Page 6 - KTTK_Baochi
P. 6
6 TRUNG THỰC - KHÁCH QUAN - CHÍNH XÁC - ĐẦY ĐỦ - KỊP THỜI
1. KHÁI NIỆM THỐNG KÊ
Thống kê là khoa học nghiên cứu hệ thống các phương pháp thu
thập, xử lý và phân tích các con số (mặt lượng) của những hiện tượng số
lớn trong điều kiện thời gian và không gian cụ thể, nhằm phản ánh bản
chất và tính quy luật (mặt chất) của hiện tượng nghiên cứu.
2. ĐỐI TƯỢNG NGHIÊN CỨU CỦA THỐNG KÊ
Thống kê nghiên cứu mặt lượng trong mối liên hệ mật thiết với
mặt chất của các hiện tượng số lớn, trong điều kiện thời gian và địa
điểm cụ thể.
Thống kê học là môn khoa học xã hội, tuy nhiên khác với môn khoa
học xã hội khác, thống kê không nghiên cứu mặt chất của hiện tượng,
mà chỉ phản ánh bản chất, tính quy luật của hiện tượng thông qua các
con số, các biểu hiện về mặt lượng của hiện tượng.
3. VAI TRÒ THỐNG KÊ
Lịch sử phát triển của thống kê học đã phần nào cho thấy vai trò
quan trọng của thống kê trong hầu hết các hoạt động của đời sống xã
hội nhất là trong lĩnh vực kinh tế, văn hóa, môi trường, vật lý, thiên văn,
y dược, hóa học, an ninh, quốc phòng…
Trong quản lý nhà nước, dữ liệu thống kê đóng vai trò là các bằng
chứng quan trọng trong quá trình hoạch định chính sách, xây dựng hệ
thống pháp luật và giám sát quá trình thực thi chính sách, pháp luật của
quốc gia. Thông tin thống kê là một trong những “nguyên liệu” cơ bản
nhất để thực hiện nhiệm vụ của các Đại biểu Quốc hội trong hoạt động
lập pháp, giám sát và quyết định những vấn đề quan trọng nhất của
quốc gia.
4. SỰ CẦN THIẾT PHẢI CÓ KIẾN THỨC THỐNG KÊ
Như đã đề cập ở trên, thống kê có vai trò quan trọng trong tất cả
các lĩnh vực của đời sống xã hội. Muốn phát huy được vai trò của thống
kê, trước hết cần phải có kiến thức và tư duy thống kê.