TÌNH HÌNH KINH TẾ- XÃ HỘI THÁNG 01/2014
1. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản:
1.1. Nông nghiệp
Vụ Đông Xuân năm 2013 - 2014 thời tiết tương đối thuận lợi cho việc gieo cấy lúa; Tuy nhiên tiến độ gieo cấy chậm hơn năm trước là do huyện Hải Lăng là vùng trọng điểm, cơ cấu giống lúa có thay đổi chủ yếu là giống ngắn ngày, gieo sau 15/1. Bộ giống lúa chủ lực của tỉnh năm nay gồm PC6, HC95, HT1, Khang dân 18, OM6976…và mở rộng diện tích các giống đã khảo nghiệm có triển vọng cho năng suất, chất lượng cao trên địa bàn tỉnh như: Trân châu hương, RVT, MT18cs, OM 6932, OM 4218, OM 2395, VS1.
Tính đến ngày 15/01/2014 toàn tỉnh đã gieo trồng được 22815,5 ha các loại cây hàng năm, chỉ bằng 87,7% so với cùng kỳ năm trước; Trong đó: cây lúa gieo cấy 14395 ha, bằng 81,7%; cây ngô gieo trồng 901 ha, bằng 83,4%; khoai lang 1002 ha, bằng 106,4%; sắn 2649 ha, bằng 140%; lạc 1330 ha, bằng 70,7%; rau các loại 1764 ha, bằng 116,5%...
1.2. Lâm nghiệp:
Tháng 1/2014 chủ yếu là tiếp tục trồng rừng của kế hoạch năm 2013 và trồng cây phân tán. Tranh thủ thời tiết thuận lợi tiếp tục khai thác rừng trồng ở những vùng được phép; trong tháng do mưa kéo dài nên không có vụ cháy rừng nào xảy ra.
1.3. Thuỷ sản:
Đến nay các địa phương trên địa bàn tỉnh đã và đang thả nuôi cho vụ nuôi trồng thủy sản năm 2014. Diện tích nuôi trồng thủy sản đến nay ước khoảng 2188 ha; Trong đó, diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng 350 ha. Về sản lượng khai thác thủy sản tháng 1/2014 ước đạt 640 tấn.
2. Công nghiệp
Tháng 1/2014 tình hình sản xuất công nghiệp giảm sút so với tháng 12/2013. Tuy nhiên so với 1/2013 sản xuất công nghiệp vẫn tăng khá.
Chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp tháng 01/2014 giảm 4,03% so tháng trước và tăng 7,49% so với tháng 01/2013. Phân theo ngành công nghiệp: Công nghiệp khai khoáng giảm 2,98% so tháng trước và giảm 17,38% so với tháng 01/2013; công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 0,78% so tháng trước và tăng 4,56% so với tháng 01/2013; sản xuất và phân phối điện giảm 30,03% so tháng trước và tăng 44,97% so với tháng 01/2013; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 3,08% so với tháng trước và tăng 11,20% so với tháng 01/2013.
Chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp tháng 01/2014 giảm so tháng trước là do sản phẩm của một số ngành thuộc ngành công nghiệp khai khoáng và công nghiệp chế biến, chế tạo tồn kho nhiều, tiêu thụ chậm nên sản xuất giảm: Quặng zircon và tinh quặng zircon giảm 27,6%; Đá xây dựng giảm 6,4%; Gổ cưa hoặc xẻ giảm 4,2%; Dầu nhựa thông giảm 55,9%; Phân hóa học giảm 19,8%; Điện sản xuất giảm 41,4%...
Tuy nhiên so với tháng 01/2013 chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp tăng khá là do năm trước toàn bộ số ngày nghỉ tết trùng vào tháng 01, nhưng năm nay số ngày nghỉ tết trùng vào tháng 01 ít hơn nên một số ngành công nghiệp có sản phẩm tăng cao: Tinh bột sắn tăng 18,8%; Phân hóa học tăng 60,2%; Lốp dùng cho xe máy, xe đạp tăng 7,4%; Điện sản xuất tăng 90,8%; Nước máy tăng 8,2%...
Chỉ số tiêu thụ ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 12/2013 so với tháng 11/2013 tăng 18,38%; so với tháng 12/2012 tăng 22,47%.
Chỉ số tồn kho ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 12/2013 so với tháng 11/2013 tăng 5,31%; so với tháng 12/2012 tăng 42,23%.
3. Vốn đầu tư phát triển:
Kế hoạch phân bổ vốn đầu tư thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý năm 2014 ( Tạm giao đầu năm ) tỉnh Quảng Trị là 1265,76 tỷ đồng; Trong đó, vốn ngân sách nhà nước cấp tỉnh 1052,76 tỷ đồng, chiếm 83,17%; vốn ngân sách nhà nước cấp huyện 171,51 tỷ đồng, chiếm 13,55%; vốn ngân sách nhà nước cấp xã 41,49 tỷ đồng, chiếm 3,28%.
Dự ước vốn đầu tư phát triển thuộc nguồn vốn nhà nước do địa phương quản lý tháng 01/2014 thực hiện 134 tỷ đồng, giảm 10% so với tháng trước và tăng 4,6% so với tháng 01/2013, nguyên nhân giảm so với tháng trước chủ yếu là do kế hoạch phân bổ vốn đầu năm thấp, chưa có kế hoạch giải ngân vốn năm 2014 mà chủ yếu giải ngân vốn năm 2013; Trong đó, Vốn ngân sách tỉnh thực hiện 120,2 tỷ đồng, giảm 13,8% so với tháng trước và tăng 4,8% so với tháng 01/2013; vốn ngân sách huyện thực hiện 11,9 tỷ đồng, tăng 47,2% so với tháng trước và tăng 6,7% so với tháng 01/2013; vốn ngân sách xã thực hiện 1,9 tỷ đồng, tăng 39,1% so với tháng trước và giảm 12% so với tháng 01/2013.
Vốn đầu tư thực hiện trong tháng 01/2014 chủ yếu là các công trình chuyển tiếp như: Đường liên xã Cam Thành - Thị trấn Cam Lộ có tổng vốn đầu tư 19,46 tỷ đông, vốn bố trí trong năm 2014 là 4,27 tỷ đồng; Kè chống xói lở Bắc sông Thạch Hản có tổng vốn đầu tư 18,63 tỷ đồng, vốn bố trí trong năm 2014 là 3,2 tỷ đồng; Bảo tồn khu di tích Thành Cổ ( GĐ2) có tổng vốn đầu tư 244 tỷ đồng, vốn bố trí trong năm 2014 là 7 tỷ đồng; Khu tái định cư Lao Bảo có tổng vốn đầu tư 49,34 tỷ đồng, vốn bố trí trong năm 2014 là 6,92 tỷ đồng…
4. Thương mại - Giá cả và Dịch vụ:
4.1. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ
Để bảo đảm nguồn hàng đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của dân cư tăng trong dịp tết Nguyên đán, Sở Công Thương phối hợp với các doanh nghiệp xây dựng kế hoạch, nguồn kinh phí thực hiện chương trình dự trữ hàng hóa bình ổn giá, đảm bảo cân đối cung cầu, bình ổn thị trường trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Ngọ năm 2014; UBND tỉnh đã trích ngân sách cho các doanh nghiệp tạm ứng (tại Quyết định số 2535/QĐ-UBND ngày 13/12/2013). Hiện nay Sở Công Thương chỉ đạo các doanh nghiệp liên quan triển khai công tác dự trữ hàng hóa và tổ chức kiểm tra công tác bán hàng bình ổn giá, đặc biệt là các mặt hàng thiết yếu phục vụ trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Ngọ năm 2014.
Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh tại Công văn số 4417/UBND-TM ngày 24/12/2013; Sở Công Thương với vai trò cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo 127 tỉnh, đã chỉ đạo các ngành chức năng thành lập Tổ kiểm tra thị trường nội địa và chống buôn lậu. Đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành về vệ sinh an toàn thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán năm 2014 (tại Quyết định số 07/QĐ-SCT ngày 15/01/2014). Tăng cường công tác chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Ngọ năm 2014 (tại Công văn số 1044/BCĐ ngày 27/12/2013)
Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ xã hội tháng 01/2014 ước thực hiện 1788,9 tỷ đồng, tăng 20,4% so tháng trước. Trong đó: kinh tế nhà nước thực hiện 158,2 tỷ đồng, tăng 9,2%; kinh tế cá thể thực hiện 1129 tỷ đồng, tăng 25,1%; kinh tế tư nhân thực hiện 501,7 tỷ đồng, tăng 14,6%.
Phân theo ngành kinh tế: thương nghiệp thực hiện 1540,3 tỷ đồng, tăng 22,6%; lưu trú và ăn uống thực hiện 163,2 tỷ đồng, tăng 6,6%; du lịch lữ hành thực hiện 2,9 tỷ đồng, giảm 27,1%; dịch vụ thực hiện 82,5 tỷ đồng, tăng 14%.
So với tháng 01/2013, tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ xã hội tháng 01/2014 tăng 26,6%. Trong đó: kinh tế nhà nước tăng 10,2%; kinh tế cá thể tăng 29,3%; kinh tế tư nhân tăng 26,6%.
Phân theo ngành kinh tế: thương nghiệp tăng 27,3%; lưu trú và ăn uống tăng 28,7%; du lịch lữ hành tăng 48%; dịch vụ tăng 11,7%.
4.2. Xuất, nhập khẩu hàng hóa
Tình hình kinh doanh xuất, nhập khẩu địa phương tháng 01/2014 có những chuyển biến tích cực, thị trường xuất khẩu tương đối ổn định, giá cả có cải thiện…; Tuy nhiên, đòi hỏi của đối tác về chất lượng hàng hóa ngày càng khắt khe hơn.
Kim ngạch xuất khẩu tháng 01/2014 ước thực hiện 13243 nghìn USD, tăng 5,8% so với tháng trước và tăng 54,6% so với tháng 01/2013; Trong đó: kinh tế nhà nước thực hiện 4400 nghìn USD, tăng 4,1% so với tháng trước và tăng 34,6% so với tháng 01/2013; kinh tế tư nhân thực hiện 7933 nghìn USD, tăng 5,8% so với tháng trước và tăng 75,3% so với tháng 01/2013; kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài thực hiện 910 nghìn USD, tăng 13,9% so với tháng trước và tăng 18,2% so với tháng 01/2013. Mặt hàng xuất khẩu chủ yếu: cà phê 250 tấn, cao su 1092 tấn, tinh bột sắn 1515 nghìn USD, thực phẩm chế biến 875 nghìn USD, sản phẩm bằng plastic 1270 nghìn USD; xe đạp và phụ tùng 910 nghìn USD, sản phẩm bằng gổ 871 ngàn USD, hàng hóa khác 4716 nghìn USD…
Kim ngạch nhập khẩu tháng 01/2014 ước thưc hiện 13203 nghìn USD, giảm 3,1% so với tháng trước và tăng 44,7% so với tháng 01/2013; Trong đó, kinh tế nhà nước thực hiện 830 nghìn USD, tăng 4% so với tháng trước và giảm 32,8% so với tháng 01/2013; kinh tế tư nhân thực hiện 11652 nghìn USD, giảm 5,9% so với tháng trước và tăng 68,3% so với tháng 01/2013; kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài thực hiện 721 nghìn USD, tăng 63,1% so với tháng trước và giảm 25,5% so vơi tháng 01/2013. Mặt hàng nhập khẩu chủ yếu: thực phẩm chế biến 1610 nghìn USD, máy móc thiết bị 5776 nghìn USD, gổ xẻ các loại 3560 m3 , gổ tròn các loại 760 m3, thạch cao 12100 tấn…
4.3. Chỉ số giá tiêu dùng
Tháng 01/2014 chỉ số giá tiêu dùng tăng so với tháng trước. Nguyên nhân chủ yếu là do giá hàng ăn và dịch vụ ăn uống; giá hàng may mặc, giày dép và mũ nón; giá dịch vụ giao thông tăng trong tháng giáp tết. Tuy nhiên, do chủ trương kiềm chế lạm phát của Chính phủ và sức mua của các tầng lớp dân cư tuy có tăng nhưng vẫn còn hạn chế nên giá cả tăng chậm.
Chỉ số giá tiêu dùng tháng 1/2014 tăng 1,1% so với tháng 12/2013 cụ thể :
- Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 1,72%. Trong đó: lương thực tăng 2,47%; thực phẩm tăng 1,91 %; ăn uống ngoài gia đình tăng 0,06%.
- Nhóm đồ uống, thuốc lá tăng 0,8%.
- Nhóm may mặc, giày dép, mũ nón tăng 1,71%.
- Nhóm nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 0,54%.
- Nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,78%.
- Nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,05%.
- Nhóm giao thông tăng 1,45%.
- Nhóm bưu chính viển thông tăng 0,09%.
- Nhóm văn hoá giải trí và du lịch tăng 0,25%.
- Nhóm hàng hoá và dịch vụ khác tăng 0,63%.
Giá vàng giảm 1,49%.
Giá đôla Mỹ ổn định.
4.4. Giao thông vận tải
Hoạt động kinh doanh vận tải trên địa bàn tỉnh tháng 01/2014 có chuyển biến tích cực do tháng 01 là tháng giáp tết Nguyên đán nên nhu cầu đi lại của dân cư và vận chuyễn hàng hóa tăng cao. Tuy nhiên, do giá xăng dầu ổn định nên hoạt động vận tải giá cả vẫn chưa có đột biến.
Ước doanh thu vận tải tháng 01/2014 thực hiện 99,9 tỷ đồng, tăng 9,5% so với tháng trước; khối lượng hành khách vận chuyển thực hiện 557,7 nghìn HK, tăng 7,8%; khối lượng hành khách luân chuyển thực hiện 59227,2 nghìn HK.km, tăng 7,4%. Khối lượng hàng hoá vận chuyển thực hiện 445 nghìn tấn, tăng 3%; khối lượng hàng hoá luân chuyển thực hiện 55415 nghìn tấn.km, tăng 1,8%.
So với tháng 01/2013, doanh thu tháng 01/2014 tăng 27,9%; khối lượng hành khách vận chuyển tăng 13,8%; khối lượng hành khách luân chuyển tăng 16,5%. Khối lượng hàng hoá vận chuyển tăng 12,1%; khối lượng hàng hoá luân chuyển tăng 22,3%.
5. Một số vấn đề về xã hội
5.1. Tình hình đời sống dân cư
Từ 1/7/2013 tiền lương tối thiểu đã được điều chỉnh tăng từ 1050 nghìn đồng lên 1150 nghìn đồng (+9,52%); tuy nhiên giá cả một số mặt hàng thiết yếu tăng theo làm cho tiền lương thực tế của cán bộ, công nhân viên chức chưa được cải thiện nhiều. Thu nhập bình quân của lao động trong các doanh nghiệp ngoài nhà nước ở mức thấp đã ảnh hưởng đến đời sống người lao động.
Tình hình sản xuất của người nông dân cũng diển ra trong điều kiện thời tiết bất lợi; sâu bệnh gây hại nhiều hơn các năm trước; dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm diển biến phức tạp; giá cả nguyên vật liệu phục vụ sản xuất nông nghiệp tiếp tục tăng, giá bán sản phẩm của người nông dân vẫn chưa được cải thiện; đã ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống của đại bộ phận nông dân. Đặc biệt là cơn bảo số 10, 11 và lốc xoáy xảy ra trong năm 2013 gây thiệt hại lớn cho người dân, làm cho đời sống của một bộ phận dân cư càng thêm khó khăn.
Tuy nhiên, công tác an sinh xã hội được lảnh đạo tỉnh quan tâm chu đáo, kịp thời. Đầu năm 2014 tỉnh đã chủ động xây dựng kế hoạch, phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể ở địa phương vận động nhân dân phát huy truyền thống tương thân, tương ái, chăm lo chu đáo đời sống vật chất và tinh thần cho các tầng lớp dân cư, nhất là các gia đình chính sách, đồng bào nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số… có điều kiện vui tết, đón xuân trong không khí đầm ấm, nghĩa tình, trách nhiệm với tinh thần thiết thực, cụ thể; bảo đảm không để đối tượng nào thiếu đói trong dịp tết Nguyên đán Giáp Ngọ.
Trong dịp tết Nguyên đán Giáp Ngọ 2014, quà của Chủ tịch nước tặng cho người có công 6,458 tỷ đồng, gồm suất 400 nghìn đồng, tặng cho 697 đối tượng và suất 200 nghìn đồng, tặng cho 30896 đối tượng. Quà tết của tỉnh trích từ nguồn ngân sách tỉnh tặng 1,948 tỷ đồng, cho đối tượng là người có công và các đơn vị chăm sóc người có công; Ngân sách tỉnh cũng đã hổ trợ cho hộ nghèo, cận nghèo và neo đơn 5,392 tỷ đồng.
5.2.Tình hình dịch bệnh và ngộ độc thực phẩm
*Tình hình dịch bệnh
Từ 16/11 đến 15/12/2013, trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện 61 ca mắc bệnh lỵ trực trùng; 32 ca mắc bệnh lỵ a mip; 298 ca mắc bệnh tiêu chảy; 43 ca mắc bệnh sốt rét; 23 ca mắc bệnh viêm gan siêu trùng; 1974 ca mắc bệnh cúm; 3 ca mắc bệnh Tay - Chân - Miệng; Tất cả các ca bệnh đều được ngành y tế các cấp quản lý và theo dỏi điều trị.
*Tình hình nhiễm HIV/AIDS
Từ đầu năm đến nay trên địa bàn tỉnh phát hiện mới 38 trường hợp nhiễm HIV; Trong đó có 33 nam, 05 nử; nội tỉnh 13 người, ngoại tỉnh 25 người. Trong 13 trường hợp nội tỉnh, có 03 trường hợp lây qua đường máu, 09 trường hợp lây qua đường tình dục, 01 trường hợp không rỏ nguyên nhân.
Tính đến ngày 15 tháng 01 năm 2014, toàn tỉnh có 66/141 xã, phường, thị trấn phát hiện có người nhiễm HIV/AIDS: số người nhiễm HIV còn sống tại Quảng Trị là 340 người, số bệnh nhân đã tử vong do AIDS là 68 người.
*Tình hình ngộ độc thực phẩm
Từ đầu năm đến 15/01/2014 trên địa bàn tỉnh không có vụ ngộ độc thực phẩm nào xảy ra.
5.3.Tình hình cháy nổ và bảo vệ môi trường
Từ 15/12/2013 đến 15/01/2014 trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 02 vụ cháy, không có thương vong xảy ra, tổng giá trị thiệt hại 615 triệu đồng.
Trong tháng 01/2014 cơ quan chức năng không phát hiện vụ vi phạm môi trường nào xảy ra.
5.4.Tai nạn giao thông
Từ 16/12/2013 đến 15/01/2014 địa bàn tỉnh đã xảy ra 18 vụ tai nạn giao thông, làm 13 người chết và 20 người bị thương; so với cùng kỳ năm trước số vụ tai nạn giao thông giảm 43,75% (- 14 vụ), số người chết giảm 23,5% (- 4 người), số người bị thương giảm 23,1% ( - 6 người).
Trên đây là một số tình hình kinh tế-xã hội tháng 01 năm 2014, Cục Thống kê Quảng trị xin báo cáo để các cấp, các ngành biết chỉ đạo.
CỤC THỐNG KÊ QUẢNG TRỊ