NÔNG, LÂM NGHIỆP VÀ THUỶ SẢN
A - NÔNG NGHIỆP
Giá trị sản xuất ngành nông nghiệp gồm giá trị sản phẩm (kể cả sản phẩm dở dang) trồng trọt, chăn nuôi, giá trị dịch vụ phục vụ trồng trọt và chăn nuôi, giá trị các hoạt động săn bắt, thuần dưỡng thú và những dịch vụ có liên quan đến hoạt động này.
Cây lâu năm là loại cây trồng sinh trưởng và cho sản phẩm trong nhiều năm, bao gồm cây công nghiệp lâu năm (chè, cà phê, cao su...), cây ăn quả (cam, chanh, nhãn...), cây dược liệu lâu năm (quế, đỗ trọng...)
Cây hàng năm là loại cây trồng có thời gian sinh trưởng và tồn tại không quá một năm, bao gồm cây lương thực có hạt (lúa, ngô, kê, mì...), cây công nghiệp hàng năm (mía, cói, đay...), cây dược liệu hàng năm, cây thực phẩm và cây rau đậu.
Sản lượng cây nông nghiệp gồm toàn bộ khối lượng sản phẩm chính của một loại cây hoặc một nhóm cây nông nghiệp thu được trong một vụ sản xuất hoặc trong một năm của một đơn vị sản xuất nông nghiệp hoặc của một vùng, một khu vực địa lý.
Năng suất cây nông nghiệp là sản phẩm chính của một loại cây hoặc một nhóm cây nông nghiệp thực tế đã thu được trong một vụ sản xuất hoặc trong một năm tính bình quân trên một đơn vị diện tích.
* Đối với cây hàng năm có hai loại năng suất:
- Năng suất gieo trồng = Sản lượng thu hoạch/Diện tích gieo trồng
- Năng suất thu hoạch = Sản lượng thu hoạch/Diện tích thu hoạch
* Đối với cây lâu năm có hai loại năng suất:
- Năng suất cho sản phẩm = SL thu hoạch trên DT cho SP/ Toàn bộ DT cho SP
- Năng suất thu hoạch = SL thu được trên DT thu hoạch/ Toàn bộ DT cho SP
Diện tích thu hoạch là chỉ tiêu phản ánh diện tích của một loại cây trồng hoặc một nhóm cây nông nghiệp trong năm cho sản lượng đạt ít nhất 10% mức thu hoạch của năm bình thường, Đối với cây hàng năm, diện tích thu hoạch bằng diện tích gieo trồng trừ diện tích mất trắng, Đối với cây lâu năm, diện tích thu hoạch bằng diện tích cho sản phẩm trừ diện tích mất trắng.
Sản lượng lương thực có hạt gồm sản lượng lúa, ngô và các loại cây lương thực có hạt khác như kê, mì mạch, cao lương,,,, được sản xuất ra trong một thời kỳ nhất định, Chỉ tiêu này không bao gồm sản lượng các loại cây chất bột có củ.
Sản lượng lúa (còn gọi là sản lượng đổ bồ) là sản lượng lúa khô sạch của tất cả các vụ sản xuất trong năm, Sản lượng lúa năm nào tính cho năm đó và không bao gồm hao hụt trong quá trình thu hoạch, vận chuyển, ra hạt vì mọi nguyên nhân (chuột phá, rơi vãi ngoài đồng, trên đường, hư hỏng trước khi nhập kho,...).
Sản lượng ngô là sản lượng ngô hạt khô sạch đã thu hoạch trong năm.
Sản lượng cây chất bột có củ gồm sản lượng sắn, khoai lang, khoai mỡ, khoai sọ, khoai nước, dong giềng và các loại cây chất bột có củ khác sản xuất ra trong một thời kỳ nhất định.
Tổng số trâu, bò là số trâu bò hiện có tại thời điểm điều tra (gồm cả trâu bò mới sinh 24 giờ trước thời điểm điều tra).
Tổng số lợn là số lợn hiện có tại thời điểm điều tra, gồm lợn thịt, lợn nái và đực giống (không kể lợn sữa).
Tổng số gia cầm là số gà, vịt, ngan, ngỗng tại thời điểm điều tra.
B - LÂM NGHIỆP
Giá trị sản xuất ngành lâm nghiệp gồm giá trị trồng mới, nuôi dưỡng, chăm sóc, tu bổ, khoanh nuôi, cải tạo rừng, giá trị lâm sản khai thác, giá trị cây và hạt giống, giá trị các hoạt động bảo vệ rừng và các hoạt động dịch vụ lâm nghiệp khác thực hiện trong kỳ, giá trị những sản phẩm dở dang trong nuôi trồng rừng.
Diện tích rừng hiện có là tổng diện tích rừng có tại một thời điểm nhất định, Tuỳ theo mục đích nghiên cứu và cách phân tổ, diện tích rừng hiện có được chia thành các loại khác nhau:
- Căn cứ vào nguồn gốc hình thành, diện tích rừng hiện có được chia thành: rừng tự nhiên và rừng trồng;
- Căn cứ vào trạng thái, diện tích rừng hiện có được chia thành: rừng nguyên sinh và rừng kiệt;
- Căn cứ vào thời gian hình thành, diện tích rừng hiện có được chia thành: rừng già và rừng non;
- Căn cứ vào cơ cấu các loại cây trong rừng, diện tích rừng hiện có được chia thành: rừng thuần loại và rừng hỗn giao;
- Căn cứ vào công dụng, diện tích rừng hiện có được chia thành: rừng kinh tế (rừng sản xuất), rừng phòng hộ và rừng đặc dụng.
Rừng tự nhiên là rừng không do con người trồng, bao gồm rừng sản xuất, rừng phòng hộ và rừng đặc dụng đạt 1 hoặc cả 2 tiêu chuẩn sau: (1) Rừng có trữ lượng gỗ bình quân 25m3 trở lên trên 1 ha; (2) Rừng có độ tán che > 0,3 (tổng diện tích tán cây lớn hơn > 30% diện tích rừng đó)
Diện tích rừng trồng là diện tích đất đã được trồng rừng kể cả diện tích đã thành rừng và diện tích mới trồng.
Sản lượng gỗ khai thác gồm gỗ tròn, gỗ nguyên liệu giấy, gỗ tận dụng, gỗ trụ mỏ, gỗ làm ván ép, gỗ làm tàu thuyền,... khai thác từ rừng trồng, rừng tự nhiên và từ cây lâm nghiệp trồng phân tán,
Diện tích rừng bị cháy là diện tích rừng tự nhiên và rừng trồng bị cháy không còn khả năng khôi phục, Chỉ tiêu này không bao gồm diện tích rừng lau lách và diện tích rừng không có giá trị kinh tế bị cháy.
Diện tích rừng bị phá là diện tích rừng tự nhiên và rừng trồng bị chặt phá để làm nương rẩy, lấy lâm sản, thổ sản hoặc chuyển đổi các mục đích khác mà không được cơ quan quản lý có thẩm quyền cho phép.
C - THUỶ SẢN
Giá trị sản xuất ngành thuỷ sản gồm giá trị hải sản khai thác; giá trị thuỷ sản khai thác tự nhiên trên sông, suối, hồ, đầm, ruộng nước; giá trị sản phẩm thuỷ sản nuôi trồng; giá trị sơ chế thuỷ sản; giá trị ươm nhân giống thuỷ sản và giá trị những sản phẩm thuỷ sản dở dang,
Diện tích mặt nước nuôi trồng thuỷ sản là diện tích đã được sử dụng cho hoạt động nuôi trồng thuỷ sản, tính cả diện tích bờ bao; đối với diện tích ươm, nuôi giống thuỷ sản thì bao gồm cả những diện tích phụ trợ cần thiết như ao lắng lọc, ao xả, Chỉ tiêu này không bao gồm diện tích đất có mặt nước chuyên dùng vào việc khác nhưng được tận dụng nuôi trồng thuỷ sản như hồ thuỷ lợi, thuỷ điện.
Sản lượng thuỷ sản là khối lượng sản phẩm của một loại hoặc một nhóm các loại thuỷ sản thu được trong một thời kỳ nhất định, bao gồm: sản lượng thuỷ sản khai thác, sản lượng thuỷ nuôi trồng.
- Sản lượng thuỷ sản khai thác gồm sản lượng hải sản khai thác và sản lượng thuỷ sản khai thác tự nhiên trên các sông, suối, hồ, đầm, ruộng nước,...
- Sản lượng thuỷ sản nuôi trồng gồm tất cả sản lượng các loại thuỷ sản thu được nhờ kết quả hoạt động của nghề nuôi trồng thuỷ sản tạo ra.