Chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa được Đảng và Nhà nước ta xác định là con đường tất yếu để đưa đất nước nhanh chóng thoát khỏi tình trạng lạc hậu, chậm phát triển và trở thành một quốc gia văn minh, hiện đại. Phóng viên Báo Nhân Dân có cuộc trao đổi với Cục trưởng Thống kê Nguyễn Thị Hương về vấn đề này.

Cục trưởng Thống kê Nguyễn Thị Hương.
Những dấu mốc đáng chú ý
Phóng viên: Sau gần 40 năm Đổi mới, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu về phát triển kinh tế-xã hội. Đóng góp vào những thành tựu này có vai trò quan trọng của việc dịch chuyển cơ cấu kinh tế phù hợp để tận dụng hiệu quả các nguồn lực của xã hội. Theo đồng chí, quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế Việt Nam có những thành tựu, hạn chế gì?
Cục trưởng Nguyễn Thị Hương: Quá trình chuyển dịch cơ cấu ngành kinh tế của Việt Nam trải qua nhiều giai đoạn lịch sử khác nhau và đã mang lại những thành tựu quan trọng.
Nổi bật nhất là trong gần 40 năm qua, tốc độ tăng trưởng kinh tế luôn được duy trì, ngay cả trong những giai đoạn nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, thách thức. Bình quân mỗi năm, GDP tăng 6,67%, được xếp vào hàng các nước có tăng trưởng cao trong khu vực và thế giới.
Trong cơ cấu nền kinh tế, tỷ trọng khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản giảm dần và giảm tương đối nhanh so với một số quốc gia trong khu vực, từ 36,76% GDP năm 1986 xuống 11,86% GDP năm 2024
Khu vực công nghiệp và xây dựng đến năm 2024 chiếm 37,64% GDP, sau gần 40 năm tăng 12,9 điểm phần trăm. Khu vực dịch vụ chiếm 42,36% GDP, tăng 13,18 điểm phần trăm so với năm 1986 và chiếm tỷ trọng cao nhất trong ba khu vực kinh tế.
Chuyển dịch cơ cấu ngành kinh tế đã làm thay đổi cơ cấu lao động nước ta theo xu hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa; làm thay đổi cơ cấu xuất khẩu theo hướng có lợi, tăng tỷ trọng hàng chế biến, chế tạo có giá trị gia tăng cao.
Tuy nhiên, quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ năm 1986 đến nay còn một số hạn chế. Đó là, tỷ trọng khu vực công nghiệp và xây dựng trong GDP tăng thấp.
Cơ cấu kinh tế của Việt Nam còn khá lạc hậu so với một số quốc gia trong khu vực. Nếu xét theo tiêu chí tỷ trọng khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản trong GDP, cơ cấu kinh tế của Việt Nam hiện nay chỉ tương đương với cơ cấu kinh tế của Thái Lan năm 2011, Malaysia năm 1996, Trung Quốc năm 2005, Hàn Quốc năm 1984.
Bên cạnh đó, tỷ trọng ngành công nghiệp chế biến, chế tạo còn ở mức thấp trong GDP, đến năm 2024 chiếm 24,43%, chỉ tăng 5,46 điểm phần trăm so với năm 1986. Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo của Việt Nam vẫn chủ yếu là gia công, lắp ráp với giá trị gia tăng thấp và thực hiện ở các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Theo báo nhân dân điện tử
Link bài viết: https://nhandan.vn/uu-tien-phat-trien-khoa-hoc-cong-nghe-de-thuc-day-chuyen-dich-co-cau-kinh-te-post877931.html?gidzl=YHDs4PPx_KwF37SHbsBzIOW9T1AAPFuVa5aWJeKthn-UNomMXMFqISXPU4FMC_GSdmX-HpGiMRjeb7xxIG