TÌNH HÌNH KINH TẾ- XÃ HỘI THÁNG 4 VÀ 4 THÁNG NĂM 2013
Thực hiện các nhiệm vụ, mục tiêu Nghị quyết số 20/2012/NQ-HĐND ngày 19/12/2012 của Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Trị về nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội năm 2013, tình hình KT-XH tỉnh Quảng Trị tháng 4 và 4 tháng đầu năm 2013 có những kết quả như sau:
1. Sản xuất nông, lâm nghiệp, thuỷ sản
1.1. Nông nghiệp
Về sản xuất cây hàng năm vụ Đông Xuân 2012-2013: Tính đến ngày 15/4/2013 toàn tỉnh đã gieo trồng được 45948,1 ha các loại cây trồng, tăng 2,6% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: cây lúa gieo cấy 25210 ha, tăng 2,3% (+560,3 ha); cây ngô gieo trồng 2363,3 ha, giảm 2,7 (- 66,4 ha); khoai lang 1880,8 ha, giảm 3,5% (-67,4 ha); sắn 7181,3 ha, tăng 9,4% (+617 ha); lạc 3739,5 ha, giảm 2,7% (-105 ha); rau các loại 3195,3 ha, tăng 5,9% (+177,1 ha); đậu các loại 625,3 ha, tăng 2,4% (+14,8 ha). Vụ Đông xuân năm nay thời tiết thuận lợi và do năm trước có tháng nhuận, thời gian để gieo trồng kéo dài nên tiến độ gieo trồng các loại cây trồng nhanh hơn năm trước.
1.2. Thủy sản
Do diễn biến thời tiết nắng mưa bất thường đã ảnh hưởng đến một số diện tích nuôi tôm ở xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh linh, có gần 1,5 ha bị nhiễm bệnh “gan tụy”. UBND huyện đã chỉ đạo các đơn vị chức năng tập trung xử lý không cho lây lan.
2. Công nghiệp
Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 04/2013 tăng 7,37% so tháng trước. Trong đó: công nghiệp khai thác mỏ, tăng 31,13%; công nghiệp chế biến, chế tạo, tăng 6,66%; sản xuất và phân phối điện, giảm 2,33%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải, tăng 0,29%.
Tính chung 4 tháng, chỉ số phát triển công nghiệp tăng 9,18% so với cùng kỳ năm 2012. Trong đó, công nghiệp khai thác mỏ, giảm 10,39%; công nghiệp chế biến, chế tạo, tăng 11,17%; sản xuất và phân phối điện, tăng 5,87%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải, tăng 19,46%. Một số sản phẩm sản xuất tăng khá cao so cùng kỳ năm trước: quặng zircon, tăng 12%; tinh bột sắn, tăng 8,4%; dầu thông, tăng 68,4%; phân NPK, tăng 39,9%; xi măng, tăng 46,1%; nước máy, tăng 19,5%.
Chỉ số tiêu thụ ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 3/2013 so với cùng kỳ năm trước, tăng 40,45%; so với tháng trước tăng 40,49%.
Các ngành có chỉ số tiêu thụ tăng cao so với cùng kỳ năm trước là: sản xuất phân bón, tăng 233,49%; sản xuất tấm lợp, tăng 101,75%. So với tháng trước, sản xuất tinh bột sắn tăng 22,88%; cưa xẻ gỗ tăng 72,8%; phân bón tăng 85,65%; gạch nung, tăng 28,5%.
Chỉ số tồn kho ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 3/2013 so với tháng 2/2013 tăng 21,51%. Trong đó, có một số ngành sản phẩm tồn kho tăng nhiều là: gỗ ép, tăng 242,03%; trong khi đó, phần lớn sản phẩm khác đều có chỉ số tồn kho giảm.
3. Vốn đầu tư phát triển:
Dự ước, tổng mức đầu tư phát triển thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý tháng 4/2013 thực hiện 115 tỷ đồng, tăng 3,8% so với tháng trước và giảm 6,1% so với cùng kỳ năm 2012. Vốn ngân sách tỉnh thực hiện 99,8 tỷ đồng, tăng 3,4% so với tháng trước, giảm 4,8% so cùng kỳ năm 2012; vốn ngân sách huyện thực hiện 12,2 tỷ đồng, tăng 4% so với tháng trước, giảm 16,3% so với cùng kỳ năm 2012; vốn ngân sách xã thực hiện 3 tỷ đồng, tăng 17% so với tháng trước, giảm 7,1% so với cùng kỳ năm 2012.
Về công tác giải ngân đến 31/3/2013, KBNN tỉnh thực hiện 305,6 tỷ, đạt 21,7% KH năm 2013. Trong đó. Vốn địa phương quản lý, 270,3 tỷ đồng. Chi nhánh ngân hàng phát triển Quảng Trị thực hiện 17 tỷ đồng.
4. Thương mại – Giá cả - Dịch vụ
4.1. Bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng
Tháng 4, tình hình hoạt động kinh doanh thương mại dịch vụ sôi động hơn, thời tiết thuận lợi nên các hoạt động như xây dựng, ăn uống và vận tải được đẩy mạnh, kéo ttheo giá trị giao dịch các nhóm hàng này tăng lên so với tháng trước. Bên cạnh đó, tháng 4, thời gian nghỉ lễ kéo dài, nhu cầu đi lại tăng cao, lượn khách du lịch tới Quảng Trị tăng nên hoạt động mua sắm ở các trung tâm thương mại tấp nập hơn. Ngoài ra, thời tiết bắt đầu chuyển sang mùa Hè, nên hoạt động ở các bãi biển cũng sôi động trở lại.
Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ xã hội tháng 04/2013 thực hiện 1489 tỷ đồng, tăng 7,3% so tháng trước. Trong đó: kinh tế nhà nước thực hiện 162 tỷ đồng, tăng 3,1%; kinh tế cá thể thực hiện 949 tỷ đồng, tăng 6,5%; kinh tế tư nhân thực hiện 378 tỷ đồng, tăng 11,4%.
Phân theo ngành kinh tế: thương nghiệp thực hiện 1260 tỷ đồng, tăng 7,5%; lưu trú và ăn uống thực hiện 155 tỷ đồng, tăng 7,6%; du lịch, lữ hành thực hiện 2,9 tỷ đồng, tăng 11,4%; dịch vụ thực hiện 71 tỷ đồng, tăng 4%.
Tính chung 4 tháng, so với cùng kỳ năm 2012, tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 16%. Trong đó: kinh tế nhà nước, tăng 16,1%; kinh tế cá thể, tăng 17%; kinh tế tư nhân, tăng 13,8%.
Phân theo ngành kinh tế: thương nghiệp, tăng 14,8%; lưu trú và ăn uống, tăng 26,2%; du lịch, lữ hành, tăng 38,2%; dịch vụ tăng 18,4%.
4.2. Về tình hình kinh doanh xuất nhập khẩu
Kim ngạch xuất khẩu tháng 04/2013 ước thực hiện 8782 nghìn USD, tăng 5% so với tháng trước. Trong đó, hầu hết các mặt hàng đều có giá trị xuất khẩu tăng cao.
Tính chung, kim ngạch xuất khẩu 4 tháng/2013 ước thực hiện 33938 nghìn USD, tăng 15,1% so cùng kỳ năm 2012. Trong đó, bên cạnh giá trị một số mặt hàng tăng cao như: hàng nông sản khác, tăng 20,3%; xe đạp và phụ tùng, tăng 156%; phân NPK, tăng 138%, hàng plastic, tăng 25,8%, thì một số mặt hàng truyền thống giảm mạnh: cà phê, giảm 61,6%; sản phẩm bằng gỗ, giảm 40,5%.
Kim ngạch nhập khẩu tháng 4/2013 ước thực hiện 10626 nghìn USD, tănggiảm 3,9 so với tháng trước. Trong đó, hầu hết các mặt hàng đều có giá trị nhập khẩu tăng.
Tính chung, kim ngạch nhập khẩu 4 tháng/2013 ước thực hiện 40657 nghìn USD, giảm 0,2% so cùng kỳ năm trước. Trong đó, sản phẩm nhập khẩu chủ yếu tăng là: sửa và sản phẩm sữa, tăng 34,6%; máy móc, thiết bị, phương tiện khác, tăng 25,8%; thạch cao, tăng 18,3%.
4.3. Về giá cả thị trường
Giá cả thị trường địa phương tháng 04/2013, giảm 0,15% so với tháng trước. Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 1,03%, trong đó: lương thực tăng 0,41%; thực phẩm giảm 2,05%; ăn uống ngoài gia đình tăng 0,87%; nhóm đồ uống, thuốc lá tăng 0,13%; nhóm may mặc, giày dép, mũ nón tăng 0,4%; nhóm nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 1,06%; nhóm thiết bị đồ dùng gia đình tăng 0,29%; nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,03%; nhóm giao thông tăng 0,8%; nhóm văn hoá giải trí và du lịch giảm 0,9%; nhóm hàng hoá và dịch vụ khác tăng 0,45%; giá vàng giảm 2,35%; giá đôla Mỹ, tăng 0,95%.
Do ảnh hưởng của dịch lợn tai xanh nên giá cả nhóm hàng thực phẩm giảm mạnh; các mặt hảng rau tươi vào chính vụ nên giá cũng giảm; nhóm giao thông tăng do vừa có điều chỉnh giá xăng dầu trong tháng.
Chỉ số giá tiêu dùng 4 tháng, tăng 6,11%, cụ thể: nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 4,02%, trong đó: lương thực tăng 5,17%; thực phẩm tăng 3,56%; ăn uống ngoài gia đình tăng 4,28%; nhóm đồ uống, thuốc lá tăng 3%; nhóm may mặc, giày dép, mũ nón tăng 3,48%; nhóm nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 1,34%; nhóm thiết bị đồ dùng gia đình tăng 1,31%; nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 71,33%; nhóm giao thông tăng 0,98%; nhóm bưu chính viễn thông giảm 0,34%; nhóm văn hoá giải trí và du lịch tăng 0,06%; nhóm hàng hoá và dịch vụ khác tăng 2,08%; giá vàng giảm 3,88%; giá đôla Mỹ tăng 2,5%.
4.4. Vận tải hành khách và hàng hóa
Doanh thu vận tải tháng 4/2013 ước đạt 59481 triệu đồng, tăng 7% so với tháng trước. Vận tải hành khách ước đạt 655 ngàn lượt hành khách, tăng 4,1%; khối lượng hành khách luân chuyển ước đạt 49108 ngàn lượt khách.km, tăng 5%. Vận tải hàng hóa ước đạt 6527 ngàn tấn, tăng 10,9%; khối lượng hàng hóa luân chuyển ước đạt 28401 ngàn tấn.km, tăng 11,7%.
Tính chung 4 tháng, doanh thu vân tải ước đạt 212761 triệu đồng, tăng 17,5% so cùng kỳ năm 2012. Vận tải hành khách ước đạt 2428 ngàn lượt hành khách, tăng 6,4%; khối lượng hành khách luân chuyển, 176284 ngàn lượt khách.km, tăng 3,4%. Vận tải hàng hóa ước tính đạt 2367 ngàn tấn, tăng 7,5%; khối lượng hàng hóa luân chuyển 103580 ngàn tấn.km, tăng 2,7%.
5. Một số vấn đề xã hội
5.1. Y tế
v Tình hình bệnh gây dịch
Tình hình bệnh truyền nhiễm trong tháng 3 đã xuất hiện 106 ca mắc bệnh lỵ trực trùng; 52 ca mắc bệnh lỵ a mip; 413 ca mắc bệnh tiêu chảy;28 ca mắc bệnh thuỷ đậu; 10 ca mắc bệnh sốt rét; 20 ca mắc bệnh viêm gan siêu trùng; 1755 ca mắc bệnh cúm; 18 ca mắc bệnh Tay - Chân - Miệng đều được ngành y tế các cấp quản lý và theo dõi điều trị.
v Tình hình nhiễm HIV/AIDS
Tính đến 3/4/2013, toàn tỉnh Quảng Trị có 64/141 xã phường phát hiện có người nhiễm HIV/AIDS: số người nhiễm HIV tại Quảng Trị là 386 người, số bệnh nhân chuyển sang AIDS là 153 người, số bệnh nhân đã tử vong do AIDS là 65 người; số trẻ em dưới 15 tuổi nhiễm HIV là 7 trẻ; số bà mẹ mang thai nhiễm HIV sinh con là 29 bà mẹ.
5.2. Văn hoá, thể dục thể thao
v Hoạt động văn hóa
Ngày 7/4, Hội Cựu chiến binh tỉnh Quảng Trị, Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Trị tổ chức đại lễ cầu siêu tại Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn. Tỉnh đã làm tốt công tác khánh tiết, đón, phục vụ du khách và nhân dân đến tham quan, thăm viếng, dâng hương tại các di tích.
Các địa phương trong tỉnh đang tập trung chuẩn bị tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao chào mừng kỷ niệm 38 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất non sông 30/4/1975 – 30/4/2013 và ngày Quốc tế lao động 1/5.
v Hoạt động thể thao
Duy trì luyện tập thường xuyên các lớp năng khiếu, đội tuyển tỉnh và đội tuyển trẻ. Tổng số VĐV được đào tạo tại trung tâm là: 78 VĐV( trong đó gửi đi tập huấn: 10 VĐV, 09 VĐV được triệu tập vào đội tuyển và đội tuyển trẻ Quốc gia); thành lập đội tuyển Bóng đá U10 và U11 tham gia vòng loại khu vực giải Bóng đá Thiếu niên nhi đồng tranh cúp Viettel U10 và cúp Yamaha U11 tại Quảng Ngãi; tham gia thi đấu các giải cấp Quốc gia: môn Canoeing, Vật, Điền kinh, Karatedo. Vừa qua cũng đã tổ chức thành công giải Việt Dã “Cùng Sacombank chạy vì sức khỏe cộng đồng”.
5.3. Tình hình tai nạn giao thông
Tính đến thời điểm 31/3/2013, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 44 vụ tai nạn giao thông, tăng 37,5% so với cùng kỳ năm 2012; làm chết 34 người, tăng 6,25%; bị thương 46 người, tăng 84%.
5.4. Thiệt hại do thiên tai
Ngày 16/4/2013, trên địa bàn Thành phố Đông Hà, đã xảy ra mưa lớn, gió giật mạnh kèm theo lốc xoáy đa gây thiệt hại về người và tài sản, đặc biệt ảnh hưởng nghiêm trọng đến lúa Đông Xuân đang trong thời kỳ ngậm sữa. Cụ thể:
- Số nhà bị ảnh hưởng và hư hại: 108 ngôi nhà (tốc mái trên 50%: 18; tốc mái một phần: 90).
- Số người bị thương: 2 người
- Diện tích lúa bị đổ ngã: 354 ha
- Diện tích rau bị hư hại: l,2ha
- Số cây bị đổ gãy: 1365 cây
- Số cột điện bị hư hại: 1 cột
- Số Pano, apphic, biển quảng cáo bị hư hại: 7
Ước tính thiệt hại trên 3 tỷ đồng.
Cũng trong ngày 16/4, do ảnh hưởng của thiên tai, giông tố, sấm sét, một người ở xã Triệu Ái, huyện Triệu Phong đã chết do bị sét đánh; trụ sở UBND xã Triệu Ái bị cháy hệ thống quạt, 4 máy vi tính, 3 modem Intenet; 8 ngôi nhà của dân bị tốc mái, 20 ha lúa và một số diện tích cây hàng năm bị thiệt hại.