LỜI MỞ ĐẦU
Cán bộ lãnh đạo Cục và cán bộ công chức qua các thời kỳ
Ngày 6/5/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 61/SL thành lập Nha Thống kê Việt Nam. Kể từ đó đến nay, ngành Thống kê Việt Nam đã không ngừng trưởng thành và phát triển lớn mạnh, với đội ngũ hàng ngàn cán bộ làm công tác thống kê, trong đó có đội ngũ cán bộ thống kê tỉnh Quảng Trị. Qua năm tháng nối tiếp, nhiều thế hệ cán bộ làm công tác thống kê tại địa phương cũng như công tác thống kê ở khắp mọi miền Tổ quốc, đội ngũ cán bộ thống kê tỉnh Quảng Trị đã không quản ngại đổ mồ hôi, xương máu, đóng góp sức lực, trí tuệ cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc, của đất nước, của quê hương và của ngành.
Trải qua hai cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, quân dân tỉnh Quảng Trị đã cùng với quân, dân cả nước dưới sự lãnh đạo của Đảng, của Bác Hồ đã anh dũng chiến đấu đánh bại thực dân Pháp, lập lại hoà bình trên toàn miền Bắc Việt Nam, tiếp đến là đánh bại đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Suốt những năm tháng đấu tranh cách mạng giải phóng dân tộc, giải phóng đất nước, nhất là thời kỳ đấu tranh chống đế quốc Mỹ xâm lược, tỉnh Quảng Trị đã trở thành vùng đất lửa, là nơi diễn ra nhiều trận đánh to lớn, ác liệt, ngày đêm liên tục phải đối mặt với quân thù. Quân, dân Quảng Trị đã phải chịu đựng nhiều đau thương, mất mát, hàng ngàn con em đã anh dũng hy sinh để viết nên những trang sử vẻ vang, hào hùng chói lọi của quê hương, đất nước.
Với nhiều thành tích và công lao to lớn đóng góp cho sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc, giải phóng đất nước, quân, dân tỉnh Quảng Trị đã vinh dự được Đảng, Nhà nước phong tặng nhiều danh hiệu cao quý: Được tuyên dương Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động, trong đó có 10 huyện, thị xã là đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, 75 xã, phường, thị trấn Anh hùng, 51 cá nhân Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động, hàng ngàn Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, hàng vạn Huân chương, huy chương các loại, hàng vạn liệt sỹ và gia đình có công với cách mạng.
Trong những chiến công và thành tích nêu trên của quân, dân tỉnh Quảng Trị, có phần đóng góp tích cực của đội ngũ cán bộ ngành Thống kê của tỉnh nhà. Ngày nay trong công cuộc đổi mới, xây dựng và phát triển kinh tế-xã hội theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, ngành Thống kê Việt Nam nói chung và Thống kê Quảng Trị nói riêng đã thực sự trở thành một công cụ không thể thiếu trong việc phục vụ công tác quản lý, điều hành, chỉ đạo, hoạch định đường lối, chủ trương chính sách, xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của lãnh đạo Đảng, Nhà nước các cấp Trung ương, địa phương.
Nhân dịp kỷ niệm 60 năm ngày thành lập ngành Thống kê Việt Nam (6/5/1946 - 6/5/2006) và thực hiện chủ trương của lãnh đạo Tổng cục Thống kê về việc tiến hành biên soạn lịch sử ngành Thống kê, nhằm đánh giá quá trình hình thành và phát triển của ngành, ôn lại truyền thống và những mốc son lịch sử, những thành quả to lớn mà các thế hệ cha, anh đi trước đã thực hiện, đồng thời cũng là dịp để anh chị em làm công tác thống kê ngày nay học tập, rút ra những bài học kinh nghiệm quý báu. Trên cơ sở đó mà xác định vai trò, vị trí và trách nhiệm của mình, nhằm góp phần vào sự nghiệp xây dựng, phát triển, đổi mới ngành Thống kê nước nhà, tiếp tục phục vụ ngày càng tốt hơn những yêu cầu của lãnh đạo Đảng, Nhà nước các cấp trung ương, địa phương.
Với mục đích, ý nghĩa đó, Cục Thống kê Quảng Trị đã tiến hành biên soạn cuốn lịch sử ngành Thống kê tỉnh Quảng Trị 60 năm xây dựng và phát triển (1946-2006), bao gồm các nội dung sau:
- Chương I: Khái quát về mảnh đất, con người Quảng Trị.
- Chương II: Ngành thống kê Quảng Trị thời kỳ chống thực dân Pháp và can thiệp Mỹ (1946-1954).
- Chương III: Ngành Thống kê Quảng Trị phục vụ hai nhiệm vụ chiến lược: Cách mạng dân tộc dân chủ và cách mạng xã hội chủ nghĩa (1954-1975).
- Chương IV: Ngành Thống kê Quảng Trị thời kỳ hợp nhất tỉnh Bình Trị Thiên (1976-1989).
Chương V: Tỉnh Quảng Trị tái lập, ngành Thống kê Quảng Trị trong thời kỳ đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa (1989-2006).
- Phần kết luận: Tổng kết và những bài học kinh nghiệm.
- Phần phụ lục
Quá trình biên soạn, Ban biên tập lịch sử ngành Thống kê Quảng Trị đã nhận được sự quan tâm, chỉ đạo, giúp đỡ của lãnh đạo Tổng cục Thống kê, của lãnh đạo các cơ quan, Ban ngành của tỉnh, đặc biệt là Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ tỉnh Quảng Trị, Ban biên soạn lịch sử ngành Thống kê Trung ương, các cán bộ thống kê lão thành đã cung cấp nhiều tư liệu, đóng góp nhiều ý kiến quý báu. Ban biên tập lịch sử ngành Thống kê Quảng Trị xin chân thành cảm ơn lãnh đạo Tổng cục Thống kê, lãnh đạo các cơ quan, Ban ngành của tỉnh, các cán bộ thống kê lão thành về sự chỉ đạo, giúp đỡ quý báu này.
Cuốn lịch sử ngành Thống kê tỉnh Quảng Trị mặc dù đã được Ban biên soạn lịch sử ngành Thống kê Quảng Trị tích cực, bỏ nhiều công sức sưu tầm, thu thập tổng hợp, thẩm định các tư liệu và đã tiến hành biên soạn, chỉnh sửa, bổ sung hoàn thiện qua nhiều lần. Nhưng vì tư liệu bị thất lạc, mất mát, nhất là trong thời kỳ chiến tranh, mặt khác kinh phí eo hẹp, thời gian nghiên cứu, biên soạn lại phải khẩn trương. Vì vậy cuốn lịch sử ngành Thống kê tỉnh Quảng Trị lần đầu tiên biên soạn chắc chắn còn có nhiều thiếu sót. Ban biên soạn lịch sử ngành Thống kê tỉnh Quảng Trị rất mong nhận được những ý kiến đóng góp của các tổ chức cơ quan, đơn vị và cá nhân trong và ngoài ngành, để khi có điều kiện chúng tôi tiến hành biên soạn lại cuốn lịch sử ngành Thống kê tỉnh Quảng Trị lần sau được tốt hơn.
BAN BIÊN TẬP