KHÁI QUÁT VỀ MẢNH ĐẤT VÀ CON NGƯỜI QUẢNG TRỊ
I. ĐẶC ĐIỂM ĐIỀU KIỆN TỰ NHIÊN.
1. Vị trí địa lý.
Quảng Trị là tỉnh thuộc vùng Bắc Trung Bộ, có toạ độ địa lý 16018'-17010' vĩ độ Bắc và 106032'-107024' độ kinh Đông. Phía Bắc giáp tỉnh Quảng Bình, phía Nam giáp tỉnh Thừa Thiên Huế; phía Đông giáp biển Đông với chiều dài bờ biển trên 75 km và được án ngự ngoài khơi bởi đảo Cồn Cỏ rộng khoảng 4km2 cách bờ biển (Mũi Lay) khoảng 30km; phía Tây giáp 2 tỉnh:Savanakhet và Saravan của nước Cộng hoà dân chủ nhân dân Lào với chiều dài biên giới 206km được ngăn cách bởi dãy Trường Sơn hùng vĩ và được thông thương thuận lợi qua cửa khẩu quốc tế Lao Bảo nơi hạ thấp của dãy Trường Sơn (độ cao 350m) và cửa khẩu quốc gia La Lay.
Khu bảo tồn thiên niên Đakrông
Theo các nguồn Thư Tịch cổ và các tài liệu khảo cổ học vào thời cổ đại Vua Hùng lập Quốc, Quảng Trị thuộc đất Bộ Việt Thường, là một trong 15 bộ của nước Văn Lang-Âu Lạc thời các vua Hùng, Vua Thục. Theo sách Dư Địa Chí của Nguyễn Trãi có ghi " Xưa là Bộ Việt Thường Thị, đây là phên dậu thứ tư về phía Nam".
Trằm Trà Lộc
Suốt 3 thế kỷ từ 1075 đến năm 1400 Quảng Trị là vùng địa đầu của đất nước Đại Việt, trải qua các Vương triều của chính quyền phong kiến đã không ngừng bố phòng, sửa sang thành luỹ và cử nhiều tướng tài, công thần, quốc thích vào trấn nhậm vỗ về dân chúng ở vùng đất này.
Dưới thời Gia Long năm 1801 xuất hiện địa danh đất Quảng Trị, đến thời Minh Mạng năm 1831 đổi thành tỉnh Quảng Trị.
Quảng Trị vốn giàu truyền thống cách mạng, trải qua nhiều thể chế chính trị - xã hội khác nhau. Lịch sử vẫn từng gọi mảnh đất này là "Phên dậu", "Trọng trấn", 'Trấn biên" là "Tuyến đầu", tiêu điểm”... của những cuộc trường chinh chống thù trong giặc ngoài. Hơn 100 năm là mảnh đất mịt mù khói lửa đạn bom, huỹ diệt, là vùng đất của những cuộc đối đầu tàn khốc, là địa danh chói ngời chủ nghĩa anh hùng cách mạng, lòng yêu nước nồng nàn của dân tộc Việt Nam anh hùng.
Không phải ngẫu nhiên mà Quảng Trị đã 3 lần được chọn làm Thủ phủ của đất nước: Đó là Dinh Cát kéo dài 68 năm của các chúa Nguyễn trong buổi đầu dựng nghiệp ở đằng trong; Đó là căn cứ Tân Sở-Kinh đô kháng chiến của vị Vua yêu nước Hàm Nghi thời chống Pháp và đó là Thủ phủ của Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hoà Miền Nam Việt Nam ở Cam Lộ trong những năm cao điểm của chính trường ngoại giao thời kỳ chống Mỹ cứu nước (1954-1975), ít có mảnh đất nào lại phải chịu nhiều biến động, xáo trộn, chia cắt, phân ly và là chiến trường khốc liệt của nhiều cuộc kháng chiến kéo dài, sinh tử, đương đầu với bao thử thách như Quảng Trị, bởi vậy mà nặng nhớ, nặng thương, nặng tình, nặng nghĩa và ở đây hội tụ được lòng người, tình thương của anh em, bè bạn trong nước và thế giới.
Quảng Trị, tuy diện tích không rộng, người không đông, nhưng do nằm ở vị trí chiến lược quan trọng nên có vai trò trọng yếu trong việc bảo vệ và khai thác biển Đông, nơi giao lưu giữa 2 miền Bắc-Nam của đất nước, với hành lang Quốc lộ 9 thông qua đèo Lao Bảo nối cảng Cửa Việt với nước bạn Lào, qua Đông-Bắc Thái Lan tới Myanmar, mở ra quan hệ rộng lớn với Đại lục Tây-Á nhiều tiềm năng. Quốc lộ 9 thực sự là đường Xuyên Á ngắn nhất, thuận lợi nhất của vùng biển liên Á thông ra biển Đông trên đất Việt Nam tại Quảng Trị. Đây là lợi thế lớn cho Quảng Trị trong chiến lược phát triển hành lang kinh tế Đông -Tây, mở ra thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế của thế kỷ XXI.
2. Diện tích, địa hình:
Tổng diện tích đất tự nhiên của tỉnh Quảng Trị là: 4.744,15km2 (theo kết quả kiểm kê đất đai 2005), với 3/4 diện tích là đồi núi. Trong đó đất sản xuất nông nghiệp chiếm 15,17%; đất lâm nghiệp chiếm 40,54%; đất chuyên dùng chiếm 2,85%; đất ở chiếm 1,7% đất chưa sử dụng chiếm 35,17%.
Địa hình Quảng Trị nghiêng dần từ Tây sang Đông gồm đồi núi chiếm 80%; Đồng bằng chiếm 11,5%; Bãi cát và cồn cát trắng ven biển chiếm 7,5%. Địa hình Quảng Trị bị chia cắt mạnh bởi có nhiều đồi núi, sông suối, đầm phá dày đặc, đồng bằng nhỏ hẹp. Phía Tây lộ thiên đá gốc nhọn, sườn dốc thoải lượn sóng. Phía Đông chủ yếu là bãi cát và cồn cát. Địa hình đồng bằng cấu tạo bởi phù sa lại thấp ở giữa nên dễ bị ngập úng vào mùa mưa lũ.
Địa hình Quảng Trị được phân chia thành 5 vùng đặc thù chính sau: Vùng địa hình núi; Địa hình đồi; Địa hình đồng bằng; Địa hình cồn cát và đụn cát; Địa hình thung lũng.
Đặc điểm đáng lưu ý về địa hình của Quảng Trị là do núi cao khoảng 1400-2000m, độ dốc trên 200 nên quá trình xâm nhập bị rửa trôi mạnh. Riêng vùng đồi của Quảng Trị có độ cao 250m, là dạng đồi lượn sóng. Đặc biệt có phun trào Bazan Hướng Hoá trên bình độ 300-400m, các đồi Bazan không liên tục mà bị xen kẻ, ngăn cách bởi các đồi sa phiến thạch của dãy Trường Sơn, ở thung lũng thấp cũng có Bazan. Đồi trung bình thì có dạng bát úp chạy dài theo hướng núi dọc các thung lũng sông Bến Hải, sông Hiếu, sông Thạch Hãn. Dãy phun trào Bazan từ huyện Gio Linh đến huyện Cam Lộ ở dạng bán bình nguyên, đỉnh bằng, sườn thoải dễ khai thác, thuận lợi cho việc phát triển trồng trọt. Nhất là đồi Bazan ở huyện Vĩnh Linh rất phù hợp cho việc phát triển trồng cây công nghiệp có giá trị kinh tế cao của tỉnh.
Về đồng bằng có đặc điểm là bồi tụ hẹp kéo dài 66km với tổng diện tích 510km2, có lớp bồi tích mỏng độ dinh dưỡng nghèo, phù sa bồi đất ít, riêng đồng bằng sông Bến Hải phía Bắc tỉnh tương đối phì nhiêu. Đồng bằng Triệu Phong được bồi tụ phù sa của sông Thạch Hãn khá màu mỡ. Đồng bằng vùng Hải Lăng phổ biến là cát kém dinh dưỡng cho cây trồng phát triển.
Nét riêng khác ở Quảng Trị là cồn cát và đụn cát chạy dọc theo bờ biển từ Nam Cửa Tùng đến giáp Thừa Thiên Huế, có bề rộng trung bình 4-5km, độ cao từ 5-15m. Cồn cát Nhĩ Thượng - Gio Linh cao 31m. Do tính chất liên kết kém bền vững, độ cao lớn, lại chịu ảnh hưởng của gió mạnh nên nạn cát bay, cát lấp, đồi cát di động thường xảy ra, gây tác hại xấu đến sản xuất và sinh hoạt đời sống nhân dân trong vùng.
3. Khí hậu:
Nhìn chung khí hậu thời tiết ở Quảng Trị rất khắc nghiệt, do nằm trọn trong khu vực nhiệt đới ẩm gió mùa và là vùng chuyển tiếp giữa hai miền khí hậu Bắc- Nam. Quảng Trị còn chịu ảnh hưởng lớn của miền khí hậu Đông Trường Sơn, do đó khí hậu chia làm hai mùa rõ rệt: Mùa gió Tây - Nam thì khô, nóng bức, ít mưa và dễ gây ra hạn hán; Mùa mưa lại ngắn và thường đến chậm. Từ tháng 7 đến tháng 11 hàng năm thường xuyên có nhiều cơn mưa bão hay gây ra lũ lụt, gió xoáy, gió lốc. Vùng Khe Sanh - Lao Bảo của huyện Hướng Hoá có mùa mưa đến sớm hơn từ tháng 5 đến tháng 11 và có lượng mưa thấp khoảng 2000mm/năm nhưng kéo dài, số ngày mưa tới 178 ngày/năm. Vì thế khí hậu ít khô nóng hơn, các vùng khác có điều kiện sản xuất nông nghiệp thuận lợi hơn. Mùa nóng ở Quảng Trị kéo dài từ tháng 4 đến tháng 10 hàng năm với gần 180 ngày/năm, trong khi đó mùa lạnh rét chỉ khoảng 60 ngày, từ cuối tháng 12 đến giữa tháng 2 năm sau.
4. Sông ngòi:
Tỉnh Quảng Trị có mật độ sông ngòi trung bình 0,8-1km/km2, vùng núi và vùng đồi của tỉnh có mật độ sông ngòi dày đặc cao lên tới 1,85km/km2. Hầu hết sông ngòi đều dốc, ngắn, ở vùng phía Tây lòng sông thường hẹp và nhiều thác ghềnh. Quảng Trị có 12 con sông lớn hình thành 3 hệ thống sông chính là: Sông Bến Hải; Sông Thạch Hãn; Sông Ô Lâu (Mỹ Chánh) và có hơn 60 phụ lưu sông khác. Sông Bến Hải đổ ra biển Cửa Tùng, sông Thạch Hãn đổ ra biển Cửa Việt, sông Ô Lâu ( Mỹ Chánh) đổ vào Phá Tam Giang qua Cửa Lác. Diện tích lưu vực tổng cộng là 4.369km2, lượng mặt nước hàng năm khoảng 9 tỷ m3.
Quảng Trị có nguồn nước ngầm khá dồi dào chiếm khoảng 20-30% tổng lượng dòng chảy mặt. Chất lượng nước ngầm ở vùng gò đồi, vùng núi khá tốt, còn ở vùng đồng bằng ven biển nước ngầm thường bị phèn và nhiễm mặn. Vùng đất đỏ Bazan Vĩnh Linh, Gio Linh, Cam Lộ có trữ lượng nước ngầm rất cao, các cồn cát ven biển có trữ lượng nước ngầm lớn rất thuận lợi cho khai thác và sử dụng.
5. Tài nguyên:
* Đất: Do địa hình và chế độ thuỷ văn ở Quảng Trị rất đa dạng và phức tạp nên đất ở đây cũng đa dạng. Theo các tài liệu của FAO, UNESCO và các nhà địa chất phân chia đất ở Quảng Trị ra thành 11 nhóm và 32 loại đất chính. Xét theo góc độ chung thì đặc trưng chủ yếu tập trung vào 3 nhóm cơ bản sau:
- Nhóm cồn cát và đất cát ven biển từ Vĩnh Linh đến Hải Lăng với diện tích khoảng 28.630 ha, chiếm 6,23% diện tích đất tự nhiên, hầu hết là đất nghèo dinh dưỡng, hoang hoá, đất chua.
- Nhóm đất phù sa do các sông bồi đắp dọc sông Mỹ Chánh, Thạch Hãn, sông Hiếu, Bến Hải có diện tích khoảng 9.130 ha, chiếm 2% diện tích đất tự nhiên, đây là đất có tiềm năng dinh dưỡng cao đã và đang khai thác vào sản xuất nông nghiệp khá hiệu quả.
- Nhóm đất đỏ vàng được gọi là Bazan ở vùng núi và gò đồi trung du Hướng Hoá, Vĩnh Linh, Gio Linh, Cam Lộ diện tích 20.000 ha, đất trồng dày, tơi xốp, độ mùn khá, dinh dưỡng cao rất thích hợp phát triển trồng cây công nghiệp lâu năm. Ngoài ra đất đỏ vàng nâu còn có khả năng khai thác ở vùng lau lách, đồi trọc diện tích khá nhưng chất lượng không cao, đất chua, đất nghèo mùn.
Theo tài liệu kiểm kê đất năm 2005, đất tự nhiên ở Quảng Trị sử dụng vào sản xuất nông nghiệp 71.969 ha, chiếm 15,17%, tỷ lệ đất trồng cây công nghiệp lâu năm mới khoảng 33,26% đất sản xuất nông nghiệp. Đất chưa sử dụng còn 166.841 ha chiếm 35,17% đất tự nhiên, cần có kế hoạch khai thác có hiệu quả trong thời gian tới.
* Rừng: Quảng Trị đa dạng và phong phú được che phủ theo kiểu rừng kín, tổ chức thành loài bao gồm cây lấy gỗ, cây dược liệu, cây dược liệu có giá trị kinh tế cao. Theo tài liệu điều tra, rừng đầu nguồn còn giữ được tính nguyên sinh, rậm, có nhiều tầng. Tuy nhiên do trải qua chiến tranh, do tác động của con người nên rừng ở Quảng Trị đang có xu hướng giảm dần. Thực trạng rừng và đất rừng ở Quảng Trị qua kết quả kiểm kê đánh giá (QĐ 1292/QĐ-UB ngày 4/7/2003 của UBND tỉnh) tổng diện tích đất có rừng hiện có là 172.709 ha, độ che phủ đạt 36,2% đất tự nhiên. Trong đó, rừng tự nhiên 109.894 ha, chiếm 23,2% diện tích đất tự nhiên. Rừng trồng có 62.814 ha, đất trống có khả năng lâm nghiệp, chưa sử dụng lên tới 171.491 ha, chiếm 36,1% diện tích tự nhiên. Ngoài ra diện tích cây trồng phân tán hàng năm 2-3 triệu cây.
Rừng tự nhiên chia ra 3 loại: Rừng phòng hộ chiếm 38,03%; Rừng đặc dụng chiếm 29,5%; Rừng sản xuất chiếm 32,47%. Diện tích rừng chủ yếu tập trung ở Đakrông, chiếm 57,1%; Hướng Hoá 23,1%; Vĩnh Linh 14,7%; Gio Linh 3,3%.... Trữ lượng gỗ rừng tự nhiên ước tính khoảng 9 triệu m3 phân theo các cấp độ như sau: Cấp độ III có 17.935 ha, tương đương 2,3 triệu m3; Cấp độ IV có 55.564 ha, tương đương 5 triệu m3; Cấp độ V có 17.145 ha tương đương 1 triệu m3; rừng non có 6.220 ha tương đương 186 nghìn m3.
Như vậy rừng ở Quảng Trị chủ yếu là rừng nghèo, trữ lượng gỗ thấp, chủ yếu ở nhóm III và nhóm IV; bình quân 1 ha chỉ khai thác được 88 m3 gỗ. Về cơ bản rừng ở Quảng Trị được phân bổ ở 3 vùng sinh thái là: Vùng núi, vùng gò đồi và vùng đồng bằng ven biển.
Rừng trồng hàng năm bổ sung trồng mới 5000-5500 ha, ước tính trữ lượng gỗ khai thác từ rừng trồng gần 1,7 triệu m3, chủ yếu là gỗ bạch đàn, tràm, thông nhựa, keo tai tượng.
* Biển: Vùng lãnh hải Quảng Trị khoảng 8.400km2, bờ biển dài 75 km, có 2 cửa lạch là: Cửa Tùng và Cửa Việt, có cảng Cửa Việt khá sâu thuận lợi cho tàu trọng tải lớn ra vào. Ngoài khơi có đảo Cồn Cỏ cách đất liền chừng 30km, tạo thế thuận lợi vươn ra biển và là vị trí quan trọng trong quân sự phòng thủ biển Đông. Ngư trường đánh bắt rộng lớn, có nhiều loại hải sản quý hiếm. Theo đánh giá của FAO trữ lượng hải sản vùng biển Quảng Trị có khoảng 60.000 tấn, trong đó các loại đặc sản chiếm 11%, cá nổi 57,3%, cá đáy 31,6%. Tổng trữ lượng cho phép khai thác hàng năm 13.000-18.000 tấn. Quảng Trị có khả năng phát triển nuôi trồng thuỷ hải sản xuất khẩu khá lớn, thuận lợi và là thế mạnh được coi là mủi nhọn trong chiến lược phát triển kinh tế của tỉnh.
* Khoáng sản: Thiên nhiên ưu đãi cho Quảng Trị nhiều loại tài nguyên khoáng sản đa dạng và hết sức phong phú, dễ khai thác nhưng trữ lượng không lớn. Đã thăm dò, tìm kiếm được 80 điểm khoáng sản, mỏ được phân bổ rãi rác trên địa bàn các vùng, thuộc nhiều nhóm như: Kim loại, khoáng sản vật liệu xây dựng, than bùn, nước khoáng, cát thuỷ tinh. Một số khoáng sản có trữ lượng khá lớn đang được khai thác sử dụng là: Đá vôi, đất sét, đá các loại, than bùn, ti tan, vàng...
- Đá vôi phân bổ ở dọc Quốc lộ 9, đường 14 trữ lượng khoảng 3,5 tỷ tấn, ở Cam Tuyền, Tân Lâm (Cam Lộ) khoảng 500 triệu tấn; Tà Rùng (Hướng Hoá) 3 tỷ tấn. Sét xi măng, Bazan và laterit là nguồn nguyên liệu phụ gia sản xuất xi măng có nhiều ở địa phương: Cam Lộ, Vĩnh Linh, Hải Lăng, Gio Linh.
- Đá xây dựng và đá Granit ở Hướng Hoá, Đakrông. Đất sét, gạch ngói ở Vĩnh Linh, Gio Linh, Cam Lộ, Triệu Phong, Hải Lăng.
- Cát thuỷ tinh có hàm lượng silit cao tập trung ở Nam-Bắc Cửa Việt.
- Tham bùn phân bổ ở Hải Lăng, Gio Linh. Cao lanh ở Đakrông, mỏ nước khoáng ở Cam Lộ, nhiệt độ 420c, PH=7,1; nước khoáng Đakrông nhiệt độ 780c, PH= 7,8, chất lượng nước khoáng tốt phục vụ cho du lịch, tĩnh dưỡng chữa bệnh và sản xuất nước giải khát.
- Ti tan dọc bờ biển Vĩnh Linh, Gio Linh, ước tính khoảng 1 triệu tấn, chất lượng Inmenhit, Zilicon, Rutin khá cao, dễ khai thác với sản lượng hàng năm 10-20 ngàn tấn phục vụ xuất khẩu.
- Ngoài ra trên địa bàn Quảng Trị còn có mỏ Cao lanh, vàng sa khoáng ở Đakrông, mỏ Pirit ở Vĩnh Linh, Hướng Hoá đang được khảo sát, thăm dò và đưa vào khai thác.
* Du lịch: Quảng Trị có hệ thống di tích lịch sử cách mạng và văn hoá có giá trị của đất nước với gần 389 di tích lịch sử văn hoá được xếp hạng, đặc biệt trong đó có 333 di tích lịch sử cách mạng tiêu biểu trong 2 cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm của dân tộc, nhiều di tích nổi tiếng được xếp hạng quốc gia như: Địa đạo Vịnh Mốc, Thành Cổ Quảng Trị, cụm di tích đôi bờ Hiền Lương, đảo Cồn Cỏ anh hùng, hàng rào điện tử Macnamara, căn cứ Khe Sanh, Làng Vây, sân bay Tà Cơn, nhà tù Lao Bảo, nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn, nghĩa trang liệt sĩ đường 9, Cồn Tiên-Dốc Miếu, Đông Hà-Cửa Việt, Mỹ Thuỷ ... ghi đậm những chiến công vang dội làm nức lòng nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế, là biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam.
Quảng Trị có rừng nguyên sinh Rú Lịnh, khu bảo tồn thiên nhiên Đakrông; bãi tắm Cửa Tùng, Cửa Việt, Mỹ Thuỷ; có Quốc lộ 9 thuộc hệ thống hành lang Đông-Tây, đường xuyên Á, đường Bắc-Nam nối với cả nước và thế giới đầy hẫp dẫn đã và đang được khai thác tạo động lực thúc đẩy sự phát triển KT-XH và du lịch quốc tế, mở ra con đường hội nhập kinh tế quan trọng với nhiều lợi thế nổi trội của cả nước. Đó là khu kinh tế thương mại đặc biệt Lao Bảo, với đô thị miền núi Khe Sanh-Hướng Hoá đang mở ra đón đầu sự phát triển chung của cả khu vực.
II. ĐỊA LÝ HÀNH CHÍNH:
Năm 1069 thời Vua Lý Thánh Tông, vùng đất của Quảng Trị lúc bấy giờ thuộc Châu Minh Linh, kể từ Cửa Việt trở ra phía Bắc bao gồm đất của các huyện: Vĩnh Linh, Gio Linh và một phần đất của thị xã Đông Hà, Cam Lộ, Hướng Hoá ngày nay.
Năm 1075, Lý Thường Kiệt cho vẽ bản đồ 3 Châu: Châu Bố Chính, Địa Lý (thuộc tỉnh Quảng Bình), Châu Minh Linh (thuộc tỉnh Quảng Trị), đồng thời chiêu mộ dân vùng Thanh Hoá, Nghệ An vào sinh sống làm ăn, cùng binh lính trấn đóng vùng đất này, đây là lớp người di dân đầu tiên vào Quảng Trị.
Từ năm 1075-1306 Quảng Trị là vùng đất của 2 nước Đại Việt và Chăm Pa. Từ năm 1307-1400 Quảng Trị là đất của Châu Minh Linh, Châu Thuận là một bộ phận đất đai của nước Đại Việt.
Theo "Hồng Đức bản đồ" (Đời Lê, Hồng Đức 1470-1497) Châu Minh Linh được đổi thành huyện Minh Linh thuộc phủ Tân Bình có 8 tổng và 63 xã. Còn Châu Thuận cải đặt thành 2 huyện là huyện Vũ Xương và huyện Hải Lăng (huyện Vũ Xương có 8 tổng và 53 xã, huyện Hải Lăng có 7 tổng và 75 xã). Miền Tây Quảng Trị có 2 châu Sa Bôi và Thuận Bình (Châu Sa Bôi có 10 tổng và 68 xã; châu Thuận Bình có 6 tổng và 26 xã) đều thuộc Phủ Triệu Phong.
Đời nhà Mạc (1553) theo “ Ô Châu Cận Lục" ghi huyện Vũ Xương có 59 xã, huyện Hải Lăng có 49 xã và huyện Minh Linh có 65 xã. Theo "Phủ biên Tạp lục" (Lê Quý Đôn-1776) thì huyện Minh Linh có 5 tổng 89 xã, 34 phường, 3 thôn. Huyện Đăng Xương có 5 tổng 84 xã, 18 phường, 7 giáp (huyện Đăng Xương còn gọi là Vũ Xương, Thuận Xương hay là Triệu Phong, Cam Lộ và thị xã Đông Hà) huyện Hải Lăng có 5 tổng, 77 xã, 7 phường, 4 thôn.
Thời Gia Long (1801) huyện Hải Lăng, Đăng Xương thuộc Phủ Triệu Phong, huyện Minh Linh thuộc Phủ Quảng Bình lập ra Dinh Quảng Trị, riêng phía Tây đặt Đạo Cam Lộ thuộc Dinh Quảng Trị.
Năm Minh Mạng thứ tư (1823) ở miền núi đặt Châu Hướng Hoá thuộc Đạo Cam Lộ. Năm Minh Mạng thứ 8 (1827) đổi Dinh Quảng Trị thành Trấn Quảng Trị. Năm Minh Mạng thứ 12 (1831) đổi Trấn Quảng Trị thành tỉnh Quảng Trị và cải Đạo Cam Lộ thành Phủ Cam Lộ. Năm 1834 cải Châu Hướng Hoá thành huyện Hướng Hoá.
Năm Tự Đức thứ 3 (1850) đổi huyện Hướng Hoá thành huyện Thành Hoá. Năm 1853, Tự Đức bỏ tên tỉnh Quảng Trị thành lập Đạo Quảng Trị và sát nhập vào Phủ Thừa Thiên. Đến năm 1876 lại đổi Đạo Quảng Trị thành tỉnh Quảng Trị như cũ và đặt lại 2 phủ Triệu Phong và Cam Lộ như trước. Các huyện Vĩnh Linh, Gio Linh, Đăng Xương, Thành Hoá đều thuộc tỉnh Quảng Trị.
Năm Duy Tân thứ 2 (1908) đổi huyện Thành Hoá làm huyện Hướng Hoá và tỉnh Quảng Trị lúc này có 2 Phủ, 6 huyện và 9 Châu Ki Mi là:
+ Phủ Triệu Phong có 4 huyện là : Thuận Xương - Hải Lăng - Vĩnh Linh và Gio Linh.
+ Phủ Cam Lộ có 2 huyện là: Thành Hoá, Hướng Hoá.
+ 9 châu Ki Mi là: Mường Van, Na Bì, Thượng Kế, Tâm Bồn, Mường Mông, Ba Lạn, Tá Bang, Xương Thạnh và Làng Thin.
Dưới thời Pháp thuộc, về cơ bản hệ thống hành chính cơ sở ở Quảng Trị vẫn được giữ như cũ, chỉ thay đổi địa giới, tên gọi một số huyện. Cả tỉnh lúc này có 6 huyện là: Hải Lăng, Triệu Phong, Gio Linh, Vĩnh Linh, Cam Lộ và Hướng Hoá. Ngày 17/2/1906 Phủ toàn quyền Đông Dương quyết định thành lập thị xã Quảng Trị. Ngày 5/9/1929 Phủ toàn quyền Pháp ở Đông Dương quyết định thành lập thêm thị xã Đông Hà.
Cách mạng tháng 8/1945 thành công, các đơn vị hành chính cấp phủ đổi thành cấp huyện, bỏ đơn vị cấp tổng, thành lập cấp xã.
Tháng 7/1954 Hiệp định Giơnever được ký kết, nước ta tạm thời bị chia cắt làm hai miền Bắc - Nam, vĩ tuyến 17 sông Bến Hải là giới tuyến quân sự chia đôi tỉnh Quảng Trị. Phía Nam sông Bến Hải do chính quyền Nguỵ quyền Sài Gòn quản lý và có thành lập 3 quận là: Quận Ba Lòng, Quận Mai Lĩnh, Quận Trung Lương. Phía Bắc sông Bến Hải là huyện Vĩnh Linh có vị trí và vai trò đặc biệt là tiền đồn của miền Bắc XHCN, hậu phương trực tiếp của miền Nam ruột thịt nên Ban chấp hành Trung ương Đảng đã ra Nghị quyết số 16/NQ-TW thành lập Đảng uỷ khu vực Vĩnh Linh. Ngày 16/6/1955 Thủ tướng Chính phủ ra Nghị định số 551/NĐ-TTg về việc thành lập đặc khu Vĩnh Linh trực thuộc TW, tương đương đơn vị hành chính cấp tỉnh.
Đầu năm 1972 vùng giải phóng Quảng Trị được mở rộng đến sông Thạch Hãn. Hiệp định Pari về Việt Nam được ký kết, Đông Hà trở thành tỉnh lỵ mới của tỉnh Quảng Trị vừa được giải phóng. Cam Lộ được chọn làm nơi đặt trụ sở của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam.
Từ tháng 7/1976 đến 6/1989 thực hiện Nghị quyết của Quốc Hội nước CHXHCN Việt Nam, tỉnh Quảng Trị cùng với tỉnh Quảng Bình, tỉnh Thừa Thiên Huế và khu vực Vĩnh Linh hợp nhất lại thành lập tỉnh mới đó là tỉnh Bình - Trị - Thiên. Bấy giờ các huyện của tỉnh Quảng Trị cũ cũng tiến hành sát nhập lại với quy mô lớn hơn ( gồm 1 thị xã và 3 huyện): Thị xã Đông Hà (gồm Đông Hà và một phần Cam Lộ); Huyện Bến Hải (gồm huyện Vĩnh Linh, Gio Linh và một phần Cam Lộ); Huyện Triệu Hải (gồm Triệu Phong, Hải Lăng, thị xã Quảng Trị) và Huyện Hướng Hoá.
Tháng 7/1989 Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam, khoá VIII, kỳ họp thứ V Quyết định chia tách tỉnh Bình Trị Thiên thành 3 tỉnh là: Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế. Quảng Trị từ 01/7/1989 trở lại đơn vị hành chính cấp tỉnh trực thuộc Trung ương có 4 đơn vị hành chính: thị xã Đông Hà, Bến Hải, Triệu Hải, Hướng Hoá).
Đến đầu năm 1991 có sự thay đổi về địa giới và tên gọi các huyện, thị xã của tỉnh Quảng Trị như sau: Thị xã Đông Hà tách ra thành lập thị xã Đông Hà và huyện Cam Lộ; huyện Bến Hải tách ra thành lập 2 huyện là: Vĩnh Linh và Gio Linh; Huyện Triệu Hải tách ra thành lập 3 huyện, thị xã là: Triệu Phong, Hải Lăng và thị xã Quảng Trị. Đến đầu năm 1997 huyện Hướng Hoá được tách ra thành lập 2 huyện là: Hướng Hoá và Đakrông.
Ngày 01/10/2004 Thủ tướng Chính phủ ra Nghị định số 174/NĐ-TTg thành lập mới huyện Đảo Cồn Cỏ.
Đến năm 2006 tỉnh Quảng Trị có 10 đơn vị hành chính cấp huyện, thị (2 thị xã và 8 huyện) và 139 xã phường, thị trấn.
- Thành phố Đông Hà tỉnh lỵ có 9 phường.
- Thị xã Quảng Trị có 2 phường.
- Huyện Vĩnh Linh có 2 thị trấn và 20 xã.
- Huyện Gio Linh có 2 thị trấn và 19 xã.
- Huyện Triệu Phong có 1 thị trấn và 18 xã.
- Huyện Hải Lăng có 1 thị trấn và 20 xã
- Huyện Cam Lộ có 1 thị trấn và 8 xã.
- Huyện Hướng Hoá có 2 thị trấn và 20 xã.
- Huyện Đakrông có 1 thị trấn và 13 xã.
- Huyện Đảo Cồn Cỏ.
III. DÂN CƯ VÀ NGUỒN LỰC.
Trong quá trình hình thành và phát triển, Quảng Trị là một tỉnh có tốc độ phát triển dân số khá nhanh qua các thời kỳ. Theo thống kê của Bộ Hộ vào tháng chạp Kỷ Mão của Triều Gia Long thứ 18 năm 1819, dân số của Quảng Trị là 17.200 người. Đến Triều Thành Thái thứ 10 năm 1898, dân số Quảng Trị có 21.776 người. Đến năm 1930-1931 dân số Quảng Trị là 137.000 người và năm 1936 là 178.000 người (Theo thống kê của Y-Vơ-Hông-Zi-sách kinh tế nông nghiệp Đông Dương).
Nhưng đến cách mạng tháng 8/1945 dân số Quảng Trị lên đến 20 vạn người, và sau ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất nước nhà 30/4/1975, toàn tỉnh Quảng Trị có hơn 30 vạn người. Trên địa bàn Quảng Trị hiện có 3 cộng đồng dân tộc chủ yếu cùng sinh sống, dân tộc Kinh chiếm gần 91% dân số, còn lại là người Bru, Vân Kiều và người Pa Cô-Tà Ôi cùng một số dân tộc khác.
Theo kết quả Tổng điều tra dân số 01/4/1989 tức là trước lúc tái lập lại tỉnh 01/7/1989 thì dân số Quảng Trị hiện có 458.736 người và đến Tổng điều tra dân số 01/4/1999 dân số Quảng Trị là 572.921 người. Tức là sau 10 năm tái lập tỉnh, dân số Quảng Trị đã tăng thêm 114.185 người, bình quân mỗi năm tăng 11.419 người, tốc độ tăng hàng năm là 2,23%. Đến thời điểm này dân số thành thị chiếm 23,49%; nông thôn chiếm 76,51%; nam giới chiếm 49,2%; nữ giới chiếm 50,8%; đồng bào dân tộc thiểu số có khoảng 10.179 người, chiếm 2% dân số toàn tỉnh.
Đến 31/12/2005 dân số Quảng Trị hiện có 632.840 người, tốc độ phát triển tự nhiên 1,28%, dân số thành thị chiếm 24,53%; nông thôn 75,47%; mật độ dân số toàn tỉnh 133 người/km2. Ở các huyện Hải Lăng 211người/km2; Triệu Phong 309 người/km2; Gio Linh 164 người/km2; Vĩnh Linh 148 người/km2; thị xã Đông Hà có 1117 người/km2; thị xã Quảng Trị có 2697 người/km2, riêng ở vùng miền núi dân cư vẫn còn thưa thớt, Hướng Hoá 58 người/km2; Đakrông 28 người/km2.
Tuy quy mô dân số Quảng Trị vào loại thấp, song lại có tốc độ phát triển dân số khá cao. Dân số lại phân bổ không đồng đều giữa các vùng, địa bàn, lãnh thổ. Cơ cấu dân số thuộc vào loại trẻ: Dưới 5 tuổi chiếm 8,03%; dưới 15 tuổi chiếm 33,51%, dưới 60 tuổi chiếm 89,57% và trên 65 tuổi chiếm 7,83%. Trong khi đó dân số từ 15 tuổi đến 59 tuổi chiếm 56,05%, đây là lực lượng dân số dồi dào bổ sung vào nguồn lao động xã hội của tỉnh, với lực lượng lao động trong độ tuổi lao động hiện có 313953 người, chiếm 50,23% dân số.
Quảng Trị nổi tiếng là vùng đất có truyền thống khoa bảng, dân số thuộc loại ít nhất cả nước nhưng số lượng người đỗ đại khoa lại khá cao. Theo đạo học và truyền thống cử nghiệp thống kê về trình độ cử nhân, tiến sỹ ở Quảng Trị trải qua các triều đại đã ghi chép trong sách Đại Nam Nhất Thống Chí chỉ tính dưới thời kỳ nhà Nguyễn từ năm 1821 đến năm 1918 có 38 khoa thi, vùng đất Quảng Trị đỗ học vị cử nhân có 166 người; đỗ tiến sỹ, phó bảng có 24 người, tính ra cứ 7 cử nhân thì một người đạt được học vị tiến sỹ, phó bảng. Nhiều làng quê, nhiều dòng họ nổi tiếng về truyền thống hiếu học.
Theo kết quả Tổng điều tra dân số 01/4/1999 số người từ 10 tuổi trở lên chưa biết đọc, biết viết chiếm 11,6% dân số (tương ứng độ tuổi này năm 1989 là 16,4%) số người biết chữ chiếm 88,4% (năm 1989 là 83,6%). Về trình độ chuyên môn kỹ thuật 354.252 người chiếm 61,8% dân số; công nhân kỹ thuật nhân viên nghiệp vụ 9067 người, trung học chuyên nghiệp 13308 người. Cao đẳng 2532 người, đại học 5620 người, thạc sỹ, phó tiến sỹ 67 ngừời. Nhìn chung, đội ngũ cán bộ tri thức đã có nhiều nỗ lực đóng góp tích cực vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
IV. ĐẶC ĐIỂM KINH TẾ - VĂN HÓA - XÃ HỘI - AN NINH QUỐC PHÒNG:
1. Thời kỳ tháng 8 năm 1945 đến 1946:
Cách mạng tháng 8 năm 1945 thành công, chính quyền đã về tay nhân dân nhưng cách mạng đứng trước tình thế hết sức khó khăn, nạn đói tiếp diễn, 95% dân số mù chữ, tài chính trống rỗng, quân Tưởng núp dưới danh nghĩa đồng minh kéo đến Quảng Trị ngang nhiên nắm quyền kiểm soát thị xã, thị trấn, bắt nhân dân ta cung đóng cho chúng. Một số tay chân phản động ngóc đầu dậy chống phá cách mạng.
Hưởng ứng lời kêu gọi của Hồ Chủ Tịch, khắp nơi trong tỉnh dấy lên phong trào luyện tập quân sự, rèn sắm vũ khí hết sức sôi nổi, đồng thời hưởng ứng phong trào xẻ cơm, nhường áo, sản xuất chống đói, hũ gạo tiết kiệm nuôi quân, hưởng ứng "Tuần lễ vàng", nhân dân Quảng Trị đã đóng góp 4 kg vàng mười vào "Quỹ Độc lập", phong trào chống nạn mũ chữ nhanh chóng lôi cuốn nhân dân trong tỉnh tham gia. Từ thôn xóm đồng bằng, miền biển đến rừng núi xa xôi hẻo lánh, mọi tầng lớp nhân dân tham gia bình dân học vụ ở mọi nơi, mọi lúc, dưới mọi hình thức. Sau gần 1 năm Quảng Trị đã thanh toán được nạn mù chữ cho hàng vạn người ở tuổi dưới 45.
Hội nghị Tỉnh uỷ tháng 3 năm 1946 đã đánh giá: Cuộc vận động thực hiện 3 nhiệm vụ trọng tâm:" Diệt giặc đói, diệt giặc dốt, diệt giặc ngoại xâm" bước đầu đã đem lại cho Quảng Trị một sắc thái mới tốt đẹp. Khối đoàn kết toàn dân xung quanh Hồ Chủ Tịch, Trung ương Đảng và Chính phủ để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày càng vững mạnh".
Từ hai bàn tay trắng, sau một năm xây dựng trong độc lập, tự do, các ngành kinh tế, văn hoá, giáo dục của tỉnh đã có bước tiến bộ rõ rệt. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, nhân dân Quảng Trị vô cùng tin tưởng ở Đảng, Chính phủ và Bác Hồ.
2. Những năm đầu kháng chiến chống thực dân Pháp (19/12/1946 đến đầu năm 1949) Đầu tháng 01/1947 thực dân Pháp bắt đầu đánh chiếm Quảng Trị. Tuy lực lượng ta mỏng, vũ khí thô sơ nhưng nhân dân Quảng Trị ngoan cường đánh địch. Thực dân Pháp tiến đến đâu, nhân dân ta thực hiện "vườn không nhà trống" đến đó. Quân dân Quảng Trị dưới sự lãnh đạo của Tỉnh uỷ đã làm tròn nhiệm vụ buộc địch không thực hiện được kế hoạch bao vây cơ sở cách mạng. Quân dân Quảng Trị nêu cao quyết tâm: Bám đất, bám dân, giữ vững phong trào diệt ác, trừ gian, phá tề, không đi phu, đi lính, không tiếp tay cho địch, phát động phong trào tăng gia sản xuất trong nhân dân và lực lượng vũ trang. Các cấp uỷ Đảng và uỷ ban hành chính kháng chiến các cấp vừa lãnh đạo nhân dân kháng chiến, vừa chú trọng xây dựng đời sống mới, nền văn hoá mới, củng cố niềm tin trong nhân dân góp phần cùng cả nước đánh bại chiến lược "đánh nhanh thắng nhanh" của thực dân Pháp.
Tháng 11/1947 Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Trị lần thứ II đánh giá: Một năm đối đầu với thực dân Pháp và bè lũ tay sai, quân dân Quảng Trị đã vững vàng, tự lực cánh sinh kiên quyết đứng lên đấu tranh với địch đã giành được từ thắng lợi này đến thắng lợi khác trong chiến dịch thu đông năm 1947. Trong năm 1948 bộ đội địa phương, dân quân du kích Quảng Trị đã đánh địch 92 trận, giết chết, làm bị thương, bắt sống và gọi hàng 1005 tên địch, thu và huỹ nhiều súng các loại, phá huỹ 30 xe vận tải, đánh chìm nhiều tàu thuyền.
Trên mặt trận kinh tế, bộ đội đã vượt qua nhiều khó khăn, tranh thủ thời gian sản xuất, nhân dân Quảng Trị không chỉ vượt qua nạn đói mà còn tham gia mua được 2,5 triệu đồng công trái thi đua ký quốc.
Thắng lợi giành được trong 2 năm (1947-1948) đã tạo điều kiện cho quân dân Quảng Trị cùng cả nước đưa cuộc kháng chiến tiến lên bước phát triển mới.
3. Đẩy mạnh kháng chiến toàn dân, toàn quân, chuẩn bị lực lượng chuyển sang tổng phản công, giành thắng lợi hoàn toàn (1949-1954). Đại hội đại biểu tỉnh Đảng bộ Quảng Trị lần thứ III (20/3/1949) đã nhận định: Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh ngày càng thấy rõ đường lối, chính sách chung của Đảng và Chính phủ là đúng đắn, nội bộ đoàn kết nhất trí, lãnh đạo và chỉ đạo kịp thời, sát thực tế. Cán bộ, bộ đội thi đua trở về đồng bằng, phong trào dân quân bật nổi. Nhiều khu du kích được hình thành và các vùng căn cứ cách mạng của tỉnh, của huyện được củng cố, xây dựng vững chắc hơn trước.
Thực hiện Nghị quyết của Đại hội Tỉnh Đảng bộ trong giai đoạn này là: Phát triển chiến tranh nhân dân, huấn luyện trang bị cho lực lượng bộ đội tập trung đủ sức để đánh các trận lớn trong tổng phản công, củng cố chính quyển cách mạng, bao vây kinh tế địch, chú trọng phát triển bình dân học vụ, xây dựng Đảng trọng tâm là huấn luyện cán bộ đảng viên.
Thời kỳ này, phong trào du kích phát triển mạnh, lực lượng 3 thứ quân trưởng thành nhanh chóng. Bộ đội tỉnh có khoảng 5000 cán bộ, chiến sĩ ngày đầu kháng chiến, đến năm 1949 đã có 16000 người tham gia, lực lượng dân quân từ 2 vạn lên 4 vạn, phong trào phá tề trở thành cao trào. Hệ thống kìm kẹp của địch ở cơ sở bị phá nát, chính quyền cách mạng ngày càng vững mạnh.
Trên mặt trận kinh tế, Đảng bộ phát động toàn dân thực hiện cuộc "Đại vận động sản xuất, tiết kiệm, tự túc, tự cấp, triệt để bao vây kinh tế địch có hiệu quả, văn hoá, giáo dục có điều kiện phát triển.
Ngày 25/4 đến 6/5/1950 Đại hội đại biểu tỉnh Đảng bộ Quảng Trị lần thứ IV nhận định: Trong năm qua, quân và dân trong tỉnh đã cố gắng lập nhiều thành tích trên các mặt quân sự, trừ gian, phá hội tề, huy động được sức người, sức của phục vụ kháng chiến, chính quyền cách mạng càng thêm vững chắc. Cán bộ động viên và nhân dân ta có thêm kinh nghiệm, biết huy động công việc, đối phó kịp thời với mọi âm mưu, thủ đoạn của kẻ địch.
Trong năm 1950, bộ đội địa phương và dân quân du kích đã đánh 202 trận lớn, nhỏ gây nhiều thiệt hại cho địch.
Về giáo dục, toàn tỉnh đã củng cố và xây dựng 28 trường phổ thông cấp I, mở trường cấp II Lê Thế Hiếu tại Cùa, thu hút 6345 học sinh. Các lớp bình dân học vụ vẫn được duy trì và phát triển. Nhân dân Quảng Trị hăng hái sản xuất, thực hiện tốt chính sách thuế nông nghiệp mới.
Quân và dân Quảng Trị phối hợp chặt chẽ với (chiến dịch Đông Xuân 1951-1952), bộ đội chủ lực giành được thắng lợi giòn dã ở Vĩnh Hoàng (Nay là xã Vĩnh Nam, Vĩnh Trung, Vĩnh Tú, Vĩnh Thái thuộc huyện Vĩnh Linh), Vạn Kim, Nam Đông (đường 74 huyện Gio Linh), tiêu diệt hơn 800 tên địch, bắt sống 24 tên, phá huỷ 16 xe quân sự, thu nhiều vũ khí.
Bước vào năm 1953, địch thực hiện âm mưu 'lấy chiến tranh nuôi chiến tranh, lấy người Việt đánh người Việt". Dưới sự lãnh đạo của Tỉnh uỷ Quảng Trị và Uỷ ban hành chính kháng chiến các cấp. Quân dân Quảng Trị dũng cảm chiến đấu làm thất bại các cuộc càn quét lớn của địch, hơn 450 binh lính và sĩ quan địch bị ta tiêu diệt và bắt sống. Nhiều phương tiện chiến tranh của địch bị phá huỷ tại các vùng đồng bằng Triệu Phong, Hải Lăng buộc địch phải rút quân.
Chiến dịch Đông Xuân 1953-1954 và chiến dịch Điện Biên Phủ, quân dân Quảng Trị đẩy mạnh hoạt động quân sự, đánh nhiều cuộc càn quét của địch, chống bắt lính, bắt phu, phong trào phản chiến, đào ngũ trong binh lính ngày một tăng, nhiều tề, điệp ra đầu thú với cách mạng, tình hình binh lính, sĩ quan địch hoang mang dao động mạnh.
Ngày 7/5/1954 quân dân ta toàn thắng ở Điện Biên Phủ, Quảng Trị bước vào thời kỳ mới, hàng vạn dân công lên đường làm nhiệm vụ vận chuyển lương thực, vũ khí, đạn dược phục vụ Đường 9, trung, hạ Lào, phá hoại đường sá, cầu cống để cản trở địch tấn công. Quân dân Quảng Trị nêu cao ý chí tiến công, dốc lòng, dốc sức phục vụ trận tuyến và nếu cần "Dốc bồ, dốc thúng" cung cấp lương thực, thực phẩm cho bộ đội, góp phần cùng cả nước đánh thắng thực dân Pháp xâm lược, và cũng từ đó Đảng bộ, quân và dân Quảng Trị vững bước tiến lên trên chặng đường mới.
4. Thời kỳ 1954-1975: Quảng Trị cùng cả nước tiến hành hai chiến lược cách mạng: cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân và cách mạng xã hội chủ nghĩa.
Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân ta thắng lợi, buộc thực dân Pháp phải ký hiệp định Gernever, thực hiện hiệp định, tỉnh Quảng Trị tạm thời chia làm 2 miền. Bờ Nam sông Bến Hải nơi Mỹ-Nguỵ chiếm đóng xây dựng phòng thủ ngăn chặn miền Bắc tấn công. Dưới sự lãnh đạo của Tỉnh uỷ Quảng Trị, quân dân các huyện phía Nam tiếp tục đấu tranh giải phóng miền Nam, hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân trong cả nước. Bờ Bắc sông Bến Hải là huyện Vĩnh Linh trở thành đặc khu trực thuộc TW. Dưới sự lãnh đạo của Đảng uỷ khu vực, cán bộ, đảng viên nhân dân ra sức khôi phục và phát triển kinh tế, xây dựng chủ nghĩa xã hội làm hậu phương vững chắc cho cách mạng Việt Nam, trực tiếp là các huyện phía Nam của tỉnh Quảng Trị.
Giai đoạn từ tháng 7/1954 đến cuối năm 1960: Quảng Trị đấu tranh chính trị đòi thi hành hiệp định Gernever, tiếp thu đề cương cách mạng miền Nam, khôi phục và phát triển lực lượng, tạo thế tiến lên tiến công địch.
Sau một năm thực hiện Nghị định 15 của TW, Hội nghị Tỉnh uỷ Quảng Trị đánh giá: "Hội nghị 15 của TW như một luồng gió mới thổi lên ở miền Nam. Phong trào cách mạng bước đầu hồi phục… chiến dịch "tố cộng, diệt cộng" đã giảm bớt".
Ở khu vực Vĩnh Linh: Ra sức khôi phục và phát triển kinh tế, xây dựng chủ nghĩa xã hội làm căn cứ vững chắc cho cách mạng miền Nam. Ngay sau khi Vĩnh Linh sạch bóng quân thù, Vĩnh Linh đã bắt tay ngay vào việc hàn gắn vết thương chiến tranh, khai hoang phục hoá, khôi phục sản xuất, khôi phục các ngành nghề thủ công truyền thống, tiến hành giảm tô, cải cách ruộng đất và sửa chữa sai lầm trong cải cách ruộng đất, bảo đảm trật tự an ninh của khu vực giới tuyến và tiếp đón cán bộ, đồng bào miền Nam ra tập kết chu đáo, tạo nơi ăn ở, việc làm ổn định đời sống cho bà con xây cơ lập nghiệp…
Đến cuối năm 1960, khu vực Vĩnh Linh căn bản hoàn thành công cuộc cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với nông nghiệp, thủ công nghiệp, căn bản xoá bỏ chế độ bốc lột và bước đầu xây dựng, phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội theo con đường xã hội chủ nghĩa, đồng thời kết hợp giải quyết quan hệ giữa xây dựng kinh tế với củng cố an ninh quốc phòng.
Với thành tích bước đầu đó, Đảng bộ, nhân dân Vĩnh Linh bước vào thập kỷ 60 với tư thế mới và niềm hân hoan, phấn khởi mới.
Giai đoạn từ năm 1961 đến giữa năm 1965: Quảng Trị chống “Chiến lược chiến tranh đặc biệt” của đế quốc Mỹ. Đây là chiến lược đối phó với phong trào cách mạng miền Nam mà địch đã bị thất bại nặng nề của thời kỳ trước đó.
Dưới ánh sáng Nghị quyết Đại hội Tỉnh Đảng bộ Quảng Trị lần thứ V, phong trào diệt ác, trừ gian, phá kìm, phá ấp chiến lược, vũ trang tuyên truyền, rải truyền đơn, phá chòi thông tin, xé ảnh, cờ của Ngô Đình Diệm diễn ra khắp các huyện Hải Lăng, Triệu Phong, Gio Linh, Cam Lộ. Song song với phá ấp chiến lược quân và dân Quảng Trị ở vùng nông thôn tích cực phát triển sản xuất chăn nuôi gia súc, gia cầm. Ban kinh tế Tỉnh uỷ ngoài việc vận động nhân dân đóng góp lương thực để cung cấp cho bộ đội, cán bộ dừng chân trên địa bàn, còn cử cán bộ xuống các địa bàn vận động đồng bào các dân tộc vào tổ đổi công, vãn công, hướng dẫn bà con làm ruộng nước.
Sau gần 5 năm chống chiến lược chiến tranh đặc biệt của đế quốc Mỹ, quân dân Quảng Trị dưới sự lãnh đạo của Tỉnh uỷ, uỷ ban hành chính kháng chiến đã phá thế kìm kẹp của địch ở 236 ấp chiến lược. Vùng giải phóng được mở rộng từ đồng bằng đến miền núi.
Khu vực Vĩnh Linh trong thời kỳ này, thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ nhất (1961-1965) sẵn sàng đối phó với âm mưu leo thang chiến tranh đánh phá miền Bắc của Mỹ, tích cực chi viện sức người, sức của cho chiến trường Quảng Trị.
Với quyết tâm xây dựng khu vực Vĩnh Linh vững mạnh về mọi mặt để cùng với miền Bắc phát huy tính ưu việt của CNXH làm cơ sở vững chắc cho nhân dân cả nước đấu tranh thực hiện thống nhất nước nhà, Đảng bộ và nhân dân Vĩnh Linh tích cực thực hiện các phong trào “Gió đại phong” “Sống duyên hải” “Cờ ba nhất” “Trống Bắc Lý”.
Trong quá trình thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ nhất Vĩnh Linh luôn được TW Đảng, Chính phủ và Hồ Chủ Tịch theo dõi giúp đỡ, trực tiếp là đồng chí Nguyễn Chí Thanh - Uỷ viên Bộ Chính trị, đồng chí đã dành nhiều thời gian vào thăm Vĩnh Linh, đi thị sát kiểm tra tình hình ở nhiều nơi từ miền núi đến đồng bằng. Nhân dân Vĩnh Linh làm việc không kể ngày đêm, nêu cao quyết tâm hoàn thành kế hoạch Nhà nước và tích cực chuẩn bị mọi mặt sẵn sàng ứng phó với âm mưu thủ đoạn mới của địch. Ngày 8-8-1964 máy bay Mỹ ném bom đánh phá đảo Cồn Cỏ, từ đây Vĩnh Linh cùng với cả nước bước vào một cuộc trường chinh mới vừa sản xuất vừa chiến đấu, xây dựng và bảo vệ miền Bắc XHCN, giải phóng miền Nam. Kế hoạch 5 năm lần thứ nhất ở Vĩnh Linh mới thực hiện 4 năm nhưng các mặt kinh tế, văn hoá, xã hội, y tế, giáo dục nhất là quốc phòng và an ninh đều có bước phát triển mới. Các HTX nông nghiệp khu vực Vĩnh Linh không ngừng được củng cố, xây dựng, xứng đáng là hậu phương trực tiếp của cách mạng miền Nam và Quảng Trị.
Giai đoạn từ giữa năm 1965 đến cuối năm 1968: Quảng Trị chống chiến lược “Chiến tranh cục bộ” của đế quốc Mỹ thực hiện cuộc tiến công nổi dậy Mậu Thân 1968 giải phóng Khe Sanh, Hướng Hoá.
Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Quảng Trị lần thứ VI và hưởng ứng lời kêu gọi của Hồ Chủ Tịch, khơi dậy tinh thần dân tộc chống đế quốc Mỹ xâm lược, kết quả mùa khô 1966-1967 quân và dân Quảng Trị đã loại khỏi vòng chiến đấu gần 13.000 tên địch, trong đó có khoảng 4000 tên lính Mỹ, bắn rơi và bắn cháy 105 máy bay các loại, bắn cháy và bắn hỏng 148 xe quân sự, thu 575 súng các loại.
Song song với chiến dịch truy quét địch ở các huyện đồng bằng (Triệu Phong, Hải Lăng, Gio Linh, Cam Lộ), trên mặt trận Đường 9 - Khe Sanh, lực lượng vũ trang ta đã tăng cường vây ép cô lập, cắt đứt các đường chi viện của địch. Sau 175 ngày đêm tiến công vây bắt, quân và dân ta đã giành được thắng lợi lớn ở Khe Sanh, được Hồ Chủ Tịch gửi thư khen ngợi, thắng lợi của cuộc tiến công nổi dậy mùa xuân năm 1968 cùng với thắng lợi của Đường 9, Khe Sanh làm phá sản chiến lược “chiến tranh cục bộ” của đế quốc Mỹ buộc chúng phải xuống thang chiến tranh, chịu ngồi vào bàn đàm phán với ta ở Pari.
Khu vực Vĩnh Linh đánh thắng chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ lần thứ nhất, tích cực chi viện cho chiến trường Quảng Trị. Giữ vững sản xuất, xây dựng XHCN. Dưới mưa bom bão đạn ác liệt của đế quốc Mỹ, nhưng sản xuất chiến đấu ở Vĩnh Linh vẫn được duy trì, trong đông xuân 1967-1968 diện tích gieo trồng đạt 101% kế hoạch. HTX nông nghiệp Vĩnh Kim, Nam Hồ đạt năng suất 5 tấn/ha/năm, bắn cháy nhiều máy bay tàu chiến của đế quốc Mỹ xâm phạm vùng trời, vùng biển khu vực Vĩnh Linh. Do đó từ năm 1965 – 1968 đã được Bác Hồ tám lần gửi thư khen quân và dân Vĩnh Linh “Sản xuất giỏi, chiến đấu giỏi”.
Giai đoạn từ cuối 1968 đến tháng 1 năm 1973 Quảng Trị chống chiến lược “Việt Nam hoá chiến tranh” của đế quốc Mỹ, tiến công nổi dậy giải phóng Quảng Trị, 81 ngày đêm chống địch phản kích tái chiếm. Thực hiện Nghị Quyết của Tỉnh uỷ, năm 1971 ta đã đánh 1668 trận, diệt gần 5000 tên địch, buộc chúng phải co cụm, số thôn bản có đảng viên hoạt động bí mật chiếm 42%, số thôn có chi bộ chiếm 16,8% so với 1969-1970 thì con số đó là bước trưởng thành đáng kể, tạo tiền đề cho Quảng Trị giành thắng lợi trong năm 1972.
Khu vực Vĩnh Linh chống cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc lần thứ 2 của đế quốc Mỹ. Dồn toàn lực vào giải phóng Quảng Trị: Toàn khu vực đã huy động 10.247 ngày công để phục vụ tuyền tuyến, tu sửa 310 kênh hào giao thông cũ, nâng cấp 875 hầm chữ A, 1655 hầm cá nhân.
Đảng uỷ khu vực Vĩnh Linh đề ra phương hướng “Tích cực khôi phục phát triển kinh tế địa phương, chiến đấu, sẵn sàng chiến đấu, phục vụ tuyền tuyến là nhiệm vụ hàng đầu”.
Trước đòn tiến công nổi dậy tiến công của quân và dân ta, năm 1972 ở miền Nam, đế quốc Mỹ quay trở lại ném bom đánh phá miền Bắc. Ngày 30/4/1972, Mỹ-Nguỵ ném bom bắn phá khu vực Vĩnh Linh. Một lần nữa Đảng bộ, quân và dân Vĩnh Linh đọ sức với cuộc chiến tranh có tính chất huỷ diệt của đế quốc Mỹ. Vĩnh Linh đã dồn toàn bộ lực lượng vào chiến đấu, phục vụ chiến đấu, chăm sóc thương binh “Nhường cơm xẻ áo” cho đồng bào phía Nam ra sơ tán ...đi đôi với cuộc chiến đấu, phục vụ chiến đấu, sẵn sàng chiến đấu là hàng đầu, Vĩnh Linh cũng tranh thủ mọi thời cơ đẩy mạnh sản xuất để giải quyết hậu cần tại chỗ, bảo đảm cuộc chiến đấu thắng lợi.
Thành tích của Đảng bộ và nhân dân Vĩnh Linh trong năm 1972 góp phần buộc đế quốc Mỹ phải ký hiệp định Pari, rút hết quân Mỹ và chư hầu ra khỏi miền Nam Việt Nam, tạo điều kiện cơ bản nhất để giành thắng lợi cuối cùng.
Giai đoạn từ tháng 01/1973 đến 30/4/1975 Quảng Trị đấu tranh đòi thi hành hiệp định Pari, ra sức xây dựng củng cố vùng giải phóng. Đầu năm 1973 tỉnh Quảng Trị hình thành 3 vùng: Vùng giải phóng chiếm 85% đất đai của tỉnh với 13% dân đủ cả 3 vùng Đồng bằng, miền núi, đô thị, có khoảng 25.000 ha ruộng đất canh tác vùng địch chiếm đóng gồm địa bàn Hải Lăng, thị xã Quảng Trị và 5 xã thuộc Triệu Phong với hơn 17 vạn dân. Tỉnh uỷ, UBND cách mạng, UBMT dân tộc giải phóng miền Nam phát động toàn quân mở các chiến dịch tháo gỡ bom mìn, khai hoang, phục hoá, làm thuỷ lợi, làm đường phục hồi và đẩy mạnh sản xuất lương thực, thực phẩm, tạo thế và lực, chớp thời cơ, thực hiện cuộc tổng tiến công nổi dậy giải phóng phần dân, phần đất còn lại của tỉnh Quảng Trị vào ngày 19/3/1975.
Hai mươi mốt năm chống Mỹ cứu nước là chặng đường lịch sử đầy gian khổ, hy sinh nhưng vô cùng oanh liệt và vẻ vang của dân tộc. Đó là những năm tháng anh hùng, rực rỡ chiến công của quân và dân trên chiến trường Vĩnh Linh –Quảng Trị anh hùng gan gốc “ra ngõ gặp anh hùng” “vào nhà gặp dũng sỹ” Quảng Trị mãi mãi sáng ngời tám chữ vàng “Tiến công nổi dậy, anh dũng kiên cường” Vĩnh Linh đời đời rực rỡ danh hiệu: “Vĩnh Linh luỹ thép anh hùng”.
5. Quảng Trị trong công cuộc xây dựng và bảo vệ tổ quốc XHCN (1975-2006)
Cuộc chiến tranh kéo dài 30 năm để lại cho nhân dân Quảng Trị một hậu quả vô cùng nặng nề, hầu hết các huyện, xã tỉnh lỵ, thị trấn ... bị tàn phá, huỷ hoại, cơ sở hạ tầng bị xuống cấp nghiêm trọng. 19 vạn dân các huyện phía Nam bị cưỡng bức di tản trở về không có nhà cửa lương thực nông cụ sản xuất, ruộng đất hoang hoá bom đạn dày đặc. Cơ sở nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp không còn gì, nền sản xuất nhỏ phân tán lạc hậu. Hậu quả của chủ nghĩa thực dân trên lĩnh vực văn hoá - xã hội ảnh hưởng trực tiếp sâu sắc đến tinh thần, tư tưởng và nếp nghỉ của các tầng lớp nhân dân, thiên tai thường xuyên xảy ra làm ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất và đời sống nhân dân.
Dưới sự chỉ đạo của Đảng bộ phát huy truyền thống anh hùng, nhân dân Quảng Trị đã hăng hái tham gia ra phá bom mìn, khai hoang làm thuỷ lợi, tích cực gieo trồng nên diện tích vụ chiêm 1975 đạt 32.000 ha, khai hoang, phục hoá thêm 8000 ha, chăn nuôi phát triển, các ngành nghề giao thông vận tải, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp bước đầu phục vụ được nhu cầu của nhân dân, văn hoá, giáo dục, y tế phát triển mạnh.
Thời kỳ nhập tỉnh Bình Trị Thiên (5-1976 đến 6-1989): Quân và dân Quảng Trị thời kỳ nhập tỉnh Bình Trị Thiên thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Bình Trị Thiên từ lần thứ nhất đến lần thứ tư, thực hiện đường lối đổi mới và 3 chương trình kinh tế lớn. Sản xuất lương thực thực phẩm, hàng tiêu dùng và hàng xuất khẩu của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI (12-1986), nhân dân Quảng Trị vừa ra sức khôi phục cơ sở sản bị thiệt hại nặng nề do cơn bão số 8 tháng 10/1985 gây nên, vừa sản xuất lâm nghiệp, ngư nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và lưu thông hàng hoá theo hướng phát triển kinh tế toàn diện. Đặc biệt là khi thực hiện khoán sản phẩm theo Nghị quyết 10 của Bộ chính trị (1988) nhiều hợp tác xã tự điều chỉnh mô hình và tổ chức sản xuất tạo nên sự phát triển mạnh mẽ trong nông nghiệp. Sản lượng lương thực tăng nhanh đảm bảo nhu cầu tiêu dùng và một phần xuất khẩu. Một số vùng sản xuất chuyên canh, thâm canh tập trung như ớt, lạc, cà phê, hồ tiêu đã hình thành.
Nền công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp từ chỗ không có gì, sau 10 năm khôi phục và phát triển, Quảng Trị đã có 22 xí nghiệp quốc doanh nhịp độ tăng trưởng hàng năm 1980-1990 trên 10% về giá trị, sản lượng và sản phẩm làm ra một số ngành nghề truyền thống trong nhân dân đã được khuyến khích phát triển có tác dụng khôi phục và tăng thêm cơ sở vật chất – kỹ thuật cho nền kinh tế.
Hệ thống giao thông không ngừng tu bổ nâng cấp, mở rộng nhằm tạo điều kiện lưu thông và phục vụ sản xuất nông nghiệp.
Trên mặt trận phân phối lưu thông: Kể từ tháng 6-1980 trở đi, thực hiện Nghị quyết 26 của Bộ Chính trị về phân phối lưu thông, thương nghiệp Quảng Trị bước đầu được củng cố, thiết lập lại trật tự phân phối lưu thông chủ động nắm bắt tiến hành điều tiết các nguồn hàng hoá, xác lập vai trò vị trí của mình vừa phục vụ sản xuất vừa nâng cao đời sống của nhân trên địa bàn. Nhờ đó nguồn hàng do thương nghiệp của tỉnh thu mua ngày càng phong phú về chủng loại giá trị hàng hoá ngày càng tăng, đạt trên 19 tỷ đồng năm 1989. Giá trị bán lẻ của thương nghiệp quốc doanh, HTX mua vào từ 7 tỷ đồng 1986 tăng lên 33 tỷ đồng năm 1989 từng bước chiếm lĩnh và làm chủ thị trường.
Về giáo dục vì sự nghiệp trăm năm trồng người, Đảng bộ và chính quyền nhân dân các cấp và nhân dân Quảng Trị đã khẩn trương xây dựng lại hệ thống trường lớp nhanh chống đưa sự nghiệp giáo dục từng bước đi vào ổn định. Năm 1985 có 578 lớp với 14.737 cháu mẫu giáo. Đầu năm 1988 đã có 632 lớp với 16.488 cháu.
Hệ thống phổ thông cơ sở và phổ thông trung học cũng có những chuyển biến tích cực, mặc dầu trường lớp chưa được khang trang, đội ngũ giáo viên còn thiếu, cơ sở vật chất phục vụ cho giảng dạy còn ít ỏi nhưng với truyền thống ham học nền giáo dục Quảng Trị đã phát triển, ở hầu hết các huyện thị xã trong toàn tỉnh. Đầu năm 1988-1989, Quảng Trị có 140 trường học và với 2425 lớp phổ thông cơ sở; 10 trường với 123 lớp phổ thông trung học, huy động 83.095 học sinh đến trường.
Về Y tế: Từ năm 1976 trở đi nền y tế Quảng Trị đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Hầu hết các xã đều có trạm y tế, huyện có 1 đến 2 bệnh viên điều trị. Với hướng chú trọng tuyến cơ sở tỉnh đã đầu tư xây dựng, trang bị cơ sở vật chất cho tuyến huyện và tỉnh, do đó đến năm 1988 toàn tỉnh đã có 8 bệnh viện với 940 giường bệnh đảm bảo đầy đủ thuốc men để điều trị cho nhân dân.
Về an ninh quốc phòng, nhân dân Quảng Trị đã nâng cao tinh thần cảnh giác, xây dựng thế trận chiến tranh nhân dân giữ vững đất liền, biển đảo góp phần ổn định chính trị đảm bảo an toàn xã hội. Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh Bình Trị Thiên, nhân dân Quảng Trị đã vượt qua rất nhiều khó khăn, thách thức quyết tâm cải tạo và xây dựng lại quê hương trên tất cả mọi lĩnh vực. Những thành quả ban đầu đó là cơ sở cần thiết để nhân dân Quảng Trị tiến quân vào giai đoạn mới, giai đoạn đổi mới toàn diện và vững chắc, làm cho quê hương Quảng Trị cùng với đất nước ngày càng giàu đẹp.
6. Quảng Trị trong công cuộc đổi mới xây dựng quê hương (7-1989-2006):
Ngày 22-7-1989 trong diễn văn tại cuộc mít tinh chào mừng tỉnh Quảng Trị lập lại, đồng chí Nguyễn Đức Hoan - Quyền Bí thư Tỉnh uỷ đã nhấn mạnh nhiệm vụ của Đảng Bộ, quân và dân Quảng Trị thời kỳ này là: “ Tích cực khai thác phát huy tiềm năng và thế mạnh của địa phương, ra sức xây dựng tỉnh Quảng Trị thành một tỉnh có nền kinh tế phát triển có đời sống vật chất và tinh thần phong phú, lành mạnh, một địa phương có nền quốc phòng toàn dân an ninh chính trị và trật tự xã hội vững mạnh”.
Từ đó đến nay Đảng bộ quân và dân Quảng Trị đã kết thúc thực hiện Nghị quyết của 3 kỳ Đại hội đại biểu tỉnh Đảng bộ XI, XII, XIII và đang bắt đầu thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XIV (nhiệm kỳ 2006 – 2010). Trải qua 17 năm tái lập tỉnh cùng với cả nước trên con đường đổi mới, Quảng Trị đã vượt qua bao nhiêu khó khăn và thiếu thốn đi lên lập được những thành tựu nổi bật.
Nông nghiệp khá toàn diện, diện tích các cây công nghiệp liên tục được mở rộng, năng suất sản lượng không ngừng được nâng cao. Từ chỗ trung ương phải trợ cấp lương thực nhưng đến nay không những đảm bảo an ninh lương thực mà còn có sản phẩm hàng hoá bán ra ngoài địa bàn. Các loại cây công nghiệp ngắn ngày, dài ngày, đặc biệt là cao su, hồ tiêu, cà phê đã phát triển thành các vùng nguyên liệu phục vụ công nghiệp chế biến và chuyển dịch cơ cấu kinh tế.
Công nghiệp những ngày đầu tái lập tỉnh chưa có gì đáng kể, đến nay đã được đầu tư phát triển đúng hướng, nhất là công nghiệp xây dựng, sản xuất chế biến Nông – lâm – Thuỷ sản, sản xuất hàng tiêu dùng... Giá trị sản xuất công nghiệp ngày càng cao, tỷ trọng đóng góp vào GDP có mức tăng trưởng đáng kể. Trên địa bàn toàn tỉnh đã hình thành các khu công nghiệp như khu công nghiệp nam Đông Hà, Quán ngang...
Thương mại – dịch vụ tiếp tục phát triển chiếm tỷ trọng trong nền kinh tế của tỉnh. Cơ chế chính sách đầu tư cho phát triển thương mại, dịch vụ tiếp tục được đổi mới, bước đầu thu hút được nhiều dự án cho đầu tư phát triển nhất là đối với khu vực kinh tế thương mại đặc biệt Lao Bảo.
Cơ sở hạ tầng từ chỗ thấp kém, thiếu thốn đến nay đã có tiến bộ vượt bậc, tạo điều kiện cơ bản cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Một số cơ sở hạ tầng quan trọng như Đường 9, Đường Hồ Chí Minh, đường ven biển, các khu dịch vụ hậu cần nghề cá các tuyến đường giao thông về trung tâm xã và cụm dân cư nông thôn, miền núi; hệ thống các công trình thuỷ lợi, đê kè cầu cống được đầu tư làm mới, nâng cấp đáp ứng ngày càng tốt hơn cho yêu cầu nâng cấp đáp ứng ngày càng tốt hơn cho yêu cầu phát triển sản xuất và chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, góp phần phát triển kinh tế, cải tạo môi trường sinh thái. Hệ thống chợ được đẩy mạnh xây dựng, điện quốc gia, bưu chính viễn thông, trường học, cơ sở y tế khám chữa bệnh, các di tích lịch sử và kết cấu cơ sở hạ tầng khác được tăng cường đáng kể góp phần nâng cao năng lực phát triển kinh tế – xã hội và đáp ứng nhu cầu đời sống nhân dân.
Sự nghiệp giáo dục đào tạo đạt được những tiến bộ đáng trân trọng, mặt bằng dân trí được nâng cao; Văn hoá - xã hội với nhiều hoạt động thiết thực đi vào chiều sâu; Phong trào "toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư" tiếp tục phát triển, công tác xoá đói giảm nghèo, hỗ trợ nhà ở cho gia đình chính sách, hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số và các hộ nghèo thuộc các đội tượng khác trong xã hội, chính sách đối với gia đình có công, thương binh liệt sỹ, các bậc lão thành cách mạng, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt ... được toàn xã hội quan tâm,tích cực tham gia.
Sự nghiệp y tế chăm sóc sức khoẻ nhân dân được đẩy mạnh, các dịch bệnh nguy hiểm được phát hiện và dập tắt góp phần đảm bảo sức khoẻ, an ninh tính mạng của nhân dân.
Đời sống đại bộ phận được cải thiện đáng kể, bộ mặt đô thị nông thôn có nhiều đổi thay, nhất là ở vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Quốc phòng được củng cố tăng cường, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.
Công tác xây dựng Đảng, hoạt động của chính quyền, mặt trận và các đoàn thể quần chúng được đẩy mạnh. Đoàn kết nội bộ có chuyển biến tích cực góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, hiệu lực quản lý, điều hành của các cấp chính quyền nêu cao vai trò của mặt trận, đoàn thể nhân dân các cấp tạo sự đồng thuận trong cộng đồng dân cư, biến thành sức mạnh tổng hợp của toàn Đảng, toàn dân trong thực hiện nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ quê hương.
Mặc dù đến nay tỉnh Quảng Trị vẫn là tỉnh nghèo nhưng nhìn toàn cảnh so với trước thời điểm thực hiện công cuộc đổi mới và ngày đầu lập lại tỉnh thì đã có những đổi mới to lớn và toàn diện. Những thành tựu đạt được trong gần 17 năm qua có ý nghĩa cực kỳ quan trọng cả trước mắt cũng như lâu dài và cũng đang tạo đà, tạo thế để Quảng Trị phát triển nhanh, bền vững, mở ra triển vọng và khả năng hội nhập kinh tế trong và ngoài nước.
Có được những thành tựu quan trọng đó trước hết là nhờ đường lối đổi mới đúng đắn của Đảng, sự vận dụng sáng tạo của các cấp uỷ Đảng và sự nỗ lực phấn đấu của cả hệ thống chính trị và nhân dân toàn tỉnh đã thường xuyên nêu cao ý chí tự lực, tự cường, phát huy nội lực vận dụng tiềm năng, lợi thế vượt lên khó khăn thử thách để đi lên. Bên cạnh đó, sự quan tâm của lãnh đạo, sự đầu tư hỗ trợ thiết thực của TW, sự chi viện quý báu của Đảng bộ và nhân dân các tỉnh thành trong cả nước; viện trợ của tổ chức quốc tế, sự quan tâm động viên về nhiều mặt của con em Quảng Trị đang sinh sống trên mọi miền đất nước luôn hướng về quê hương... tạo cho Đảng bộ và nhân dân Quảng Trị có thêm nguồn lực mới phấn đấu để sớm bắt kịp tiến trình phát triển của cả nước.
Tuy vậy từ xuất phát điểm thấp của nền kinh tế, thiên nhiên hết sức khắc nhiệt, địa bàn thiếu hấp dẫn thu hút đầu tư và những hạn chế yếu kém trong quy hoạch chưa có tầm bao quát toàn diện; quản lý điều hành và tổ chức thực hiện quy hoạch còn có khuyết điểm, thiếu những doanh nghiệp có quy mô, có khả năng ảnh hưởng lớn và chi phối dẫn dắt; thiếu những doanh nhân giỏi, chất lượng lao động còn chưa bảo đảm yêu cầu phát triển, hội nhập, tâm lý e ngại đầu tư vốn để phát triển sản xuất kinh doanh còn phổ biến ...đã ảnh hưởng phát triển kinh tế xã hội trong những năm vừa qua.
Xét trên bình diện chung thì Quảng Trị vẫn là tỉnh nghèo, chậm phát triển, tụt hậu xa hơn về kinh tế so với bình quân chung của cả nước.
Để khắc phục tình trạng tụt hậu, phấn đấu rút ngắn khoảng cách phát triển so với các tỉnh trong nước, cần tạo bước đột phá đi lên từ tiềm năng lợi thế, huy động tối đa nội lực, tranh thủ tối đa nguồn lực bên ngoài nhằm đẩy nhanh quá trình phát triển trên tất cả các lĩnh vực, sớm hoà nhập nhịp độ phát triển của cả nước trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá.
V. TRUYỀN THỐNG YÊU NƯỚC:
Dưới ách thống trị của các tập đoàn phong kiến phương Bắc, nhân dân các địa phương trong tỉnh đã không ngừng nổi dậy đấu tranh để giành quyền độc lập. Sự có mặt của nhân dân Quảng Trị trong cuộc khởi nghĩa do Hai Bà Trưng lãnh đạo đã được: Đại Việt sử lược ghi lại như sau: "Dân ở Cửu Chân và Nhật Nam đều hưởng ứng cả". Đến thế kỷ thứ VIII trong cuộc nổi dậy của Mai Thúc Loan chống ách đô hộ của nhà Đường, nhân dân Quảng Trị cũng đóng góp nhiều công sức.
Trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên, nhân dân các địa phương đã tích cực tham gia chiến đấu chống lại mũi tiến công vu hồi của tướng giặc là Toa Đô từ Chăm Pa đánh ra, gây cho chúng nhiều thiệt hại, góp phần bảo vệ biên giới phía Nam của Tổ quốc. Thời hậu Trần, nhân dân 2 bộ Tân Bình, Thuận Hoá đã tích cực đóng góp trong cuộc kháng chiến chống quân Minh.
Năm 1413, Trần Quý Khoáng thua trận chạy vào Thanh Hoá. Trong sử chép rằng "Trương Phụ đánh vua Trần Quý Khoáng ở sông Ái Tử, tướng của vua Trần là Đặng Dung nửa đêm đem quân đánh úp sở chỉ huy Trương Phụ, Đặng Dung nhảy lên thuyền định bắt sống Trương Phụ nhưng không biết mặt, Trương Phụ nhảy xuống chiếc thuyền con trốn thoát". Cuộc chiến đấu không thành nhưng Đặng Dung đã để lại một tấm gương oanh liệt cho muôn đời sau.
Năm 1425 dưới lá cờ khởi nghĩa Lê Lợi, nhân dân Tân Bình, Thuận Hoá đã nhiệt liệt hưởng ứng quét sạch quân Minh ở 2 châu. Hơn 2 vạn thanh niên từ đèo Ngang đến Hải Vân nô nức tòng quân, cùng tiến quân ra Bắc quét sạch giặc Minh.
Vào thế kỷ XVIII trong cuộc nội chiến "Nồi da xáo thịt" giữa 2 tập đoàn phong kiến Trịnh-Nguyễn nhiều cuộc khởi nghĩa của nhân dân nổ ra, nông dân Quảng Trị đương thời đã hưởng ứng mạnh mẽ phong trào Tây Sơn do Nguyễn Huệ lãnh đạo. Sau khi diệt Nguyễn, phá Xiêm giải phóng đằng trong, đông đảo nhân dân Tân Bình, Thuận Hoá tập hợp dưới ngọn cờ đại nghĩa của Nguyễn Huệ tiến quân ra Bắc đánh đổ vua Lê, chúa Trịnh, đại phá Mãn-Thanh thống nhất non sông, bảo vệ nền độc lập của dân tộc.
Tháng chạp năm Quý Tỵ (1873) dưới sự chỉ huy của Chưởng cơ Lê Văn Thuỵ và phó lãnh binh Phan Thi, nhân dân Quảng Trị đã đánh bại 3 cuộc tiến công xâm lược của quân Xiêm do tướng Lạt Xà Lân chỉ huy đánh vào biên giới Tây -Nam của Quảng Trị.
Sinh cơ lập nghiệp trên vùng đất mà thiên nhiên không mấy ưu đãi, lại thường là chiến trường ác liệt trong nhiều cuộc chiến tranh, con người Quảng Trị: Kiên cường, bất khuất, dũng cảm trong cuộc đấu tranh, vì nghĩa lớn, cần cù, tự lập, tự cường trong sản xuất và xây dựng cuộc sống, có tâm hồn trong sáng, giản dị, khí khái, bộc trực thẳng thắn và rất mực thuỷ chung.
Hơn 7 thập kỷ qua, từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời Quảng Trị đã sinh ra nhiều con người nhân kiệt, giữ các cương vị cấp cao ở TW để lãnh đạo đất nước, tiêu biểu là đồng chí Cố Tổng Bí thư Lê Duẩn và nhiều đồng chí lãnh đạo cao cấp khác.
Ngót 100 năm bền bỉ đấu tranh chống ách nô dịch thực dân Pháp, đế quốc Mỹ xâm lược và bè lũ tay sai bán nước, nhân dân Quảng Trị đã góp phần xứng đáng vào thắng lợi chung của cả dân tộc: Những năm tháng gian khổ, ác liệt đó cũng là những năm tháng rực rỡ chiến công của quân và dân Quảng Trị nơi mà "Ra ngõ gặp anh hùng, vào nhà gặp dũng sĩ". Đến nay tỉnh Quảng Trị và 10 huyện, thị xã được Đảng và Nhà nước tuyên dương đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.