TÌNH HÌNH KINH TẾ- XÃ HỘI QUÍ I NĂM 2013
Thực hiện các nhiệm vụ, mục tiêu Nghị quyết số 20/2012/NQ-HĐND ngày 19/12/2012 của Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Trị về nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội năm 2013, tình hình KT-XH tỉnh Quảng Trị quí I/2013 đạt được những kết quả như sau:
1. Tăng trưởng kinh tế
Ước tính, tổng sản phẩm trong tỉnh quý I/2013 đạt 3223 tỷ đồng (GSS2010), tốc độ tăng trưởng nền kinh tế đạt 6,3% so với quý I/2012 (mục tiêu đề ra cả năm là 8,5-9%). Khu vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản tăng 2% (mục tiêu cả năm >3%); khu vực công nghiệp và xây dựng, tăng 7,6% (mục tiêu cả năm 11,5-12%); khu vực dịch vụ tăng 7,5% (mục tiêu cả năm 8,5-9%).
2. Tài chính
Thu ngân sách trên địa bàn quý I/2013 ước thực hiện 341,8 tỷ đồng, tăng 3,3% so với cùng kỳ năm trước, đạt 20% dự toán năm. Trong đó: thu thuế xuất nhập khẩu thực hiện 162,5 tỷ đồng, giảm 14%, đạt 19,5% dự toán năm. Chi ngân sách địa phương ước thực hiện 1463,5 tỷ đồng, tăng 6,8%, đạt 30.6% dự toán năm.
3. Sản xuất nông, lâm nghiệp, thuỷ sản
3.1. Nông nghiệp
v Sản xuất cây hàng năm vụ Đông Xuân 2013
Vụ Đông xuân năm nay thời tiết thuận lợi và do năm trước có tháng nhuận, thời gian để gieo trồng kéo dài nên tiến độ gieo trồng các loại cây trồng nhanh hơn năm trước.
Đến ngày 15/03/2013 toàn tỉnh đã gieo trồng được 45988 ha các loại cây trồng, tăng 6,8% so vụ Đông Xuân 2012. Trong đó, cây lúa 24742 ha (với các giống chủ lực IR35366, P6, Khang Dân, HC95, HT1, PC6), tăng 0,9% (+230 ha); ngô 2215 ha, tăng 6,3% (+130ha); khoai lang 2067 ha, tăng 12% (+221 ha); sắn 7643 ha, tăng 20,1% (+1281 ha); lạc 3740 ha, tăng 6,1% (-216 ha); rau các loại 3292 ha, tăng 23,5% (+627 ha); đậu các loại 644 ha, tăng 10,2% (+59 ha).
v Cây Lâu năm
Đến nay đã hoàn thành trồng mới các loại cây lâu năm. Trong đó, cây cao su trồng mới hơn 1245 ha; cây cà phê trồng mới gần 425 ha; cây hồ tiêu trồng mới 96,9ha; cây ăn quả trồng mới hơn 380ha, chủ yếu là cây chuối... Tổng diện tích cây lâu năm toàn tỉnh hiện có hơn 31500 ha.
Cây cao su hiện tại đang vào thời kỳ rụng lá nghỉ khai thác, cây tiêu đang trong thời kỳ kết trái , cây cà phê đang ở giai đoạn phân hoá mầm hoa và ra hoa. Các loại cây ăn quả đa số đang mùa ra hoa kết trái. Cây ăn quả chủ yếu là cây trồng phân tán trong vườn tạp phục vụ cho việc tự cung tự cấp, riêng cây chuối có trồng ở quy mô lớn hơn mang tính hàng hoá, trong đó có phần xuất khẩu sang Trung quốc.
Tình hình dịch bệnh trên cây trồng: Theo báo cáo của chi cục Bảo vệ thực vật, hiện nay cây lúa đang đẻ nhánh chuẩn bị chuyển sang giai đoạn làm đòng nên sâu bệnh đang phát triển và và gây hại trên lúa và một số loại cây trồng. Trên cây lúa: Xuất hiện dòi đục nỏn, bệnh đạo ôn phát sinh nhẹ trên giống P6, HC95, IR35366...sâu cuốn lá, chuột tiếp tục phát triển gây hại gia tăng về mật độ. Trên lạc, ngô: sâu hại ăn lá, bệnh thối rễ, héo rũ mức hại trung bình.Trên cây công nghiệp các đội tượng bệnh hại tiếp tục phát triển và gây hại chú ý vùng Lạc. Trên hồ tiêu, cà phê: có bệnh đốm mắt cua, khô cành quả, bệnh tuyến trùng, sâu gây hại mức trung bình. Cao su bị bệnh xì mủ mức nhẹ. Nhìn chung sâu bệnh vụ mùa năm nay phát sinh nhẹ chưa gây ảnh hưởng lớn đến cây trồng.
v Chăn nuôi
Sau Tết Nguyên Đán Quí Tỵ 2013, đã xảy ra dịch tai xanh trên đàn lợn ở nhiều huyện, trong đó, huyện Vĩnh Linh, phát sinh ở 2 xã, thị trấn (Thị trấn Hồ Xá, xã Vĩnh Lâm), phải tiêu huỷ 71 con; huyện Hướng Hoá (xã Tân Hợp), tiêu huỷ 27 con, huyện Gio Linh phát sinh ở 2 xã, thị trấn (Thị trấn Gio Linh, xã Gio Phong), tiêu huỷ 54 con; huyện Hải lăng, phát sinh ở 7 xã (Hải Phú, Hải Quế, Hải Dương, Hải Sơn; Hải An; Hải Thành), với 988 con mắc bệnh, tiêu huỷ 433 con; huyện Triệu Phong, đã phát sinh ở 13 xã, thị trấn với 1272 con mắc bệnh; đã tiêu huỷ 571 con. Tính chung toàn tỉnh, đến nay đã tiêu huỷ 1156 con lợn; tình hình dịch đã được khống chế, không để lây lan.
3.2. Lâm nghiệp
Ước quý I, thực hiện trồng 550 nghìn cây phân tán. Phát thực bì chăm sóc, làm cỏ, bỏ phân lần 1đạt 26311 ha tăng hơn cùng kỳ 1122 ha, một số đơn vị đang tiếp tục khai thác gỗ rừng trồng theo kế hoạch.
3.3. Thuỷ sản
Về nuôi trồng thủy sản, từ đầu năm Sở Thủy sản đã chỉ đạo các đơn vị chức năng phối hợp với các đơn vị địa phương triển khai thực hiện tốt các yêu cầu kỹ thuật nuôi, chấp hành lịch thời vụ nuôi thả thống nhất, kiểm soát phòng ngừa dịch bệnh để đảm bảo vụ nuôi đạt kết quả cao. Đến hết quý I, trên địa bàn toàn tỉnh đã hoàn thành công tác xử lý môi trường, thả giống nuôi, diện tích ao hồ đã thả giống 2535 ha, trong đó nuôi cá 1934 ha, tăng 2 ha so năm 2012; nuôi tôm 508 ha (chủ yếu là tôm chân trắng), tăng 25 ha.
Tổng sản lượng thủy sản khai thác quí I/2013 đạt 2779 tấn, tăng 3% so cùng kỳ năm 2012.
4. Công nghiệp
Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 03/2013 tăng 27,45% so tháng trước. Trong đó: công nghiệp khai thác mỏ, tăng 24,35%; công nghiệp chế biến, chế tạo, tăng 16,34%; sản xuất và phân phối điện, tăng 116,51%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải, tăng 1,05%.
Sau Tết Nguyên Đán, các cơ sở sản xuất đẩy mạnh sản xuất trở lại, nên tất cả các sản phẩm công nghiệp chủ yếu tháng 3/2013 đều tăng mạnh so với tháng 2/2013, dẫn đến chỉ số sản xuất công nghiệp đạt cao. Một số sản phẩm sản xuất tăng mạnh so tháng trước: quặng inmenit, tăng 44,5%; quặng zircon, tăng 76,4%; tinh bột sắn, tăng 45,4%; gỗ xẻ các loại, tăng 71%; dầu thông, tăng 35,1%; phân NPK, tăng 28,8%; lốp môtô, xe máy, tăng 71,5%; săm môtô, xe máy, tăng 15,7%; xi măng, tăng 40,5%; điện sản xuất, tăng 207%.
Tính chung 3 tháng, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 10,81% so với cùng kỳ năm 2012. Trong đó, công nghiệp khai thác mỏ, giảm 20,87%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 14,95%; sản xuất phân phối điện, tăng 0,81%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, tăng 20,73%. Một số sản phẩm sản xuất tăng khá cao so cùng kỳ năm trước: quặng zircon, tăng 33,5%; tinh bột sắn, tăng 8,4%; dầu thông, tăng 181,9%; phân NPK, tăng 24,1%; xi măng, tăng 56,3%; nước máy, tăng 20,8%.
Bên cạnh đó cũng có một số sản phẩm giảm mạnh: quặng inmenit, giảm 37,9%; đá xây dựng, giảm 29,5%; điện sản xuất giảm 33%.
Chỉ số tiêu thụ ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 2/2013 so với cùng kỳ năm trước, tăng 19,14%; so với tháng trước, giảm 14,05%%. Chỉ số tiêu thụ 2 tháng, tăng 9,11% so với cùng kỳ năm 2012. Trong đó, sản xuất tinh bột và các sản phẩm từ tinh bột, tăng 48%; sản xuất đồ uống tăng 39,14%; sản xuất trang phục, tăng 29,71%; sản xuất săm, lốp cao su tăng 21,18%; sản xuất vật liệu xây dựng từ đất sét, tăng 51,79%; sản xuất xi măng, giảm 6,16%.
Chỉ số tồn kho ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 2/2013 so với tháng 1/2013, tăng 93,2%. Trong đó có một số ngành sản phẩm tồn kho tăng nhiều là: sản xuât tinh bột và các sản phẩm từ tinh bột, tăng 53,13%; sản xuất săm lốp, tăng 5,44%%; sản xuất xi măng, giảm 4,6%; gạch xây dựng bằng đất sét nung, tăng 4,45%.
5. Đầu tư, xây dựng
v Đầu tư
Dự ước tổng mức đầu tư phát triển quí I/2013 thực hiện 1671 tỷ đồng, tăng 0,61% so cùng kỳ năm 2012. Vốn nhà nước thực hiện 492 tỷ đồng, tăng 22,66%; vốn ngoài nhà nước, thực hiện 1178 tỷ đồng, giảm 5,56%; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện 0,5 tỷ đồng, giảm 95,57%.
Vốn đầu tư thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước, thực hiện các công trình như Cầu Sông Hiếu; Bảo tồn và tôn tạo di tích Thành Cổ giai đoạn 2; cầu An Mô, cơ sở hạ tầng phía Nam Đông Hà; đường vành đai cứu hộ phía Tây Đông Hà; nhà thi đấu đa năng tỉnh.
Về công tác giải ngân đến 28/02/2013, Vốn do TW quản lý, giải ngân 2,3 tỷ đồng, đạt 3% kế hoạch 2012; vốn địa phương quản lý: 31,5 tỷ đồng, đạt 21,8% kế hoạch.
v Xây dựng
Dự ước quý I/2013 giá trị sản xuất theo giá thực tế ngành xây dựng trên địa bàn tỉnh thực hiện được 967,62 tỷ đồng, so quý IV/2012 chỉ bằng 52,23%, so cùng kỳ năm trước tăng 13,95%; giá trị sản xuất theo giá so sánh 2010 bằng 52,56% so quý 4/2012; so cùng kỳ năm trước tăng 5,50%. Trong đó:
- Doanh nghiệp nhà nước thực hiện được 2,48 tỷ đồng bằng 48,11% so cùng kỳ năm trước và tăng 0,41% so quý IV/2012. (Hầu hết các DN Nhà nước đã chuyển đổi hình thức cổ phần hoá có vốn Nhà nước <50%, hơn nữa Công ty cổ phần Cosevco 9 đang trong giai đoạn phá sản nên doanh thu ngày càng giảm).
- Doanh nghiệp ngoài quốc doanh thực hiện được 406,7 tỷ đồng, tăng 20,91% so cùng kỳ năm trước, bằng 38,48% so quý IV/2012. Nguyên nhân chủ yếu là do năm nay các công trình chuyển tiếp được đẩy mạnh thực hiện ngay từ đầu năm.
- Kinh tế cá thể thực hiện được 558,44 tỷ đồng so cùng kỳ năm trước tăng 10,0% , bằng 70,43% so quý IV/2012. đầu tư xxây dựng của hộ dân cư tăng là do một phần thời tiết thuận lợi từ đầu năm, mặt khác năm qua tình hình kinh tế của các hộ dân cư có thu nhập tăng nên việc đầu tư xây dựng của hộ dân cư năm naykhá hơn.
Tình hình đầu tư xây dựng xã, phường năm nay đầu năm chưa được thông báo vốn cụ thể nhất là các công trình giao thông nông thôn, thuỷ lợi… nên đầu tư xây dựng xã, phường còn hạn chế.
Tuy nhiên, cũng còn những khó khăn hạn chế về công tác quy hoạch xây dựng giải phóng mặt bằng còn vướng mắc, việc cấp vốn chưa kịp thời vẫn còn xẩy ra một số công trình, do nguồn vốn ngân sách địa phương đầu năm còn khó khăn.
6. Thương mại – Giá cả - Dịch vụ
6.1. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ
Tình hình hoạt động thương mại và dịch vụ tỉnh Quảng Trị quý I/2013 là dịp Tết Nguyên đán Quí Tỵ, hoạt động kinh doanh trên thị trường sôi động hơn; Tuy nhiên, tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ quí I năm nay tăng trưởng đạt thấp. Nguyên nhân, do việc kiềm chế lạm phát dẫn đến sức mua thị trường giảm, nhất là nhóm đồ dùng gia đình, do thu nhập của cán bộ, CNVC cũng như người lao động giảm đáng kể do khó khăn chung của nền kinh tế, trong khi chi phí giáo dục, y tế và chi phí khác vẫn tăng nên nhu cầu mua sắm hàng hóa hạn chế lại
Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ quí I/2013 thực hiện 4219 tỷ đồng, tăng 16,7% so cùng kỳ năm 2012. Trong đó, kinh tế nhà nước thực hiện 403 tỷ đồng tăng 13,3%; kinh tế cá thể, thực hiện 2697 tỷ đồng, tăng 17,3%; kinh tế tư nhân, thực hiện 1119 tỷ đồng, tăng 16,3%.
Phân theo ngành kinh tế: thương nghiệp thực hiện 3629 tỷ đồng, tăng 16,1%; lưu trú và ăn uống, thực hiện 392 tỷ đồng, tăng 26,7%; du lịch, lữ hành thực hiện 6 tỷ đồng, tăng 41,3%; dịch vụ, thực hiện 193 tỷ đồng, tăng 8,6%.
6.2. Xuất nhập khẩu
Kim ngạch xuất khẩu tháng 03/2013 ước thực hiện 8975 nghìn USD, tăng 9,1% so với tháng trước. Trong đó, hầu hết các mặt hàng đều có giá trị xuất khẩu tăng cao.
Tính chung, kim ngạch xuất khẩu quí I/2013 ước thực hiện 25767 nghìn USD, tăng 16,7% so cùng kỳ năm 2012. Trong đó, bên cạnh giá trị một số mặt hàng tăng cao như: hàng nông sản khác, tăng 42,4%; xe đạp và phụ tùng, tăng 156,4% thì mộtt số mặt hàng truyền thống giảm mạnh: cà phê, giảm 62,5%; sản phẩm bằng gỗ, giảm 32,7%; hàng điện tử, tăng 18,5%; sản phẩm bằng gỗ, tăng 13,7%; cao su, không còn thị trường xuất khẩu.
Kim ngạch nhập khẩu tháng 3/2013 ước thực hiện 10323 nghìn USD, giảm 3,3 so với tháng trước. Trong đó, sản phẩm nhập khẩu tăng là: sửa và sản phẩm sữa, tăng 14,1%; thạch cao, tăng 6,8%; thực phẩm chế biến, tăng 3,9%; còn lại các sản phẩm đều giảm. Nguyên nhân giảm do đây là tháng sau Tết Nguyên Đán, nhu cầu tiêu dùng trong nước giảm, gỗ tròn xuất khẩu đi Trung Quốc giảm mạnh.
Tính chung, kim ngạch nhập khẩu quí I/2013 ước thực hiện 30130 nghìn USD, giảm 4,2% so cùng kỳ năm trước. Trong đó, sản phẩm nhập khẩu chủ yếu tăng là: sửa và sản phẩm sữa, tăng 44%; máy móc, thiết bị, phương tiện khác, tăng 13,9%; thạch cao, tăng 14,9%.
6.3. Về giá cả thị trường
Giá cả thị trường địa phương tháng 03/2013, giảm 0,48% so với tháng trước. Do đây là tháng sau Tết nên giá cả đã ổn định trở lại, mặt khác do trong tháng phát sinh dịch lợn tai xanh nên mặt hàng thịt lợn và các sản phẩm từ thịt lợn đều giảm mạnh, kéo nhóm hàng thực phẩm giảm xuống. Cụ thể, nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 1,16%, trong đó: lương thực, tăng 1,62%; thực phẩm, giảm 2,74%; ăn uống ngoài gia đình tăng 1,38%; nhóm đồ uống, thuốc lá, giảm 0,78%; nhóm may mặc, giày dép, mũ nón tăng 0,1%; nhóm nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng, tăng 0,09%%; nhóm thiết bị đồ dùng gia đình, giảm 0,13%; nhóm giao thông, tăng 0,16%; nhóm văn hoá giải trí và du lịch tăng 0,07%; nhóm hàng hoá và dịch vụ khác, giảm 0,35%; giá vàng, giảm 1,64%; giá đôla Mỹ, tăng 0,91%.
Chỉ số giá tiêu dùng 3 tháng, tăng 7,91%, cụ thể: nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống, giảm 1,21%, trong đó: lương thực, giảm 10,13%; thực phẩm, tăng 0,61%; ăn uống ngoài gia đình, tăng 4,24%; nhóm đồ uống, thuốc lá tăng 3,45%; nhóm may mặc, giày dép, mũ nón tăng 11,1%; nhóm nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng, tăng 8,39%; nhóm thiết bị đồ dùng gia đình, tăng 10,42%; nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 84,84%; nhóm giao thông tăng 7,51%; nhóm bưu chính viễn thông, tăng 0,38%; nhóm văn hoá giải trí và du lịch, tăng 9,58%; nhóm hàng hoá và dịch vụ khác, tăng 11,13%; giá vàng, giảm 0,12%; giá đôla Mỹ, giảm 0,8%.
Chỉ số giá tiêu dùng 3 tháng đầu năm tăng mạnh là do tác động lớn của chỉ số giá hai nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống; nhóm thuốc và dịch vụ y tế (điều chỉnh giá dịch vụ y tế theo Thông tư liên tịch số 04/2012/TTLT-BYT-BTC ngày 29/2/2012 và Nghị quyết số 26/2012/NQ-HĐND của Hội đồng Nhân dân tỉnh).
6.4. Giao thông vận tải.
Tình hình hoạt động giao thông vận tải trên địa bàn Quảng Trị trong quý I/2013 bình thường, do giá cả xăng dầu không tăng cao như năm trước, các đơn vị kinh doanh vận tải đã cố gắng để đáp ứng nhu cầu sản xuất và đi lại của xã hội. Doanh thu vận tải tháng 3/2013 ước đạt 51789 triệu đồng, tăng 4,7% so với tháng trước.
Vận tải hành khách tháng 03/2013 ước tính đạt 579 ngàn lượt hành khách, tăng 3% so với tháng trước; khối lượng hành khách luân chuyển ước đạt 40645 ngàn lượt khách.km, tăng 4,5%.
Vận tải hàng hóa tháng 03/2013 ước tính đạt 557 ngàn tấn, tăng 4,3% so với tháng trước; khối lượng hàng hóa luân chuyển ước đạt 24204 ngàn tấn.km, tăng 4,3%.
Tính chung 3 tháng, doanh thu vân tải ước đạt 149475 triệu đồng, tăng 16,9% so cùng kỳ năm 2012. Vận tải hành khách ước tính đạt 1722 ngàn lượt hành khách, tăng 2.8%; khối lượng hành khách luân chuyển ước đạt 121055 ngàn lượt khách.km, tăng 4,5%. Vận tải hàng hóa ước tính đạt 1684 ngàn tấn, tăng 4,3%; khối lượng hàng hóa luân chuyển ước đạt 73963 ngàn tấn.km, tăng 7,2%.
7. Các vấn đề xã hội:
7.1. Đời sống dân cư
Đầu năm 2013 trên địa bàn tỉnh đã tiến hành tổ chức thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, chăm lo chu đáo đời sống vật chất và tinh thần cho các tầng lớp nhân dân, nhất là các gia đình chính sách, đồng bào nghèo, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang đang làm nhiệm vụ. Chủ động xây dựng kế hoạch, phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể ở địa phương tổ chức vận động nhân dân phát huy truyền thống tương thân, tương ái; tổ chức thăm hỏi, chăm lo các gia đình chính sách, hộ gia đình nghèo... có điều kiện vui tết trong không khí đầm ấm, nghĩa tình, trách nhiệm. Tỉnh phối hợp với các ngành, địa phương liên quan xây dựng kế hoạch và thực hiện chăm lo tết cho các đối tượng chính sách và hộ nghèo thiết thực, cụ thể, bảo đảm không để hộ nghèo nào thiếu đói trong dịp tết. Công tác chăm lo đời sống cho nhân dân trong dịp tết được các ngành, các địa phương trong tỉnh tiến hành đảm bảo kịp thời đến tay người dân trước khi đón tết. Tổng kinh phí thực hiện chăm sóc đời sống người có công trên 6,84 tỷ đồng góp phần đảm bảo không có gia đình chính sách có công không có Tết.
7.2. Giáo dục
Số Học sinh giáo dục phổ thông đến trường đầu năm học 2012-2013 bao gồm: Cấp tiểu học có 56125 học sinh giảm 284 học sinh (-0,5%) so cùng kỳ năm trước; Trung học cơ sở có 43.096 học sinh, giảm 1915 học sinh (-4,4%); Trung học phổ thông có 28126 học sinh, giảm 1172 học sinh (-4,2%). Nguyên nhân là do trong các năm trở lại đây theo quy mô dân số trong độ tuổi từ 6-15 giảm, dẫn đến số học sinh năm nay giảm so năm trước.
Học kỳ I năm học 2012 – 2013, toàn tỉnh có 523 học sinh bỏ học từ bậc tiểu học đến trung học phổ thông, so với đầu năm học chiếm 1,04%; so với cùng kỳ năm ngoái tăng 0,58%. Tình hình bỏ học theo các cấp như sau:
- Số học sinh bỏ học cấp Tiểu học có 16 em, so với đầu năm học chiếm 0,03%; so với cùng kỳ năm ngoái giảm 15,8%.
- Số học sinh bỏ học cấp Trung học cơ sở có 199 em, so với đầu năm học chiếm 0,46%; so với cùng kỳ năm ngoái giảm 16,4%.
- Số học sinh bỏ học cấp Trung học phổ thông có 308 em, so với đầu năm học chiếm 1,09%; so với cùng kỳ năm ngoái tăng 17,1%.
Nguyên nhân chủ yếu là do học lực yếu kém, sức khỏe yếu, gia đình có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, nên không muốn tiếp tục theo học. Bên cạnh đó các địa bàn miền núi phức tạp, nhiều xã ở vùng sâu vùng xa, giao thông đi lại không thuận lợi, khó khăn trong việc cơ cấu bố trí trường lớp, đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây còn nhiều khó khăn nên tình trạng bỏ học của huyện này chiếm vị trí cao như Hướng Hoá, Đakrông…Trước tình hình đó, Tỉnh đã chủ trương công tác xã hội hoá giáo dục, kết hợp vận đông giữa phụ huynh và nhà trường có những chính sách ưu đãi đối với những em có hoàn cảnh đặc biệt, khuyến khích tinh thần tự giác của mỗi học sinh và sự hướng nghiệp chính chắn của mỗi gia đình.
7.3. Y tế
v Tình hình bệnh gây dịch
Tỉnh và các ngành chức năng đã có kế hoạch phòng chống các bệnh gây dịch thực hiện theo yêu cầu của Cục y tế dự phòng. Mục tiêu là giám sát phát hiện sớm ca bệnh, bao vây và xử lý kịp thời không để dịch bệnh lan rộng và kéo dài, tăng cường công tác chuẩn đoán, điều trị có hiệu quả cho bệnh nhân mắc và hạn chế thấp nhất tử vong do dịch.
Tình hình bệnh truyền nhiễm tính đến hết tháng 2 có 199 ca mắc bệnh lỵ trực trùng; 64 ca mắc bệnh lỵ a mip; 759 ca mắc bệnh tiêu chảy; 41 ca mắc bệnh sốt rét; 43 ca mắc bệnh viêm gan siêu trùng; 3230 ca mắc bệnh cúm; 9 ca mắc bệnh Tay - Chân - Miệng đều được ngành y tế các cấp quản lý và theo dõi điều trị.
v Tình hình nhiễm HIV/AIDS
Tính đến ngày 15 tháng 3 năm 2012 Toàn tỉnh Quảng Trị có 62/141 xã phường phát hiện có người nhiễm HIV/AIDS. Tổng số người nhiễm HIV trong toàn tỉnh là 376 người, số bệnh nhân chuyển sang AIDS là 149 người, số bệnh nhân đã tử vong do AIDS là 63 người; Số trẻ em dưới 15 tuổi nhiễm HIV là 7 trẻ. Số bà mẹ mang thai nhiễm HIV sinh con là 29 bà mẹ.
v Tình hình ngộ độc thực phẩm
Ngành y tế đã có các hoạt động nhằm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm như: tổ chức Tháng hành động vì chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm” năm 2013; tổ chức triển khai đợt thanh tra, kiểm tra liên ngành về bảo đảm chất lượng VSATTP trong Tết Nguyên đán Quý Tỵ năm 2013; giám sát An toàn vệ sinh thực phẩm Lễ, Hội; tổ chức kiểm tra chuyên ngành các cơ sở: Sản xuất, kinh doanh, dịch vụ ăn uống; nước uống đóng chai; Nước dùng cho ăn uống, sinh hoạt.
Từ 15/1 đến 15/2, xảy ra 1 vụ ngộ độc thực phẩm tại Công ty GILIMEX –PPJ (Huyện Hải Lăng, Quảng Trị), không có người chết, có 108 người phải nhập viện.
7.4. Văn hoá, thể dục thể thao
v Hoạt động văn hóa
Trong quí I, có nhiều lễ hội và kỷ niệm lớn như: Tết Nguyên đán Nhân Thìn và kỷ niệm 83 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Thông tin và Truyền thông chỉ đạo thực hiện tốt công tác thông tin, tuyên truyền. Chỉ đạo phối hợp với các địa phương trong toàn tỉnh tiến hành trang trí tại các trục đường trung tâm, tổ chức các hoạt động vui chơi, giải trí lành mạnh cho nhân dân trong dịp tết. Các đơn vị như Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, Báo Quảng Trị xây dựng chuyên mục phong phú, đa dạng, đậm đà bản sắc truyền thống văn hóa dân tộc, ca ngợi tình yêu quê hương, đất nước; thường xuyên cập nhật thông tin, phản ánh kịp thời các hoạt động chăm lo tết của các địa phương trong tỉnh.
Các địa phương trong tỉnh cùng với ngành văn hoá thể thao du lịch đã có kế hoạch tổ chức các hoạt động văn hoá thể thao với nhiều hình thức phong phú nhằm tạo không khí vui tươi cho nhân dân trong dịp Tết.
Một số hoạt động nổi bật đáng chú ý: Tổ chức chương trình “Đêm hoa đăng” tri ân các Anh hùng Liệt sĩ tổ chức tại Nhà hành lễ - Bến thả hoa bờ Nam sông Thạch Hãn; khai mạc Liên hoan văn hoá cồng chiêng – Hội thi thể thao truyền thống và Lễ hội A Riêu Ping tại làng Tà Rụt; biểu diễn nghệ thuận kết hợp với Hội thi "Thanh niên tìm hiểu truyền thống vẻ vang 83 năm ngày thành lập Đảng Cộng Sản Việt Nam và mừng xuân Quý Tỵ 2013 tại Công viên Lê Duẩn TP Đông Hà; tổ chức chương trình nghệ thuật đặc biệt mừng Xuân Quý Tỵ tại Quảng trường nhà văn hoá Trung tâm; Hội báo Xuân; Lễ hội Chợ đình Bích La tại Triệu phong; Hội Cù ở Gio Mỹ (Gio Linh)...
Làm tốt công tác khánh tiết, đón, phục vụ du khách và nhân dân đến tham quan, thăm viếng, dâng hương tại các di tích.
v Hoạt động thể thao
Duy trì tập luyệ thường xuyên các lớp năng khiếu, đội tuyển tỉnh và đội tuyển trẻ. Tổng số VĐV được đào tạo tại Trung tâm là: 79VĐV; Phối hợp với các cơ quan, đơn vị tổ chức tốt các giải TDTT phong trào.
7.5. Trật tự an toàn xã hội
v Tình hình tai nạn giao thông:
Tính đến thời điểm 28/2/2013, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 29 vụ tai nạn giao thông; tăng 26,09% làm chết 27 người; tăng 17,39%; bị thương 30 người, tăng 50%.
v Tình hình cháy nổ
Tỉnh chỉ thị cho các ngành công an, bộ đội, các địa phương trong tỉnh tổ chức tuyên truyền vận động cán bộ, đảng viên và nhân dân tiếp tục thực hiện nghiêm túc quy định cấm buôn bán, vận chuyển, tàng trữ và đốt pháo, chỉ đạo kiểm tra các doanh nghiệp, cơ quan, trường học, bệnh viện, trung tâm thương mại, các chợ truyền thống, các khu dân cư có nguy cơ cháy cao, xây dựng phương án phòng, chống cháy, nổ, cứu hộ, cứu nạn, đôn đốc các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp tăng cường công tác kiểm tra phòng cháy, chữa cháy trong những ngày nghỉ, ngày tết. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh phối hợp Công an tỉnh, BCH Bộ đội Biên phòng tỉnh tổ chức tuần tra canh gác, bảo vệ các mục tiêu quan trọng và kiểm tra công tác quản lý các loại vũ khí, vật liệu nổ trong cơ quan, doanh nghiệp.
Trong quý I xảy ra 3 vụ cháy xảy ra, tổng giá trị thiệt hại: 132 triệu đồng. Nguyên nhân thường là do sơ suất trong sử dụng chất đốt.
v Tình hình trật tự
Trong dịp Tết Nguyên Đán, có 52 vụ vi phạm trật tự an toàn xã hội và 20 vụ trộm cắp lớn nhỏ. Không có vụ đốt pháo nào xảy ra trên địa bàn tỉnh.
8. Môi trường
Trong quí I chỉ có 1 vụ vi phạm môi trường xảy ra, và đã xử lý với số tiền xử phạt là 35 triệu đồng. Các đơn vị quản lý luôn tiến hành thanh tra, kiểm tra việc thi hành pháp luật về tài nguyên và môi trường theo kế hoạch.