diện tích nuôi trồng thủy sản 7 tháng đầu năm 2015 đạt 2867,9 ha, tăng 0,6% (+18,5 ha) so với cùng kỳ năm trước, trong đó: nuôi tôm sú 310,5 ha, giảm 16,7% (-62,3ha); nuôi tôm thẻ chân trắng 558,1 ha, tăng 28,9% (+125,2 ha). Thời tiết 7 tháng đầu năm không thuận lợi cho nuôi trồng thủy sản; nắng nóng kéo dài là nguyên nhân khiến cho nhiều hồ đập, sông suối bị khô hạn, lượng nước thay thế bị hạn chế nên nuôi trồng cá nước ngọt bị ảnh hưởng. Tình hình bệnh đốm trắng, hoại tử gan tụy cấp và các nguyên nhân khác làm cho một số diện tích tôm thả nuôi bị thiệt hại; bên cạnh đó tình trạng thiếu vốn do mất mùa nhiều năm liên tục khiến cho tiến độ thả nuôi chậm hơn so cùng kỳ năm trước. Trong 7 tháng đầu năm, diện tích nuôi tôm sú do nuôi hiệu quả thấp nên bà con chuyển một số diện tích sang nuôi tôm thẻ chân trắng; vì vậy diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng tăng và diện tích nuôi tôm sú giảm.
Tổng sản lượng thủy sản tháng 7 ước đạt 3871 tấn, tăng 5,2% so với cùng tháng năm trước. Tính chung 7 tháng ước đạt 18734 tấn, tăng 9,6% so với cùng kỳ năm trước.
Sản lượng nuôi trồng thủy sản tháng 7 ước đạt 933 tấn, tăng 12,7% so với cùng tháng năm trước; trong đó: tôm sú 160 tấn, giảm 7,5%; tăng tôm thẻ chân trắng 169 tấn, giảm 3,4%. Tính chung 7 tháng ước đạt 3895 tấn, giảm 3,1% so với cùng kỳ năm trước; trong đó: tôm sú 160 tấn, giảm 7,5%; tôm thẻ chân trắng 1928 tấn, tăng 4,8%.
Sản lượng khai thác thủy sản tháng 7 ước đạt 2938 tấn, tăng 3,1% so với cùng tháng năm trước. Tính chung 7 tháng ước đạt 14839 tấn, tăng 13,5% so với cùng kỳ năm trước.
Sản xuất giống thủy sản 7 tháng năm 2015: cá giống các loại ước đạt 17,5 triệu con, tăng 6,1% so với cùng kỳ năm trước; tôm giống ước đạt 377 triệu con, tăng 59,1%.
2. Sản xuất công nghiệp
Tháng 7/2015 chỉ số sản xuất công nghiệp giảm so với tháng trước do một số ngành thiếu nguyên liệu và sản xuất có tính mùa vụ như: sản xuất tinh bột sắn giảm, ván ép giảm; sản xuất phân hóa học giảm…
Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tháng 7/2015 ước tính giảm 6,93% so với tháng trước; trong đó: ngành khai khoáng giảm 10,03%, công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 8,56%, sản xuất và phân phối điện tăng 6,51%, cung cấp nước, xử lý rác thải, nước thải giảm 5,47%.
Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tháng 7/2015 ước tính tăng 9,89% so với cùng tháng năm 2014; trong đó: ngành khai khoáng giảm 4,3%, công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 6,95%, sản xuất và phân phối điện tăng 41,62%, cung cấp nước, xử lý rác thải, nước thải tăng 7,53%.
Tính chung 7 tháng, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp ước tính tăng 13,12% so với cùng kỳ năm 2014; trong đó: ngành khai khoáng giảm 6,6%, công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 19,53%, sản xuất và phân phối điện giảm 17,4%, cung cấp nước, xử lý rác thải, nước thải tăng 9,08%.
Trong ngành công nghiệp cấp 2, một số ngành có chỉ số sản xuất 7 tháng tăng cao hơn chỉ số chung là: sản xuất, chế biến thực phẩm tăng 23,25%, sản xuất đồ uống bằng 5,24 lần, sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất tăng 37,97%, hoạt động thu gom, xử lý và tiêu hủy rác thải tăng 37,97%. Một số ngành có chỉ số tăng thấp hơn chỉ số chung là: sản xuất trang phục tăng 4,14%, khai thác xử lý và cung cấp nước tăng 8,11%. Các ngành còn lại có chỉ số sản xuất giảm.
Một số sản phẩm chủ yếu 7 tháng so với cùng kỳ năm trước tăng cao hơn chỉ số sản xuất là: tinh bột sắn tăng 23,2%, dầu nhựa thông bằng 2,31 lần, phân hóa học tăng 21,2%, xi măng tăng 14,9%. Một số sản phẩm tăng thấp hơn chỉ số sản xuất là: săm dùng cho xe máy, xe đạp tăng 0,2%; gạch xây dựng tăng 3,4%, điện thương phẩm tăng 6,9%, nước máy tăng 8,1%. Các sản phẩm còn lại giảm so với cùng kỳ năm trước.
3. Đầu tư
Vốn đầu tư phát triển thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý tháng 7/2015 ước đạt 113,7 tỷ đồng, bao gồm: vốn ngân sách nhà nước cấp tỉnh 92,1 tỷ đồng; vốn ngân sách nhà nước cấp huyện 17 tỷ đồng; vốn ngân sách nhà nước cấp xã 4,6 tỷ đồng. Tính chung 7 tháng, vốn đầu tư phát triển thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý ước thực hiện 655,77 tỷ đồng, bằng 62,6% kế hoạch năm 2015 và giảm 19,8% so với cùng kỳ năm 2014, trong đó: vốn ngân sách tỉnh ước thực hiện 533,98 tỷ đồng, bằng 62,3% kế hoạch và giảm 21,4%; vốn ngân sách huyện ước thực hiện 95,68 tỷ đồng, bằng 63,2% kế hoạch và giảm 13,9%; vốn ngân sách xã thực hiện 26,1 tỷ đồng, bằng 65,3% kế hoạch và giảm 3,4%. Nguyên nhân vốn đầu tư phát triển thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý 7 tháng đầu năm 2015 giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước là do tiếp tục thực hiện cắt giảm đầu tư công, kế hoạch vốn giao năm 2015 giảm so với năm 2014.
Một số công trình chủ yếu thực hiện từ nguồn vốn nhà nước do địa phương quản lý trong 7 tháng năm 2015: Hệ thống đê, kè chống xói lở đảo Cồn Cỏ đã thực hiện 25,16 tỷ đồng, đạt 41,93% kế hoạch năm 2015; Dự án chương trình mục tiêu quốc gia thực hiện 60,76 tỷ đồng, đạt 57,04% KH; Khu đô thị Nam Đông Hà giai đoạn 3 thực hiện 7,99 tỷ đồng, đạt 24,97% KH; Cầu Sông Hiếu và đường hai đầu cầu thực hiện 26,71 tỷ đồng, đạt 58,07% KH; Cầu Cam Hiếu thực hiện 17,13 tỷ đồng, đạt 57,1% KH; Khu neo đậu tránh bảo Cửa Tùng 7,41 tỷ đồng, đạt 49,4% KH…
Về công tác giải ngân: đến 30/6/2015, Kho bạc Nhà nước tỉnh thực hiện 917,47 tỷ đồng, đạt 50,3% kế hoạch năm 2015; trong đó: vốn địa phương quản lý thực hiện 831,34 tỷ đồng, đạt 54,48% kế hoạch năm.
4. Thương mại, giá cả, vận tải và du lịch
4.1. Bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng
Trong tháng 7, Kỹ niệm 68 năm ngày Thương binh Liệt sỹ; khách du lịch khắp nơi trong cả nước hành hương về Quảng Trị để thăm các Nghĩa trang Liệt sỹ và thăm lại chiến trường xưa nên doanh thu du lịch lữ hành, lưu trú, ăn uống và bán lẻ hàng hóa có tăng.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 7/2015 ước tính đạt 1829,6 tỷ đồng, tăng 2% so với tháng trước; trong đó: khu vực kinh tế nhà nước đạt 140,8 tỷ đồng, tăng 1,7%; kinh tế ngoài nhà nước đạt 1688,8 tỷ đồng, tăng 2%. Trong tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng: doanh thu bán lẻ hàng hóa trong tháng đạt 1571,5 tỷ đồng, tăng 2% so với tháng trước; doanh thu dịch vụ lưu trú và ăn uống đạt 191,9 tỷ đồng, tăng 3,5%; doanh thu du lịch lử hành đạt 3,1 tỷ đồng, tăng 7,2%; doanh thu dịch vụ khác đạt 63,2 tỷ đồng, giảm 2,7%.
Tính chung 7 tháng, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước tính đạt 12312,3 tỷ đồng, tăng 8,5% so với cùng kỳ năm 2014; trong đó: khu vực kinh tế nhà nước đạt 946,4 tỷ đồng, chiếm 7,7% trong tổng số và giảm 21,9% so với cùng kỳ năm trước; kinh tế ngoài nhà nước đạt 11365,9 tỷ đồng, chiếm 92,3% và tăng 12,1%. Trong tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 7 tháng, bán lẻ hàng hóa đạt 10586,4 tỷ đồng, chiếm 86% tổng số và tăng 8,4% so với cùng kỳ năm trước; dịch vụ lưu trú và ăn uống đạt 1240,2 tỷ đồng, chiếm 10,1% và tăng 5%; du lịch lử hành đạt 19,7 tỷ đồng, chiếm 0,16% và tăng 35,4%; dịch vụ khác đạt 466 tỷ đồng, chiếm 3,8% và tăng 20,6%.
4.2. Xuất, nhập khẩu hàng hóa
Tình hình kinh doanh xuất khẩu địa phương tháng 7/2015 có tăng so với tháng trước; tuy nhiên, một số mặt hàng chủ lực của tỉnh như: cà phê, cao su…vẫn gặp khó khăn do thị trường và giá cả thiếu ổn định; tình hình nhập khẩu đã chú ý hơn đến các mặt hàng phục vụ sản xuất, hạn chế các mặt hàng tiêu dùng…
Kim ngạch xuất khẩu tháng 7/2015 ước tính đạt 20882 nghìn USD, tăng 4,2% so với tháng trước; trong đó: kinh tế nhà nước đạt 1931 nghìn USD, giảm 2,2%; kinh tế tư nhân đạt 18131 nghìn USD, tăng 5,3%; kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đạt 820 nghìn USD, giảm1,7%. Mặt hàng xuất khẩu trong tháng: tinh bột sắn 1200 nghìn USD; cao su 530 tấn; gỗ 7590 nghìn USD; phân bón các loại 1191 tấn; hàng hóa khác 10870 nghìn USD.
Tính chung 7 tháng, kim ngạch xuất khẩu ước tính đạt 111668 nghìn USD, tăng 13,3% so với cùng kỳ năm trước; trong đó: kinh tế nhà nước đạt 16091 nghìn USD, tăng 9,8%; kinh tế tư nhân đạt 89953 nghìn USD, tăng 16,7%; kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đạt 5624 nghìn USD, giảm 18%. Mặt hàng xuất khẩu trong 7 tháng: cà phê 6819 tấn; tinh bột sắn 11380 nghìn USD; cao su 2154 tấn; gỗ 42415 nghìn USD; phân bón các loại 35195 tấn; hàng hóa khác 50762 nghìn USD.
Kim ngạch nhập khẩu tháng 7/2015 ước tính đạt 20173 nghìn USD, tăng 4,8% so với tháng trước; trong đó: kinh tế nhà nước đạt 850 nghìn USD, tăng 126,1%; kinh tế tư nhân đạt 18942 nghìn USD, tăng 2,1%; kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đạt 381 nghìn USD, tăng 15,8%. Mặt hàng nhập khẩu trong tháng: sữa và sản phẩm sữa 150 nghìn USD; gổ và sản phẩm từ gổ 11442 nghìn USD; hàng hóa khác 8581 nghìn USD.
Tính chung 7 tháng, kim ngạch nhập khẩu ước tính đạt 96236 nghìn USD, giảm 9,2% so với cùng kỳ năm 2014; trong đó: kinh tế nhà nước đạt 2905 nghìn USD, giảm 66,9%; kinh tế tư nhân đạt 90365 nghìn USD, giảm 2,8%; kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đạt 2966 nghìn USD, giảm 29,5%. Mặt hàng nhập khẩu trong 7 tháng: sửa và sản phẩm sửa 1518 nghìn USD; gổ và sản phẩm từ gổ 56519 nghìn USD; hàng hóa khác 38199 nghìn USD.
4.3. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI), chỉ số giá vàng và chỉ số giá đô la Mỹ
Chỉ số giá tiêu dùng tháng 7/2015 giảm so với tháng trước; chủ yếu là do giá lương thực, thực phẩm tiếp tục giảm so với tháng trước; giá ga và các loại chất đốt khác giảm…
Chỉ số giá tiêu dùng tháng 7/2015 giảm 0,12% so với tháng trước. Một số nhóm hàng có chỉ số giá giảm là: Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 0,27%; trong đó: lương thực giảm 2,66%, thực phẩm giảm 0,35%; Nhóm nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng giảm 0,12%; Nhóm giáo dục giảm 0,46%. Một số nhóm hàng có chỉ số giá tăng: ăn uống ngoài gia đình tăng 2,48%; Nhóm may mặc giày dép và mũ nón tăng 0,01%; Nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,15%; Nhóm giao thông tăng 0,17%; Nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,02%; Nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,04%. Các nhóm hàng hóa khác ổn định.
Chỉ số giá tiêu dùng tháng 7/2015 giảm 0,2% so với tháng 12 năm trước và giảm 0,21% so với cùng tháng năm trước. Chỉ số giá tiêu dùng bình quân 7 tháng năm 2015 tăng 0,09% so với bình quân cùng kỳ năm 2014.
Chỉ số giá vàng tháng 7/2015 giảm 1,35% so với tháng trước; giảm 2,1% so với tháng 12 năm trước và giảm 7,04% so với cùng tháng năm trước. Chỉ số giá vàng bình quân 7 tháng năm 2015 giảm 3,93% so với bình quân cùng kỳ năm 2014.
Chỉ số giá đô la Mỹ tháng 7/2015 tăng 0,02% so với tháng trước; tăng 2,17% so với tháng 12 năm trước và tăng 3,14% so với cùng tháng năm trước. Chỉ số giá đô la Mỹ bình quân 7 tháng năm 2015 tăng 2,33% so với bình quân cùng kỳ năm 2014.
4.4. Hoạt động vận tải
Tình hình kinh doanh vận tải tháng 7/2015 tăng khá so với tháng trước do trong tháng thời tiết thuận lợi cho hoạt động xây dựng, kinh doanh buôn bán; hơn nữa, trong tháng Kỹ niệm ngày thương binh, liệt sỹ nên lượng khách đến Quảng Trị cũng tăng hơn tháng trước.
Doanh thu vận tải tháng 7/2015 ước tính đạt 96,7 tỷ đồng, tăng 6,2% so với tháng trước, trong đó: doanh thu vận tải hành khách đạt 30,8 tỷ đồng, tăng 5,1%; doanh thu vận tải hàng hóa đạt 64,1 tỷ đồng, tăng 6,7%; doanh thu kho bãi và dịch vụ hổ trợ vận tải đạt 1,75 tỷ đồng, tăng 7,5%. Trong tổng doanh thu vận tải tháng 7 khu vực nhà nước đạt 1 tỷ đồng, tăng 11,1%; khu vực ngoài nhà nước đạt 95,7 tỷ đồng, tăng 6,2%. Tính chung 7 tháng năm 2015, doanh thu vận tải ước tính đạt 572,3 tỷ đồng, tăng 13,2% so với cùng kỳ năm 2014, trong đó: doanh thu vận tải hành khách đạt 211,4 tỷ đồng, tăng 25,4%; doanh thu vận tải hàng hóa đạt 349,2 tỷ đồng, tăng 6,7%; doanh thu kho bãi và dịch vụ hổ trợ vận tải đạt 10,7 tỷ đồng, tăng 23,5%. Trong tổng doanh thu vận tải 7 tháng khu vực nhà nước đạt 6,7 tỷ đồng, tăng 17,9%; khu vực ngoài nhà nước đạt 565,6 tỷ đồng, tăng 13,2%.
Vận tải hành khách: khối lượng hành khách vận chuyển tháng 7/2015 ước tính đạt 484 nghìn HK, tăng 5,8% so với tháng trước, do thành phần kinh tế ngoài nhà nước và vận tải đường bộ thực hiện; khối lượng hành khách luân chuyển ước tính đạt 37828,9 nghìn HK.km, tăng 5,5%. Tính chung 7 tháng năm 2015, khối lượng hành khách vận chuyển ước tính đạt 3679,9 nghìn HK, tăng 6,9% so với cùng kỳ năm 2014; khối lượng hành khách luân chuyển ước tính đạt 286313,3 nghìn HK.km, tăng 13,4%.
Vận tải hàng hóa: khối lượng hàng hoá vận chuyển tháng 7/2015 ước tính đạt 659,1 nghìn tấn, tăng 4,8% so với tháng trước; tất cả đều do thành phần kinh tế ngoài nhà nước và chủ yếu vận tải đường bộ thực hiện; khối lượng hàng hoá luân chuyển ước tính đạt 38304,7 nghìn tấn.km, tăng 7,7%. Tính chung 7 tháng năm 2015, khối lượng hàng hoá vận chuyển ước tính đạt 4275,2 nghìn tấn, tăng 3,3% so với cùng kỳ năm 2014; khối lượng hàng hoá luân chuyển ước tính đạt 230017,3 nghìn tấn.km, tăng 4,8%.
4.5.Khách du lịch
Quảng trị là tỉnh có nhiều di tích lịch sử. Tháng 7 Kỹ niệm ngày Thương binh, Liệt sỹ nên lượng khách đến Quảng Trị tăng nên hoạt động kinh doanh lưu trú và du lịch lữ hành có tăng so với tháng trước.
Số lượt khách do các đơn vị lưu trú phục vụ tháng 7/2015 ước tính đạt 61702 lượt, tăng 3,53% so với tháng trước; số ngày khách do các đơn vị lưu trú phục vụ (chỉ tính khách ngủ qua đêm) ước tính đạt 41128 ngày khách, tăng 3,27%; lượt khách du lịch theo tour ước tính đạt 1975 lượt, tăng 4,89%; ngày khách du lịch theo tour ước tính đạt 7160 ngày khách, tăng 1,88%.
Tính chung 7 tháng năm 2015, số lượt khách do các đơn vị lưu trú phục vụ ước tính đạt 362006 lượt, tăng 3,59% so với cùng kỳ năm 2014; số ngày khách do các đơn vị lưu trú phục vụ (chỉ tính khách ngủ qua đêm) ước tính đạt 232127 ngày khách, giảm 7,64%; lượt khách du lịch theo tour ước tính đạt 9845 lượt, tăng 28,78%; ngày khách du lịch theo tour ước tính đạt 37613 ngày khách, tăng 20,45%.
5. Một số tình hình xã hội
5.1. Đời sống dân cư
Tình hình sản xuất vụ Hè Thu năm nay hết sức khó khăn do nắng nóng, hạn hán kéo dài, thiếu nước nhiều diện tích lúa và hoa màu không gieo trồng được, tỷ lệ đạt thấp so với kế hoạch và so với vụ Hè Thu năm trước; Tuy nhiên, vụ Đông Xuân năm nay mặc dù năng suất và sản lượng các loại cây trồng không bằng vụ Đông Xuân năm trước, nhưng vẫn là một năm được mùa; chăn nuôi phát triển khả quan, dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm ít xảy ra, giá bán sản phẩm chăn nuôi ít biến động; thời tiết thuận lợi nên tình hình đánh bắt thủy sản sản lượng đạt khá; giá tiêu dùng ổn định nên đời sống của người nông dân có cải thiện, tình hình thiếu đói trong dân trong tháng 7 năm 2015 chưa xảy ra.
5.2. Y tế
a. Tình hình dịch bệnh
Sở Y tế, các Trung tâm y tế dự phòng và Trung tâm y tế huyện, thị xã, thành phố tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và chủ động phòng ngừa không để dịch bệnh xảy ra tại các địa phương, nhất là các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đi lại khó khăn.
Trước diễn biến hết sức phức tạp và có chiều hướng lan rộng của Hội chứng viêm đường hô hấp cấp vùng Trung Đông do vi rút Corona (MERS-CoV) gây ra, tỉnh đã chủ động triển khai biện pháp phòng, chống dịch MERS-CoV, tăng cường các biện pháp kiểm tra, giám sát chặt chẽ người và hàng hóa lưu thông; đặc biệt là ở 2 cửa khẩu quốc tế Lao Bảo và La Lay.
Tình hình bệnh truyền nhiễm trong tháng 6/2015 toàn tỉnh đã xuất hiện 01 ca mắc bệnh thương hàn; 58 ca mắc bệnh lỵ trực trùng, giảm 70,85% so với cùng tháng năm 2014; 15 ca mắc bệnh lỵ a mip, giảm 66,67%; 234 ca mắc bệnh tiêu chảy, giảm 28%; 04 ca mắc bệnh sốt rét, giảm 90,24%; 33 ca mắc bệnh viêm gan virus, tăng 26,92%; 25 ca mắc bệnh thủy đậu, giảm 30,56%; 29 ca quai bị, giảm 3,33%; 847 ca mắc bệnh cúm, giảm 38,35%; 02 ca mắc bệnh tay chân miệng, giảm 86,67%.
Tích lũy từ đầu năm đến hết tháng 6/2015 toàn tỉnh có 03 ca mắc bệnh thương hàn; 563 ca mắc bệnh lỵ trực trùng, giảm 38,74% so với cùng kỳ năm 2014; 141 ca mắc bệnh lỵ a mip, giảm 45,35%; 1560 ca mắc bệnh tiêu chảy, giảm 24,86%; 25 ca mắc bệnh sốt rét, giảm 80,77%; 143 ca mắc bệnh viêm gan virus, tăng 66,65%; 302 ca mắc bệnh thủy đậu, tăng 8,24%; 251 ca quai bị, giảm 31,61%; 8067 ca mắc bệnh cúm, giảm 23,97%; 06 ca mắc bệnh tay chân miệng, giảm 90,16%...Tất cả các ca bệnh đều được ngành y tế các cấp quản lý và theo dỏi điều trị, không có trường hợp tử vong.
b.Tình hình nhiễm HIV/AIDS
Ngành y tế tiếp tục phối hợp với các cơ quan liên quan và các địa phương quản lý tốt các đối tượng nhiễm HIV/AIDS trong cộng đồng để bảo đảm cho người dân tránh lây nhiễm.
Tính đến ngày 30/6/2015, toàn tỉnh có 82/141 xã, phường, thị trấn phát hiện có người nhiễm HIV/AIDS; số người nhiễm HIV tại Quảng Trị là 279 người, số bệnh nhân chuyển sang AIDS là 152 người, số bệnh nhân đã tử vong do AIDS là 90 người; số người nhiễm HIV còn sống tại Quảng Trị là 189 người, trong đó: số trẻ em dưới 15 tuổi nhiễm HIV là 9 trẻ, số bà mẹ mang thai nhiễm HIV sinh con là 35 bà mẹ.
c.Tình hình ngộ độc thực phẩm
Công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra vệ sinh, an toàn thực phẩm được triển khai chặt chẽ và đồng bộ từ tuyến tỉnh đến cơ sở. Ngành y tế đã có các hoạt động nhằm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa bàn như: phổ biến, tuyên truyền Luật an toàn thực phẩm, các văn bản quy phạm pháp luật về VSATTP của Chính phủ, các bộ, ngành và UBND các cấp; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đối với các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm…Tuy nhiên, từ 16/6-15/7 trên địa bàn tỉnh vẫn xảy ra 01 vụ ngộ độc thực phẩm làm 06 người bị ngộ độc do người dân ở huyện Hướng Hóa ăn phải nấm lạ trong rừng. Tích luỹ đầu năm đến 15/7 toàn tỉnh đã xảy ra 04 vụ ngộ độc thực phẩm với 14 người mắc, có 01 người tử vong. Cả 04 vụ ngộ độc xảy ra tại các gia đình ở vùng sâu, vùng xa và nguyên nhân là do ăn phải thực phẩm có chứa độc tố tự nhiên.
5.3. Hoạt động văn hóa, thể thao
Toàn tỉnh đã triển khai thực hiện tốt công tác khánh tiết, trang trí cổ động trực quan; tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao phục vụ tốt các sự kiện chính trị, các ngày lễ lớn trong tháng: Chào mừng Đại hội Đảng các cấp; Kỷ niệm 90 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925-21/6/2015); Ngày Gia đình Việt Nam (28/6); Hội chợ Công Thương khu vực Bắc Trung Bộ - Nhịp cầu xuyên Á – Quảng Trị 2015 (8/7); Tổ chức chương trình an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh Quảng Trị nhân kỷ niệm 68 năm ngày Thương binh liệt sỹ (27/7/1947 – 27/7/2015) với nhiều hoạt động ý nghĩa: Lễ khánh thành tượng đài chiến thắng Cửa Việt tại xã Triệu An, huyện Triệu Phong; các hoạt động tri ân anh hùng liệt sỹ tại Thành cổ Quảng Trị, Nghĩa trang liệt sỹ Quốc gia Trường Sơn và Đường 9. Đặc biệt, Chương trình “Hùng thiêng Đất Mẹ” được truyền hình trực tiếp từ Quảng trường Giải phóng, thị xã Quảng Trị…
Duy trì tập luyện thường xuyên các lớp năng khiếu, đội tuyển tỉnh và đội tuyển trẻ. Tổng số VĐV được đào tạo tại Trung tâm là: 93 VĐV (Trong đó: 29 VĐV tuyến Tỉnh, 33 VĐV tuyến Trẻ và 31 VĐV tuyến Năng khiếu).
Tham gia thi đấu giải Lặn vô địch trẻ toàn quốc tại thành phố Hồ Chí Minh đạt 03HCV, 03HCĐ.
5.4. Tình hình cháy, nổ và bảo vệ môi trường
Tỉnh đã chỉ đạo kiểm tra các doanh nghiệp, cơ quan, trường học, bệnh viện, trung tâm thương mại, các chợ truyền thống, các khu dân cư có nguy cơ cháy cao; xây dựng phương án phòng, chống cháy, nổ, cứu hộ, cứu nạn; đôn đốc các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp tăng cường công tác kiểm tra phòng cháy, chữa cháy trong những ngày nghỉ, ngày lễ.
Từ đầu năm đến nay, diễn biến của thời tiết hết sức phức tạp; nắng nóng, khô hạn đến sớm và kéo dài; mực nước các lòng hồ xuống thấp, nguy cơ cháy rừng tiềm ẩn cao. Vì vậy Tỉnh đã chủ động triển khai nhiều giải pháp phòng chống cháy rừng trong mùa khô năm 2015 nhằm hạn chế đến mức thấp nhất các vụ cháy và thiệt hại do cháy rừng gây ra.
Từ 16/6 đến 15/7/2015 đã xảy ra 05 vụ cháy, trong đó: có 02 vụ cháy thảm thực vật ở TP Đông Hà, 01 vụ cháy nhà dân ở TX Quảng Trị, 01 vụ cháy dây điện ở TP Đông Hà và 01 vụ cháy quán Karaoke ở Gio Linh. Nguyên nhân là do bất cẩn trong việc sử dụng ngọn lửa, chập điện... Tổng giá trị thiệt hại ước tính 230 triệu đồng.
Tích lũy từ đầu năm đến 15/7/2015 trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 25 vụ cháy, tăng 78,57% so với cùng kỳ năm trước; làm chết 01 người; tổng giá trị thiệt hại ước tính 1778,29 triệu đồng.
Về lĩnh vực môi trường: Trong tháng 7 không có vụ vi phạm môi trường nào xảy ra. Tính chung 7 tháng có 01 vụ vi phạm môi trường xảy ra tại Công ty TNHH Phương Thảo (Khu Công nghiệp Nam Đông Hà), số tiền xử phạt 60 triệu đồng.
5.5. Tình hình thiên tai
Trong tháng 7 trên địa bàn tỉnh không xảy ra thiên tai. Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh đã hứng chịu nhiều trận lốc xoáy, mưa đá, sét đánh gây thiệt hại về người và tài sản của nhân dân. Có 3 người chết do sét đánh (Huyện Triệu Phong 01 người, Hướng Hóa 02 người); một số nhà dân bị tốc mái, công trình công cộng và cơ sở sản xuất kinh doanh bị ảnh hưởng, cây cối bị gãy đổ...
5.6. Tai nạn giao thông
Từ 16/6 đến 15/7/2015, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 17 vụ tai nạn giao thông, làm chết 09 người, bị thương 14 người; so với cùng kỳ năm trước số vụ giảm 45,2% (-14 vụ), số người chết giảm 35,7% (-5 người), số người bị thương giảm 54,8% (-17 người). Nguyên nhân tai nạn giao thông trong tháng chủ yếu là do ý thức của người tham gia giao thông: đi sai phần đường quy định (4 vụ), không chú ý quan sát (4 vụ), không làm chủ tốc độ (2 vụ), chuyển hướng sai quy định (1 vụ)…
Tích lũy từ 16/12/2014 đến 15/7/2015 trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 136 vụ tai nạn giao thông, làm chết 71 người, bị thương 120 người; so với cùng kỳ năm trước số vụ giảm 12,3% (-19 vụ), số người chết giảm 15,5% (-13 người), số người bị thương giảm 26,8% (-44 người).
Trên đây là tình hình kinh tế - xã hội tháng 7 và 7 tháng năm 2015 tỉnh Quảng Trị; Cục Thống kê xin báo cáo để các cấp, các ngành biết chỉ đạo.
CỤC THỐNG KÊ QUẢNG TRỊ