TÌNH HÌNH KINH TẾ - XÃ HỘI THÁNG 7 VÀ 7 THÁNG NĂM 2011
I. Sản xuất Nông, Lâm nghiệp, Thuỷ sản
1. Nông nghiệp:
- Cây hàng năm:
Đến thời điểm 15/7/2011 tỉnh Quảng Trị đã cơ bản hoàn thành việc gieo trồng các loại cây hàng năm vụ Hè Thu và vụ Mùa năm 2011. Toàn tỉnh đã gieo trồng được 32046 ha các loại cây trồng, giảm so với cùng kỳ năm trước 78ha, trong đó vụ Hè thu gieo trồng được 29567 ha, vụ mùa gieo trồng được 2479 ha. Cây lương thực gieo trồng được 24474 ha, giảm 2%, trong đó lúa Hè thu 20781 ha (với các loại giống chính là Khang dân, HC95, HT1, Ma lâm) giảm 456 ha. Nguyên nhân diện tích lúa giảm do ở vùng núi năm nay ít mưa nên lúa chưa gieo trồng kịp; cây ngô gieo trồng được 1223 ha, giảm 8,1 ha. Cây chất bột có củ 4498 ha, tăng 302 ha, trong đó cây sắn (ở hai huyện miền núi Hướng Hóa, Đakrong) là 3435 ha, tăng 175ha. Cây rau đậu các loại gieo trồng được 2560 ha, giảm 86 ha. Cây công nghiệp ngắn ngày gieo trồng được 474 ha, giảm 19 ha, trong đó lạc 445 ha, giảm 17 ha.
Theo báo cáo của Chi cục bảo vệ thực vật, trong thời gian từ ngày 20/6 đến nay, trên cây lúa xuất hiện các loại sâu bệnh như sâu cuốn lá, sâu keo xuất hiện rải rác; rầy lưng trắng mật độ thấp; chuột phát sinh gây hại phổ biến, có vùng tỷ lệ gây hại đến 15-20%. Trên cây lạc, bệnh đốm lá, thối gốc gây hại mức độ nhẹ.
Tình hình thời tiết nắng nóng kéo dài, nguồn nước tưới không đảm bảo đã ảnh hưởng lớn đến sinh trưởng và phát triển các loại cây trồng.
- Chăn nuôi
Tổng đàn gia súc gia cầm thời điểm 1/4/2011 giảm mạnh so với năm trước, nhưng đến nay đàn lợn và đàn gia cầm đang có dấu hiệu phục hồi, do giá bán sản phẩm tăng cao.
Tuy nhiên nhìn chung, hoạt động chăn nuôi hiện nay vẫn gặp khó khăn do giá con giống, giá thức ăn chăn nuôi cũng tăng khá cao, dẫn đến hiệu quả thấp. Bên cạnh đó dịch bệnh thường xuyên xảy ra. Gần đây nhất, dịch bệnh cúm gia cầm tái phát tại tỉnh Quảng Trị. Từ ngày 6-7 đến ngày 8-7, dịch cúm gia cầmđã xảy ra tại 2 hộ ở thôn Thiện Tây, xã Hải Thiện (huyện Hải Lăng) và xóm 7, thị trấn Gio Linh (huyện Gio Linh) với tổng số 2.250 con vịt 40 ngày tuổi mắc bệnh. Chi cục Thú y Quảng Trị đã phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức tiêu hủy toàn bộ số vịt mắc bệnh, thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định.
Các huyện thị xã, thành phố trong tỉnh đã chỉ đạo các Trạm Thú y triển khai tiêm phòng định kỳ cho gia súc gia cầm. Công tác kiểm tra, kiểm soát giết mổ, vận chuyển gia súc gia cầm được quản lý tốt và thường xuyên hơn.
2. Lâm nghiệp:
Đến nay đã hoàn thành chăm sóc đợt 1 cho các diện tích rừng phải chăm sóc ước đạt 20200ha. Các Lâm trường và các hộ gia đình đang chuẩn bị vườn ươm cây giống, khâu dọn thực bì, làm đất, đào hố để trồng rừng đảm bảo kế hoạch năm 2011.
Công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng được tăng cường, hạn chế nạn chặt phá, buôn bán, vận chuyển lâm sản trái phép. Qua các đợt truy quét và kiểm tra cơ động đã phát hiện lập biên bản 52 vụ vi phạm trong lĩnh vực QLBVR và quản lý lâm sản. Đã xử lý 50 vụ vi phạm hành chính trong lĩnh vực QLBVR và quản lý lâm sản. Công tác phòng, chữa cháy luôn được củng cố, tổ chức các tổ đội quần chúng bảo vệ rừng tại chỗ.
3. Thủy sản:
Về nuôi trồng thủy sản, hiện tại đang có phát sinh bệnh trên tôm sú ở xã Vĩnh Sơn, Vĩnh Linh với gần 40 ha và một số hộ ở Triệu phong; Hải Lăng tôm chân trắng có phát hiện bệnh đốm trắng. Chi cục thú y đang phối hợp với địa phương giải quyết dập dịch, tránh lây lan.
Về đánh bắt hải sản, Thời tiết trong thời gian qua không thuận lợi cho việc đánh bắt thủy sản, sản lượng thủy sản đánh bắt 7 tháng đầu năm ước đạt gần 10.000 tấn.
II. Công nghiệp
Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 7 (theo giá gốc 2005) giảm 0,55% so tháng trước. Trong đó, công nghiệp khai thác mỏ tăng 9,26%; công nghiệp chế biến giảm 2,52%; sản xuất, phân phối điện, ga, nước tăng 2,97%.
Tính chung 7 tháng năm 2011, chỉ số sản xuất công nghiệp toàn ngành tăng 15,32%. Trong đó, công nghiệp khai thác mỏ giảm 2,87%; công nghiệp chế biến tăng 19,83%; sản xuất, phân phối điện, ga, nước tăng 0,19%.
Trong 7 tháng, nhiều sản phẩm công nghiệp chủ yếu tăng cao so với cùng kỳ năm trước như: Đá dăm các loại tăng 17,56%; Nước uống có ga tăng 22,56%; Gỗ xẻ các loại tăng 15,89%; Ván ép tăng 18,48%; Phân hỗn hợp(N,P,K) tăng 92,7%; Lốp moto, xe máy tăng 17,55%; gạch lát tăng 26%. Bên cạnh đó cũng có nhiều sản phẩm giảm là săm xe giảm 39,21%; gạch xây giảm 6,85%; Xi măng giảm 3,61%.
III. Đầu tư phát triển
Dự ước tổng mức vốn đầu tư thuộc nguồn vốn Nhà nước do địa phương quản lý trong tháng 7/2011 thực hiện 166,3 tỷ đồng, tăng 7,46% so tháng trước. Trong tổng số, nguồn vốn ngân sách Nhà nước cấp tỉnh thực hiện: 107 tỷ đồng, chiếm 64,34% tổng vốn; nguồn vốn ngân sách Nhà nước cấp huyện thực hiện: 57 tỷ đồng, chiếm 34,28% và nguồn vốn ngân sách Nhà nước cấp xã thực hiện: 2,3 tỷ đồng, chiếm 1,38% tổng vốn.
Tình hình thực hiện vốn đầu tư chủ yếu là các công trình chuyển tiếp như: Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Kết cấu hạ tầng thành phố Đông Hà, Quy hoạch và xây dựng cơ sở hạ tầng Khu Kinh tế Đông Nam Quảng Trị, Hồ chứa nước Đá Mài - Tân Kim, Khu công nghiệp Quán Ngang, Công trình Bảo tồn, tôn tạo Di tích Thành Cổ (GĐ 2), Cầu Đại Lộc, Nâng cấp hệ thống thủy lợi Nam Thạch Hãn, Xây dựng Hạ tầng kỹ thuật công viên bãi tắm Khu dịch vụ-du lịch Cửa Việt …
Một số dự án đầu tư xây dựng được phê duyệt là: nâng cấp hệ thống giao thông và hệ thống điện ở khu vực Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ bờ Bắc sông Thạch Hãn (thị xã Quảng Trị) với tổng số vốn hơn 67,7 tỷ đồng; đường tránh lũ, cứu hộ, cứu nạn, ổn định dân cư và phát triển kinh tế các xã phía Đông Bắc, huyện Vĩnh Linh.
Đáng chú ý, ngày 1/7/2011, đã tổ chức Lễ khánh thành đưa vào sử dụng công trình trọng điểm Quảng trường và Trung tâm Văn hóa với diện tích quảng trường trên 10.000 m2 và nhà văn hóa 1.000 chỗ ngồi. Tổng vốn đầu tư trên 144 tỉ đồng.
Về công tác giải ngân thuộc nguồn vốn ngân sách địa phương quản lý đến 30/6/2011, Kho bạc nhà nước tỉnh thực hiện 528,47 tỷ đồng, đạt 34,25% kế hoạch năm 2011.
IV. Thương mại – Giá cả - Dịch vụ
Tình hình hoạt động thương mại và dịch vụ trong tháng 7/2011 khá sôi động, đây là tháng cao điểm mùa thi cử và sinh viên các thành phố trở về nghỉ hè; bên cạnh đó nhiều hoạt động hướng tới kỷ niệm 64 năm Ngày thương binh liệt (27/7/1947-27/7/2011) được tổ chức tại Quảng Trị nên nhu cầu sinh hoạt và các dịch vụ tăng cao.
1. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ
Ước tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ xã hội tháng 7/2011 thực hiện 1108 tỷ đồng, tăng 1,7% so với tháng trước. Trong đó thành phần kinh tế nhà nước thực hiện 124 tỷ đồng, tăng 1,8%; thành phần kinh tế ngoài nhà nước thực hiện 984 tỷ đồng, tăng 1,7%.
Phân theo ngành kinh tế: thương nghiệp thực hiện 943 tỷ đồng, tăng 1,4% so với tháng trước; khách sạn nhà hàng thực hiện 113 tỷ đồng, tăng 4,3%; dịch vụ thực hiện 51 tỷ đồng, tăng 2,9%; du lịch lữ hành 1,6 tỷ đồng, giảm 4,9%.
Tính chung 7 tháng/2011, tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ xã hội ước thực hiện 7335 tỷ đồng, tăng 28,6% so với cùng kỳ năm trước; trong đó thành phần kinh tế nhà nước thực hiện 803 tỷ đồng, tăng 60,7%; thành phần kinh tế ngoài nhà nước thực hiện 6532 tỷ đồng, tăng 25,6%.
Phân theo ngành kinh tế: thương nghiệp thực hiện 6315 tỷ đồng, tăng 29,4% so với cùng kỳ năm trước; khách sạn nhà hàng thực hiện 644 tỷ đồng, tăng 25,4%; dịch vụ thực hiện 367 tỷ đồng, tăng 21,7%; du lịch lữ hành thực hiện 9,2 tỷ đồng, tăng 57,5%.
2. Về tình hình kinh doanh xuất nhập khẩu
Một số nông sản phẩm xuất khẩu do ảnh hưởng thời tiết bị mất mùa đã ảnh hưởng đến tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của tỉnh. Nguyên nhân là do xuất khẩu tinh bột sắn bị chững lại và cao su chưa có sản phẩm xuất khẩu.
Ước kim ngạch xuất khẩu tháng 7/2011 thực hiện 4485 ngàn USD, giảm 18% so với tháng trước. Mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là các sản phẩm: Cà phê 120 tấn, phân NPK 950 tấn, hàng nông sản khác 950 ngàn USD, thực phẩm chế biến 600 ngàn USD, hàng hoá khác 1855 ngàn USD.
Ước kim ngạch nhập khẩu thực hiện 5833 ngàn USD, tăng 4% so với tháng trước. Một số mặt hàng nhập khẩu là thực phẩm chế biến 670 ngàn USD; hàng điện tử 680 ngàn USD; máy móc thiết bị 1860 ngàn USD; gỗ xẻ các loại 2300 m3(2282 ngàn USD); thạch cao 12500 tấn (138 ngàn USD).
Tính chung 7 tháng/2011, ước kim ngạch xuất khẩu thực hiện 27630 ngàn USD, tăng 5,9% so với cùng kỳ năm trước. Mặt hàng xuất khẩu chủ yếu: Cà phê 1203 tấn, phân NPK 4006 tấn, hàng nông sản khác 6121 ngàn USD, thực phẩm chế biến 4040 ngàn USD, hàng hoá khác 10192 ngàn USD. Ước kim ngạch nhập khẩu thực hiện 33308 ngàn USD, tăng 7,89% so với cùng kỳ năm trước. Mặt hàng nhập khẩu chủ yếu: thực phẩm chế biến 4790 ngàn USD; hàng điện tử 4490 ngàn USD; máy móc thiết bị 10742 ngàn USD; gỗ xẻ các loại 11634 m3 (11541 ngàn USD).
3. Về giá cả thị trường
Giá cả thị trường tháng 7 tăng nhẹ so với tháng trước(+ 0,32%). Trong đó, chỉ số giá một số nhóm hàng chủ yếu là: lương thực giảm 4,93%; thực phẩm tăng 2,03%; ăn uống ngoài gia đình tăng 0,03%; nhà ở, điện, nước, chất đốt và VLXD tăng 0,65%; đồ uống và thuốc lá tăng 0,92%; giao thông giảm 0,15%; bưu chính viễn thông tăng 0,05%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 1,07%; may mặc, mũ nón, dày dép tăng 1,08%; văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,19%; thuốc dịch vụ y tế tăng 0,04%; giá vàng tăng 0,24%; Giá USD giảm 0,48%.
Chỉ số giá tiêu dùng tháng 7/2011 tăng 15,52% so với tháng 12/2010 và tăng 23,19% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số giá tiêu dùng bình quân 7 tháng đầu năm 2011 tăng 18,77% so với bình quân cùng kỳ năm 2010.
4. Giao thông vận tải
Ước doanh thu vận tải tháng 7/2011 thực hiện 46 tỷ đồng tăng 4,49% so với tháng trước. Khối lượng hành khách vận chuyển thực hiện 571,1 ngàn người, tăng 3,73%; khối lượng hành khách luân chuyển thực hiện 41677 ngàn người.km, tăng 4,68%. Khối lượng hàng hoá vận chuyển thực hiện 511,2 ngàn tấn, tăng 3,33%; khối lượng hàng hoá luân chuyển thực hiện 26354 ngàn tấn.km, tăng 4,54%.
Tính chung 7 tháng/2011 ước doanh thu vận tải thực hiện 291,5 tỷ đồng tăng 24,24% so với cùng kỳ năm trước. Khối lượng hành khách vận chuyển thực hiện 3950 ngàn người, tăng 4,64%; khối lượng hành khách luân chuyển thực hiện 275882 ngàn người.km, tăng 7,04%. Khối lượng hàng hoá vận chuyển thực hiện 3603,4 ngàn tấn, tăng 7,18%; khối lượng hàng hoá luân chuyển thực hiện 175735 ngàn tấn.km, tăng 7,11%.
V. Văn hoá- xã hội
1. Văn Hoá -TDTT
Tháng 7 nổi bật với các hoạt động hướng đến kỷ niệm 64 năm ngày Thương binh liệt sỹ 27/7, bao gồm các hoạt động: Lễ khánh thành tượng đài “Những Nghệ sỹ mặc áo lính trên tuyến lửa”; Chương trình Lễ Tri ân - Lưu danh các anh hùng liệt sĩ Thành Cổ Quảng Trị với chủ đề “Tên anh đã thành tên đất nước” do Trung tâm Thông tin- Truyền thông Vì Môi trường phát triển, Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Công ty Văn hoá trí tuệ Việt, Công ty cổ phần sản xuất cuộc sống, Nhà xuất bản Quân đội nhân dân và Ban liên lạc chiến sĩ Thành Cổ Quảng Trị đồng tổ chức; Ngày 13/7/2011, Sở LĐ-TB & XH tỉnh Quảng Trị phối hợp với Ngân hàng Đầu tư & Phát triển Việt Nam (BIDV) long trọng tổ chức lễ dâng hương, dâng hoa viếng hương hồn các anh hùng liệt sĩ và khánh thành công trình Nhà bia tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ chưa biết tên tại Nghĩa trang liệt sỹ quốc gia Đường 9 và công trình Nâng cấp, cải tạo cổng chính, hàng rào, khu khánh tiết nhà bia, nhà bảo vệ Nghĩa trang liệt sỹ quốc gia Trường Sơn.
Ngoài ra, hướng về ngày 27/7, nhiều cơ quan, đoàn thể, các đoàn trong và ngoài tỉnh đã có những hoạt động dâng hương, dâng hoa,… tại các nghĩa trang Trường Sơn, nghĩa trang Đường 9, khu di tích Thành Cổ Quảng Trị với tấm lòng biết ơn, ghi nhớ công lao của các anh hùng liệt sỹ.
2. Giáo Dục - đào tạo:
Cùng với việc tổ chức tốt các hoạt động hè cho học sinh, lần đầu tiên ở Quảng Trị, Chương trình “Học kỳ trong quân đội” năm 2011 dành cho học sinh bậc THCS và THPT lứa tuổi 14 đến 17 tuổi, được tổ chức từ ngày 3-10/7/2011 do Tiểu đoàn huấn luyện 43, Trung đoàn 842 (Bộ CHQS tỉnh), Tỉnh Đoàn, Sở GD&ĐT, Bộ CHQS tỉnh Quảng Trị phối hợp thực hiện. Tham gia chương trình có 79 học viên, trong đó có 21 học viên nữ nhằm rèn luyện cho các em học sinh bản lĩnh, ý thức tổ chức kỷ luật, ý chí vượt khó, tính chủ động, sống tự lập; rèn luyện một số kỹ năng quân sự cần thiết giúp các em nâng cao nhận thức, hiểu biết về quân đội, sẵn sàng tham gia xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
3. Y Tế:
Về các bệnh truyền nhiễm, trong tháng không có dịch bệnh xảy ra, tuy nhiên có một số bệnh tăng so với cùng kỳ năm trước. Tính từ đầu năm tới nay trên địa bàn tỉnh có 622 ca mắc bệnh thủy đậu, riêng trong tháng 7 có 127 ca mắc so với cùng kỳ năm trước (127/46) tăng 81 ca; bệnh cúm 1673 ca/1374 ca tăng 299 ca; lỵ trực trùng 214 ca (214/119) tăng 95 ca...
Tình hình lây nhiễm HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh: Tính đến ngày 22/6/2011, số nhiễm HIV toàn tỉnh là 268 người, chuyển sang AIDS là 116 người và số tử vong là 50 người. Trong tổng số người nhiễm HIV có 100 người ngoài tỉnh, Đông hà 46 người, Vĩnh Linh 42 người, Triệu Phong 21 người, Hướng Hóa 22 người, còn lại là người các huyện khác.
4. Tai nạn giao thông(Từ 25/12/2010 đến 10/7/2011)
Toàn tỉnh xảy ra 99 vụ tai nạn giao thông bằng 100% so với cùng kỳ năm trước; làm chết 89 người, tăng 9,25%; bị thương 77 người, tăng 16,7%; tổng tài sản thiệt hại 369 triệu đồng, tăng 13,9%.
Trên đây là một số tình hình KT-XH tháng 7 và 7 tháng năm 2011. Cục Thống kê Quảng Trị xin báo cáo để các cấp, các ngành biết chỉ đạo.
CỤC THỐNG KÊ QUẢNG TRỊ