1. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản
1.1. Nông nghiệp
a. Trồng trọt
* Sản xuất vụ Hè Thu và vụ Mùa năm 2017
Sản xuất vụ Hè Thu năm 2017 gặp nhiều khó khăn, nhất là đối với cây lúa; trong cả vụ có 5 đợt nắng nóng xảy ra gay gắt, thời kỳ lúa trổ gặp nhiệt độ cao làm tăng tỷ lệ lem lép hạt trên bông lúa; hơn nửa thời tiết cũng là điều kiện thuân lợi cho sâu bệnh phát sinh và gây hại trên diện rộng, đặc biệt rầy lưng trắng xuất hiện sớm hơn mọi năm, bệnh lùn sọc đen gây hại trên diện tích 1378,6 ha…Ngoài ra, giữa vụ bảo số 4 làm ngập gần 4000 ha lúa đang trong giai đoạn làm đồng, có 1500 ha lúa bị tử đồng đã làm cho năng suất lúa vụ Hè Thu đạt thấp. Lúa vụ Mùa năm 2017, chủ yếu là lúa rẩy ở hai huyện miền núi Hướng Hóa và Đakrông, diện tích chỉ trên 2000 ha, đang trong giai đoạn phát triển tốt đến cuối tháng 10, đầu tháng 11 sẽ cho thu hoạch.
Sơ bộ kết quả sản xuất vụ Hè Thu và vụ Mùa năm 2017.
Về diện tích: Tính đến ngày 15/10 toàn tỉnh đã gieo cấy được 22503,4 ha, lúa vụ Hè Thu, tăng 1,56% (+345,5 ha) so với vụ Hè Thu năm trước và 2046,3 ha lúa vụ Mùa tăng 7,58% (+144,1 ha) so với vụ Mùa năm trước; Ngô gieo trồng 1099,7 ha, giảm 4,25% (-48,8 ha); khoai lang 604,3 ha, giảm 1,11% (-6,8 ha); cây sắn (cả năm) 12295 ha, giảm 5,42% (-704,3 ha); lạc 388,5 ha, giảm 22,72% (-114,2 ha); rau các loại 1641,3 ha, tăng 0,15% (+2,4 ha); đậu các loại 1183,1 ha, tăng 2,35% (+27,2 ha)…
Diện tích lúa Hè Thu tăng do năm nay đủ nguồn nước tưới nên một số diện tích trồng màu chuyển sang trồng lúa; diện tích lúa Mùa tăng do Đoàn Kinh tế quốc phòng 337 đã giao đất lại cho xã Hướng Việt nên bà con phát rẫy để gieo lúa; diện tích các loại cây trồng khác giảm do giá đầu vào tăng nhưng giá bán sản phẩm giảm nên bà con chuyển sang gieo trồng các loại cây khác.
Về năng suất: sơ bộ năng suất lúa vụ Hè Thu năm 2017 đạt 42,2 tạ/ha, giảm 9,7 tạ/ha so với vụ Hè Thu năm 2016; ngô năng suất đạt 23 tạ/ha, tăng 0,9 tạ/ha; khoai lang năng suất đạt 69,3 tạ/ha, tăng 0,3 tạ/ha; sắn (cả năm) năng suất đạt 168,1 tạ/ha, tăng 0,1 tạ/ha; lạc năng suất đạt 15,7 tạ/ha, tăng 0,2 tạ/ha; rau các loại năng suất đạt 96,3 tạ/ha, tăng 1,8 tạ/ha; đậu các loại năng suất đạt 10,2 tạ/ha, giảm 0,3 tạ/ha…
Năng suất lúa vụ Hè Thu giảm mạnh do ảnh hưởng của đợt mưa lớn đầu vụ (ngày 07/6/2017) làm ngập úng và ảnh hưởng gần 1500 ha; bảo số 4 (ngày 25/7/2017) làm ngập và ảnh hưởng 4000 ha lúa làm đồng, trổ bông; hơn nữa, thời tiết nắng nóng và sâu bệnh phát sinh, gây hại trên diện rộng đã ảnh hưởng đến năng suất.
Về sản lượng: Sản lượng lúa vụ Hè Thu ước đạt 94984,7 tấn, giảm 17,33% (-19906,5 tấn) so với vụ Hè Thu năm 2016; sản lượng ngô ước đạt 2529,4 tấn, giảm 0,17% (-4,2 tấn); sản lượng khoai lang ước đạt 4189,1 tấn, giảm 0,65% (-27,5 tấn); sản lượng sắn (cả năm) ước đạt 206671,7 tấn, giảm 5,36% (-11716,5 tấn); sản lượng lạc ước đạt 609,7 tấn, giảm 21,75% (-194,3 tấn); sản lượng rau các loại ước đạt 15808,2 tấn, tăng 2,12% (+327,6 tấn); sản lượng đậu các loại ước đạt 1204,1 tấn, giảm 0,32% (-3,9 tấn)…
* Cây lâu năm
Cây cà phê sinh trưởng và phát triển tốt, hiện người dân đang chăm sóc, tỉa cành, giúp cây phát triển và nuôi quả; một số vùng đang thu hoạch cà phê catimor đầu vụ. Hiện nay giá cà phê quả tươi có giá khá cao, từ 5700-6000đ/kg).
Cây hồ tiêu do ảnh hưởng của bão số 10, nhiều diện tích ở Vĩnh Linh bị bong choái và ngã đổ. Các cơ quan chức năng đã hướng dẫn bà con biện pháp khắc phục đảm bảo ổn định bộ rễ để cây nhanh phục hồi.
Cây cao su tập trung diện tích khá lớn ở vùng Vĩnh Linh và Gio Linh. Do ảnh hưởng của bão, nhiều cây bị toác thân, đổ rạp; một số diện tích phải tạm ngừng khai thác.
b. Chăn nuôi
Ước tính đến 31/10/2017, đàn trâu có 26899 con, tăng 0,57% so với cùng thời điểm năm 2016; đàn bò có 66800 con, giảm 3,68%; đàn lợn thịt có 186600 con, giảm 13,48%; đàn gia cầm có 2673 nghìn con, tăng 2,53%; trong đó: đàn gà 2055 nghìn con, tăng 2,6%. Sản lượng thịt hơi xuất chuồng tháng 10/2017 ước tính đạt 3218,6 tấn, giảm 5,78% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 10 tháng năm 2017 sản lượng thịt hơi xuất chuồng ước tính đạt 30516 tấn, giảm 8,71% so với cùng kỳ năm trước.
Tổng đàn trâu, bò phát triển ổn định; riêng đàn lợn thịt do những tháng đầu năm giá bán thịt lợn hơi giảm sâu, người chăn nuôi bị thua lỗ nên tổng đàn sụt giảm so với cùng thời điểm năm trước; hiện nay, giá bán thịt lợn hơi có cải thiện nên một số hộ đã mạnh dạn đầu tư chăn nuôi lợn trở lại…; đàn gia cầm giá bán ổn định nên tổng đàn tăng khá…
1.2. Lâm nghiệp
Tháng 10/2017, sản lượng gỗ khai thác ước đạt 18556 m3, tăng 3,5% so với cùng kỳ năm 2016; khai thác củi ước đạt 14520 ste, giảm 5,24%. Tính chung 10 tháng năm 2017, diện tích rừng trồng mới tập trung ước đạt 3050 ha, giảm 6,15 % so với cùng kỳ năm trước; số cây lâm nghiệp trồng phân tán ước đạt 2000 nghìn cây, tăng 2,56%; sản lượng gỗ khai thác ước đạt 424156 m3, tăng 3,07%; sản lượng củi khai thác ước đạt 182242 ste, giảm 3,39%. Nhu cầu gỗ nguyên liệu sản xuất dăm gỗ là rất lớn; công tác trồng, chăm sóc rừng được quan tâm nên trữ lượng gỗ ngày càng được cải thiện; sản lượng gỗ khai thác tăng; sản lượng củi khai thác giảm do nhu cầu làm chất đốt ngày càng giảm.
Thiệt hại rừng: các ngành chức năng và các địa phương tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy rừng. Trong tháng 10 và 10 tháng năm 2017 không có vụ cháy rừng nào xảy ra.
Về kiểm soát vi phạm lâm luật: Trong tháng, đã phát hiện và bắt giữ 24 vụ vi phạm hành chính; xử lý hành chính 24 vụ; lâm sản tịch thu 21,7 m3 gỗ các loại; 77 kg động vật rừng và sản phẩm động vật rừng. Tính từ đầu năm đến nay, đã phát hiện, bắt giữ 268 vụ vi phạm hành chính; xử lý hành chính 262 vụ; lâm sản tịch thu 436,3 m3 gỗ các loại và 312 kg động vật rừng và sản phẩm động vật rừng.
1.3. Thủy sản
Diện tích nuôi trồng thủy sản tháng 10/2017 ước đạt 9 ha, giảm 83,93% so với cùng kỳ năm trước; trong đó: nuôi tôm 9 ha, giảm 83,93%. Tính chung 10 tháng năm 2017, diện tích nuôi trồng thủy sản ước đạt 3062.1 ha, giảm 0,57% so với cùng kỳ năm trước; trong đó: nuôi cá 2108,6 ha, giảm 0,3%; nuôi tôm 948,5 ha, giảm 1,32%; nuôi thủy sản khác 5 ha, tăng 45,35%. Diện tích thả nuôi tháng này giảm, do một số diện tích mặt nước vụ trước tôm bị dịch bệnh bà con còn chờ xử lý nên chưa thả, một số diện tích khác thời gian thả chậm để thu hoạch bán vào dịp Tết Nguyên đán.
Dịch bệnh nuôi trồng thủy sản: Trong năm tình hình dịch bệnh diễn biến khá phức tạp, vẫn còn trên 300 ha bị dịch bệnh đã ảnh hưởng đến sản lượng nuôi trồng toàn tỉnh.
Tổng sản lượng thủy sản tháng 10/2017 ước đạt 2362 tấn, tăng 81,25% so với cùng kỳ năm trước; trong đó: cá 1580 tấn, tăng 122,85%; tôm 532 tấn, tăng 6,78%; thủy sản khác 250 tấn, tăng 160,42%. Tính chung 10 tháng năm 2017 ước đạt 25370,2 tấn, tăng 27,62% so với cùng kỳ năm trước; trong đó: cá 18815 tấn, tăng 31,11%; tôm 3693 tấn, tăng 0,74%; thủy sản khác 2862,2 tấn, tăng 53,63%. Cụ thể:
Sản lượng thủy sản nuôi trồng tháng 10/2017 ước đạt 689 tấn, tăng 7,66% so với cùng kỳ năm trước; trong đó: cá 164 tấn, tăng 12,33%; tôm 525 tấn, tăng 6,28%. Tính chung 10 tháng năm 2017, sản lượng thủy sản nuôi trồng ước đạt 6222,2 tấn, giảm 2% so với cùng kỳ năm trước; trong đó: cá 2783 tấn, giảm 0,68%; tôm 3432 tấn, giảm 3,05%. Sản lượng cá nuôi nhìn chung ổn định, riêng sản lượng tôm nuôi trong 10 tháng giảm do năm trước ảnh hưởng dịch bệnh nên bà con không thả nuôi vụ 2 năm 2016 nên những tháng đầu năm 2017 sản lượng thu hoạch thấp; hơn nữa, dịch bệnh trên tôm nuôi trong năm 2017 phần nào đã ảnh hưởng đến sản lượng.
Sản lượng thủy sản khai thác tháng 10/2017 ước đạt 1673 tấn, tăng 152,26% so với cùng kỳ năm trước; trong đó: cá 1416 tấn, tăng 151,51%; tôm 7 tấn, tăng 66,67%; thủy sản khác 250 tấn, tăng 160,42%. Tính chung 10 tháng năm 2017, sản lượng thủy sản khai thác ước đạt 19148 tấn, tăng 41,51% so với cùng kỳ năm trước; trong đó: cá 16032 tấn, tăng 38,82%; tôm 261 tấn, tăng 107,14%; thủy sản khác 2855 tấn, tăng 53,83%. Sản lượng thủy sản khai thác trong 10 tháng năm 2017 tăng cao so với cùng kỳ năm trước do năm trước ảnh hưởng sự cố ô nhiễm môi trường biển, đến nay thông tin biển miền Trung an toàn tuyệt đối về môi trường nước biển và trầm tích đáy biển khiến lòng tin của người dân càng được củng cố. Mặt khác, số tiền đền bù do sự cố môi trường biển được ngư dân sử dụng vào việc cải tạo, nâng cấp, đóng mới tàu thuyền, sắm các ngư lưới cụ phục vụ đánh bắt thủy sản. Nhờ đó đã giúp ngư dân thu được kết quả tích cực, nhiều ngư dân mạnh dạn vay vốn đóng tàu thuyền từ khai thác gần bờ sang xa bờ, bước đầu thu được lợi nhuận kinh tế cao.
2. Sản xuất công nghiệp
Tháng 10/2017, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng khá cao so với tháng trước và cùng kỳ năm trước; Công ty TNHH Tuấn Ngọc SURIMI sản xuất chả cá, sản lượng đạt khá cao; Công ty TNHH cao su camel Việt Nam ngoài sản xuất săm lốp xe máy, xe đạp còn đầu tư thêm dây chuyển sản xuất lốp ô tô; Công ty CP bia Hà Nội, Quảng Trị sản phẩm tiêu thụ được; năm nay, lòng hồ đủ nước nên các Nhà máy thủy điện hoạt động hết công suất…
Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 10/2017 ước tính tăng 8,19% so với tháng trước; trong đó: ngành khai khoáng giảm 0,44%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 9,38%; sản xuất và phân phối điện tăng 7,31%; cung cấp nước, xử lý rác thải, nước thải tăng 0,18%. So với cùng kỳ năm trước ước tính tăng 20,92%; trong đó: ngành khai khoáng giảm 8,52%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 21,06%; sản xuất và phân phối điện tăng 39,91%; cung cấp nước, xử lý rác thải, nước thải tăng 10,58%.
Tính chung 10 tháng năm 2017, chỉ số sản xuất công nghiệp ước tính tăng 15,5% so với cùng kỳ năm trước; trong đó: ngành khai khoáng giảm 0,11%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 16,49%; sản xuất và phân phối điện tăng 20,27%; cung cấp nước, xử lý rác thải, nước thải tăng 4,53%.
Trong ngành công nghiệp cấp 2, các ngành có chỉ số sản xuất 10 tháng năm 2017 so với cùng kỳ năm trước tăng cao hơn chỉ số chung là: sản xuất, chế biến thực phẩm tăng 16,75%; sản xuất đồ uống tăng 20,52%; sản xuất trang phục tăng 18,44%; chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ tăng 27,47%; sản xuất phương tiện vận tải khác tăng 17%; sản xuất và phân phối điện tăng 20,27%. Các ngành có chỉ số tăng thấp hơn chỉ số chung là: khai khoáng khác tăng 9,3%; sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy tăng 9,06%; sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất tăng 10,52%; sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic tăng 13,41%; sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác tăng 5,3%; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn tăng 7,11%; công nghiệp chế biến, chế tạo khác tăng 1,37%; khai thác xử lý và cung cấp nước tăng 4,37%; hoạt động thu gom, xử lý và tiêu hủy rác thải tăng 5,23%. Các ngành có chỉ số sản xuất giảm: khai thác quặng kim loại giảm 7,15%; dệt giảm 26,68%; sản xuất da và sản phẩm có liên quan giảm 31,63%; in, sao chép bản ghi các loại giảm 9,03%; sản xuất giường, tủ bàn ghế giảm 0,91%.
Một số sản phẩm chủ yếu trong 10 tháng năm 2017 so với cùng kỳ năm trước tăng cao là: bia lon tăng 28,21%; bộ comple, quần áo tăng 33,24%; ván ép từ gỗ tăng 60,79%; phân hóa học tăng 38,26%; lốp dùng cho xe máy, xe đạp tăng 23,86%; điện sản xuất tăng 48,06%. Một số sản phẩm tăng thấp là: đá xây dựng tăng 5,24%; tinh bột sắn tăng 8,46%; nước hoa quả, tăng lực tăng 12,02%; gỗ cưa hoặc xẻ tăng 0,38%; dăm gỗ tăng 11,82%; săm dùng cho xe máy, xe đạp tăng 16,19%; xi măng tăng 6,65%; điện thương phẩm tăng 1,33%; nước máy tăng 4,31%. Một số sản phẩm giảm là: quặng inmenit và tinh quặng inmenit giảm 3,67%; quặng titan và tinh quặng titan giảm 20,92%; quặng zircon và tinh quặng zircon giảm 12,18%; dầu nhựa thông giảm 9,77%; gạch xây dựng bằng đất sét nung giảm 1,09%; tấm lợp proximăng giảm 2,65%...
3. Vốn đầu tư phát triển thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý
Tháng 10/2017, công tác giải ngân vốn được các cấp, các ngành quan tâm chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình để tránh mùa mưa bảo sắp đến nên tình hình thực hiện vốn đầu tư phát triển thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý tăng so với tháng trước.
Vốn đầu tư phát triển thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý tháng 10/2017 ước thực hiện 166,2 tỷ đồng, tăng 3,1% so với tháng trước và tăng 3,2% so với cùng kỳ năm trước; bao gồm: vốn ngân sách nhà nước cấp tỉnh 146,7 tỷ đồng, vốn ngân sách nhà nước cấp huyện 14,6 tỷ đồng, vốn ngân sách nhà nước cấp xã 4,9 tỷ đồng. Tính chung 10 tháng năm 2017, vốn đầu tư phát triển thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý ước thực hiện 1392,6 tỷ đồng, bằng 90,16% kế hoạch năm 2017 và giảm 3,62% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: vốn ngân sách tỉnh 1193,8 tỷ đồng, bằng 90,96% kế hoạch và giảm 4,65%; vốn ngân sách huyện 153,1 tỷ đồng, bằng 85,19% kế hoạch và tăng 2,05%; vốn ngân sách xã 45,7 tỷ đồng, bằng 87,04% kế hoạch và tăng 6,82%.
Về vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài: từ đầu năm đến nay chưa có dự án mới được cấp phép. Hiện nay số dự án đang hoạt động trên địa bàn là 11 dự án với tổng vốn đăng ký đầu tư là 39,23 triệu USD. Dự ước vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện trong tháng 10/2017 là 352 nghìn USD, tăng 2,9% so với tháng trước. Tính chung 10 tháng năm 2017 ước thực hiện 3213,5 nghìn USD, giảm 3,47% so với cùng kỳ năm trước.
Về tiến độ giải ngân vốn: đến 30/9/2017, Kho bạc Nhà nước tỉnh thực hiện 1797,87 tỷ đồng, đạt 55,85% kế hoạch năm 2017; trong đó: nguồn vốn Trung ương quản lý thực hiện 333,66 tỷ đồng, đạt 41,77% kế hoạch; nguồn vốn địa phương quản lý thực hiện 1464,21 tỷ đồng, đạt 60,5% kế hoạch.
4. Thương mại và dịch vụ
4.1. Bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng
Tháng 10/2017, hoạt động kinh doanh thương mại và dịch vụ diển biến bình thường; hàng hóa trên thị trường phong phú, đa dạng; đáp ứng đầy đủ nhu cầu sản xuất và đời sống của người dân. Công tác quản lý thị trường, kiểm soát giá cả, bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng chống buôn lậu và gian lận thương mại được tăng cường, đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng…
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 10/2017 ước đạt 2089,3 tỷ đồng, tăng 1,72% so với tháng trước và tăng 14,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 10, doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 1766,9 tỷ đồng, tăng 1,81% so với tháng trước và tăng 14,58% so với cùng kỳ năm trước; tương ứng doanh thu lưu trú và ăn uống đạt 230,4 tỷ đồng, tăng 1,15% và 14,39%; doanh thu du lịch lữ hành đạt 2,4 tỷ đồng, giảm 1,63% và tăng 5,01%; doanh thu dịch vụ khác đạt 89,6 tỷ đồng, tăng 1,56% và 11,13%.
Tính chung 10 tháng năm 2017, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 20269,1 tỷ đồng, tăng 12,85% so với cùng kỳ năm trước.
Xét theo ngành hoạt động, doanh thu bán lẻ hàng hóa 10 tháng năm 2017 ước đạt 17238,6 tỷ đồng, chiếm 85,05% tổng mức và tăng 12,63% so với cùng kỳ năm trước. Các nhóm hàng có tổng mức bán lẻ cao và tăng khá so với cùng kỳ năm trước: hàng lương thực, thực phẩm tăng 11,7%; hàng may mặc tăng 16,48%; đồ dùng, dụng cụ trang thiết bị gia đình tăng 12,75%; gỗ và vật liệu xây dựng tăng 14,57%; xăng dầu các loại tăng 9,88%...
Doanh thu dịch vụ lưu trú và ăn uống 10 tháng năm 2017 ước đạt 2154,9 tỷ đồng, chiếm 10,63% tổng mức và tăng 15,26% so với cùng kỳ năm trước.
Doanh thu du lịch lữ hành 10 tháng năm 2017 ước đạt 27 tỷ đồng, chiếm 0,13% tổng mức và tăng 9,61% so với cùng kỳ năm trước.
Doanh thu dịch vụ khác 10 tháng năm 2017 ước đạt 848,6 tỷ đồng, chiếm 4,19% tổng mức và tăng 11,38% so với cùng kỳ năm trước.
4.2. Hoạt động vận tải
Tháng 10/2017, hoạt động vận tải hành khách có giảm so với tháng trước do nhu cầu đi lại của người dân giảm; riêng vận tải hàng hóa do thời tiết thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh và xây dựng hơn tháng trước nên khối lượng hàng hóa vận chuyển và luân chuyển tăng khá so với tháng trước.
Doanh thu vận tải tháng 10/2017 ước tính đạt 105,5 tỷ đồng, tăng 3,73% so với tháng trước, trong đó: doanh thu vận tải hành khách ước đạt 36,4 tỷ đồng, giảm 2,78%; doanh thu vận tải hàng hóa ước đạt 67,4 tỷ đồng, tăng 7,63%; doanh thu kho bãi và dịch vụ hổ trợ vận tải ước đạt 1,7 tỷ đồng, tăng 3,51%. Tính chung 10 tháng năm 2017, doanh thu vận tải ước đạt 1014,1 tỷ đồng, tăng 7,15% so với cùng kỳ năm trước; trong đó: doanh thu vận tải hành khách ước đạt 371,5 tỷ đồng, tăng 4,28%; doanh thu vận tải hàng hóa ước đạt 626,1 tỷ đồng, tăng 9,05%; doanh thu kho bãi và dịch vụ hổ trợ vận tải ước đạt 16,5 tỷ đồng, tăng 2,61%. Trong tổng doanh thu vận tải 10 tháng năm 2017: ngành vận tải đường bộ thực hiện 1004,7 tỷ đồng, chiếm 99,1%, tăng 6,78%; ngành vận tải đường biển thực hiện 9,4 tỷ đồng, chiếm 0,9%, tăng 67,54%. Phân theo loại hình kinh tế: khu vực nhà nước ước đạt 8,3 tỷ đồng, tăng 118,34%; khu vực ngoài nhà nước ước đạt 1005,8 tỷ đồng, tăng 6,7%.
Vận tải hành khách: số lượt hành khách vận chuyển tháng 10/2017 ước đạt 554,3 nghìn HK, giảm 2,04% so với tháng trước, đều do thành phần kinh tế ngoài nhà nước và vận tải đường bộ thực hiện; số lượt hành khách luân chuyển ước đạt 48 triệu HK.km, giảm 1,86%. Tính chung 10 tháng năm 2017, số lượt hành khách vận chuyển ước đạt 5571,5 nghìn HK, tăng 3,68% so với cùng kỳ năm trước; số lượt hành khách luân chuyển ước đạt 506,4 triệu HK.km, tăng 3,25%.
Vận tải hàng hóa: khối lượng hàng hoá vận chuyển tháng 10/2017 ước đạt 823,8 nghìn tấn, tăng 7,24% so với tháng trước; tất cả đều do thành phần kinh tế ngoài nhà nước và chủ yếu vận tải đường bộ thực hiện; khối lượng hàng hoá luân chuyển ước đạt 68,5 triệu tấn.km, tăng 9,5%. Tính chung 10 tháng năm 2017, khối lượng hàng hoá vận chuyển ước đạt 7288,8 nghìn tấn, tăng 4,53% so với cùng kỳ năm trước; khối lượng hàng hoá luân chuyển ước đạt 494,1 triệu tấn.km, tăng 7,24%.
4.3. Khách du lịch
Tháng 10/2017, trên địa bàn tỉnh không có những lễ hội lớn diễn ra; hơn nữa, thời tiết bước vào mùa mưa nên lượng khách do các đơn vị lưu trú và lữ hành phục vụ đều giảm.
Số lượt khách lưu trú tháng 10/2017 ước đạt 28855 lượt, giảm 1,65% so với tháng trước và tăng 7,79% so với cùng kỳ năm trước; số ngày khách lưu trú ước đạt 37020 ngày khách, giảm 0,11% so với tháng trước và tăng 6,41% so với cùng kỳ năm trước; lượt khách du lịch theo tour ước đạt 822 lượt, giảm 2,84% so với tháng trước và tăng 8,75% so với cùng kỳ năm trước; ngày khách du lịch theo tour ước đạt 1800 ngày khách, giảm 3,33% so với tháng trước và tăng 8,76% so với cùng kỳ năm trước.
Tính chung 10 tháng năm 2017, số lượt khách lưu trú ước đạt 338373 lượt, tăng 10,48% so với cùng kỳ năm trước; số ngày khách lưu trú ước đạt 282390 ngày khách, tăng 9,39%; lượt khách du lịch theo tour ước đạt 12386 lượt, tăng 8,71%; ngày khách du lịch theo tour ước đạt 33523 ngày khách, tăng 8,87%.
5. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI), chỉ số giá vàng và chỉ số giá đô la Mỹ
Tháng 10/2017, giá tất cả các nhóm hàng hóa đều ổn định, chỉ có giá ga và xăng, dầu có tăng nên chỉ số giá tiêu dùng chỉ tăng nhẹ so với tháng trước.
Chỉ số giá tiêu dùng tháng 10/2017 tăng 0,13% so với tháng trước; tăng 1,47% so với tháng 12 năm trước và tăng 2,21% so với cùng kỳ năm trước.
Chỉ số giá tiêu dùng bình quân 10 tháng năm 2017, tăng 4,8% so với bình quân cùng kỳ năm trước. Các nhóm hàng có chỉ số giá giảm là: lương thực giảm 0,88%; thực phẩm giảm 1,62%; bưu chính viễn thông giảm 1,18%; văn hóa, giải trí và du lịch giảm 0,7%. Các nhóm hàng có chỉ số giá tăng là: ăn uống ngoài gia đình tăng 4,33%; đồ uống và thuốc lá tăng 2,75%; may mặc, mũ nón và giày dép tăng 2,31%; nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 2,07%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 1,38%; thuốc và dịch vụ y tế tăng 85,55% (do giá dịch vụ y tế điều chỉnh tăng theo bước 2 của Thông tư Liên tịch số 37/2015/TTLT-BYT-BTC ngày 29/10/2015 của Bộ Y tế và Bộ Tài chính); giao thông tăng 6,4% (do giá xăng dầu điều chỉnh tăng); giáo dục tăng 4,28% (do học phí các cấp học đều tăng); hàng hóa và dịch vụ khác tăng 1,98%.
Chỉ số giá vàng tháng 10/2017 giảm 1,17% so với tháng trước; tăng 6,23% so với tháng 12 năm trước và tăng 1,33% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số giá vàng bình quân 10 tháng năm 2017 tăng 3,14% so với bình quân cùng kỳ năm trước.
Chỉ số giá đô la Mỹ tháng 10/2017 giảm 0,01% so với tháng trước; tăng 0,18% so với tháng 12 năm trước và tăng 1,88% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số giá đô la Mỹ bình quân 10 tháng năm 2017 tăng 1,73% so với bình quân cùng kỳ năm trước.
6. Thu, chi ngân sách Nhà nước
Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn từ đầu năm đến ngày 18/10/2017 đạt 1739,4 tỷ đồng, bằng 72,6% dự toán năm 2017 và tăng 14% so với cùng kỳ năm trước; trong đó: thu nội địa 1491,6 tỷ đồng, bằng 70,16% dự toán và tăng 16,76%; thu từ hoạt động xuất, nhập khẩu 219,9 tỷ đồng, bằng 81,46% dự toán và giảm 5,89%. Trong thu nội địa một số khoản thu lớn như: thu từ doanh nghiệp nhà nước 173,6 tỷ đồng, bằng 68,33% dự toán và tăng 18,38% so với cùng kỳ năm trước; thu ngoài quốc doanh 435,7 tỷ đồng, bằng 51,75% dự toán và tăng 16,15%; lệ phí trước bạ 66,7 tỷ đồng, bằng 53,36% dự toán và giảm 25,71%; thuế thu nhập cá nhân 50,1 tỷ đồng, bằng 77,07% dự toán và tăng 7,27%; thuế bảo vệ môi trường 220,8 tỷ đồng, bằng 93,59% dự toán và tăng 41,97%; thu phí và lệ phí 54,6 tỷ đồng, bằng 81,54% dự toán và tăng 94,41%; thu tiền sử dụng đất 366,8 tỷ đồng, bằng 97,81% dự toán và tăng 16,31%...
Tổng chi ngân sách địa phương từ đầu năm đến 18/10/2017 đạt 4536,7 tỷ đồng, bằng 65,83% dự toán năm 2017 và tăng 14,66% so với cùng kỳ năm trước; trong đó: chi đầu tư phát triển 1224,3 tỷ đồng, bằng 168,55% dự toán và tăng 15,35%; chi thường xuyên 3265,2 tỷ đồng, bằng 74,67% dự toán và tăng 13,15%. Trong tổng chi thường xuyên một số khoản chi lớn như: chi sự nghiệp giáo dục, đào tạo và dạy nghề 1377,8 tỷ đồng, bằng 70,73% dự toán và tăng 14,3% so với cùng kỳ năm trước; chi sự nghiệp y tế, dân số và KHH gia đình 167,8 tỷ đồng, bằng 38,32% dự toán và giảm 24,1%; chi sự nghiệp đảm bảo xã hội 309,3 tỷ đồng, bằng 147,21% dự toán và tăng 36,69%; chi sự nghiệp kinh tế 290,3 tỷ đồng, bằng 67,87% dự toán và tăng 28,45%; chi quản lý hành chính 841,1 tỷ đồng, bằng 86,66% dự toán và tăng 7,81%...
7. Các vấn đề xã hội
7.1. Tình hình thiếu đói trong nông dân
Đời sống nông dân trong tháng 10/2017, nhìn chung ổn định. Vụ Hè Thu năm 2017 mặc dù sản lượng lúa chỉ đạt 94984,7 tấn, giảm 17,33% (-19906,5 tấn) so với vụ Hè Thu năm trước những vẫn đảm bảo nhu cầu tiêu dùng của người dân. Giá bán thịt lợn hơi tuy chưa bằng như trước đây nhưng đã có xu hướng tăng lên. Sản lượng thủy sản tuy chưa phục hồi như trước khi ô nhiễm môi trường biển xảy ra, nhưng tổng sản lượng thủy sản tháng 10/2017 đã đạt 2362 tấn, tăng 81,25% so với cùng kỳ năm trước. Công tác chi trả bồi thường thiệt hại do sự cố môi trường biển đã cơ bản hoàn thành góp phần ổn định đời sống của người dân…tình hình thiếu đói trong nông dân không xảy ra.
7.2. Tình hình dịch bệnh, ngộ độc thực phẩm
a. Tình hình dịch bệnh
Hiện nay, tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết đang diễn biến phức tạp. Tính từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh đã ghi nhận 601 trường hợp mắc sốt xuất huyết, dịch bệnh xảy ra ở 9/10 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh.
Với quyết tâm kiểm soát và khống chế mọi diễn biến của bệnh SXH bảo vệ sức khỏe và tính mạng nhân dân trên địa bàn, khắc phục những khó khăn trước mắt. Tỉnh tiếp tục tăng cường huy động sự tham gia của cộng đồng trong công tác phòng chống dịch bệnh SXH; Tăng cường công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng sẵn có của địa phương nhằm nâng cao ý thức tự giác phòng chống SXH của người dân; phối hợp với ngành giáo dục, các trường học nhằm huy động đội ngũ học sinh tích cực tổ chức các chiến dịch diệt bọ gậy tại gia đình và cộng đồng; chỉ đạo các đơn vị điều trị xây dựng kế hoạch tiếp nhận, thu dung bệnh nhân, chẩn đoán và điều trị kịp thời, đúng phác đồ quy định nhằm hạn chế bệnh chuyển nặng, đe dọa tử vong cho người mắc.
Tháng 10/2017, trên địa bàn tỉnh có 1215 trường hợp mắc bệnh cúm, 46 trường hợp mắc bệnh lỵ Amip, 145 trường hợp mắc bệnh lỵ trực trùng, 56 trường hợp mắc bệnh quai bị, 95 trường hợp mắc bệnh thuỷ đậu, 403 trường hợp mắc bệnh tiêu chảy, 19 trường hợp mắc bệnh viêm gan virut. Không có trường hợp nào tử vong.
Tính chung 10 tháng năm 2017, trên địa bàn tỉnh có 11022 trường hợp mắc bệnh cúm, giảm 14% so với cùng kỳ năm trước; 333 trường hợp mắc bệnh lỵ Amip, tăng 11%; 616 trường hợp mắc bệnh lỵ trực trùng, giảm 16,19%; 354 trường hợp mắc bệnh quai bị, tăng 4,73%; 372 trường hợp mắc bệnh thuỷ đậu, tăng 25,68%; 1821 trường hợp mắc bệnh tiêu chảy, giảm 10,43%; 183 trường hợp mắc bệnh viêm gan virut, giảm 27,09%. Từ đầu năm đến nay không có trường hợp nào tử vong.
b. Tình hình nhiễm HIV/AIDS
Trong tháng phát hiện thêm 02 trường hợp nhiễm HIV/AIDS (01 trường hợp ở xã Triệu Thượng, huyện Triệu Phong và 01 trường hợp ở xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Linh).
Tính đến nay, số người nhiễm HIV còn sống tại Quảng Trị là 211 người (số trẻ em dưới 15 tuổi nhiễm HIV là 11 trẻ, số bà mẹ mang thai nhiễm HIV sinh con là 39 bà mẹ); trong đó có 64 trường hợp đã chuyển sang giai đoạn AIDS. Số bệnh nhân tử vong do AIDS toàn tỉnh tính đến thời điểm trên là 95 người.
c. Tình hình ngộ độc thực phẩm
Thời gian qua, Tỉnh đã tích cực triển khai nhiều hoạt động về an toàn thực phẩm và đạt được những kết quả tích cực, nhờ đó tình trạng mất an toàn thực phẩm phần nào được kiểm soát. Tuy nhiên, vấn đề quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm đang ngày càng trở nên phức tạp, đòi hỏi có sự chung tay của cộng đồng để phản ánh với cơ quan chức năng về những vấn đề vi phạm an toàn thực phẩm ảnh hưởng đến sức khoẻ của người tiêu dùng.
Trong tháng, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 01 vụ ngộ độc thực phẩm trên địa bàn huyện Triệu Phong làm 37 người bị ngộ độc, có 28 người phải nhập viện.
Tính từ đầu năm đến nay trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 05 vụ ngộ độc thực phẩm, làm 84 người bị ngộ độc, có 02 người tử vong; 01 vụ ngộ độc rượu, 01 người bị ngộ độc.
7.3. Hoạt động văn hóa, thể thao
Trong tháng đã triển khai thực hiện tốt công tác khánh tiết, trang trí cổ động trực quan; tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao phục vụ tốt các sự kiện chính trị, các ngày lễ lớn.
Tiếp tục hoàn thiện hồ sơ quy hoạch Công viên thống nhất đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải, quy hoạch di tích Cụm cảng quân sự Đông Hà; lập hồ sơ Di sản thế giới "Địa đạo Vịnh Mốc và Hệ thống làng hầm Vĩnh Linh"; bảo tồn, tôn tạo di tích Khu lưu niệm Tổng Bí thư Lê Duẩn (giai đoạn II). Hoàn thiện bản thảo tập sách “Di sản văn hóa phi vật thể Quảng Trị”.
Tổ chức thành công lễ tổng kết trao giải và triển lãm tranh Mỹ thuật thiếu nhi Việt Nam tỉnh Quảng Trị lần thứ IX năm 2017: ngoài các giải thưởng cấp tỉnh, huyện, năm nay, tỉnh Quảng Trị nhận được 3 giải thưởng Mỹ thuật thiếu nhi Việt Nam do Trung ương trao tặng gồm: 1 giải A, 1 giải B và 1 giải C.
Duy trì tập luyện thường xuyên các lớp năng khiếu, đội tuyển tỉnh và đội tuyển trẻ. Tổng số VĐV được đào tạo tại Trung tâm là: 89 VĐV (Trong đó: 34 VĐV tuyến Tỉnh, 18 VĐV tuyến Trẻ và 37 VĐV tuyến Năng khiếu).
Hoàn thành kế hoạch Đại hội TDTT cấp huyện, chuẩn bị các điều kiện để tổ chức Đại hội TDTT cấp tỉnh. Thực hiện tuyển chọn VĐV, đào tạo, tập huấn các đội tuyển, chuẩn bị lực lượng VĐV tham gia Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ VIII năm 2018; tham gia các giải thể thao quốc gia và quốc tế; tổ chức các giải thể thao cấp tỉnh và các giải thể thao phong trào.
7.4. Tai nạn giao thông
Trong tháng (từ 16/9 đến 15/10), trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 25 vụ tai nạn giao thông, làm chết 20 người, bị thương 16 người; so với cùng kỳ năm trước số vụ tai nạn giao thông tăng 47,1% (+8 vụ), số người chết tăng 185,7% (+13 người), số người bị thương giảm 11,1% (-02 người). Trong tháng có 24 vụ tai nạn giao thông đường bộ, làm chết 19 người, bị thương 16 người và 01 vụ tai nạn giao thông đường sắt, làm chết 01 người.
Tính chung 10 tháng năm 2017, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 179 vụ tai nạn giao thông, làm chết 102 người, bị thương 159 người; so với cùng kỳ năm trước số vụ tăng 0,6% (+01 vụ), số người chết tăng 27,5% (+22 người), số người bị thương giảm 15,4% (-29 người). Trong 10 tháng có 178 vụ tai nạn giao thông đường bộ, làm chết 101 người, bị thương 159 người và 01 vụ tai nạn giao thông đường sắt, làm chết 01 người.
7.5. Tình hình cháy nổ và bảo vệ môi trường
a. Tình hình cháy nổ
Quán triệt nguyên tắc cơ bản của công tác PCCC là “Huy động sức mạnh tổng hợp của toàn dân tham gia PCCC”, Tỉnh đã tập trung chỉ đạo những đơn vị liên quan tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật, kiến thức về công tác PCCC và cứu nạn, cứu hộ (CNCH) trên các phương tiện thông tin đại chúng. Các cơ quan, đơn vị và doanh nghiệp cũng đã quan tâm, đầu tư trang bị phương tiện PCCC theo quy định; chuẩn bị điều kiện cần thiết phục vụ công tác PCCC… Phong trào toàn dân tham gia PCCC và CNCH thường xuyên được phát động, ngày càng có chiều sâu, các mô hình, điển hình tiên tiến trong phong trào PCCC không ngừng phát triển.
Trong tháng trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 04 vụ cháy, làm bị thương 02 người, giá trị tài sản thiệt hại ước tính 221 triệu đồng. Tính chung từ đầu năm đến nay có 49 vụ cháy xảy ra, tăng 29% (+11 vụ) so với cùng kỳ năm trước, làm 02 người chết và 07 người bị thương. Tổng giá trị thiệt hại 12456 triệu đồng.
b. Bảo vệ môi trường
Hưởng ứng chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn năm 2017 với chủ đề “Quản lý rác thải vì môi trường nông thôn bền vững”. Thời gian qua, Tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phối hợp với các cơ quan truyền thông, báo chí, đài phát thanh, truyền hình địa phương xây dựng chuyên trang, chương trình cổ động, bài viết, phóng sự vận động người dân thực hiện các hoạt động bảo vệ môi trường, tăng thời lượng phát sóng về bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và môi trường. Tăng cường kiểm tra, giám sát và xử lý triệt để các dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao; lên án các hành động khai thác bừa bãi, phá hoại tài nguyên thiên nhiên, lên án những hành vi gây ô nhiễm môi trường; khuyến khích các doanh nghiệp và cơ sở sản xuất kinh doanh, cộng đồng, người dân tham gia xã hội hóa công tác bảo vệ môi trường, thực hiện trách nhiệm xã hội trong đó có trách nhiệm bảo vệ môi trường.
Trong tháng đã phát hiện và xử lý 02 vụ vi phạm môi trường xảy ra trên địa bàn huyện Cam Lộ và Đakrông, số tiền xử phạt 45 triệu đồng. Tính chung từ đầu năm đến nay phát hiện 03 vụ vi phạm môi trường, tăng 50% (+01 vụ) so với cùng kỳ năm trước; tổng số tiền xử phạt 75 triệu đồng.
7.6. Tình hình thiên tai
Vào chiều ngày 09/10/2017, do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đã có mưa to đến rất to, nước lên cao nhanh gây ngập lụt cục bộ và chảy xiết đã cuốn trôi làm chết 01 em học sinh THPT trên địa bàn thành phố Đông Hà.
Trên đây là tình hình kinh tế - xã hội tháng 10 và 10 tháng năm 2017./.
CỤC THỐNG KÊ QUẢNG TRỊ